VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC || PHÂN TÍCH NHỮNG ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT VÀ NỘI DUNG CỦA TÁC PHẨM “LẶNG LẼ SA PA”

Ngày 27/09/2024 10:33:49, lượt xem: 168

 

Đề bài: Phân tích những đặc sắc nghệ thuật và nội dung của tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” (Nguyễn Thành Long).

 

Bài làm

Nguyễn Thành Long là một cây bút chuyên viết truyện ngắn. Tính cách ông đằm thắm, nhẹ nhàng như những gì ông viết. Ông đưa cả cuộc sống vào những trang văn. Nhận xét về truyện ngắn của Nguyễn Thành Long, Tô Hoài đã cho rằng: “Mỗi truyện ngắn của Nguyễn Thành Long tương tự như một trang đời, một mảng, một nét của cuộc sống chắt ra. Ta thường gặp ở Nguyễn Thành Long những nhận xét nho nhỏ, như nhắc khẽ người đọc”. Ý kiến ấy thật đúng với truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” – một tác phẩm nhẹ nhàng, giàu chất thơ, khắc họa chân thực cuộc sống của con người ở chốn Sa Pa lặng lẽ.

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi Lào Cai trong mùa hè năm 1970 và được in trong tập “Giữa trong xanh”. Trong tác phẩm của mình, nhà văn Nguyễn Thành Long đã lựa chọn viết về những người lao động đảm nhận các công việc thầm lặng, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước trong những năm 1970. Qua đó, nhà văn cũng thầm ngợi ca những cống hiến của tất cả những con người “không tên" vào công cuộc đổi mới cho đất nước - và đó cũng là chính là chủ đề của truyện.

Có thể nói, nhan đề của truyện ngắn là điểm nhấn, là dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc. Chính vì lẽ đó, nhà văn Nguyễn Thành Long đã rất khéo léo trong việc đặt nhan đề tác phẩm của mình. Khi đọc nhan đề truyện, người đọc cứ ngỡ rằng nhà văn sẽ đi sâu vào việc khắc họa một bức tranh thiên nhiên, một vùng đất thơ mộng. Nhưng đằng sau cái ý vị nên thơ của phong cảnh Sa Pa là cuộc sống của những người lao động trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết đang cống hiến tài , sức cho quê hương. Tiêu biểu là nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2.600 m.

Bên cạnh đó, “Lặng lẽ Sa Pa" được Nguyễn Thành Long xây dựng tình huống truyện tuy đơn giản mà hấp dẫn. Đó là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa những vị khách với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Đây cũng là cách để câu chuyện được phát triển tự nhiên mà hình ảnh các nhân vật được nổi bật qua cái nhìn đánh giá khách quan hơn.

Anh thanh niên là nhân vật chính nhưng không xuất hiện với một cách trực tiếp mà xuất hiện qua lời giới thiệu của bác lái xe với ông họa sĩ và cô kỹ sư nông nghiệp khi họ nghỉ ngơi trên dọc đường. Nhân vật hiện lên tự nhiên, chân thực, khách quan qua cái nhìn nhận và đánh giá của nhân vật khác. Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa anh thanh niên và ông họa sĩ tuy ngắn ngủi nhưng người đọc đủ cảm nhận sâu sắc hoàn cảnh sống, làm việc và những phẩm chất tốt đẹp của anh. Anh thanh niên được gọi một cái tên vô cùng đặc biệt là người "cô độc nhất thế gian". Khi hoàn cảnh sống của anh chỉ quanh năm suốt tháng bốn bề là cỏ cây, mây núi. Công việc của anh là đo gió, đo mưa đo nắng. Công việc đòi hỏi có sự tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt nơi đây còn có thời tiết rất khắc nghiệt. Thế nhưng anh không hề cảm thấy buồn tẻ chán nản mà rất hạnh phúc “khi có công việc là đôi". Chính những suy nghĩ và thái độ sống tích cực đã giúp anh vượt qua khó khăn trong hoàn cảnh sống và công việc của mình.

Không chỉ là người có thái độ sống và suy nghĩ tích cực, anh thanh niên còn là người nông hậu và mến khách. Thời gian đầu khi tiếp nhận công việc trên đỉnh Yên Sơn bốn bề chỉ có “cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”, anh thanh niên đã không ít lần “kiếm kế dừng xe” để thỏa mãn sự “thèm người” của mình. Không những vậy, khi gặp cô gái, anh “rất tự nhiên như với người bạn đã quen thân, trao bó hoa đã cắt” cho cô. Trong giao tiếp với mọi người, anh toát lên một phong cách đẹp, một nét đẹp trong từng cử chỉ. Anh đã tặng củ tam thất cho vợ bác lái xe bị ốm, tặng trứng cho ông họa sĩ già. Quả thực, anh thanh niên chính là hình ảnh tiêu biểu, đại diện cho những con người nồng hậu và mến khách.

 

ĐỌC THÊM: BÀI VĂN PHÂN TÍCH ĐOẠN TRÍCH TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC | PHÂN TÍCH ĐOẠN THƠ EM YÊU THÍCH TRONG TÁC PHẨM "TRUYỆN KIỀU" - NGUYỄN DU

 

Giữa nơi bốn bề là mây phủ sương giăng, anh thanh niên hiện lên rực rỡ với đức cống hiến quên mình cho công việc, cho đất nước. Mặc dù, “ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn vặn to đến cỡ nào vẫn thấy không đủ sáng. Sách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị chặt ra từng khúc, mà gió thì giống như những nhát chổi muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung… Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy” nhưng anh thanh viên vẫn luôn kiên cường bám trụ và hết mình với công việc. Mặc cái giá lạnh của thời tiết, mặc cái tĩnh lặng đến rợn người của những đêm khuya, mặc cả sự cô đơn bám siết, nhưng anh vẫn luôn tận tụy với công việc khí tượng của mình.

Không chỉ khắc họa hình ảnh anh thanh niên cống hiến quên mình vì công việc, tác giả Nguyễn Thành Long còn lựa chọn miêu tả trong trang viết của mình những người lao động khác. Họ cũng có một lối sống đẹp, sự cống hiến thầm lặng trong công việc, làm giàu đẹp cho quê hương, đất nước. Đó là ông kỹ sư nông nghiệp- người đã giúp anh thanh niên “thấy cuộc đời đẹp quá. Đó là anh kỹ sư “sẵn sàng chờ sét” để tạo ra “cái bản đồ sét cho riêng nước ta”. Tất cả những con người ấy đều cần cù lao động, chịu thương, chịu khó với một sức chịu đựng dẻo dai, bền bỉ, có tinh thần trách nhiệm với sự phát triển của đất nước quê hương.

Trong tác phẩm của mình, nhà văn Nguyễn Thành Long đã xây dựng nên hình tượng bác lái xe, ông họa sĩ, cô kỹ sư nông nghiệp để truyền tải những ý đồ, tư tưởng của mình. Bác lái xe, ông họa sĩ hay cô kĩ sư “không phải đơn giản là những bản dập của cuộc sống con người” mà họ là những nhân vật có vai trò không thể thiếu trong diễn biến cốt truyện. Nhờ có bác lái xe mà diễn biến chuyển được mở một cách tự nhiên. Đây chính là cầu nối gặp gỡ giữa người miền xuôi với người miền ngược, tạo nên cuộc gặp gỡ bất ngờ thú vị. Ông họa sĩ chính là sự hóa thân của nhà văn khi phát hiện ra chân lý của nghệ thuật và cảm hứng. Còn cô kỹ sư chính là ảnh của thế hệ trẻ tràn đầy nhiệt huyết. Cô đã tìm được nguồn động lực trong công việc, từ đó vững tin hơn trong cuộc sống với sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Bằng việc xây dựng tình huống truyện hợp lý - cuộc gặp gỡ giữa anh thanh niên, ông họa sĩ, cô kỹ sư nông nghiệp cùng cách kể chuyện tự nhiên đã giúp tác phẩm ghi dấu ấn đậm sâu trong lòng độc giả. Đặc biệt, nghệ thuật xây dựng nhân vật tự nhiên, gần gũi đã khẳng định tài năng của tác giả Nguyễn Thành Long. Qua đó, bạn đọc đã cảm nhận được bức tranh chân dung về những người lao động cống hiến quên mình cho công việc, cho đất nước. Đồng thời, nhà văn cũng gửi gắm khát vọng thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sẽ dùng sức trẻ, nhiệt huyết của mình để làm giàu đẹp thêm cho đất nước.

Gấp lại những trang sách ấy, “Lặng lẽ Sa Pa” vẫn còn để lại những vấn vương trong lòng người đọc. Chỉ bằng vài nét khắc hoạ, Nguyễn Thành Long đã mang đến cho người đọc những con người bình dị nhưng sức mạnh phi thường, hi sinh tuổi xuân của mình để cống hiến cho mùa xuân lớn của đất nước, của dân tộc. Từ đó, “Lặng lẽ Sa Pa” trong lòng người đọc giống như “một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của con người lao động bình thường mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ và hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ. Từ hình ảnh những con người ấy gợi lên cho ta những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, của lao động tự giác, về con người và về nghệ thuật.”

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

Tin liên quan