PHÂN TÍCH NHÂN VẬT BÉ THU TRONG “CHIẾC LƯỢC NGÀ” CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG

Ngày 31/12/2020 15:05:03, lượt xem: 5214

PHÂN TÍCH NHÂN VẬT BÉ THU TRONG “CHIẾC LƯỢC NGÀ”

Cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc ta với biết bao câu chuyện đã trở thành huyền thoại được các nhà văn ghi lại như những câu chuyện cổ tích hiện đại. Trong số ấy phải kể đến "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng. Nhân vật bé Thu trong truyện đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc về một cô bé có cá tính mạnh mẽ và tình thương cha mãnh liệt. Vì vậy, hôm nay Học văn chị Hiên sẽ chia sẻ tới các em bài viết phân tích nhân vật bé Thu nhé!

--------------------Bài làm------------------------

Có những câu chuyện dù phải đọc nhiều lần ta cũng không thể nhớ. Lại có câu chuyện dù đọc một lần ta vẫn không thể quên. Có những hạnh phúc muộn màng và ngắn ngủi khiến ta phải trào nước mắt. Có những tình cảm nồng ấm và thiêng liêng mà ta chỉ cảm nhận được trong mái ấm gia đình...Tất cả những ấn tượng ấy ta đều có thể bắt gặp trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng .

“Chiếc lược ngà” được viết năm 1966, trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Truyện đã tập trung thể hiện tình cảm cha con ông Sáu trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh , đã để lại nhiều xúc động trong lòng người đọc.

Truyện được xây dựng bởi tình huống truyện độc đáo hợp lí, đầy kịch tính. Kể về cuộc trùng phùng đầy nước mắt của hai cha con ông Sáu. Ông Sáu đi kháng chiến, sau tám năm ông được nghỉ ba ngày về phép để thăm nhà. Báo nhớ thương, khao khát dồn nén mong chờ gặp lại con , thèm được con gọi tiếng ba, nhưng thật trớ trêu , bé Thu không nhận cha vì vết sẹo in sâu trên khuôn mặt. Đến khi cô bé nhận ra cũng là lúc ông Sáu phải trở về đơn vị. Ở đơn vị ông nhớ con, thương con, hối hận vì lỡ đánh con, ông làm cho con chiếc lược ngà và gửi gắm con biết bao tình thương trong đó, ông đợi tới ngày trở về để tặng con. Thế nhưng, trong một trận càn, ông Sáu đã hy sinh, trước khi chút hơi thở ông chỉ kịp trao lại cho bác Ba-người bạn thân của mình chiếc lược ngà tặng cho con gái .

Ngày ông Sáu được nghỉ phép ít ngày về thăm gia đình, lần đầu tiên nhìn thấy con gái mình ông vô cùng nghẹn ngào xúc động. Ông Sáu chạy đến ôm con gọi lớn: “Thu ơi! Ba đây con”. Nhưng đáp lại tình cảm sâu sắc mãnh liệt ấy là thái độ hờ hững, tìm cách thoát khỏi vòng tay của người cha. Bé Thu chạy vào nhà gọi mẹ. Những ngày tháng hai cha con sống chung cũng có nhiều tình tiết khiến nhiều người phải suy nghĩ. Trong khi ông Sáu tìm đủ mọi cách để gần con để được chăm sóc cho con gái những ngày được ở nhà thì bé Thu lại vô cùng ương ngạnh, gai goc, cương quyết không chịu nhận Ba.

Trong bữa cơm gia đình quây quần bên nhau, ông Sáu muốn gắp cho con gái một miếng trứng cá thơm ngon nhất. Nhưng con bé hất mạnh tay ra làm cho miếng trứng cá rơi văng ra nền đất. Bực quá, ông Sáu phát cho con mấy cái vào đít. Con bé không khóc lóc mà nó chạy ra ngoài sông lấy chèo thuyền qua nhà bà ngoại.

Nhờ bà ngoại giảng giải và nói lên nguyên nhân của những vết sẹo trên khuôn mặt của ông Sáu mà bé Thu đã hiểu ra tất cả. Hóa ra bé Thu bấy lâu nay không chịu nhận ông Sáu làm cha bởi những vết sẹo đã làm cho khuôn mặt ông không giống với bức ảnh mà nó thường nhìn thấy. Cô bé đã khóc và âm thầm lau những giọt nước mắt trên mặt mình khi nghe bà ngoại kể về những chiến công của cha, những khó khăn vất vả mà cha phải đối diện ngoài chiến trường.

Nỗi đau quặn xé nhất có lẽ là phân cảnh bé Thu nhận ông Sáu là ba. Tình yêu trỗi dậy mãnh liệt của bé Thu dành cho ba ở cái giây phút bất ngờ nhất, giây phút ông Sáu trở về đơn vị. Trong buổi sáng cuối cùng trước lúc ông Sáu lên đường, thái độ của bé Thu thay đổi hoàn toàn. Bé cất tiếng gọi “Ba” tiếng kêu như tiếng xé, rồi “nó vừa chạy xô tới nhanh như một con sóc, nó nhảy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó”, “nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vào vết thẹo dài bên má ba nó nữa “, “ hai tay nó xiết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi cấu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run”. Tình yêu và nỗi mong nhớ người cha xa cách đã bị dồn nén bấy lâu nay bùng ra thật là mạnh mẽ và hối hả, cuống quýt có xen lẫn cả sự hối hận. Tất cả cùng vỡ òa, tiếng “Ba” được bật ra sau tám năm ròng rã, biền biệt ghì chặt trong câm nín vì bé Thu không có cơ hội để được gọi, giờ được giải phóng, nó ào ạt, tuôn trào như dòng nham thạch, bao nhiêu yêu thương, nhớ mong được gói trong tiếng “ba”. Chính vì thế tiếng “ba” có sức mạnh tái tạo lại những đổ vỡ trong tâm hồn con người nó có khả năng bóp nghẹt trái tim của con người.

Trong những ngày tháng chiến tranh gian khổ, khó khăn thiếu thốn đủ thứ, ông Sáu vẫn không quên câu nói của con gái. “ Nỗi khổ tâm cứ giày vò” ông “Ba về! Ba mua cây lược cho con nghe ba” đó là mong ước đầu tiên của đứa con gái bé bỏng trong lúc hai cha con từ biệt .

Quả thật , Thu là một cô bé có tình cảm thật sâu sắc, mạnh mẽ nhưng cũng rất dứt khoát, rạch ròi và là người có nét cá tính cứng cỏi. Sự kiên định ấy càng khẳng định tình yêu cha thật sâu nặng mãnh liệt, không có gì lay chuyển được. Hình ảnh bé Thu ôm ghì lấy ba, hôn khắp cùng, hôn lên vết sẹo gớm ghiếc của ông Sáu, với lời nói nức nở của Thu : “ba, không cho ba đi nữa, ba ở nhà với con đi ba”, quả thật đã làm tan nát lòng người, người đọc ai cũng thổn thức, xót xa nghẹn ngào trước cảnh chia ly của hai cha con.

Với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, xây dựng tình huống truyện bất ngờ, éo le Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện một cách cảm động tình cha con thiêng liêng sâu nặng giữa bom đạn, khói lửa. Đặc biệt với nhân vật bé Thu, ông đã vô cùng thành công khi để cô bé tự bộc lộ những cảm xúc trào dâng trong lòng mình.

Hy vọng bài viết phân tích nhân vật bé Thu trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng của Học văn chị Hiên sẽ giúp các em cảm nhận rõ hơn về bé Thu cũng như tác phẩm từ đó có thêm tư liệu viết nên bài văn xuất sắc của riêng mình. Theo dõi thêm nhiều bài học, thông tin bổ ích tại: Học văn chị Hiên hoặc Học văn chị Hiên – Youtube.

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên – Hơn cả một bài văn

                

Xem thêm:

SOẠN BÀI: CHIẾC LƯỢC NGÀ

NÉT ĐẶC SẮC TRONG TRUYỆN NGẮN “CHIẾC LƯỢC NGÀ”

NHỮNG KẾT BÀI HAY NHẤT|| CHIẾC LƯỢC NGÀ - NGUYỄN QUANG SÁNG

 

 

Tin liên quan