HÌNH ẢNH "TRĂNG" TRONG "KIỀU Ở LẦU NGƯNG BÍCH" - NGUYỄN DU

Ngày 28/09/2023 17:07:18, lượt xem: 2050

-------------------------

 

Vầng trăng trong “Truyện Kiều” không chỉ là trăng thiên nhiên mà còn là một người bạn tri kỉ của nàng Kiều tài hoa bạc mệnh. Trong tình cảnh cô đơn lẻ loi nơi lầu Ngưng Bích, Kiều hướng mắt trông ra cảnh vật xung quanh, thu trọn trong tầm mắt là bóng núi xa và tấm trăng gần:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”

Trăng đã xuất hiện man mác, trăng trắng trên bầu trời nhưng ánh sáng ban ngày vẫn đủ để nhìn thấy bóng núi phía xa xa. Sự đồng hiện của hai hình ảnh “vẻ non xa”, “tấm trăng gần” trong ánh nhìn của Kiều cho thấy đây là lúc hoàng hôn đang dần buông xuống. Câu thơ vì thế mà đã mang chút dư vị của nỗi buồn. Và khi cảm nhận sâu hơn từng từ ngữ, ta còn thấy tác giả Nguyễn Du dường như cũng cảm hiểu được nỗi buồn kia trong lòng Kiều để rồi gợi lên bên cạnh nàng người bạn trăng tri kỉ. Tác giả không dùng từ “ánh trăng”, “mảnh trăng”, “vầng trăng” mà dùng từ “tấm trăng” có lẽ bởi nếu không phải là “tấm trăng” thì sẽ không thể gần gũi đến thế. Bởi sắc thái biểu đạt của từ “tấm” khiến người ta liên tưởng đến những vật nhỏ bé, tuy không đáng giá nhưng lại được trân trọng như “tấm áo manh quần”, “đồng quà tấm bánh”; hay từ “tấm” cùng gắn liền với “tấm thân”, “tấm lòng” của đời sống con người. “Tấm trăng” ở đây quả thực là tia sáng ấm áp hiếm hoi hiện hữu giữa muôn trùng không gian rộng lớn bát ngát, quạnh hiu. Xung quanh Kiều là “non xa”, là bát ngát “cồn cát”, “bụi hồng”, nhìn lên chỉ có “tấm trăng gần ở chung”. Trong mắt Kiều, trăng không phải là một vật thể kì vĩ, xa xôi của tự nhiên, mà trăng như một vật nhỏ bé, như tấm thân, tấm lòng, tấm tình, một người bạn thật gần gũi, thân thương, tâm tình, sẻ chia nỗi lòng. Có lẽ lúc này chỉ có trăng mới hiểu nỗi cô đơn, bẽ bàng, nỗi sợ hãi của Kiều.

 

ĐỌC THÊM: PHÂN TÍCH TÁC PHẨM "KIỀU Ở LẦU NGƯNG BÍCH"

 

Hơn nữa, trăng đã từng chứng giám cho đêm thề nguyền của Kiều và Kim Trọng:

“Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai mặt một lời song song”

Cho nên trăng giờ đây không chỉ là bạn, người thân gần nhất, trăng còn gợi nhớ kỉ niệm thiêng liêng, còn là hình bóng chàng Kim trong trái tim đang thấm đẫm buồn sầu của nàng. Có lẽ từ “tấm trăng gần” trước mặt mà Kiều càng nhớ hơn, hoài niệm hơn, sống lại trong kỉ niệm với chàng Kim yêu dấu:

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”

Như vậy cách dùng từ của thi hào Nguyễn Du thật giản dị, mộc mạc nhưng đắc địa, có giá trị biểu đạt cao, giàu sức gợi hình, gợi cảm, giúp làm vơi đi, giảm đi nỗi cô đơn, cô quạnh của Kiều. Điều đó chứng tỏ tác giả không chỉ hiểu sâu sắc nội tâm nhân vật mà còn rất tài tình trong việc kết nối, giao thoa giữa cảnh và tình, trong việc dùng ngôn ngữ chính xác, hợp văn cảnh. Đây cũng là một trong những phương diễn thành công làm nên kiệt tác “Truyện Kiều”.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan