NGHỊ LUẬN XÃ HỘI | RANH GIỚI

Ngày 03/10/2021 10:53:38, lượt xem: 8378

Cuộc đời luôn tồn tại những ranh giới. Giữa lằn ranh sống chết mong manh, con người còn sức là còn cố gắng đến cùng, yêu thương đến cùng. Điều đó được ta thấy rõ trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Đây cũng là lúc để ta biết nâng niu quý trọng từng hơi thở, từng phút giây của sự sống đẹp đẽ này… Sau khi xem xong bộ phim “Ranh giới” của VTV tôi có ấn tượng với một câu kết rất hay rằng: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…”, vậy bạn có suy nghĩ gì về những  “ranh giới” ấy?

 


“Ranh giới” chúng ta có thể hiểu nôm na đó chính là đường phân giới hạn giữa hai khu vực, hai địa hạt, hai phạm trù nào đó… liền nhau. Như niềm vui- hạnh phúc, thất bại- thành công,.... hay thậm chí là sự sống và cái chết. Cuộc sống và cái chết là hai thái cực đối lập nhau dữ dội. Bởi thế càng yêu cuộc sống, con người lại càng sợ hãi trước cái chết. Khi chết, người ta sẽ phải rời xa vĩnh viễn tất cả những gì yêu thương, gắn bó, không còn được tận hưởng niềm hạnh phúc, những thú vui, lao động, cống hiến và sáng tạo. Đôi khi, lối sống hiện đại bộn bề khiến chúng ta chông chênh và bất an trước tương lai vô định. Ranh giới giữa sự sống và cái chết cũng dần trở nên mong manh vì bon chen kèn cựa, hãm hại lẫn nhau, vì bệnh tật hiểm nghèo, vì vô vàn điều bất trắc có thể xảy ra mỗi ngày. Có những cái chết đến một cách an tường như đi vào giấc ngủ, bên gia đình, người thân chăm lo thì cũng có những cái chết đầy đau đớn, dày vò, trong cô đơn và lạnh lẽo. Có những sự ra đi khiến người ta xót xa tận đáy lòng thì cũng có những sự ra đi không người quan tâm, chẳng ai hay biết. Đó cũng chính là ranh giới của lòng người.

Ở trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, chúng ta ám ảnh từ những bước chạy “ngật ngưỡng” trong bộ quần áo bảo hộ kín mít dọc theo hành lang hẹp, những cú điện thoại khẩn thiết đến lạc giọng, những tiếng tíc tíc kéo dài đến vô tận của máy monitor theo dõi… Ám ảnh từ những cú ép tim, thổi ngạt, những tiếng dỗ dành “thở đi, thở đi”… Tất cả đã hiện hữu một cách khốc liệt ở lằn ranh có thể nói là rất mỏng manh giữa sự sống và cái chết. Ranh giới, mỗi người chúng ta đã bao nhiêu lần đối diện với nó trong cuộc đời mình? Chắc chắn là rất nhiều, từ ranh giới giữa sáng và tối, chăm chỉ và lười biếng đến ý chí và dục vọng, rồi thiện lương và thấp hèn… Nhưng trên hết, ai đã từng đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết mới thực sự thấm đầy đủ ý nghĩa của hai chữ này. Chỉ cách nhau một làn hơi, một nhịp đập, một tia sáng… là đã thuộc về phía bên kia của thái cực.

 

ĐỌC THÊM NHỮNG CÂU NÓI CÀNG ĐỌC CÀNG THẤM THÍA


Nếu ai đã từng xem bộ phim “Ranh giới” của VTV đặc biệt thì sẽ dễ dàng nhận ra rằng: Trước mắt chúng ta là những con người bằng xương bằng thịt, đang đau đớn, đang giành giật từng nhịp thở chứ không còn là những con số thống kê mỗi chiều hiện lên trên bản tin thời sự. Đã bao lâu rồi họ chưa được về nhà? Đã bao lâu rồi họ chưa có bữa cơm gia đình? Đã bao lâu rồi họ chưa nhìn thấy ánh mặt trời lúc bình minh hay hoàng hôn? Thay cho tiếng cười đùa là những tiếng tít tít của đống thiết bị y tế vô hồn, mà nhịp nhanh chậm của âm thanh ấy gắn liền với sinh mạng của nhiều người. Các y bác sĩ đang phải chiến đấu, theo đúng nghĩa của từ này, để giành giật sự sống cho các bệnh nhân, trong cuộc chiến với những kẻ thù vô hình ngày càng hung hãn hơn với nhiều biến thể. Nó đã cướp đi mạng sống của nhiều bệnh nhân và cũng đe dọa mạng sống của chính các y bác sĩ. Với tôi, ở nơi mà bệnh nhân cần hơi thở gấp gáp, từng phút từng giây, nơi mà bác sĩ đang căng mình giành giật từng sự sống... không có chỗ cho những vai diễn hay những lời hoa mỹ. Nơi ấy, tôi cảm nhận được từ đôi mắt họ khát khao muốn trở về nơi bệnh nhân đang cần chứ không phải những lời nói sáo rỗng.


“Ranh giới” chân thực nhất ở chính giữa lằn ranh sự sống và cái chết. Đó là nơi những bác sĩ phải tiếp thêm nghị lực sống cho những bệnh nhân chấp chới nơi cửa tử, là những hoạt động cấp cứu diễn ra hàng giờ, là nụ cười hạnh phúc khi người bệnh từ cõi chết trở về.


“Ranh giới” ấy là khoảng cách giữa một người bác sĩ với một người bệnh nhân. Các thai phụ mắc COVID-19 rất nặng, các y bác sĩ phải giúp bệnh nhân thở, trông họ trong lúc thở, vận hành mọi thứ để có Oxy, lúc hết Oxy thì bóp bóng bằng tay cả đêm cho bệnh nhân... Họ như những “bình Oxy sống” cho bệnh nhân của mình trong cuộc chiến này.


Và “ranh giới” ấy chính là khi phải đối mặt với sự sống và cái chết của bệnh nhân thì bác sĩ không màng đến cả sự lây nhiễm. Hình ảnh người bác sĩ nhấn tim liên tục khi thai phụ trở nặng, kịp thời cứu sống bệnh nhân khiến người xem nghẹt thở, bởi nhấn tim là nguy cơ lây nhiễm cao nhất, nhưng cũng chỉ một giây phút do dự, có thể sẽ không cứu được người. Bản thân họ cũng đứng trước quá nhiều ranh giới, là ranh giới của sự lây nhiễm, của ý chí và hy vọng, của đoàn tụ và chia ly, của lựa chọn nên cứu mẹ hay cứu con... Bộ phim cho thấy, trên cuộc đời này, vẫn có những con người quên hết mọi thứ để cứu sống người khác, nhẫn nại và bao dung để yêu thương người xa lạ như người thân của mình, và đôi khi không màng đến nguy hiểm mà bản thân đang phải đối diện. Khoảnh khắc ấy chính là ranh giới không có rào cản về tình người, về sự quyết tâm giành giật sự sống cho các bệnh nhân. Thế nhưng, “Ranh giới” không chỉ có những căng thẳng và nỗi đau tột cùng. Nó còn có nhiều khoảnh khắc yêu thương và những niềm vui ấm áp trên nụ cười của bệnh nhân đang hồi phục, trên gương mặt những thiên thần vừa chào đời ở giữa nơi mà cái chết cận kề...

 

ĐỌC THÊM CẢI THIỆN ĐIỂM SỐ MÔN VĂN DỄ HAY KHÓ?


Con người thật nhỏ bé khi đứng trước bệnh tật, cuộc sống lúc ấy mong manh làm sao. Bao nhiêu sự nghiệp, tiền của đều không thể đáp ứng được bất cứ nguyện vọng của chúng ta ngay lúc ấy. Phải làm sao khi sự sống ngày một xa dần nhưng còn bao nhiêu điều tuyệt vời ngoài kia chúng ta còn chưa được trải nghiệm hết?.... Cuộc chiến chống dịch Covid -19 vẫn hết sức cam go. Ranh giới sinh tử còn đó. Sức mạnh nào để bước qua ranh giới ấy. Sự kiên cường, tình yêu thương, chấp nhận hy sinh, gian khổ của các y, bác sĩ, nhân viên y tế là chưa đủ, mà cần thêm sự chung tay của mỗi người chúng ta, trước hết bằng ý thức cao hơn trong việc phòng tránh dịch.


Mỗi con người cần phải biết trân trọng sự sống của bản thân, sống có ích và có trách nhiệm với mọi người xung quanh. Đừng bao giờ lãng phí nó, vì cuộc sống chỉ có 1 lần thôi, đừng bao giờ để nó trôi qua vô nghĩa. “Thời gian không đo bằng năm tháng mà nó đo bằng những gì ta đã làm được”. “Cuộc sống là chiến đấu và lao động, sự nghỉ ngơi hoàn toàn chỉ chờ chúng ta trong những nấm mồ”.
 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7  – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.

Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.

Tin liên quan