Ý NGHĨA NHAN ĐỀ TÁC PHẨM: CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

Ngày 06/09/2020 16:34:34, lượt xem: 4161

Ý NGHĨA NHAN ĐỀ TÁC PHẨM: CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

- “Chiếc thuyền ngoài xa” là một nhan đề mang tính biểu tượng, hé mở tình huống truyện, thể hiện chủ đề của tác phẩm. Nhan đề bao gồm đối tượng quan sát là “chiếc thuyền", cự li quan sát là “ngoài xa”, người quan sát là nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng.
- “Chiếc thuyền” vừa là nơi cư ngụ của các gia đình làng chài nghèo khổ, vừa là điểm chốt xuất hiện ở trong bức tranh nghệ thuật của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng sau nhiều ngày mai phục.
- “Ngoài xa” là khoảng cách điểm nhìn của người nghệ sĩ tính từ bờ đến chiếc thuyền.
=> Cùng một người quan sát, cùng một đối tượng quan sát, nhưng ở các cự ly khác nhau sẽ cho những kết quả khác nhau, dẫn đến nhận thức khác nhau. Chính sự tàn nhẫn giữa ngoại cảnh và hiện thực cuộc sống được quan sát ở nhiều góc độ khác nhau khiến cho nhan đề tác phẩm gợi rất nhiều ý nghĩa.
- Chiếc thuyền ngoài xa xuất hiện trong truyện ngắn trước hết hướng người đọc về một hình ảnh tuyệt đẹp, nó toàn bích như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Vẻ đẹp ấy khiến cho người nghệ sĩ bối rối, xúc động, cảm thấy “khám phá thấy chân lý của cái toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nhưng khi con thuyền tới gần, phía sau vẻ đẹp hoàn hảo ấy là bao ngang trái, đau khổ, phũ phàng của người dân làng chài nghèo khổ.
=> Thoạt nhìn sẽ có nhiều hình ảnh rất đẹp nhưng nếu như ta nhìn kĩ vào sâu bên trong bản chất của nó thì hoàn toàn ngược lại. Vì vậy ta cần nhìn nhận đúng đắn và tinh tường: phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều, tránh cái nhìn giản đơn, sơ lược, hời hợt, nhìn hình thức, phát hiện ra bản chất thực sự sau bề ngoài của sự vật, hiện tượng.
- Đồng thời nhan đề còn gửi một thông điệp giản dị tới những người nghệ sĩ về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật: Nghệ thuật đích thực luôn gắn bó khăng khít với hiện thực cuộc sống, người nghệ sĩ phải có bản lĩnh trung thực để khám phá những hiện thực, dẫu là tàn nhẫn của cuộc sống con người. Chỉ khi nào người nghệ sĩ có trách nhiệm trong cái nhìn hiện thực cuộc sống, có “mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh” thì khi ấy tác phẩm nghệ thuật mới đạt được giá trị cao nhất. Ấy là “giá trị nhân đạo”.

Tin liên quan