NGHỊ LUẬN XÃ HỘI | CÂU CHUYỆN VỀ THIỀN SƯ VÀ CHÚ TIỂU

Ngày 29/10/2021 14:50:41, lượt xem: 24657

Đề bài:

Chuyện xưa kể lại rằng, một buổi tối, một vị thiền sư già đi dạo trong thiền viện, chợt trông thấy một chiếc ghế dựng sát chân tường nơi góc khuất. Đoán ngay ra đã có chú tiểu nghịch ngợm nào đó làm trái qui định: Vượt tường trốn ra ngoài chơi, nhưng vị thiền sư không nói với ai, mà lặng lẽ đi đến, bỏ chiếc ghế ra rồi quỳ xuống đúng chỗ đó. Một lúc sau, quả đúng có một chú tiểu trèo tường vào. Đặt chân xuống, chú tiểu kinh ngạc khi phát hiện ra dưới đó không phải là chiếc ghế mà là vai thầy mình, vì quá hoảng sợ nên không nói được gì, đứng im chờ nhận được những lời trách cứ và cả hình phạt nặng nề. Không ngờ vị thiền sư lại chỉ ôn tồn nói: “Đêm khuya sương lạnh, con mau về thay áo đi”. Suốt cuộc đời chú tiểu không bao giờ quên được bài học từ buổi tối hôm đó.

Bài học từ câu chuyện trên gợi cho em những suy nghĩ gì?

Bài làm

 

Tyler Perry đã từng nói rằng: “Khi bạn không tha thứ cho một ai đó, tức là bạn đang quay lưng lại với tương lai của mình. Khi bạn bao dung, điều đó có nghĩa bạn đang tiến về phía trước”. Quả vậy, lòng khoan dung là một nguồn sức mạnh tiềm ẩn bên trong, là một trong những công cụ tuyệt vời nhất trong cuộc sống. Câu chuyện về vị thiền sư và chú tiểu đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho người đọc và đã làm thay đổi nhận thức của biết bao nhiêu người về vai trò và ý nghĩa của lòng khoan dung độ lượng trong cuộc sống.

Câu chuyện kể về một chú tiểu ham chơi trốn ra khỏi chùa và bị thiên sư biết được. Tuy nhiên, ngài không la rầy hay trách phạt nặng nề mà chỉ nhẹ nhàng bảo chú tiểu quay về. Thông qua câu chuyện, ta có thể dễ dàng nhận ra những đức tính mà thiền sư đang có, đồng thời cũng là những phẩm chất quan trọng của một người thầy. Khi biết chuyện, thiên sư đã làm ra hai hành động. Trước hết, ngài “không nói với ai mà lặng lẽ đi đến, bỏ chiếc ghế ra rồi quỳ xuống đúng chỗ đó” và để vai minh làm điểm tựa cho học trò. Tiếp đến, thiền sư ôn tồn mà nói với chủ tiểu: “Đêm khuya sương lạnh, con mau về thay ao đi”. Theo tâm lý học, một người phạm sai lầm khi đứng trước người thầy của mình thường có cảm giác rất sợ hãi, tay chân sẽ lạnh di và hoang mang không biết phải làm thế nào. Bởi họ bị một áp lực vô hình đè lên người, nó xuất phát từ nỗi sợ hãi và sự hổ thẹn trong lòng. Biết được điều đó, thiền sư không hề trách phạt cậu. Câu nói như một lời vỗ về tâm hồn đang căng cứng sợ hãi của chủ tiểu. Ta gọi đây là đức khoan dung và lòng từ bi trong Phật pháp và cũng là một phẩm chất đáng trân trọng của con người.

Khoan dung là biết tha thứ, bỏ qua cho những sai lầm thiếu sót của người khác; là biết chấp nhận những yếu đuối sai phạm của người khác và giúp họ đứng lên sau vấp ngã. Khoan dung là một phẩm chất tốt đẹp để tạo dựng nên mối quan hệ thân thiện, là sợi dây tình cảm gắn kết giữa con người với con người. Đây là thái độ sống đẹp, một phẩm chất đáng quý của con người. Trong cuộc sống ai cũng cần có sự cảm thông, bao dung của người khác với mình và ngược lại. Lòng bao dung chính là một cách để bản thân hòa nhập với xã hội, khiến cho cuộc sống trở nên ấm áp, muôn màu và cũng nhiều ý nghĩa hơn.

 

ĐỌC THÊM NGHỊ LUẬN XÃ HỘI | SUY NGHĨ VỀ QUAN NIỆM "CHO" VÀ "NHẬN"


Lòng khoan dung được thể hiện qua những việc làm như: luôn sẵn sàng tha thứ, không đố kị những lỗi lầm dù to lớn đến mấy của những người xung quanh. Bởi vậy, người có tấm lòng bao dung luôn được mọi người yêu mến, tin cậy và có nhiều bạn tốt. Sống ở trên đời ai cũng có những lầm lỗi. Lòng khoan dung giúp con người mắc lỗi nhận ra lỗi lầm và sửa chữa. Lòng khoan dung giúp mối quan hệ giữa người với người thêm tốt đẹp cuộc sống càng có ý nghĩa hơn. Khoan dung chính là thước đo phẩm chất của mỗi người.

Nhờ có lòng khoan dung, cuộc sống và quan hệ giữa mọi người trở nên lành mạnh, thân ái, dễ chịu. Lòng khoan dung có sức mạnh tạo động lực và niềm tin giúp người khác nhận rõ sai lầm và sửa đổi, khắc phục lỗi lầm và làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống này. Từ xưa đến nay, lối sống vị tha, bao dung, độ lượng vẫn mãi là truyền thống tốt đẹp, quý báu của con người Việt Nam. Truyền thống ấy khẳng định phẩm đức cao cao của dân tộc, là nguồn cội của tấm lòng nhân nghĩa, là sức mạnh chiến thắng kẻ thù xâm lược của dân tộc ta.

Nhiều hồi ký chiến tranh đã được xuất bản ở Pháp, ở Mỹ, trong đó có nhiều tác giả là cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam đã viết những dòng xúc động ca ngợi cái nhân, cái nghĩa của người Việt Nam ta. Nhiều tù binh Mỹ đã bị giam ở Hỏa Lò (Hà Nội) nay quay trở lại du lịch Hà Nội đã đến thăm lại Hỏa Lò và họ để lại những dòng cảm tưởng đáng trân trọng. Họ đã giới thiệu cho bạn bè thế giới về lòng bao dung, nhân hậu của người Việt Nam. Voltaire đã nói đúng, chính sự dung thứ lẫn nhau là liều thuốc quý giá nhất cho việc duy trì hòa bình ở khu vực và trên thế giới trong thế kỷ XXI này và cho mãi mãi về sau.

Hẳn bạn đã từng đọc tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao thì sẽ nhớ đến nhân vật Chí Phèo. Chí Phèo là người có bản tính lương thiện, tuy nhiên chính xã hội, chính con người đã đẩy hắn vào con đường cùng. Câu cuối cùng mà Chí Phèo nói trước khi chết chính là “Ai cho tao làm người lương thiện”. Như vậy vì xã hội và con người không bao dung, không rộng lượng, không thứ tha cho lỗi lầm của Chí Phèo nên hắn mới rơi vào tình trạng bi thảm như vậy. Qua câu chuyện này chúng ta mới thấy được rằng lòng khoan dung không bao giờ là thừa, lòng khoan dung sẽ tạo cơ hội cho bạn và cho chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn nữa.
Tuy nhiên, lòng khoan dung không phải là thứ có thể ban phát một cách bừa bãi, chúng ta cần phải khoan dung đúng người, đúng bản chất sự việc. Những kẻ cố ý giết người, cố ý sai phạm pháp luật nhiều lần, không có thái độ ăn năn hối cải thì phải chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật, để tránh họ gây hại cho xã hội. Hãy nhớ rằng khoan dung là tha thứ, giúp người lầm lỡ sửa chữa sai lầm của mình, giúp họ hiểu đạo lý “quay đầu là bờ”, chứ không phải khoan dung là bao che, là nhân nhượng cho cái ác hoành hành vì tình riêng. Đó không phải là khoan dung mà là tiếp tay cho cái xấu phát triển và bản thân người bao che ấy cũng đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng.

Lòng khoan dung là tài sản vô giá của con người và cũng là phương châm đối nhân xử thế tốt nhất. Chính tình yêu, sự tha thứ của mọi người khiến tôi đứng lên sau những thất bại. Và tôi tin là lòng khoan dung có sức mạnh cảm hoá mãnh liệt… Bạn đừng vội thất vọng khi thấy ai đó hay chính mình chưa đủ khoan dung để chấp nhận sự khác biệt hay tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Hãy mỉm cười và bước tiếp như thể phía trước là bầu trời bao la và rộng lớn, chan hòa nắng, gió và sóng biển rì rầm. Hãy cho mình và cho người thêm một cơ hội để vượt qua chính mình để thay đổi và yêu thương. Chỉ có yêu thương hơn nữa, trải nghiệm hơn nữa, trưởng thành hơn nữa, bạn mới đủ sức bao dung chứ không chỉ là khoan dung cho mình và cho người khác. Khoan dung là lễ vật lớn nhất của đời người. Nhưng khoan dung đôi khi cũng cần cả một đời.

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7  – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.

Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.

Tin liên quan