TÌNH XUÂN VÀ CẢNH XUÂN TRONG ĐOẠN TRÍCH "CẢNH NGÀY XUÂN" (TRÍCH "TRUYỆN KIỀU")

Ngày 30/08/2021 16:34:10, lượt xem: 2204

Đây là một đoạn tả cảnh trong khuôn khổ một tác phẩm tự sự lớn bằng thơ. Tả cảnh trong điều kiện ấy thường phải gắn với nhân vật, đấy là chưa nói tả cảnh ngụ tình là nguyên tắc của thơ xưa. Trong những trường hợp phổ biến ấy, cảnh được nhìn từ tâm trạng, thông qua tâm trạng, ở đó có sự khúc xạ buồn vui theo kiểu “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu – Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trích đoạn có tiêu đề Cảnh ngày xuân một mặt không nằm ngoài đường biên quy phạm ấy, nhưng một mặt có sự bứt phá để tự nó tạo hình một bức tranh riêng. Sự phân cảnh vì thế khá rõ rệt : cảnh mùa xuân, rồi cảnh lễ hội, cảnh ra về khi lễ hội đã tan. Cảnh trong thơ như thế là bám vào mạch thời gian, một cách nhìn theo chiều dọc, theo diễn biến tự nhiên, nhưng nếu cắt theo chiều ngang thì mỗi bước đi của thời gian ấy có một cái gì trọng đại, thậm chí là dấu ấn đầu đời của ai đó ở cái tuổi cài trâm (cập kê) một đi không trở lại.

 

PHÂN TÍCH TÌNH XUÂN VÀ CẢNH XUÂN TRONG ĐOẠN TRÍCH "CẢNH NGÀY XUÂN" (TRÍCH "TRUYỆN KIỀU")

Hãy đi vào cảnh thứ nhất : cảnh mùa xuân. Cảnh mùa xuân hiện ra bằng bốn câu thơ nhưng hoàn toàn không cùng nằm trên một mặt bằng cảm nghi. Hai câu đặc tá cảnh thiên nhiên là ở cặp câu lục bát thứ hai “Cỏ non…”, còn cặp câu trước đó chỉ là chuyển cảnh. Nếu từ cặp câu “Cỏ non…” ta nhận ra một cái nhìn không gian thì trước đó là cái nhìn thời gian về “Ngày xuân con én…”. Một khi đã xác định sự khác nhau, ở cấp độ trường nhìn thì sẽ không nhầm lẫn nữa. Chẳng hạn không nên hiểu “con én đưa thoi” là những cánh chim én có thật vẫn rộn ràng bay lượn giữa bầu trời trong sáng. “Con én” chí nên hiểu là con thoi. Thời gian đi rất nhanh, với mùa xuân, với cái nhìn của tuổi trẻ, nó càng nhanh vì tuổi trẻ và mùa xuân là cơ hội một lần. Cái nhìn của nhà thơ thấm đẫm tâm lí của người trong cuộc. Bởi thế mới thấy nhanh (chủ quan hoá khách quan – ngày mùa xuân cũng 24 giờ như ngày mùa hạ…) và thấy tiếc : “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”. Sau này, khi “cái tôi” của nhà thơ nói chung không còn bị ràng buộc nữa (ví dụ như vào đạo lí, vào kĩ cương), Xuân Diệu cũng một tâm trạng ấy, tuy cách nói có “mới” hơn : “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Nhớ mùa xuân ngay trong mùa xuân tưởng là một điều nghịch lí nhưng nó có thật trong tâm trạng con người tuổi trẻ mọi thời.

“Sáu mươi” trên “chín chục”, hơn thế “đã ngoài” trái ngon ngọt mùa xuân đã đi hết hai phần, sốt ruột biết bao! Do sự tiết chế ngôn từ, cũng là do tư cách của người kể chuyện, Nguyễn Du không thể kêu lên “Nhanh với chứ, vội vàng lên vói chứ” như Xuân Diệu sau ông. Ngay trong Truyện Kiều, thời gian nói chung là đi rất nhanh nhưng mỗi lần một khác, không lần nào giống lần nào. “Sen tàn cúc lại nở hoa – Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân” thì đâu phải là chậm. Nhưng đó là cái khắc khoải đợi trông cái gì chưa đến. Còn ở đây mùa xuân đang hiện diện :

Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Hai câu thơ tả cảnh mùa xuân này thật là tuyệt bút, nếu đặt nó trong vườn thơ trung đại “Thì treo giải nhất chi nhường cho ai”. Có hai cách nhìn về bức tranh ấy. Cái nhìn thứ nhất của người khách qua đường, của con mắt “thế nhân” : Thảm cỏ xanh quá, nó làm nền cho bức tranh xuân. Trên cái nền kia, điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng. Màu sắc tuyệt diệu hài hoà. Cách nhìn thứ hai của người tri kỉ : chỉ cần một nét vẽ đó thôi, câu thơ đã có gì ngơ ngác trước một màu xanh, đúng ra là một biển xanh, mênh mông độ rộng. Từ hiện thực Nguyễn Du đã gia công, đã tái tạo hiện thực, đã thổi vào đó ngọn gió vô hình của tâm linh để tạo ra sự sống. Hàn Mặc Tử sau Nguyễn Du có nói đến “sóng cỏ” chính là một cái nhìn đồng tâm trạng với Nguyễn Du (“Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”). Đó là cái hay toàn khối được tách ra từ cội, từ cành, khi chúng ta cầm trên tay một chiếc lá đơn sơ mà thẫn thờ nhìn ngắm. Sau đó mới đến cái hay của sự hội nhập với “cành lê trắng điểm…”. Cái tài cũng là cái tình của Nguyễn Du ở đây là đảo ngược một cách dùng từ thông dụng : biến “điểm trắng” thành “trắng điểm”. Chỉ thay đổi một chút đó thôi, công việc đơn giản mà ngoài Nguyễn Du, không ai làm được. Trong sáng tạo thơ ca, người ta có thể “chết” vì một từ mà “sống” cũng vì một từ là thế. Nếu viết “điểm trắng” thì không sai, ý thơ, âm điệu thơ không hề thay đổi. Nhưng đó là cách viết “non tay”, cách vẽ tranh của nghệ nhân bắt chước mà chưa có cái “thần”. Viết “trắng điểm” tạo nên yếu tố bất ngờ, cành lê như đem vào màu trắng, màu sắc của sự tinh khôi bằng bàn tay vô hình của tạo hoá. Nó đang chăm chút tô điểm, không cầu kì trau chuốt mà rất ý nhị, tinh vi. “Điểm” ở đây là điểm xuyết, nghĩa là thêm vào, chỉ một chút thôi mà gương mặt của cành lê tưởng không còn là chính nó. “Trắng điểm” và “điểm trắng” chỉ hơn nhau một sự lung linh nho nhỏ mà đã là hai thế giới rất xa nhau. Đọc hai câu tuyệt bút của Nguyễn Du, tuy không tả mặt biển mà ta cứ như dập dờn say giữa những con sóng đung đưa cỏ xanh hoa trắng.

Mùa xuân đối với một năm giống như bông hoa phong nhuỵ mơ màng, ấp ủ biết bao, hi vọng biết bao, nó là một nụ cười chúm chím, một thứ “hương thầm”.

 

ĐỌC THÊM KHU VƯỜN VĂN HỌC - VẺ ĐẸP THÚY KIỀU


Tám câu thơ tiếp nối là khung cảnh lễ hội “Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”. Cặp câu lục bát mở đầu (giống như cấu tứ toàn đoạn), đó là lời dẫn. Hai câu này không có dụng công như hai câu “Ngày xuân…” đã. được phân tích ở trên. Một ngọn gió lướt đi và đây là những cái gì đã đến :

Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Đọc qua, tưởng như hai câu thơ kể việc, vì yếu tố này không phải không có : hành trang, phương tiện đi đường, có chị có em. Nhưng không phải. Việc chuẩn bị tất nhiên không thể không làm, nhưng đó là những chất liệu sinh hoạt đời thường chứ không phải chất liệu của thơ. Điều đáng kể nhất là niềm vui tíu tít, rộn ràng, một hạnh phúc lớn lao chưa từng có của những chị, những em đi dạ hội lần đầu giữa một mùa xuân kép : xuân của thiên nhiên, xuân của lòng người. Được hoà vào cái không khí đặc trưng “nô nức yến anh”, việc “sắm sửa” của mấy chị em cũng là ngày hội. Tết vốn là vui (vui như tết), nhưng còn vui hơn là ở những người được “sắm sửa” để có câu đối đỏ, bánh chưng xanh… trong những ngày giáp tết. Chưa đến hội, hai chị em như đã mở hội trong lòng, vội vã ngất ngây như lâng lâng bay bổng. Tưởng như không có âm thanh nào ngoài công việc, nhưng tâm hồn họ thì quả thực đang cất tiếng hát ca. Đó là tính cá thể. Tính cá thể ấy đã không còn khi họ mất hút đi trong “Dập dìu tài tử giai nhân”. Đến đây xuất hiện một thứ nghệ thuật khác : nghệ thuật miêu tả đám đông. Tính quần thể của cộng đồng là một thứ chân dung tinh thần : chân dung lễ hội. Không rõ một gương mặt ai, nhưng ai cũng thấy mình trong đó, trong cái phấn khích mà không một ngày nào trong năm có được. “Lễ” thực ra chỉ là cái cớ, còn “hội” mới là mục đích cuối cùng. “Tro tiền giấy bay” hoặc “Thoi vàng vó rắc” chẳng qua là nghi thức bên ngoài của những kẻ hành hương. Còn tất cả dồn cho sự náo nhiệt của giai nhân, tài tử, ngựa xe, là lượt:

Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Lễ hội ấy thực ra năm nào chẳng thế. Nhưng với những con người tuổi trẻ, nó chỉ háo hức đến cuồng nhiệt một lần. Thời gian như dòng chảy trôi xuôi nhưng những ấn tượng mặn mòi làm sao quên được. Những từ láy, lồng trong phép đối hoà nhập hài hoà tạo được những ấn tượng khôn nguôi. Phép đối xứng cũng biến hoá, khi dồn lại giữa tài tử với giai nhân, khi tách giãn ngựa xe với quần áo, Nhưng lúc nào cũng hình thành cái thế bè đôi, khi ẩn khi hiện từ sức hút của một ma lực mơ hồ. “Dập dìu” là một từ láy. “Dập dìu” theo nghĩa của từ điển là cùng nhau vui chơi, chỉ đông người tấp nập. Nhưng trong văn cảnh này nó như khúc hát dìu dặt, mau thưa, nghĩa là sự xuống lên theo quy trình của những con sóng nước, nó buông thả một cách hồn nhiên như chịu tác động của một sức hút vô hình sai khiến. Ay là một cơn say như những người mộng du say trầu, say thuốc, còn ở đây đó là say tình giữa nam và nữ. Họ có được nhau và cùng nhau tận hưởng một niềm khoái lạc tinh thần vừa quý phái vừa rất đỗi hồn nhiên. Đằng sau xiêm áo, ngựa xe là những sự rung động đầu đời cất cánh.

Phải thế chăng, mà sáu câu tả cảnh chị em Thuý Kiều ra về là cái bần thần tiếc nuối “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Hai chữ “thơ thẩn” ở đây có sức gợi rất hay.

Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dơn tay ra về.

“Dan tay” tưởng là vui, nhưng thực ra là sự đồng cảm sẻ chia cái buồn không biết nói. Nó hợp với khung cảnh ánh sáng nhạt nhoà “Mặt trời gác núi chiêng đà thu không”. Lặng dần xuống, tan dần đi cái háo hức mê say của một ngày, của một thời không hoàn toàn là trẻ dại nữa. Nó bâng khuâng, man mác xiết bao. Bốn câu tiếp theo là sự khơi gợi tâm tình với những trái tim đa cảm :

Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bê thanh thanh.

Phút dịu êm của cảnh vật tạm lấp dần khoảng trống rất khó nguôi vơi của nỗi buồn tiếc nuối. Vừa khép lại vừa mở ra từ dòng nước, nhịp cầu một tâm trạng chênh vênh. “Nao nao dòng nước uốn quanh”. Dòng nước tâm tình chia sẻ ấy, nhịp cầu nên thơ như giấc mộng hiện lên ấy ru vỗ lòng người làm dịu lại cái xôn xao từ ngày hội bước ra. “Nao nao” diễn tả sự xúc động đến rưng rưng “Thiệt lòng mình cũng nao nao lòng người” (Truyện Kiều). Đó vừa là dư âm của cái đã qua, vừa là sự lấy đà chuyển sang một tâm trạng mới : gặp nấm mộ Đạm Tiên. Tả cảnh, tả tình như thế là khéo, chuyển ý như thế là rất tinh tế, tự nhiên. Người đọc luôn luôn có cảm giác đi trên một dòng sông, nhưng mỗi khúc, mỗi chặng đường một khác. Chuyện thơ vừa khắc sâu, vừa nuôi dưỡng hứng thú người đọc như thế là không dễ xưa nay, nhất là với tác phẩm Truyện Kiều cách chúng ta hai trăm năm có lẻ.

Nguồn: Onthivan.vn

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7  – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.

Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.

Tin liên quan