NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | SUY NGHĨ VỀ CÁI CHẾT CỦA VŨ NƯƠNG

Ngày 24/08/2021 15:31:45, lượt xem: 3448

"Qua cái chết đầy bi kịch của nhân vật Vũ Nương, chúng ta có thể thấy được số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến bất công dưới ảnh hưởng của hệ tư tưởng nam quyền. Chi tiết về cái chết của nàng đã tạo nên giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm..."

 

 

BÀI PHÂN TÍCH VỀ CÁI CHẾT CỦA VŨ NƯƠNG

Trong “Đoạn trường tân thanh”, đại thi hào Nguyễn Du từng phải thốt lên rằng:
“Đau đớn thay phận đàn bà 
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”
                                            (Truyện Kiều – Nguyễn Du) 


Từ lâu, hình ảnh những người phụ nữ với biết bao nhiêu những phẩm chất tuyệt vời như tần tảo, giàu đức hi sinh, lòng vị tha, nhất mực thủy chung với chồng, với con đã đi vào thi ca nhạc họa nuôi một nguồn cảm hứng dồi dào, bất tận. Thế nhưng, trong xã hội phong kiến nam quyền độc đoán với quan niệm “trọng nam khinh nữ” người phụ nữ đã không thể có được tiếng nói của riêng mình, họ đã phải chịu rất nhiều những đắng cay, bất công và ngang trái. Thấu hiểu được điều đó, Nguyễn Dữ đã thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ bằng việc viết lên tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”. Đó là tác phẩm văn xuôi trong Truyền Kỳ mạn lục, phản ánh hiện thực xã hội, thể hiện ước mơ nhân đạo sự nhân đạo, ca ngợi về phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên người đọc vẫn không khỏi xót xa với số phận bi kịch, cái kết không ai mong muốn đối với nàng Vũ Nương- người con gái hồng nhan mà bạc phận.


Câu chuyện phản ánh sinh động về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Chuyện kể về nàng Vũ Thị Thiết – người con gái quê ở Nam Xương, tính tình thuỳ mị nết na, tư dung tốt đẹp nhưng lấy phải người chồng là Trương Sinh – vốn là con nhà giàu nhưng thất học và có tính đa nghi. Ít lâu sau, chiến tranh loạn lạc diễn ra, Trương Sinh phải đi lính. Chồng đi vừa đầy tuần, nàng hạ sinh được một đứa con trai đặt tên là Đản. Nàng ở nhà nuôi con và phụng dưỡng mẹ chồng. Rồi người mẹ chồng cũng qua đời, nàng lo ma chay tử tế. Hết chiến tranh, Trương Sinh trở về bồng con ra thăm mộ mẹ. Chỉ vì lời nói ngây thơ của đứa trẻ, chàng quay về nhục mạ và đuổi nàng đi vì cho rằng nàng không chung thủy. Vì nỗi oan không được giải bày, nàng nhờ dòng sông Hoàng Giang rửa sạch mối oan tình. Sau chàng hiểu nỗi oan của vợ nhưng tất cả đã muộn màng. 


Đây quả là một nỗi oan nghiệt ngã khôn cùng của Vũ Nương. Người ta nói rằng, nguyên nhân gián tiếp đầu tiên dẫn đến nỗi oan của Vũ Nương là việc Trương đi đánh giặc ngoài biên ải, cũng là do chiến tranh, cũng là khiến cho mẹ chàng Trương mất. Cũng có người nói đó không phải là nguyên nhân, mà nếu thay đổi cốt truyện, chàng Trương đi học, hay đi làm ăn cũng sẽ như vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu là đi học hay đi làm ăn, với một người không có học như Trương thì quả là chưa thỏa đáng, vả lại nếu thực là đi học hay đi làm ăn, bà cụ cũng sẽ không thể nào nhớ và lo lắng đến mức sinh bệnh, và khi bà bị ốm, chẳng nhẽ Trương không về thăm bà hay sao? Do đó, chiến tranh quả là một nguyên nhân vậy.

 

ĐỌC THÊM NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | "CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG" - NGUYỄN DỮ


Nguyên nhân thứ hai chính là lời nói bông đùa của Vũ Nương đối với con, rằng cái bóng của nàng là cha Đản. Có người nói nàng vì thỏa lòng mong nhớ của nàng với chàng Trương mà nàng lại nói đùa với con như thế. Nhưng theo tôi, lời nói bông đùa đó cũng giống như câu đùa cợt của những người họ hàng, làng xóm nói với một đứa bé khi mẹ nó sinh con: “Mẹ con có em bé rồi, không thương con nữa đâu”.


Và từ câu nói đùa tưởng chừng vô hại đó mà dẫn đến những hậu quả khôn lường. Có thể đứa trẻ hiểu đó là câu nói đùa và quên ngay, nhưng cũng vẫn có thể đứa trẻ tưởng là nói thật và có những hành động như đánh đập đứa em vừa chào đời, ghét em, hay thậm chí là tự tử,…


Như thế, lời nói đùa tưởng chừng vô hại đã đẩy Vũ Nương vào một nỗi oan mà không oan, và trong lời than trước khi nhảy xuống sông Hoàng Giang, Vũ Nương có nói: “Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.” thì nàng không lừa chồng nhưng lại dối con chiếc bóng mình là cha Đản.


Và sau này, khi Đản lớn, biết chuyện rồi, lại không xuất hiện nỗi oan kia của Vũ Nương, thì thằng bé sẽ nghĩ gì về mẹ nó khi cái suy nghĩ cái bóng của mẹ nó là cha nó đã thâm căn cố đế trong đầu nó? Chắc chắn nó sẽ khó lòng mà tin tưởng được mẹ nó khi mẹ nó đã lừa nó suốt bao nhiêu năm trời!


Để thể hiện niềm cảm thông, sự chia sẻ, niềm xót thương với nỗi khổ đau của người phụ nữ đương thời, Nguyễn Du đã đòi lại sự công bằng, hạnh phúc cho họ bằng việc sáng tạo ra đoạn truyện dưới thủy cung, vạch ra cho người phụ nữ một con đường giải thoát bi kịch. Sau khi nhảy sông tuẫn tiết, nàng may mắn được Linh Phi – vợ vua biển Nam Hải cứu vớt. Gặp được Phan Lang dưới thủy cung, nàng nhờ Phan Lang đem về gửi cho Trương Sinh chiếc hoa vàng cài tóc, dặn dò: “nếu còn nhớ tới tình xưa nghĩa cũ, xin lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây đèn thần dưới nước, tôi sẽ trở về”. Trương Sinh nghe lời, lập đàn tràng ba ngày, ba đêm, Vũ Nương thấp thoáng hiện về trên chiếc kiệu hoa giữa dòng, võng lọng, cờ kiệu rực rỡ đầy sông.


Tạo nên kết thúc truyện như thế, Nguyễn Du đã đáp ứng được ước mơ của con người về sự bất tử, sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp, thể hiện nỗi khát khao một cuộc sống công bằng, hạnh phúc cho những con người lương thiện, đặc biệt là người phụ nữ đương thời.

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7  – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.

Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.

Tin liên quan