Đăng Ký Học
Ngày 13/03/2024 17:18:47, lượt xem: 11438
Những tác phẩm viết về một thời đạn bom luôn là nguồn cảm hứng bất tận của nhiều nhà văn, nhà thơ. Vì vậy, khi viết về những tác phẩm này, em sẽ có rất nhiều lựa chọn để liên hệ. Và tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" cũng vậy. Trong tác phẩm, hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong hiện lên sáng rõ bởi tâm hồn, nhân cách và tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì độc lập của tổ quốc. Dưới đây là bài viết cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong trong tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" do Học Văn Chị Hiên biên soạn.
Viết về những nẻo đường Trường Sơn trong những năm đánh Mĩ, không chỉ có những bài thơ, bài ca ca ngợi những chiến sĩ lái xe hay những cô gái mở đường trong trang thơ của Lâm Thị Mĩ Dạ mà còn có những câu chuyện đầy cảm phục viết về những cô gái thanh niên xung phong, những cô trinh sát mặt đường, những cô chuyên phá bom nổ chậm mở đường cho xe qua. Những cô gái trẻ ấy đã được Lê Minh Khuê (một cây bút nữ xuất sắc của mảnh đất Xứ Thanh) kể lại và khắc hoạ chân dung tâm hồn tính cách qua truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. Ba cô gái trẻ là những ngôi sao xa xôi trên cao điểm Trường Sơn một thời bom đạn…
Lê Minh Khuê là nữ nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mang theo rất nhiều nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh ấy trong cuộc sống đời thường. Dễ hiểu vì sao mà hầu hết các tác phẩm của bà cho đến bây giờ đều đầy những nỗi ám ảnh về chiến tranh, về đồng đội, về những cô thanh niên xung phong quả cảm trên chiến trường, có những người mãi mãi nằm lại nơi mảnh đất xa xôi, trên những cung đường đầy dấu vết chiến tranh… “Những ngôi sao xa xôi” là truyện ngắn đặc sắc của nhà văn về 3 nữ thanh niên xung phong gan dạ, kiên cường. Bên cạnh đó, tác phẩm còn là hồi ức về một thời chiến khốc liệt nhưng đẹp đẽ, gai góc nhưng đầy chất thơ, và đặc biệt là dấu ấn về khoảng trời văn học ngập tràn thanh xuân của chính tác giả. Truyện ngắn được sáng tác năm 1971 kể về 3 nữ thanh niên xung phong Phương Định, Nho, Thao. Họ là những cô gái trong tổ trinh sát mặt đường với nhiệm vụ phá bom, bằng sự gan dạ, trách nhiệm cùng tinh thần lạc quan, giữa rừng núi bạt ngàn và chiến tranh ác liệt, họ vẫn tràn đầy tự do, lý tưởng và khao khát về một tương lai tốt đẹp.
Ba cô gái ở trong một cái hang dưới chân cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, từng ngày từng giờ đối diện với bom rơi, đạn nổ. Chúng tôi ở trong một hang dưới chân cao điểm. Con đường qua trước hang, kéo lên đồi, đi đến đâu đó, xa! Đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy. Những cây nhiều rễ nằm lăn lóc. Những tảng đá to. Một vài cái thùng xăng hoặc thành ô tô méo mó, han gỉ nằm trong đất. Đó là nơi trọng điểm đánh phá của giặc. Quang cảnh hoang tàn,không khí lúc nào cũng căng thẳng bởi mùi thuốc nổ, khói bom. Hoàn cảnh sống và chiến đấu vô cùng nguy hiểm, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Mọi chi tiết của đời sống đều hiện lên rất thật, như những mảnh ghép xám đen của hiện thực chiến trường. Nó thách thức sự sống con người và dường như nhiều khi đẩy con người đến giới hạn của sức chịu đựng: “Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ”. Câu văn ngắn gọn, đơn giản đã làm toát lên nhịp sống căng thẳng nơi chiến trường ác liệt. Cái gì cũng thật nhanh, việc gì cũng thật gọn, dù là phá bom, hay là... cái chết. Nhiệm vụ của ba cô gái tổ trinh sát rất quan trọng nhưng cũng đầy gian khổ, hi sinh: phải chạy trên cao điểm cả ngày, phơi mình giữa vùng trọng điểm đánh phá của địch để đảm bảo tuyến đường thông suốt. “Việc của chúng tôi là ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Người ta gọi chúng tôi là tổ trinh sát mặt đường”. “Chúng tôi chạy trên cao điểm cả ban ngày. Mà ban ngày chạy trên cao điểm không phải chuyện chơi. Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom. Tôi bây giờ còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi”. Quả thực, những công việc nơi chiến trận không đơn giản chỉ cần niềm đam mê hay sự trách nhiệm mà nó đã trở thành nhiệm vụ, đòi hỏi ở người thực hiện nhiều lắm sự dũng cảm, bình tĩnh và can trường.
Những cô gái tuổi đời còn rất trẻ đã xung phong lên đường ra mặt trận, cống hiến sức trẻ vì độc lập, hòa bình của Tổ quốc. Họ mang trong mình phẩm chất chung của những chiến sĩ thanh niên xung phong giàu tình yêu nước và không quản ngại hi sinh, gian khổ. Với các chị, các anh, chiến đấu không phải là ép buộc mà là một lựa chọn quang vinh, là nhìn thấy “khát khao làm nên những sự tích anh hùng” trong tên gọi của nhiệm vụ. Qua thực tế chiến đấu, ba cô gái ấy đều có phẩm chất chung của người chiến sĩ thanh niên xung phong ở chiến trường: tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ, lòng dũng cảm không sợ hy sinh, tình đồng độ gắn bó. Họ luôn trong tư thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, họ có nghĩ tới cái chết nhưng quan trọng hơn là có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không. Nhiệm vụ đến là họ nhanh chóng phân công và chấp hành, họ đoàn kết và sẵn sàng nhận khó khăn, nguy hiểm về mình: “Tôi một quả bom trên đồi. Nho hai quả dưới lòng đường. Chị Thao một quả dưới chân hầm barie cũ”. Họ dũng cảm và bình tĩnh, nói đến công việc phá bom bằng giọng điệu bình thản. Nhà văn Lê Minh Khuê không dễ dãi hay đơn giản ca ngợi phẩm chất của ba cô gái khi đối diện với hiểm nguy mà nhà văn đã tinh tế miêu tả được tâm lí rất thật trong Phương Định và những người đồng đội: “Tôi có nghĩ đến cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”. Bởi cái quan trọng hơn cả mà họ quan tâm đó là “liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai?” Là hoàn cảnh đã sản sinh ra những con người như thế hay vốn dĩ bản tính từ khi sinh ra họ đã cứng cỏi, kiên cường? Không rõ nữa! Chỉ biết rằng ở ba cô gái luôn ngời sáng một tinh thần mạnh mẽ, dũng cảm đến phi thường.
Trong chiến trường họ còn trao nhau tình đồng chí, đồng đội thắm thiết. Phương Định bồn chồn, lo lắng khi hai đồng đội đang trinh sát trên cao điểm: Khi Nho và chị Thao đi trinh sát trên cao điểm, Phương Định đã bồn chồn, lo lắng đến nỗi gắt lên trong điện thoại: “Trinh sát chưa về!” bởi “không gì cô đơn và khiếp sợ hơn khi bom gào thét chung quanh mà không nghe một tiếng trả lời nào dưới đất. Dù chỉ một tiếng súng trường thôi, con người cũng thấy mênh mông bên mình một sự che chở đồng tình. Cảm giác đó cũng giống như thấy mình có một khả năng tự vệ rất vững vậy”. Khi Nho bị thương, Phương Định và chị Thao đã lo lắng, băng bó, chăm sóc cho Nho cẩn thận với niềm xót xa như chị em ruột thịt và cảm thấy “đau hơn người bị thương”. Hình ảnh chị Thao “lúng túng như chẳng biết làm gì mà lại rất cần được làm việc” vì lo cho Nho mà lại sợ máu, hình ảnh Phương Định cẩn thận rửa vết thương cho Nho, tiêm cho Nho, tất cả đều khiến bạn đọc xúc động và cảm nhận được ở ba cô gái những tình cảm ấm áp như chị em ruột thịt trong gia đình. Họ thấu hiểu nhau từ tính cách đến sở thích, suy nghĩ, chăm sóc cho nhau rất chu đáo. Từ cuộc sống hàng ngày đến những giây phút căng thẳng khi làm việc, họ đều thấu hiểu nhau: “Không ai nói với ai, nhưng nhìn nhau, chúng tôi đọc thấy trong mắt nhau điều đó”.
ĐỌC THÊM: PHÂN TÍCH PHÂN ĐOẠN NHO BỊ THƯƠNG
Ngoài ra ta còn thấy được ở ba cô gái tinh thần lạc quan, trẻ trung, yêu đời. Mỗi cô gái đều có những sở thích riêng rất nữ tính và dịu dàng. Nho thích thêu thùa, chị Thao chăm chép bài hát, Phương Định thích ngắm mình trong gương, hay ngồi ôm gối và hát… Họ có những nỗi sợ rất đời thường. Họ hồn nhiên như những đứa trẻ trước cơn mưa. Và trận mưa đã trở thành sợi dây nối dài quá khứ, hiện tại và những ước ước vọng mai sau. Từ cơn mưa đá, bao kỉ niệm sống dậy trong tâm trí, những cảm xúc hồn nhiên trở thành điểm tựa, giúp họ thêm vững vàng, tiếp thêm sức mạnh cho họ vượt qua những khó khăn, nguy hiểm của cuộc chiến đấu. Như vậy, những trang văn của Lê Minh Khuê đã làm sống lại trong lòng bạn đọc về những chiến công phi thường của ba cô gái trong tổ trinh sát mặt đường trên tuyến đường Trường Sơn. Hình ảnh họ sẽ mãi mãi lung linh, tỏa sáng như những ngôi sao trên bầu trời. Và đúng như nhan đề tác phẩm, ba cô gái chính là những ngôi sao sáng, sáng bởi tinh thần, sáng bởi lòng dũng cảm ở mặt trận Trường Sơn khói lửa.
Qua dòng suy nghĩ và tâm trạng của ba nhân vật, cuộc sống chiến đấu của các cô thanh niên xung phong được tái hiện đầy đủ, chân thực và sinh động với vẻ đẹp tỏa sáng. Hình tượng về những nữ thanh niên xung phong Trường Sơn không hiếm trong văn học chống Mĩ, song với những sáng tạo riêng của mình, Lê Minh Khuê trong truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng giàu mơ mộng, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, sự hi sinh và rất lạc quan của họ. Đó là hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho thể hệ trẻ Việt Nam đã sống và chiến đấu, hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc thân yêu:
“Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”.
( “Đất nước” – Nguyễn Khoa Điềm).
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học kĩ năng - Lớp 9
Tin liên quan