Đăng Ký Học
Ngày 08/09/2020 15:41:21, lượt xem: 4836
Đề bài: “Sóng là bài thơ tình tiêu biểu của Xuân Quỳnh, thể hiện một tâm hồn luôn luôn trăn trở, khát khao được yêu thương gắn bó.”
Anh (chị) hãy bình giảng những khổ thơ sau đây để làm sáng tỏ nhận định trên:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
...
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương”
-----Bài làm-----
1. MB:
- Dẫn dắt, có thể đi từ nhiều đề tài:
+ Đề tài tình yêu
+ Tác giả
+ Nhận định về tác giả, tác phẩm
+ Một số lí luận văn học
…
VD: Ai đó đã từng nói rằng: “Thơ là tiếng của cảm xúc, là tiếng nói của tình yêu”. Những vần thơ của Xuân Quỳnh cũng vậy. Với chị, mỗi dòng thơ hệt như những dòng nhật kí bỏ ngỏ xuất phát từ trái tim về những khát khao, những cảm xúc, những suy nghĩ lo âu của người phụ nữ khi đứng trước bao lo toan, hạnh phúc đời thường. Và để rồi cứ thế, “Sóng” của Xuân Quỳnh lặng lẽ đi vào lòng người như một “nốt nhạc xanh giữa thời kì lửa cháy” với bao khát vọng về tình yêu và tuổi trẻ. Nhận định về thi phẩm “Sóng” có ý kiến cho rằng: “Sóng là bài thơ tình tiêu biểu của Xuân Quỳnh, thể hiện một tâm hồn luôn luôn trăn trở, khát khao được yêu thương gắn bó”. Qua hai khổ thơ sau:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
...
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương”
2.TB
a) Luận điểm 1: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
Xuân Quỳnh là nữ nhà thơ tiêu biểu của thế hệ văn nghệ sĩ thời kì kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt. Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, nữ thi sĩ được biết đến là một người phụ nữ sinh ra để yêu và làm thơ. Người yêu thơ mệnh danh cho chị là “Nữ hoàng của thơ ca tình yêu”. Thơ của Xuân Quỳnh là tiếng nói nhân hậu, thủy chung, giàu trực cảm và da diết, khát vọng hạnh phúc đời thường. Đề tài chính trong thơ bà là gồm hai mảng đề tài lớn: viết cho thiếu nhi và viết về tình yêu.
“Sóng” là bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ ca của Xuân Quỳnh, in trong tập “Hoa dọc chiến hào” – được coi là bông hoa đẹp nở dọc chiến hào thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bài thơ được sáng tác vào năm 1967 trong một chuyến đi thực tế tại vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Có lẽ khi viết “Sóng” Xuân Quỳnh đang ở độ tuổi 25 – đã trải qua những đổ vỡ đầu tiên trong tình yêu. Vì vậy khi đọc tác phẩm này, bên cạnh sự mãnh liệt trong tình yêu, ta thấy có chút gì đó nhẹ nhàng, sâu lắng.
a) Luận điểm 2: Phân tích
- Tình yêu thường gắn liền với nỗi nhớ - một trong những gam màu chủ đạo. Nếu như thi sĩ Tản Đà từng có những câu thơ:
“Quái lạ làm sao cứ nhớ nhau
Nhớ nhau đằng đẵng suốt đêm thâu”
thì đến với “Sóng” của Xuân Quỳnh nỗi nhớ trong tình yêu cũng được diễn tả khắc khoải, da diết đầy mãnh liệt như thế nhưng lại theo một cách độc đáo hơn:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ nổi
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
+ Đặc biệt đến đây biên độ của khổ thơ như được mở rộng hơn từ bốn lên sáu câu. Phải chăng đây chính là ngụ ý của tác giả để có thể diễn tả cho đạt, cho thoả sự ngút ngàn của nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy bao trùm khắp không gian, thời gian và cả trong tiềm thức.
+ Tình yêu cũng giống như những con sóng, người ta không chỉ nhìn thấy những con sóng trên mặt nước ngày đêm điên cuồng vỗ vào bờ mà ta còn biết đến những con sóng ngầm dưới lòng đại dương âm thầm và mãnh liệt:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước”
+ Với hình thức lặp cấu trúc, đặt giữa hai không gian “dưới lòng sâu” và “trên mặt nước” câu thơ đã tạo nên sự trùng điệp của từng đợt sóng khác nhau. Cũng giống như sóng ngoài biển khơi, tình yêu của em cũng vậy. Nó không chỉ được nhìn thấy qua dáng vẻ bên ngoài mà còn từ tận đáy sâu trong tâm hồn, khi lặng lẽ, êm đềm lúc nồng nàn
sôi nổi.
=> Đặt trong mối tương quan ở trên khiến cho người đọc cảm nhận nỗi nhớ ấy mạnh mẽ, da diết hơn.
- Nỗi nhớ ấy như thấm đẫm từ ngọn sóng tới chân sóng, nó không chỉ lan tỏa trong không gian mà còn bao trùm khắp thời gian:
“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”
+ Thán từ “Ôi” được tác giả đặt đầu câu thơ thể hiện cảm xúc dạt dào sâu lắng.
+ Hình ảnh nhân hóa “sóng nhớ bờ” khiến cho hình tượng sóng trở nên sống động và cụ thể hơn, giống như một người con gái với những diễn biến tâm trạng sinh động.
+ Bờ là đích đến cuối cùng của sóng, vì nhớ bờ mà sóng bất chấp không gian rộng lớn của biển khơi, bất chấp “muôn trùng sóng bể”, thời gian “ngày-đêm” để vươn về bờ một cách nhanh nhất. => Con sóng nhớ bờ tới mức ngày đêm không ngủ được cũng có nghĩa là em nhớ anh đến trằn trọc, thao thức suốt canh thâu. Câu thơ gợi ta nhớ đến nỗi nhớ đằng đẵng không ngừng nghỉ của người chinh phụ chờ chồng trong bài “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn:
“ Gà eo óc gáy sương năm trống
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên
Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”
- Nếu như bốn câu thơ trước em ẩn mình trong sóng để bộc bạch nỗi nhớ nhung thì đến hai câu thơ cuối em đã tách mình ra khỏi sóng hạ lời thì thầm hai tiếng “em - anh”.
- Dường như khi mượn hình ảnh thao thức nhớ bờ cát của sóng để diễn tả nỗi nhớ của mình Xuân Quỳnh vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn. Vì vậy chị đành bộc lộ trực tiếp:
“ Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
+ Cách nói của nữ thi sĩ rất độc đáo, nỗi nhớ giờ đây không chỉ xuất hiện trong ý nghĩa, tiềm thức mà còn xuất hiện trong vô thức, phá vỡ mọi giới hạn về không gian và thời gian.
+ Cụm từ “lòng em” được đưa vào trong thơ một cách vô cùng tinh tế. Đó là nơi sâu thẳm trong tâm hồn người nghệ sĩ, là nơi chưng cất tình cảm của em. Vì vậy khi chị nói “lòng em nhớ” có nghĩa là em đang dốc trọn tâm can của mình để trao nỗi nhớ thương cồn cào, da diết tới anh.
+ “Thức” là biểu hiện cao nhất của nỗi nhớ. Nó từng xuất hiện ở trong một bài thơ khác của Xuân Quỳnh:
“Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu mong nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ”
=> Thức ở đây phải chăng là cái thức của sự lo âu, trăn trở, thức để yêu anh để giữ gìn hạnh phúc đôi ta.
=> Đúng là một nỗi nhớ cồn cào, da diết cháy bỏng, không thể nào nguôi. Nó cuồn cuồn dạt dào giống như những con sóng triền miên vô hồi.
=> Bất tuân theo những quy luật nghề thơ, chỉ mong muốn được trải lòng mình viết về những điều xưa nay vẫn là thuộc tính của tình yêu: nỗi nhớ. Một nỗi nhớ da diết, khắc khoải, quặn thắt, bao trùm cả không gian vào thời gian.
- Trong tình yêu, khoảng cách và thời gian sẽ chẳng là gì nếu như chúng ta luôn nghĩ về nhau. Vì yêu là nhớ, vì yêu là thương. Nhưng nếu nhớ thôi chưa phải là tất cả, trái tim của người con gái khi yêu còn hướng tới những phẩm chất cao đẹp hơn đó là tấm lòng thủy chung son sắt:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương”
+ Giống như sóng chỉ có điểm đến duy nhất là bờ thì em cũng chỉ có một phương độc nhất làm điểm đến đó là phương anh.
+ Nhà thơ chọn cách nói ngược “xuôi Bắc ngược Nam” khác với cách nói dân gian “xuôi Nam ngược Bắc” để khẳng định dù cuộc đời, đất trời có 4 phương 8 hướng, dẫu cho ai đi về phương Nam hay ngược lên phương Bắc thì trái tim của em chỉ có duy nhất 1 phương để hướng về - phương anh – phương của khát vọng tình yêu.
+ Từ “em nhớ” ở khổ thơ 5 đến “em nghĩ” ở khổ 6 là cả 1 sự chuyển biến đầy tinh tế. Nếu “nhớ” đôi khi chỉ theo cảm tính thì “nghĩ” lại thể hiện sự suy tư sâu lắng.
=> Những khó khăn thử thách sẽ là một bài kiểm tra chứng minh sự thủy chung của con người trong tình yêu. Có lẽ đây cũng là một quan niệm về tình yê của nữ sĩ Xuân Quỳnh – tình yêu phải gắn liền với lòng thủy chung tuyệt đối.
=> Liên hệ với đoạn thơ trong bài thơ “Thuyền và biển” – Xuân Quỳnh:
“Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có thuyền mới biết
Thuyền đi đâu về đâu.”
c) Đánh giá về nghệ thuật: Với thể thơ ngũ ngôn với nhịp thơ linh hoạt, giọng điệu chân thành, da diết, sự sáng tạo, phá vỡ khuôn khổ của khổ thơ truyền thống. Ngôn ngữ thơ bình dị, thủ pháp nhân hoá, ẩn dụ; cặp hình tượng sóng đôi "sóng - em"
d) Mở rộng: Đặt bài thơ vào trong hoàn cảnh ra đời năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, khi những thanh niên đang hừng hực khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, ta mới càng thấy rõ nỗi khát khao của người con gái trong tình yêu: “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được”. Ta càng ngưỡng mộ hơn những con người phụ nữ Việt Nam, những con người luôn thuỷ chung, luôn sống hết mình vì một tình yêu.
3. KB: Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận và có thể liên hệ mở rộng theo hướng đi từ một nhận định, cảm nghĩ của bản thân…
VD: Quả thực nhận định: “Sóng là bài thơ tình tiêu biểu của Xuân Quỳnh, thể hiện một tâm hồn luôn luôn trăn trở, khát khao được yêu thương gắn bó” hoàn toàn hợp lí. Từ cách sử dụng cấu tứ bài thơ, cách gieo vần nhịp, sử dụng hình ảnh và đôi khi còn bất tuân theo cả những quy luật của nghề thơ, Xuân Quỳnh đã đưa người đọc từ cung bậc này tới cung bậc khác trong tình yêu, để người đọc thêm một lần chìm đắm và suy ngẫm về tình yêu của chính mình. “Sóng” đã tự nhiên, trở thành tiếng hát, tiếng lòng của biết bao nhiêu người trẻ khát sống, khát yêu, hệt như Xuân Quỳnh.
____________
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn
Tin liên quan