BÀI VIẾT MẪU LỚP 12 - NGHỊ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA VĂN HỌC ĐỐI VỚI TUỔI TRẺ

Ngày 13/12/2024 17:31:01, lượt xem: 1066

Viết bài nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ là một dạng bài viết mà học sinh lớp 12 cần đặc biệt lưu ý. Để viết tốt dạng bài này, các bạn cần nắm rõ cấu trúc, cách phân chia luận điểm, diễn giải từng câu, từng ý. Cùng Học Văn Chị Hiên tham khảo bài viết mẫu về vấn đề vai trò của văn học đối với tuổi trẻ dưới đây.

 

“Văn học nằm ngoài các định luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.” (Shchedrin). Thời gian là nỗi ám ảnh, là mối đe dọa không chỉ với cuộc đời con người mà với vạn vật, tất cả đều sợ thời gian, đều là hữu hạn trước sự vô hạn của nó. Thế nhưng, “văn học” nằm ngoài dòng chảy ấy, nó “không thừa nhận cái chết” vì giá trị mà nó đem đến cho cuộc đời đã “vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, trở thành tác phẩm chung cho cả loài người” (Nam Cao). Văn học có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người ở mọi thời đại và đặc biệt là tuổi trẻ.

Từ đâu mà con người tìm đến văn học? Từ đâu văn học đi vào cuộc sống con người? Mọi người truyền tai nhau văn học kì diệu lắm nhưng mấy ai thực sự hiểu văn học là gì ? Ấy là loại hình nghệ thuật vĩ đại nhất của nhân loại, nó lấy ngôn từ làm chất liệu để phản ánh, miêu tả cuộc sống và bộc lộ tư tưởng, tình cảm của tác giả thông qua thế giới hình tượng. “Vĩ đại” là bởi nó “bao trọn đời sống xã hội của thời đại, nó tái hiện sâu sắc mọi nỗi đau đớn của con người, thể hiện sự rung động tận đáy tâm hồn với những nỗi lo âu, bực bội, tủi hổ và những ước mong tha thiết nhất của nhân loại (Đặng Thai Mai). Nhờ vậy, nó có sức ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến mọi thế hệ độc giả muôn thời, đặc biệt là với thế hệ trẻ. “Tuổi trẻ” là một giai đoạn trong cuộc đời con người, khoảng thời gian chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành, kéo dài từ 13 đến 35 tuổi. Đây là thời kỳ mà con người trải qua nhiều biến đổi về thể chất, tinh thần, và là giai đoạn của sự phát triển mạnh mẽ về nhận thức, tư duy, và khám phá bản thân. Tuổi trẻ thường được đặc trưng bởi sự nhiệt huyết, sáng tạo, và khát vọng. Là những người mang trách nhiệm làm chủ tương lai đất nước, động lực giúp cho xã hội phát triển và tiến bộ. Một trong những việc làm quan trọng hàng đầu của tuổi trẻ chính là học tập. Và một trong những môn học giáo dục quan trọng nhất trong nhà trường là ngữ văn hay văn học. Có thể nói, văn học có vai trò - chức năng, vị trí, tác dụng và ý nghĩa xã hội vô cùng thiêng liêng với tuổi trẻ, là kim chỉ nam hình thành lí tưởng, là ngọn hải đăng soi đường dẫn lối cho mỗi người băng qua mọi khó khăn, thách thức và trở nên tốt đẹp hơn.

 

ĐỌC THÊM: BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TUỔI TRẺ | QUYỀN ĐƯỢC THỬ VÀ SAI LẦM CỦA TUỔI TRẺ


“Văn chương không phải là liều thuốc an thần ru con người ta vào giấc ngủ uể oải mà là sắt nung bỏng rát thức tỉnh con người. (Virginia Woolf). Tiếp nhận văn học không phải là cách đọc một lần hay đọc qua loa, tiếp nhận văn học thực sự là khi bạn nhận lại được những tri thức, hiểu biết, mở mang trí tuệ, khám phá được quá khứ, hiện tại và thậm chí dự đoán được cả tương lai ở phạm vi đất nước mình và trên cả thế giới sau khi đọc một tác phẩm. Và đó chính là vai trò “thức tỉnh”, chức năng nhận thức của văn học. Tuổi trẻ ở mọi thời đại luôn là những tờ giấy trắng, chưa hình thành nhận thức về xã hội trong chỉnh thể thống nhất, mà chỉ dừng lại ở phạm vi gần gũi, có thể nhìn thấy, quan sát được hàng ngày. Vậy nên khi được giáo dục văn học, chính những sáng tác đã giúp họ hình thành nền tảng cơ bản về xã hội mình đang sống, về thời đại mình đang tồn tại, từ đó làm tiền đề để phát triển cao hơn. Nói như Gioóc-giơ Đuy-a-men: “Một tiểu thuyết thực sự hứng thú là tiểu thuyết không chỉ mua vui cho chúng ta mà quan trọng hơn là giúp ta nhận thức thế giới, lí giải thế giới”. Văn học viết về mọi mặt của đời sống thường ngày, vậy nên vốn kiến thức mà nó cung cấp cho con người vô cùng đa dạng, phong phú. Đó là những tri thức về thế giới tự nhiên, thiên nhiên, vũ trụ qua vẻ đẹp bức tranh rừng suối Côn Sơn trong “Côn Sơn ca” (Nguyễn Trãi):
“Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.”

Là kho chứa khổng lồ về những tri thức lịch sử, kinh tế, văn hóa: những tiểu thuyết hàng nghìn trang tái hiện lịch sử như “Tam Quốc diễn nghĩa” (La Quán Trung), “Chiến tranh và hòa bình” (Lev Tolstoy), “Hoàng Lê nhất thống chí” (Ngô Gia văn phái); những câu chuyện về phong tục, văn hóa, tập quán như “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài), “Nói với con” (Y Phương); và cả tình hình chính trị với những tác phẩm ra đời trong thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở Việt Nam, giúp thế hệ trẻ có cái nhận chân thực, chính xác, từ bao quát đến cụ thể về mâu thuẫn, xung đột quân sự, xã hội ở miền Nam Việt Nam nói riêng và các sự kiện nổi bật trên thế giới nói chung. Là hiểu biết thêm về thân phận con người, các tính cách xã hội của một tầng lớp, giai cấp nào đó thuộc từng giai đoạn lịch sử: như người lính trước Cách mạng Tháng Tám với sự tham gia chủ yếu là nông dân, những anh lính bộ đội cụ Hồ còn nhiều thiếu thốn trong “Đồng chí” (Chính Hữu): “Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/… Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Và sau Cách mạng Tháng Tám, với sự thoát khỏi ách áp bức, nô lệ thực dân và được đào tạo giáo dục, xóa mù chữ, người lính lúc này đa phần là đội ngũ thanh niên, tri thức “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Văn học còn cung cấp cho ta rất nhiều kiến thức khác bổ ích, thú vị. Đặc biệt nhất, chức năng đặc thù về nhận thức của văn học là giúp thế hệ trẻ tự nhận thức được chính mình. Tác phẩm là tấm gương soi năng lực và thế giới tinh thần nên sau mỗi lần tiếp xúc, ta hiểu biết hơn về xã hội, về người khác và nhất là bản thân ta.


Trong lời tựa tiểu thuyết văn học kinh điển “Những người khốn khổ”, đại thi hào Victor Hugo đã viết: “Khi nào những người đàn ông còn sa đọa vì bán sức lao động, khi những người đàn bà còn trụy lạc vì đói khát, khi trẻ thơ còn cằn cỗi vì tăm tối thì cuốn sách này còn có ích”. Giáo dục không phải chức năng độc quyền của văn học nhưng văn học nghệ thuật là một phương tiện hữu hiệu nhất, là vũ khí sắc bén giúp con người hình thành, nâng đỡ nhân cách mà không một loại hình nào có thể thay thế được. Bởi vậy M.Gorki cũng khẳng định: “Văn học là nhân học”. Khi bắt đầu tiếp xúc với thế giới này, thế hệ trẻ sẽ mở rộng mối quan hệ, phạm vi giao tiếp của bản thân, từ đó cũng gặp gỡ, giao lưu với nhiều tính cách, môi trường, hoàn cảnh, ấy cũng là lúc vai trò giáo dục của văn học được phát huy. Một tác phẩm không chỉ đơn thuần kể, tả hay tường thuật lại sự việc đơn thuần mà quan trọng nhất nó chứa đựng tư tưởng, tình cảm, bài học kinh nghiệm mà nhà văn gửi gắm vào đó, nó phân biệt rõ phải - trái - đúng - sai, thiện - ác, nó định hình những chuẩn mực đạo đức để từ đó người trẻ mở rộng thế giới quan của mình mà sẵn sàng va vấp với cuộc đời. Bàn về vai trò này, Thạch Lam có câu: “Văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, trái lại, văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực nhất mà chúng ta có để vừa tố cáo, thay đổi một thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn”. Chừng nào bạn nhìn thấy trong văn chương sự rung cảm mãnh liệt, sự xúc động vô ngần với những mảnh đời bất hạnh, với nỗi đau mất mát bi thương; chừng nào bạn nhìn thấy trong văn chương sự căm hờn uất hận, sự nghẹn ngào cay đắng với những thế lực tàn ác, với phẩm cách vô nhân tính thoải mái chà đạp lên quyền sống, quyền làm người của người khác; thì chừng ấy bạn mới thực sự lĩnh hội được sức mạnh giáo dục mà văn học truyền tải. Một câu hỏi: “Ai cho tao lương thiện ?” trong truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao; một câu văn: “...chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị” trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố; một nhan đề “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan đặt cho thiên truyện của mình; dù vang vọng cách đây khoảng 80 năm nhưng vẫn để lại nhiều nỗi lòng, suy tư trong lòng độc giả, nhất là khơi gợi sự đồng cảm trong giới trẻ hôm nay về một thời mạng sống con người bị coi thường, khinh rẻ, đời sống người dân bị dồn đến bước đường cùng u ám, tối tăm, chỉ có cách giải thoát bằng phương thức kết liễu đời mình. Không chỉ những tình cảm nhân đạo sâu sắc ấy, mà như Nguyễn Ngọc Tư nói: “Tôi bắt đầu tin văn chương cũng có lửa, làm tan chảy những bức tường thép mà mỗi người tự dựng lên, văn chương cũng là băng, gắn kết những ốc đảo người thành một khối, văn chương là nước, dịu dàng mà mãnh liệt vượt qua những rào cản của lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ”, tính giáo dục của văn chương còn ở chỗ nó giúp người trẻ hiểu nhau, gắn kết những tâm hồn đồng điệu, giúp họ gần nhau hơn. Ở truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”, O.Henry đã truyền tải xúc động câu chuyện về sự đồng điệu trong tâm hồn của ba người họa sĩ nghèo, họ khác nhau về độ tuổi, về kinh nghiệm sống, về thái độ sống nhưng gặp nhau ở lí tưởng, ở ước mơ cao đẹp là có tác phẩm hội họa để đời. Vì thế mà ông họa sĩ không tiếc mạng sống của mình để viết tiếp khát vọng ông đã phấn đấu cả đời cho cô gái trẻ tưởng chừng đã tuyệt vọng vào cuộc đời. Và cuối cùng, quan trọng hơn cũng là bậc giáo dục cao nhất, chính là từ tác phẩm đến tự soi mình, tự đấu tranh để vượt qua bản thân (loại bỏ những cái xấu, các ác, để giữ lại và ươm mầm những cái đẹp, cái thiện) đến hành động. Quá trình chiếu sáng, soi tỏ này có kết quả hay không, nhiều hay ít phụ thuộc vào khả năng tự giáo dục của mỗi thanh thiếu niên. Hành động tích cực, cải biến bản thân và góp phần cải biến xã hội là đích đến lớn nhất, thiêng liêng nhất của văn học. Đây cũng là mục đích của mỗi nhà văn khi đặt bút viết tác phẩm, khép trang sách không phải là kết thúc, và văn học sẽ không bao giờ có điểm kết thúc vì sức sống của nó, giá trị của nó sẽ quay trở lại xã hội thông qua bạn đọc, sự chết sẽ chỉ xuất hiện khi tác phẩm ấy không có bất kì ý nghĩa giáo dục gì. Văn học không giáo dục bằng những lời lẽ giáo huấn khô khan, giáo điều, áp đặt cứng nhắc mà bằng hình tượng nghệ thuật, bằng những lời lẽ chân thành và bằng con đường tác động đến tình cảm, trái tim.
 

ĐỌC THÊM: BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TUỔI TRẺ | TUỔI TRẺ VỚI NHỮNG HOÀI BÃO, ƯỚC MƠ


Văn học ngoài hai vai trò lớn trên, còn đảm nhận vai trò không kém phần quan trọng đối với tuổi trẻ, ấy là giải trí. Trước những áp lực, biến đổi mạnh trong tâm - sinh lí tuổi tập làm người trưởng thành, người trẻ rất cần một điểm tựa tinh thần, một phương tiện giải tỏa cảm xúc, một nơi truyền động lực, thúc đẩy tiếp tục tiến lên, khi ấy chúng ta cần tìm đến văn học. Không có một hình thái tư tưởng nào có thể thay thế văn học nghệ thuật trong xây dựng những tình cảm lành mạnh, tác động đến nếp sống, nếp nghĩ của con người tích cực đến vậy. Ngay cả trong cuộc sống bi quan, tối tăm nhất, ngay cả khi xã hội đang luẩn quẩn chưa tìm ra lối thoát, các nhà văn như dự đoán được một tương lai tươi sáng vẫn gieo rắc niềm tin, niềm lạc quan, hi vọng vào cuộc sống trong mỗi cá nhân, vẫn ươm mầm tình yêu thương, hạnh phúc giữa người với người, vẫn có cái nhìn tích cực, trông mong vào một ngày tốt đẹp hơn.

Thế kỉ XXI, đứng trước sự phát triển nhảy vọt của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, có lẽ điều bản thân em và giới trẻ nói chung băn khoăn nhất là: Liệu văn học còn có thể phát huy vai trò ấy ? Liệu văn học có thể bị thay thế và lạc hậu hay không ? Thực tế ngày nay, bên cạnh những người có đam mê, tình yêu với văn học, đa số thanh thiếu niên có tâm lý không thích học văn, khó để tư duy văn vì nghĩ không cần thiết, không quan trọng, gặp khó khăn trong việc đọc hiểu một tác phẩm văn học, và còn nhiều cái nhìn tiêu cực khác trước sự thay đổi của chương trình giáo dục mới đối với môn ngữ văn. Tuổi trẻ đang dành nhiều thời gian cho những thiết bị công nghệ, cho mạng xã hội hơn việc đọc sách, tiếp nhận văn học. Phải chăng đây là lối đi đúng cho phát triển thế hệ trẻ của lí tưởng thời hiện đại ? Dám khẳng định rằng, dù nhân loại có bước sang thế kỉ XXX, văn học sẽ vẫn phát huy hết tác dụng của mình và loài người vẫn sẽ cần văn học như một thứ “thức ăn tinh thần” không thể thiếu. Điều này cũng đã được minh chứng vào năm 1960, nhân dịp người Nga đã phóng con tàu vào vũ trụ, tại Liên Xô đã phát động một cuộc trưng cầu ý kiến: “Liệu con người có cần văn học nghệ thuật nữa không trong hiện tại ngày nay”. Cuối cùng mọi kết luận đều nhất trí rằng: “Dù con người có bay lên vũ trụ đi chăng nữa thì trong con tàu vũ trụ ấy vẫn luôn cần một nhành hoa lila”. Vậy là 84 năm đã trôi qua nhưng ý kiến ấy vẫn còn nguyên vẹn giá trị, và như Giáo sư Nguyễn Văn Trung viết trong “Lược khảo văn học”: “Trước một thế gian tan vỡ hoặc có nguy cơ tan vỡ, nhà văn nhặt nhạnh từng mảnh vỡ để tái tạo lại chính nó, đồng thời kích hoạt sợi dây đàn cảm xúc của con người”. Tôi nghĩ khi loài người càng phát triển, văn học càng là điều quan trọng để níu giữ, nâng đỡ những giá trị phẩm chất, đạo đức, nhân cách con người. Tôi mong thế hệ trẻ hôm nay càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng, sự thiêng liêng mà văn học mang đến cho mỗi chúng ta. Còn đối với những cá nhân có thái độ coi thường văn học, họ sẽ không phát triển toàn diện tâm hồn và có ít vốn hiểu biết xã hội, cuộc đời, họ sẽ không có điểm neo đậu, bến đỗ tinh thần sau guồng quay tìm kiếm giá trị thực của mình ngoài xã hội.

 

ĐỌC THÊM: BÀI VIẾT NGHỊ LUẬN XÃ HỘI MẪU - ĐỀ THI OLYMPIC BẬC THPT ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI


Trong buổi Lễ Khai giảng của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh (2021 - 2022), nhà giáo Huỳnh Như Phương đã đặt câu hỏi: “Trong hoàn cảnh khắc nghiệt vừa qua, không tránh khỏi có lúc chúng ta tự hỏi, văn học để làm gì, văn học cần cho ai? Văn học có cần cho người bệnh đang giành lấy từng hơi thở tàn trong bệnh viện dã chiến? Văn học có cần cho người mẹ già đẩy chiếc xe với chút tài sản bé mọn trên đường về miền Tây? Văn học có cần cho đôi vợ chồng trẻ chở con dưới mưa gió trên đỉnh đèo Hải Vân theo đoàn người trốn dịch…”. Sau khi suy ngẫm về những giá trị mà văn học mang đến cho mình, là một người trẻ, bạn sẽ trả lời câu hỏi ấy như thế nào?

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học VĂN VIP LỚP 12 - 2K7
Khóa học KỸ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU
Khóa học PHƯƠNG PHÁP & LUYỆN ĐỀ LỚP 12 - 2K7

Tin liên quan