NHỮNG LƯU Ý KHI LÀM PHẦN ĐỌC HIỂU MÔN VĂN - HỌC VĂN CHỊ HIÊN

Ngày 20/07/2020 15:03:19, lượt xem: 8506

NHỮNG LƯU Ý KHI LÀM PHẦN ĐỌC HIỂU MÔN VĂN
(KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT
)

Phần đọc hiểu của đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn gồm 4 câu, chia thành 4 cấp độ từ dễ đến khó. Thí sinh cần trả lời nên ngắn gọn, đầy đủ, chính xác.

1.CÂU HỎI NHẬN BIẾT

a. Câu hỏi nhận biết về kiến thức tiếng Việt: nhận diện phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, các biện pháp tu từ, thể thơ,…

*Các phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính công vụ.

- Một văn bản có khi kết hợp nhiều phương thức biểu đạt khác nhau. Nhưng bao giờ cũng có một phương thức biểu đạt chính.

- Nếu đề yêu cầu xác định phương thức biểu đạt chính thì chỉ trả lời 01 phương thức biểu đạt.

- Nếu đề yêu cầu xác định các phương thức biểu đạt thì trả lời từ 02 phương thức biểu đạt trở lên.

*Các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ.

*Các phong cách ngôn ngữ: phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ chính luận, phong cách ngôn ngữ báo chí, phong cách ngôn ngữ khoa học, phong cách ngôn ngữ hành chính.

*Các biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ, thậm xưng, nói giảm, nói tránh, liệt kê, tương phản, đối lập, đảo ngữ, câu hỏi tư từ, chêm xem, im lặng, điệp từ, điệp ngữ, điệp cú pháp,…

*Các hình thức trình bày đoạn văn: diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích, song hành.

*Các thể thơ:

- Các thể thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn Đường luật, thất ngôn Đường luật…

- Các thể thơ hiện đại: năm tiếng, bảy tiếng, tám tiếng, tự do, thơ-văn xuôi,…

b. Câu hỏi nhận biết nội dung trong văn bản:

* Câu hỏi thường có các cụm từ: Theo tác giả, trong văn bản, trong đoạn trích,…

*Cách trả lời: Đối với dạng câu hỏi này, thí sinh chỉ cần dựa vào ngữ liệu đọc hiểu rồi chép lại thông tin, không cần suy luận, phân tích, nêu ý kiến chủ quan của bản thân.

c. Ví dụ:

Đề 1. ĐỀ THI THPT QUỐC GIA MÔN VĂN 2017

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm. Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm. Thấu cảm khiến ta hồi hộp khi quan sát một người đang đi trên dây ở trên cao, làm chúng ta cùng vui buồn với một nhân vật trong truyện.

Thấu cảm xảy ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Một đứa trẻ ba tuổi chìa con gấu bông của mình cho em bé sơ sinh đang khóc để dỗ nó. Một cô gái nhăn mặt khi theo dõi bạn mình trên giường bệnh chật vật uống một viên thuốc đắng. Mùa EURO 2016 kết thúc với một hình ảnh đẹp: một cậu bé Bồ Đào Nha tiến tới an ủi một fan người Pháp cao to gấp rưỡi mình, đang ôm mặt khóc vì đội Pháp thua trận chung kết. Anh người Pháp cúi xuống ôm cậu bé mà người vẫn rung lên nức nở. Cậu đợi cho tới khi anh đi khuất hẳn rồi mới tiếp tục phất cờ mừng chiến thắng.

(Trích Thiện, Ác và Smartphone – Đặng Hoàng Giang, NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275)

Câu 2. Theo tác giả, thấu cảm là gì?

Trả lời: Theo tác giả, thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ; là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó.

Đề 2. ĐỀ THI THAM KHẢO MÔN VĂN 2019

Đọc đoạn trích dưới đây:

Nhiều người cho rằng phát triển là điều tốt. Nhưng chỉ ít người dám cống hiến cả cuộc đời mình cho sự phát triển đó. Tại sao vậy? Bởi vì muốn phát triển đòi hỏi phải có sự thay đổi, trong khi đó họ lại không sẵn sàng cho bất cứ sự thay đổi nào. Tuy nhiên, một sự thật hiển nhiên là nếu không thay đổi thì không thể có sự phát triển. Nhà văn Gail Sheehy đã khẳng định:

“Nếu không thay đổi thì sẽ không bao giờ phát triển. Nếu không phát triển thì không phải là cuộc sống. Phát triển đòi hỏi phải tạm thời từ bỏ cảm giác an toàn. Điều này có nghĩa là phải từ bỏ lối sống quen thuộc nhưng luôn bị hạn chế bởi tính khuôn mẫu, tính an toàn, những điều không bao giờ khiến cuộc sống của bạn tốt hơn được. Những điều đó sẽ khiến bạn không còn tin tưởng vào các giá trị khác, mọi mối quan hệ đều không còn ý nghĩa. Nhà văn Dostoevsky nói: “Tiến thêm một bước, nói thêm một lời là những điều đáng sợ nhất”. Nhưng trên thực tế, điều ngược lại mới là điều đáng sợ nhất.”

Tôi nghĩ không có gì tồi tệ hơn là cứ sống mãi một cuộc sống trì trệ, không bao giờ thay đổi và không bao giờ phát triển.

(John C. Maxwell - Cách tư duy khác về thành công, NXB Lao động - Xã hội, 2015, tr.130)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Chỉ ra tác hại của việc không dám từ bỏ lối sống quen thuộc được nêu trong đoạn trích.

Trả lời: Tác hại của việc không dám từ bỏ lối sống quen thuộc được nêu trong đoạn trích là: “nếu không thay đổi thì không thể có sự phát triển” , “nếu không phát triển thì không phải là cuộc sống”

2. CÂU HỎI THÔNG HIỂU

a. Gồm một số dạng câu hỏi thường gặp:

- Nêu nội dung chính của văn bản.

- Giải thích/Nhận xét/Phân tích một vấn đề trong văn bản. Câu hỏi thường có dạng “Anh/chị hiểu như thế nào…”, “Nhận xét về…”

- Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ….

b. Cách làm: Với dạng câu hỏi này, thí sinh không chỉ căn cứ vào văn bản mà còn phải vận dụng suy nghĩ của mình để lí giải, làm rõ vấn đề.

c. Ví dụ:

Đề 1. ĐỀ THI THPT QUỐC GIA MÔN VĂN 2016

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy

Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối

Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng

Vẫn tiếng làng, tiếng nước của riêng ta

Tiếng chẳng mất khi Loa Thành đã mất

Nàng Mị Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng

Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi

Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán

Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

(Trích Tiếng Việt- Lưu Quang Vũ, Thơ Việt Nam 1945 - 1995, NXB Giáo dục, 1985, tr. 218)

Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn trích.

Trả lời: Nội dung chính của đoạn trích:

- Khẳng định vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt.

- Thể hiện niềm tự hào và tình yêu của tác giả đối với tiếng Việt.

Đề 2.

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Trong cuộc đời của con người, mỗi ngày đều có thể là một sự bắt đầu mới mẻ còn những vinh quang và tủi nhục của ngày hôm qua đều chỉ là dĩ vãng. Những việc trong quá khứ nói cho người khác biết bạn đã từng là người như thế nào, nhưng chính những việc làm ở hiện tại và tương lai mới nói lên bạn là ai.

Đừng bao giờ hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh với người khác. Đừng bao giờ đặt mục tiêu của mình dựa vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ bạn mới biết được những gì tốt nhất đối với chính mình.

Đừng bao giờ để cuộc sống vuột khỏi tầm tay bằng cách sống khép mình vào trong quá khứ, hay uốn mình vào trong tương lai. Hãy sống cho hiện tại, lúc này và ở đây. Hãy hướng về phía mặt trời và bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy bóng tối.

Và cuối cùng, hãy nhớ rằng, dù người khác có nói với bạn điều gì đi nữa, hãy tin rằng cuộc sống này là kỳ diệu và đẹp đẽ.

Vì vậy, nếu mỗi khi bạn bị quá khứ ám ảnh, thì hãy luôn nghĩ rằng, quá khứ của bạn thực ra đã qua rồi và bạn chẳng mảy may thay đổi được nó. Bạn chỉ có quyền lực với tương lai của chính mình. Vì thế, hãy vẽ bức tranh tương lai của chính mình. Mỗi phút là một nét bút vẽ. Hãy nâng niu từng phút giây bạn được sống hôm nay.

(Trích Quá khứ có làm nên tương lai?, Việt Tâm, giaoducthoidai.vn)

Câu 3. Theo anh/chị, tại sao tác giả cho rằng: “Đừng bao giờ để cuộc sống vuột khỏi tầm tay bằng cách sống khép mình vào trong quá khứ, hay uốn mình vào trong tương lai”?

Trả lời:

Tác giả cho rằng “Đừng bao giờ để cuộc sống vuột khỏi tầm tay bằng cách sống khép mình vào trong quá khứ, hay uốn mình vào trong tương lai” vì:

- Quá khứ là điều đã qua, còn tương lai là điều không thể biết trước được.

- Chính vì vậy, hãy sống cho hiện tại, nâng niu từng phút giây chúng ta được sống hôm nay.

Đề 3. ĐỀ THI MINH HỌA MÔN VĂN 2018

Sự trưởng thành của con người luôn song hành cùng những vấp ngã và sai lầm. Vì thế, hãy chấp nhận điều đó như một lẽ tự nhiên. Khi trẻ học nói, học đi hay bất cứ điều gì, chúng đều phải nếm trải những va vấp. Chúng ta cũng vậy, có thể đằng sau những tư tưởng vừa lĩnh hội, hoặc sau sự chín chắn rèn giũa được là một thất bại, hay một bước lùi nào đó. Tuy nhiên, đừng đánh đồng những sai lầm ấy với việc ta không thể trưởng thành. Hãy hiểu rằng, như một lẽ tự nhiên, sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần và hãy tin tưởng rằng mọi trải nghiệm đều đem lại cho ta những bài học quý giá nếu ta biết trân trọng nó.

Chính vì vậy, đừng giữ thái độ cầu toàn trong mọi sự. Dĩ nhiên, để đạt được điều mình mong muốn, ta phải không ngừng nỗ lực. Nhưng đừng yêu cầu cuộc đời phải viên mãn thì ta mới hài lòng và cũng đừng đòi hỏi mọi mối quan hệ phải hoàn hảo thì ta mới nâng niu trân trọng. Hoàn hảo là một điều không tưởng. Trên đời, chẳng có gì là hoàn thiện, hoàn mĩ cả. […]

Khi kiếm tìm sự hoàn hảo, người ta dễ trở nên hà khắc, hay phán xét bản thân và mọi người. Bởi vậy, trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có.

(Theo Quên hôm qua sống cho ngày mai - Tian Dayton, biên dịch: Thu Trang – Minh Tươi, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2014, tr.68 - 69)

Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: như một lẽ tự nhiên, sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần?

Trả lời:

Ý kiến trên có nghĩa là: Bên cạnh thành công, chúng ta sẽ không tránh khỏi những va vấp, sai lầm, thất bại. Những va vấp, thất bại chính là những trải nghiệm để chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm mà vươn đến thành công.

Đề 4. ĐỀ THI THPT QUỐC GIA MÔN VĂN 2018

Đọc đoạn trích:

Hãy thức dậy, đất đai!

cho áo em tôi không còn vá vai

cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn...

xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm

rồi thì đi xa hơn - đẹp, và giàu, và sung sướng hơn

Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non

châu báu vô biên dưới thềm lục địa

rừng đại ngàn bạc vàng là thế

phù sa muôn đời như sữa mẹ

sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể

còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?

lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?

***

Lúc này ta làm thơ cho nhau

đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt

ta ca hát quá nhiều về tiềm lực

tiềm lực còn ngủ yên...

Tp.Hồ Chí Minh 1980-1982

(Trích “Đánh thức tiềm lực”, Ánh trăng- Cát trắng- Mẹ và em, Nguyễn Duy, NXB Hội Nhà văn 2015, tr 289-290

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 3. Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích.

Trả lời:

- Câu hỏi tu từ: còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào? lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?

- Hiệu quả: tạo giọng điệu suy tư; bộc lộ trăn trở của tác giả trước thực trạng đất nước giàu tài nguyên nhưng vẫn còn nghèo.

Đề 5. ĐỀ THI THAM KHẢO MÔN VĂN 2019

Đọc đoạn trích dưới đây:

Nhiều người cho rằng phát triển là điều tốt. Nhưng chỉ ít người dám cống hiến cả cuộc đời mình cho sự phát triển đó. Tại sao vậy? Bởi vì muốn phát triển đòi hỏi phải có sự thay đổi, trong khi đó họ lại không sẵn sàng cho bất cứ sự thay đổi nào. Tuy nhiên, một sự thật hiển nhiên là nếu không thay đổi thì không thể có sự phát triển. Nhà văn Gail Sheehy đã khẳng định:

“Nếu không thay đổi thì sẽ không bao giờ phát triển. Nếu không phát triển thì không phải là cuộc sống. Phát triển đòi hỏi phải tạm thời từ bỏ cảm giác an toàn. Điều này có nghĩa là phải từ bỏ lối sống quen thuộc nhưng luôn bị hạn chế bởi tính khuôn mẫu, tính an toàn, những điều không bao giờ khiến cuộc sống của bạn tốt hơn được. Những điều đó sẽ khiến bạn không còn tin tưởng vào các giá trị khác, mọi mối quan hệ đều không còn ý nghĩa. Nhà văn Dostoevsky nói: “Tiến thêm một bước, nói thêm một lời là những điều đáng sợ nhất”. Nhưng trên thực tế, điều ngược lại mới là điều đáng sợ nhất.”

Tôi nghĩ không có gì tồi tệ hơn là cứ sống mãi một cuộc sống trì trệ, không bao giờ thay đổi và không bao giờ phát triển.

(John C. Maxwell - Cách tư duy khác về thành công, NXB Lao động - Xã hội, 2015, tr.130)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 3. Việc tác giả trích dẫn ý kiến của Gail Sheehy có tác dụng gì?

Trả lời:

Việc tác giả trích dẫn ý kiến của Gail Sheehy có tác dụng:

- Làm cho ý kiến, quan điểm của người viết thêm thuyết phục, tạo cơ sở chắc chắn cho lập luận.

- Nhấn mạnh tác hại của việc không chịu thay đổi…

3. CÂU HỎI VẬN DỤNG

a. Gồm các dạng câu hỏi sau:

- Đánh giá đúng /sai, đồng tình/không đồng tình về quan niệm, ý kiến.

- Thông điệp/bài học có ý nghĩa đối với bản thân.

- Nêu giải pháp cho vấn đề…

b. Cách làm: Với những dạng câu hỏi này, thí sinh cần trình bày bằng một đoạn văn ngắn khoảng 5- 7 dòng bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình và cần lập luận chặt chẽ, thuyết phục.

*Dạng câu hỏi: “Anh/chị có đồng tình với ý kiến…không? Vì sao?”

Cách làm:

- Nêu quan điểm: Có những trường hợp sau:

+Đồng tình với ý kiến.

+Không đồng tình với ý kiến.

+Đồng tình 1 phần ý kiến (nửa đồng tình, nửa không đồng tình)

- Lí giải “Vì sao?”

*Dạng câu hỏi “Thông điệp nào có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?”

Cách làm:

- Chọn một thông điệp có ý nghĩa nhất được đề cập trong ngữ liệu đọc hiểu.

- Lí giải vì sao đó là thông điệp ý nghĩa.

c. Ví dụ:

Đề 1. ĐỀ THI THAM KHẢO MÔN VĂN 2019

Đọc đoạn trích dưới đây:

Nhiều người cho rằng phát triển là điều tốt. Nhưng chỉ ít người dám cống hiến cả cuộc đời mình cho sự phát triển đó. Tại sao vậy? Bởi vì muốn phát triển đòi hỏi phải có sự thay đổi, trong khi đó họ lại không sẵn sàng cho bất cứ sự thay đổi nào. Tuy nhiên, một sự thật hiển nhiên là nếu không thay đổi thì không thể có sự phát triển. Nhà văn Gail Sheehy đã khẳng định:

“Nếu không thay đổi thì sẽ không bao giờ phát triển. Nếu không phát triển thì không phải là cuộc sống. Phát triển đòi hỏi phải tạm thời từ bỏ cảm giác an toàn. Điều này có nghĩa là phải từ bỏ lối sống quen thuộc nhưng luôn bị hạn chế bởi tính khuôn mẫu, tính an toàn, những điều không bao giờ khiến cuộc sống của bạn tốt hơn được. Những điều đó sẽ khiến bạn không còn tin tưởng vào các giá trị khác, mọi mối quan hệ đều không còn ý nghĩa. Nhà văn Dostoevsky nói: “Tiến thêm một bước, nói thêm một lời là những điều đáng sợ nhất”. Nhưng trên thực tế, điều ngược lại mới là điều đáng sợ nhất.”

Tôi nghĩ không có gì tồi tệ hơn là cứ sống mãi một cuộc sống trì trệ, không bao giờ thay đổi và không bao giờ phát triển.

(John C. Maxwell - Cách tư duy khác về thành công, NXB Lao động - Xã hội, 2015, tr.130)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 4. Anh/Chị có cho rằng việc từ bỏ lối sống an toàn, quen thuộc để phát triển đồng nghĩa với sự liều lĩnh, mạo hiểm không? Vì sao?

Trả lời:

Tôi không đồng tình với ý kiến trên. Vì không từ bỏ lối sống an toàn, quen thuộc thì bản thân và xã hội không thể phát triển, không thể tạo ra nhứng giá trị mới mẻ trong cuộc sống. Dám từ bỏ những điều quen thuộc, an toàn là dám chấp nhận thử thách, khiến con người trở nên kiên cường hơn, chủ động hơn, tích lũy thêm những kiến thức, kĩ năng và trưởng thành hơn.

Đề 2.

Trong cuộc đời của con người, mỗi ngày đều có thể là một sự bắt đầu mới mẻ còn những vinh quang và tủi nhục của ngày hôm qua đều chỉ là dĩ vãng. Những việc trong quá khứ nói cho người khác biết bạn đã từng là người như thế nào, nhưng chính những việc làm ở hiện tại và tương lai mới nói lên bạn là ai.

Đừng bao giờ hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh với người khác. Đừng bao giờ đặt mục tiêu của mình dựa vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ bạn mới biết được những gì tốt nhất đối với chính mình.

Đừng bao giờ để cuộc sống vuột khỏi tầm tay bằng cách sống khép mình vào trong quá khứ, hay uốn mình vào trong tương lai. Hãy sống cho hiện tại, lúc này và ở đây. Hãy hướng về phía mặt trời và bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy bóng tối.

Và cuối cùng, hãy nhớ rằng, dù người khác có nói với bạn điều gì đi nữa, hãy tin rằng cuộc sống này là kỳ diệu và đẹp đẽ.

Vì vậy, nếu mỗi khi bạn bị quá khứ ám ảnh, thì hãy luôn nghĩ rằng, quá khứ của bạn thực ra đã qua rồi và bạn chẳng mảy may thay đổi được nó. Bạn chỉ có quyền lực với tương lai của chính mình. Vì thế, hãy vẽ bức tranh tương lai của chính mình. Mỗi phút là một nét bút vẽ. Hãy nâng niu từng phút giây bạn được sống hôm nay.

(Trích Quá khứ có làm nên tương lai?, Việt Tâm, giaoducthoidai.vn)

Đọc đoạn trích trên và thực hiện các yêu cầu:

Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

Cách làm: Thí sinh chọn một thông điệp có ý nghĩa nhất là lập luận rõ vì sao thông điệp ấy có ý nghĩa.

Ví dụ: Đối với tôi, thông điệp “Đừng bao giờ hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh với người khác” là thông điệp rất ý nghĩa. Vì mỗi con người đều có những giá trị riêng, nên ta phải biết trân trọng bản thân mình. So sánh với người khác chỉ khiến ta tự ti, mặc cảm, không nhận ra khả năng, giá trị của bản thân...

Bùi Xuân Thụy An
GV trường Trung học Thực hành ĐHSP- TP.HCM

Tin liên quan