CÔNG THỨC VIẾT MỞ BÀI

Ngày 28/05/2021 17:27:10, lượt xem: 59023

MỞ BÀI THEO THỜI ĐẠI VĂN HỌC

1.    Văn học trung đại
Balzac đã từng nói: “Nhà văn phải là thư kí trung thành của thời đại”. Qua những tác phẩm văn học ta thấy được những quy chuẩn vẻ đẹp, những tư tưởng đạo đức của từng thời đại cùng cái nhìn nhân đạo của tác giả đối với những kiếp người qua nhân vật của mình, mang theo những giá trị vượt qua quy luật của thời đại. Tác phẩm… của nhà văn … đã phản ánh lên cái nhìn thời đại của xã hội xưa cũ vào thế kỉ…. Qua đó ta thấy được (giá trị của tác phẩm) mà tác giả gửi gắm đến những thế hệ độc giả.
2.    Thơ cách mạng
Khi nhìn lại chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã nói rằng: “Nếu như phải vẽ lại lịch sử Việt Nam thì trang nào cũng phải vẽ một thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu”. Với đề tài đất nước và người chiến sĩ, thơ ca giai đoạn 1945-1975 chủ yếu là thơ ca cách mạng với khuynh hướng sử thi cùng cảm hứng lãng mạn, đồng hành cùng người dân hậu phương và những người lính nơi tiền tuyến. Qua đó thể hiện tinh thần dân tộc cùng vẻ đẹp hào hùng bi tráng của người lính. Tiêu biểu cho thơ ca thời đại này là tác phẩm… của nhà thơ… Tác phẩm thể hiện…
3.    Văn cách mạng
 Bác Hồ từng nói: “ Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Hưởng ứng lời dặn dò của Người, những nhà văn của thời cách mạng vẫn là những “ người thư kí trung thành của thời đại” ôm lấy trong mình một tình yêu nước nồng nàn để rồi tràn ra những trang viết trang văn của mình một tinh thần dân tộc tràn đầy, về đất nước, về những trái tim yêu nước thiết tha và những lí tưởng cao cả. Tiêu biểu cho văn học thời kháng chiến là tác phẩm… của nhà văn… Tác phẩm thể hiện… Qua đó ta thấy được tinh thần yêu nước cùng cảm hứng của thời đại qua từng trang văn tác phẩm mà tác giả gửi gắm.
4.    Văn hiện đại về nạn đói
Nạn đói năm 1945 được coi như một khoảng đen tối của lịch sử dân tộc ta, nó đã trở thành một nỗi ám ảnh khủng khiếp của người dân Việt Nam mà chính nhà văn Tô Hoài cũng từng nói: “Mỗi khi chợt nghĩ lại, tôi vẫn bàng hoàng về những năm khủng khiếp ấy". Nạn đói khủng khiếp ấy đã cướp đi mạng sống của hơn hai triệu đồng bào ta, để lại nỗi đau mất mát to lớn cho người ở lại. Đã có rất nhiều trang văn để đời viết về thời kì đen tối của lịch sử dân tộc ấy, ở đó có những góc nhìn những mảnh đời khốn khổ dưới sự hành hạ của nạn đói nhưng cũng sáng lên những tâm hồn tươi đẹp của những người dân hiền lành mà khốn khổ trong xã hội tăm tối ấy. Tác phẩm … của nhà văn .. là một tác phẩm tiêu biểu khi viết về nạn đói năm Ất Dậu ấy. Tác phẩm đã thể hiện…

 

 

MỞ BÀI THEO CÁC DẠNG
 
1: Mở bài trực tiếp:
Là cách đi thẳng vào vấn đề cần nghị luận. Nghĩa là sau khi đã tìm hiểu đề và tìm được vấn đề trọng tâm của bài nghị luận, ta nêu thẳng vấn đề đó ra bằng một luận điểm rõ ràng. Tuy nhiên khi mở bài trực tiếp phải đáp ứng đủ các yêu cầu của một phần mở bài đúng: đủ ý, không nói thiếu, nhanh gọn. Không nói quá dài khiến hình thức cũng như nội dung phần này sẽ không được chắt lọc, cô đọng thiếu sức hấp dẫn với người đọc, người nghe.
VD: Nếu đề bài yêu cầu nghị luận về tác phẩm “ Bài thơ về Tiểu đội xe không kính” thì mở bài phải giới thiệu được tên tác giả phong cách thơ tác giả, tên tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, trích dẫn khổ thơ, hoặc giới thiệu vấn đề nghị luận.
Mở bài mẫu:
Phạm Tiến Duật được mệnh danh là nhà thơ của Trường Sơn, thi sĩ huyền thoại của đường mòn Hồ Chí Minh những năm chống Mỹ. Vừa chiến đấu vừa sáng tác thơ, thơ của Phạm Tiến Duật đã mang tất cả những gì là hiện thực của cuộc sống chiến đấu nơi chiến trường với giọng điệu trẻ trung và khí thế hào sảng nhất, tiêu biểu như “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Bài thơ đã ghi lại những nét ngang tàng, dũng cảm và lạc quan của người chiến sĩ lái xe trong binh đoàn vận tải quân sự, qua đó ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đánh Mỹ.
2: Mở bài gián tiếp:
Với cách này người viết phải dẫn dắt vào đề bằng cách nêu lên những ý có liên quan đến luận đề (vấn đề cần nghị luận) để gây sự chú ý cho người đọc sau đó mới bắt sang luận đề. Người viết xuất phát từ một ý kiến, một câu chuyện, một đoạn thơ, đoạn văn, một phát ngôn của nhân vật nổi tiếng nào đó,... dẫn dắt người đọc đến vấn đề sẽ bàn luận trong bài viết. Mở bài theo cách này tạo được sự uyển chuyển, linh hoạt cho bài viết, hấp dẫn người đọc.
Ví dụ: Đề bài yêu cầu ta cảm nhận về tình đồng chí, đồng đội trong bài thơ “ Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu.
 
Mở bài mẫu:
“Cuộc đời anh, cho tôi chia một nửa
Nửa giọt mồ hôi vạt áo còn đầm
Nửa dãy Trường Sơn thác ghềnh vất vả
Nửa bát cơm hạt muối nhọc nhằn”...
(“Một nửa” – Chính Hữu)
Tình đồng chí, đồng đội trong thơ Chính Hữu luôn là vậy, nó đẹp một cách giản đơn, đẹp một cách lạ thường. Với “Đồng chí”, Chính Hữu đã góp thêm một tiếng thơ hay về người lính và tình đồng đội cho nền thơ kháng chiến chống Pháp. Bằng những chi tiết, những hình ảnh hết sức chân thật, cụ thể mà đầy tính chắt lọc, khái quát, bài thơ đã thể hiện một cách cảm động tình đồng chí gắn bó giữa những người nông dân mặc áo lính, cùng chiến đấu giữ gìn độc lập tự do của Tổ quốc.
 
3: Công thức mở bài nhanh:
Với dạng đề phân tích nhân vật:
Cách 1: Nhà văn Tô Hoài đã từng nói rằng: “ Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”. Quả đúng như vậy, nhân vật không chỉ là nơi bộc lộ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm mà còn là nơi tập trung các giá trị nghệ thuật của đứa con tinh thần mà nhà văn sáng tạo ra. Ở mỗi tác phẩm văn học, các nhà văn luôn dùng ngòi bút tài năng của mình để thổi hồn vào những nhân vật một cách độc đáo và tinh tế nhất. Và trong tác phẩm….nhà văn/ nhà thơ….đã thực sự thành công khi ghi lại dấu ấn đậm nét của mình trong trái tim đọc giả bằng hình tượng nhân vật…..
Cách 2: Betông Brecht cho rằng: “Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là những bản dập của những con người sống mà là những hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả”. Với nhà văn/ nhà thơ….. họ đã thực sự thành công khi thể hiện tiếng lòng, tư tưởng riêng của mình thông qua hình tượng nhân vật……Sự tinh tế, độc đáo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà thơ/ nhà văn đã góp phần chắp cánh cho tác phẩm vút bay trên bầu trời văn đàn dân tộc.
Cách 3: Một tác phẩm văn học chỉ thực sự có giá trị khi nó cất lên tiếng nói của con người, ca ngợi và bảo vệ con người. Bởi thế Nam Cao từng nói: “ Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp sống lầm than” (Trăng Sáng). Văn chương là vậy, nó vẫn luôn đẹp một cách đặc biệt nhất. Phải chăng chính vì thế mà các nhà thơ/ nhà văn luôn tạo ra những nét riêng cho mình bằng việc xây dựng lên những hình tượng nhân vật độc đáo chở nặng tâm tư của tác giả. Điều đó được thể hiện rõ qua nhân vật….trong tác phẩm….của nhà thơ/ nhà văn….
Với dạng đề nghị luận đoạn trích, đoạn thơ, văn xuôi
Cách 1: “ Hương nhụy trong mát và ngọt lành của cuộc sống chính là văn học”. từ bao đời nay, văn học và cuộc sống luôn có mối quan hệ hữu cơ gắn kết khó có thể tách rời. Ví như con ong cần mẫn tìm mật ngọt cho đời, văn học- bằng chức năng và tác dụng diệu kì của mình, đã tiếp xúc, thu nhặt những chất liệu từ cuộc sống để khám phá, ntais hiện nâng cuộc sống lên một tầm cao mới, tìm đến những giá trị Chân- thiện- mĩ của đời. Và tác phẩm…. của nhà thơ/ nhà văn…..là một tác phẩm mang nhiều giá trị như vậy.
Cách 2: Đâu là cầu nối giữa quá khứ và tương lai? Đâu là thanh nam châm hút mọi thế hệ? Đó chẳng phải là văn học hay sao! Văn học vẫn luôn sống một cuộc đời cao đẹp gắn liền với con người và kết tinh những giọt ngọc của thời đại. Và những tác phẩm văn học lâu nay vẫn luôn hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình dẫn dắt con người đến với sứ sở của cái đẹp, của những điều tinh túy nhất trên chặng đường phát triển của nó. Với nhà văn/ nhà thơ…… họ đã thực sự thành công và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng đọc giả với tác phẩm chứa đựng vô vàn giá trị ý nghĩa:…..  
 
 
MUỐN CÓ BÀI VIẾT ẤN TƯỢNG, TRƯỚC TIÊN PHẢI BIẾT CÁCH MỞ BÀI BẰNG LÍ LUẬN VĂN HỌC…..


Người xưa đã từng nói “Văn hay chẳng nệ đọc dài – Mới mở đầu bài đã biết văn hay”. Đúng như vậy, tuy phần MỞ BÀI là một đoạn văn ngắn chiếm từ 0.5 đến 1 điểm của toàn bài viết, nhưng nó là phần quan trọng, là điểm nhấn đầu tiên cho cả người viết lẫn giám khảo chấm bài trong sự hưng phấn, thăng hoa...Với người làm bài là tạo “đà” cảm xúc để viết tốt, viết hay; còn đối với người chấm bài là sự cảm tình với bài văn, với thí sinh mà không có sự hiện diện, vì “văn là người” như ai đó đã nói.
Trên đây là một số cách mở bài tham khảo cho đề văn về “Tiếng lòng của người nghệ sĩ trong văn học”, các bạn cùng tham khảo nhé!
 
1.    Văn học là thứ quà vô giá cứu rỗi linh hồn, rọi sáng trong tâm hồn ta những khoảng trời tăm tối. Nó là thứ vũ khí sắt bén đâm  thẳng vào tim, không trừ một ai để rồi nhân loại phải khóc la, than vãn... Và đôi khi nhìn lại ta chợt nhận ra, định kiến – có lúc là những điều vô lí. Nói như Sê-khốp: “Nhà văn chân chính là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” hay, say sưa và mãnh liệt hơn nữa, Enxa Triole đã cất cao lời ngợi ca: “Nhà văn là người cho máu” , họ luôn dùng con mắt “say đời” của mình để sáng tạo ra những trang viết đem lại giá trị nhân văn  như dòng suối tưới mát cuộc đời, như hoa thơm cho mật ngọt, như ánh mặt trời chiếu sáng cuộc sống….(dẫn vào đề)
 
2.    Nhà phê bình văn học G.Jung từng viết “Từ sự không thỏa mãn với đương thời, nỗi buồn sáng tạo dẫn đưa nghệ sĩ đi vào bề sâu cho tới khi nó tìm thấy trong vô thức mình cái nguyên tượng có khả năng bù đắp lại cao nhất sự tổn thất và què quặt của tinh thần hiện đại.” Và phải chăng thơ ca nói riêng hay văn học nghệ thuật nói chung là địa hạt để nhà nghệ sĩ giải thoát những rung động nội tâm và bày tỏ những tiếng lòng không dứt. Từ sự đồng cảm của người nghệ sĩ, họ đã chắp cánh cho những trang thơ vút bay, cho tâm hồn nhân vật mình rực sáng……(dẫn vào đề bài)
 
 
3.    Nhà nghiên cứu văn học Đặng Thai Mai có viết: “Điều quan trọng hơn hết trong sự nghiệp của những nhà văn vĩ đại ấy lại là cuộc sống, trường đại học chân chính của thiên tài. Họ đã biết đời sống xã hội của thời đại, đã sâu sắc cảm thấy mọi nỗi đau đớn của con người trong thời đại, đã rung động tận đáy tâm hồn với những nỗi lo âu, bực bội, tủi hổ và những ước mong tha thiết nhất của loài người. Đó chính là cái hơi thở, cái sức sống của những tác phẩm vĩ đại”. Nền văn học của ta đã chiếu rạng ngời hàng ngàn gương mặt mà ở đó mỗi tác phẩm của anh thực sự là tiếng lòng thổn thức đối với cuộc đời của con người. Những rung cảm thẩm mĩ, những tiếng lòng đồng vọng đã đưa người đọc đến với “dòng sông nhân bản mênh mông”…(dẫn vào đề)
 
4.    Pauxtôpxki từng nói về những vần thơ Anđécxen với niềm cảm phục: “ Anh đã nhặt những hạt giống thơ trên luống đất của người dân cày rồi gieo chúng trong những túp lều, làm chúng nở thành những đóa hoa thơ tuyệt đẹp an ủi trái tim của những người cùng khổ”. Anđécxen tự nhận mình là nhà văn của những người nghèo và suốt cuộc đời viết lách ông không một phút nào phản bội lại đối tượng mà ông phục vụ. Con đường dẫn dắt chúng ta đến với cõi hoàn thiện, quả thật là rất dài và rất xa. Trên con đường ấy, ta không chỉ hành trình bằng nhân cách, bản lĩnh của riêng mình mà đôi lúc dừng chân ngơi nghỉ, chúng ta nên soi lại mình qua những tác phẩm văn chương, bởi vì “ Văn học là nhân học” ( M. Gorki)…. (dẫn vào đề)
 
5.    Đã có đôi lần Chế Lan Viên bộc bạch:
“Mỗi câu thơ là một lần lặn vào trang giấy
Lặng vào đời rồi lại ngoi lên.”
Hiện thực cuộc đời phải biến thành câu chữ, hình ảnh, âm điệu trên mỗi trang thơ và từ đấy sức mạnh, sức nặng của sự sáng tạo nghệ thuật mà nhà thơ tác động trở lại với cuộc đời, và tô điểm thêm cho bao sắc đẹp của sự sống. Mỗi tác phẩm ra đời đều là một thành quả nghệ thuật chứa đầy tâm huyết của nhà văn. Bởi đó là nơi để nhà văn gửi gắm những tình cảm sâu lắng nhất, những cảm xúc, khát vọng chân thành nhất, mãnh liệt nhất về con người và về cuộc đời. Dưới mỗi con chữ sáng tạo của nhà văn là biết bao xúc động, biết bao tình yêu cũng như nỗi đau đời trong tâm hồn nhạy cảm của người cầm bút…(dẫn vào đề)

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7  – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.

Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.

Tin liên quan