BIỆN PHÁP TU TỪ ĐIỆP TỪ, ĐIỆP NGỮ - HỌC VĂN CHỊ HIÊN

Ngày 15/11/2020 19:19:59, lượt xem: 7963

BIỆN PHÁP TU TỪ ĐIỆP TỪ, ĐIỆP NGỮ

Khác với các dạng từ đồng âm, từ trái nghĩa, điệp ngữ là biện pháp tu từ ít gặp trong thơ văn. Nhưng đây là biện pháp tu từ quan trọng giúp câu văn của chúng ta tăng sắc thái biểu cảm, nhấn mạnh ý nghĩa của sự việc nào đó.

1. Khái niệm biện pháp tu từ điệp từ, điệp ngữ

Là biện pháp tu từ nhắc đi nhắc lại nhiều lần một từ hoặc một cụm từ nhằm nhấn mạnh vấn đề cần biểu đạt, giúp cho cảm xúc và ý nghĩa của câu văn, câu thơ thêm sức gợi hình, gợi cảm, giúp câu có nhịp điệu.

2. Biện pháp tu từ điệp từ, điệp ngữ có 3 dạng

  • Điệp từ cách quãng: là cách mà các từ, cụm từ điệp lại không nối tiếp mà cách quãng với nhau.

  • Điệp từ nối tiếp: là điệp lại các từ, các cụm tụ nối tiếp nhau.

  • Điệp từ vòng tròn: từ, cụm từ đứng cuối câu trước trở thành từ ngữ đứng đầu câu sau. Điệp từ vòng tròn còn gọi là điệp từ chuyển tiếp.

3. Thực hành

Đề 1: Xác định các dạng phép điệp ngữ trong văn bản? Nêu tác dụng nghệ thuật của phép điệp ngữ đó.

“Ta muốn ôm

 Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

 Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

 Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

 Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều…”

 ( Vội vàng -  Xuân Diệu)

Đáp án: Đoạn thơ sử dụng biện pháp tu từ điệp từ cách quãng “Ta muốn” tạo nên cấu trúc câu đều đặn, hối hả như đang thúc giục mọi người hãy yêu quý tuổi trẻ, thanh xuân của mình, hãy làm những điều mình muốn mà chỉ có thể tuổi trẻ mới làm được, đầu tiên đó là yêu thiên nhiên.

 

Đề 2: Trong đoạn trích sau sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ nào? Chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ đó.

“Chúng tôi nắm tay nhau, vừa đi vừa trò chuyện. Vậy mà giờ đây, anh em tôi sắp phải xa nhau. Có thể sẽ xa nhau mãi mãi. Lạy trời đây chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thôi.”

( Trích Cuộc chia tay của những con búp bê - Khánh Hoài )

 

Đáp án: Trong đoạn trích trên tác giả đã sử dụng hai biện pháp điệp ngữ. Đó là  điệp ngữ ngắt quãng cụm từ “xa nhau” và điệp ngữ vòng tròn cụm từ “một giấc mơ”. Nhờ biện pháp tu từ đó mà câu văn trở nên thêm sinh động, lôi cuốn, nhấn mạnh tâm trạng của người anh.

Đề 3: Dạng tu từ điệp ngữ trong đoạn thơ sau là gì? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ.

“ Thương em, thương em, thương em biết mấy... ”

( Gửi em, cô thanh niên xung phong - Phạm Tiến Duật)

Đáp án: Biện pháp điệp ngữ nối tiếp “thương em” trong đoạn thơ của Phạm Tiến Duật nhấn mạnh tình thương của mình với cô thanh niên xung phong theo cấp độ tăng tiến.

Trên đây là kiến thức cơ bản về biện pháp tu từ điệp từ, điệp ngữ. Học văn chị Hiên mong rằng sau khi theo dõi bài này, các bạn có thể làm tốt dạng bài Đọc - hiểu có sử dụng biện pháp tu từ này và vận dụng trong bài văn của mình. Để học thêm nhiều kiến thức hấp dẫn thú vị hãy theo dõi : Học văn chị Hiên nhé.

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

------------------------

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn ☘☘☘

 

Tin liên quan