TUYỂN TẬP MỞ BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC SIÊU CHẤT

Ngày 03/04/2021 15:50:12, lượt xem: 4447

Có nhiều yếu tố để làm nên một bài văn hay. Tuy nhiên, các bạn thường chú trọng phần nội dung (thân bài) mà quên đi rằng mở bài và kết bài cũng quan trọng không kém. Mở bài là một bước khởi đầu trong quá trình trình bày vấn đề nghị luận, đồng thời đánh dấu ấn tượng ban đầu đối với người đọc, người chấm. Dưới đây là một số mở bài mẫu "siêu chất" dành riêng cho team 2k6.

 

 

 

1. Đồng chí - Chính Hữu

Lật trái trang thơ may ra anh đọc được trên kia đời tôi một ít

Thơ không phản ảnh đời mình thì nó cũng phản ảnh những mùa hoa.”

(Chế Lan Viên)

Phải chăng thơ ca là vậy, nó vẫn luôn phản ánh những mùa hoa đẹp như thế. Hơn hai nghìn năm trước, Trang Tử đã có một triết lí rất hay như thế này: “Biển cả là nơi mà tất cả các nguồn nước trên thế gian này đều ra đi từ đó, nhưng nó không vơi, và nó cũng là nơi đón nhận tất cả các nguồn nước nhưng nó không đầy”. Thơ ca cũng như những nguồn nước đều đi ra từ biển cả cuộc đời. Và hàng ngày, tiếng sóng thuỷ triều vẫn âm vang chuyên chở sóng biển đời thường đến với những trang thơ. Những sự chuyên chở ấy có bao giờ ngừng nghỉ? Mảnh đất hiện thực có bao giờ vơi khi người nghệ sĩ đến đó chở nắng gió cuộc đời tưới mát cho cây. Thơ ca phải gắn cho mình vào nguồn mạch cuộc sống, là tấm gương phản chiếu con người và cuộc sống. Bởi thế mà Sóng Hồng đã từng nói: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”. Quan niệm ấy của Sóng Hồng đã được nhà thơ Chính Hữu thể hiện rất rõ trong tác phẩm “Đồng Chí” của mình.

 

2. Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận

Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:

“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật

Một giọt mật thành, đời vạn chuyến ong bay

Nay rừng nhãn non Đoài, mai vườn cam xứ Bắc

Ngọt mật ở đồng bằng mà hút nhụy tận miền tây.”

Người nghệ sĩ phải hút lấy chất mật ngọt tinh túy nhất của “quặng” cuộc đời, chưng cất những chất liệu hiện thực để tạo nên tác phẩm thật sự có giá trị ở đời. Sáng tạo nghệ thuật là một hành trình lao động miệt mài và thấm đẫm những giọt nước mắt. Để trở thành nhà văn không khó nhưng một nhà văn chân chính lại không hề dễ dàng. Người nghệ sĩ phải sống thật với đời, “cảm” sâu những tiếng nói tình cảm vẫn ngày đêm thổn thức giữa chốn bộn bề, không ngừng sáng tạo và bồi dưỡng tâm hồn mình để tư tưởng tình cảm tốt đẹp có thể lan tỏa muôn nơi. Văn học dẫu cho cùng vẫn là câu chuyện của những trái tim đồng điệu, của những tiếng nói đồng tình, đồng chí, đồng ý vì thế bạn đọc phải nâng cao nhận thức cũng như không ngừng bồi đắp trái tim cho đẹp, cho tốt. Khi ấy văn học đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình: hướng con người đến giá trị đích thực Chân – Thiện – Mỹ. Như chính tâm tư của Pautopxki: “Nhà văn chân chính là người mở đường tới xứ sở của cái đẹp”. Qua “Đoàn thuyền đánh cá”, Huy Cận cũng đã hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt con người đến “xứ sở của cái đẹp”.

 

3. Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật

“Hồn Nước gọi, Tiếng bom Sa Diện

Trái tim Hồng Thái nổ vang trời

Máu thơm tưới mầm non xuân đến

Vui lại rồi, Tổ quốc ta ơi!”

(Theo chân Bác- Tố Hữu)

Ôi, hồn nước trái tim Tổ quốc! Câu thơ vang lên khí phách của những con người đất Việt. Hòa vào dòng máu Lạc hồng của dân tộc, mỗi con người của cha Lạc Long Quân đã hóa thân cho “dáng hình xứ sở” để làm nên đất nước muôn đời. Và thế hệ trẻ trong những năm tháng chống Mĩ oai hùng cũng đã góp một tiếng nói riêng để hòa vào cảm hứng chung của dân tộc. Phạm Tiến Duật- người con trưởng thành trên mái trường xã hội chủ nghĩa, một thi sĩ của núi rừng Trường Sơn huyền thoại, ông đã mang niềm vui hăm hở của tuổi trẻ ra khắp các nẻo đường chiến đấu. Nhà thơ đã tạo cho mình một giọng điệu thơ rất lính: khỏe khoắn, tự nhiên, tràn trề sức sống, rất tinh nghịch tươi vui mà giàu suy tưởng. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là tác phẩm tiêu biểu nhất của giọng thơ, hồn thơ ấy.

 

Bộ mở bài được trích trong cuốn “ Tuyển tập 50 bài văn mẫu lớp 9”. Nếu em muốn đọc thêm những trang sách hay, đừng ngần ngại đăng ký ngay TUYỂN TẬP 50 BÀI VĂN MẪU LỚP 9 nhé!

 

Đăng ký khóa học, đặt sách và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Youtube Học Văn Chị Hiên.
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.

Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn CHị Hiên.


 

Tin liên quan