TÀI LIỆU "CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG" HAY NHẤT

Ngày 09/08/2023 17:48:18, lượt xem: 5044

1. Đoạn văn đặc sắc phân tích ý thức giữ gìn phẩm hạnh, danh dự của Vũ Nương

Ở Vũ Nương, điều mà không ít bạn đọc cảm phục chính là ý thức giữ gìn phẩm hạnh, danh dự của nàng. Là một người vợ, người mẹ trong gia đình, Vũ Nương luôn ý thức rất rõ về bổn phận cũng như những phẩm chất mình phải giữ gìn. Nàng là người có lòng tự trọng. Bởi vậy, khi bị chồng nghi oan rằng mình thất tiết, nàng chẳng thể nào dễ dàng chấp nhận. Vũ Nương đã tìm đủ mọi cách để thanh minh với chồng, bằng cả lời nói và hành động. Trong lời thanh minh đầu tiên, nàng đã nói đến thân phận của mình với sự tha thiết, chân thành: “Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh”. Vũ Nương không chỉ khẳng định phẩm tiết của bản thân mà còn cầu xin chồng cởi bỏ mối nghi ngờ: “Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”. Bao nhiêu buồn khổ nàng không nói, bấy nhiêu gian nan trong tình cảnh vắng bóng chồng nàng không tỏ bày, chỉ nhất nhất khẳng định phẩm hạnh của mình, nhất nhất khẳng định tấm lòng trinh bạch không từng làm điều mất nết hư thân như lời Trương Sinh nói. Nàng cũng đã sáng suốt khi hỏi chồng “chuyện kia từ ai nói ra” bởi hiểu rõ muốn cởi dây thì phải tìm người buộc dây và cũng bởi nàng muốn điều tra để tháo gỡ mối nghi ngờ cho chồng và chứng minh phẩm giá cho mình. Nhưng Trương Sinh vẫn một mực không tin, lại còn giấu nhẹm chuyện do con nói ra mà “lấy bóng gió này nọ mà mắng nhiếc nàng”. Ngay cả khi mọi cố gắng của nàng đều thất bại trước sự cố chấp của chồng, Vũ Nương vẫn khẳng định mong muốn được gắn bó cùng Trương Sinh để được hưởng “thú vui nghi gia nghi thất” “yên ổn được tựa bóng cây cao”. Tuy nhiên Vũ Nương đã không vì mong muốn chính đáng ấy mà hạ mình sống trong sự dèm pha và tình cảnh tủi nhục. Lòng tự trọng của Vũ Nương bộc lộ rất rõ trong ý thức về mối quan hệ của nàng với Trương Sinh trong hiện tại “bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió”. Những hình ảnh của sự chia phôi, tan vỡ trong lời nói của Vũ Nương đã cho ta thấy nỗi đau đớn của nàng. Ý thức được hạnh phúc gia đình tan vỡ khó lòng hàn gắn được bởi tính bảo thủ và sự nghi ngờ của chồng, Vũ Nương chỉ mong có thể chứng minh sự trong sạch của bản thân. Nói với người, người không hiểu, Vũ Nương chỉ có thể than với trời mong trời thấu tỏ cho. Trong cảnh ngộ của Vũ Nương, ông trời là chứng nhân duy nhất cho sự trong sạch mà nàng luôn gìn giữ: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám”. Nói với trời là cách để Vũ Nương chứng minh phẩm giá bản thân. Nội dung lời nói của Vũ Nương có ý nghĩa như một lời thề đầy khẳng khái: nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng thì xin làm ngọc Mị Nương, cỏ Ngu Mĩ, nếu lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con xin làm mồi cho cá tôm diều quạ, chịu lời phỉ nhổ của người đời... Để rồi, quá đau đớn và bất lực, Vũ Nương đã chọn cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Hành động quyên sinh ấy là biểu hiện quyết liệt nhất của ý thức tự trọng. Với Vũ Nương, sự tồn tại của lòng tự trọng còn quan trọng hơn sự tồn tại của sinh mạng nên nàng mới lấy cái chết để minh oan cho mình. Tuy rằng sự lựa chọn này của nàng có mang màu sắc bi thảm và tiêu cực song đó là giải pháp duy nhất mà nàng có thể lựa chọn trong bối cảnh ấy - sự lựa chọn mang màu sắc văn hóa của một thời quá khứ. Tác giả Nguyễn Dữ thấu hiểu nỗ lực ấy của Vũ Nương để rồi dường như đã nhập vai Vũ Nương mà viết nên những lời thoại khiến bạn đọc xúc động nghẹn ngào. Phẩm hạnh của người phụ nữ trong xã hội xưa có lẽ quan trọng hơn tất thảy, bởi vậy mọi lời nói và hành động của Vũ Nương đều là minh chứng cho lòng tự trọng, cho ý thức giữ gìn phẩm hạnh cao quý của nàng.

 

ĐỌC THÊM: NHỮNG CÂU ĐỐ NHANH VỀ TÁC PHẨM "CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG"

 

2. Đoạn văn bình luận về đặc sắc nghệ thuật của “Chuyện người con gái Nam Xương”

Có thể nói, hiện thực trong “Chuyện người con gái Nam Xương” là một thứ hiện thực lung linh sương khói mờ ảo của cõi âm. Đó cũng là việc sử dụng các yếu tố truyền kì như một thủ pháp nghệ thuật để vươn tới bản chất hiện thực của cuộc sống. Chính yếu tố truyền kì này đã làm cho cõi âm gần gũi với cõi dương hơn, hay nói cách khác, cả cõi âm lẫn cõi dương đều là những khía cạnh khác nhau của cùng một cõi người. Trên phương diện ngôn ngữ, lối văn biền ngẫu và việc sử dụng nhiều điển tích đã làm cho không khí câu chuyện trở nên cổ kính hơn. Kết cấu xây dựng truyện từ thấp đến cao, hết đợt sóng này đến đợt sóng khác, đợt sau mạnh hơn đợt trước làm cho câu chuyện ngày càng trở nên hấp dẫn và cuối cùng, tuy kết thúc không đột ngột nhưng lại tạo ra được một sự đồng cảm sâu sắc nơi người đọc. 

(Theo Đồng Thị Sáo, trong “Tiếng nói tri âm”)

 

3. Nhận định và gợi ý cách áp dụng

- “Truyền kì mạn lục” tuy có vẻ ngoài là những chuyện kì lạ xảy ra hàng nghìn năm về trước nhưng thực chất lại phản ánh được những phần sâu sắc của hiện thực đương thời.” (GS Đinh Gia Khánh)

⇒ Gợi ý cách viết: Qua “Chuyện người con gái Nam Xương” ta thấy nổi bật lên là tấm lòng nhân đạo cao cả. Đó là sự phát hiện, ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp của con người, ở đây chính là Vũ Nương. Vũ Nương mang những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Giá trị nhân đạo còn thể hiện qua niềm tin vào sức sống mãnh liệt của con người, niềm tin vào những điều tốt đẹp “Ở hiền thì gặp lành”, thể hiện ước mơ giải thoát của nhân dân đương thời. Thành công của “Chuyện người con gái Nam Xương” từ đó đã góp phần làm nên áng văn hay “Truyền kì mạn lục”, đúng như nhận định GS Đinh Gia Khánh: “Truyền kì mạn lục” tuy có vẻ ngoài là những chuyện kì lạ xảy ra hàng nghìn năm về trước nhưng thực chất lại phản ánh được những phần sâu sắc của hiện thực đương thời.”

- “Hạnh phúc trong cuộc đời Vũ Thị Thiết là một thứ hạnh phúc vô cùng mong manh, ngắn ngủi. Mong manh như sương như khói, ngắn ngủi như kiếp sống của đóa phù dung sớm nở tối tàn” (Đồng Thị Sáo).

⇒ Gợi ý cách viết: Là người phụ nữ đẹp người đẹp nết nhưng đau lòng thay, Vũ Nương lại mang một thân phận bọt bèo, bất hạnh. Nàng đã từng lo toan, một lòng một dạ thủy chung chờ chồng, bao nhiêu vất vả khó nhọc khi chồng vắng nhà đều một mình nàng gánh vác. Vậy mà tất cả đều bị phủ nhận một cách phũ phàng. Dù nàng đã tận tụy hi sinh bao nhiêu thì chỉ một chút nghi ngờ của chồng cũng khiến nàng mất đi tất cả. Quả thực, “hạnh phúc trong cuộc đời Vũ Thị Thiết là một thứ hạnh phúc vô cùng mong manh, ngắn ngủi. Mong manh như sương như khói, ngắn ngủi như kiếp sống của đóa phù dung sớm nở tối tàn” (Đồng Thị Sáo).

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

 

Tin liên quan