DỄ DÀNG PHÂN BIỆT BIỆN PHÁP TU TỪ ẨN DỤ VÀ HOÁN DỤ VỚI MẸO HAY

Ngày 15/11/2020 16:39:10, lượt xem: 2439

Dễ dàng phân biệt biện pháp tu từ ẩn dụ và hoán dụ với mẹo hay

Ẩn dụ, hoán dụ là các biện pháp tu từ phổ biến nhưng lại khiến các bạn dễ nhầm lẫn khi làm bài phần Đọc - Hiểu và làm văn. Nắm rõ được tình hình đó, Học văn chị Hiên sẽ mách nhỏ cho các bạn cách phân biệt biện pháp tu từ ẩn dụ và hoán dụ nhé!

1.Ẩn dụ và hoán dụ là gì?

  • Ẩn dụ là cách gọi tên sự vật này bằng sự vật khác có nét tương đồng giúp câu văn tăng sức gợi hình, gợi cảm. Biện pháp tu từ ẩn dụ có 4 hình thức thường gặp: ẩn dụ hình thức, ẩn dụ cách thức, ẩn dụ phẩm chất và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.

 

  • Hoán dụ là cách gọi tên sự vật này bằng sự vật khác dựa trên mối quan hệ tương cận giữa chúng nhằm tăng khả năng gợi hình gợi cảm cho câu văn và giúp cho sự diễn đạt có tính hiệu quả cao hơn. Có 4 loại hoán dụ: lấy một bộ phận để chỉ toàn thể, lấy vật chứa đựng chỉ vật chứa đựng, lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật, lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng.

2.Mẹo nhỏ phân biệt biện pháp tu từ ẩn dụ và hoán dụ 

Vì biện pháp tu từ ẩn dụ và hoán dụ đều dùng tên gọi của sự vật này thay cho sự vật khác và giúp câu văn thêm sức gọi hình, gợi cảm nên các bạn dễ nhầm lẫn. Để khắc phục tình trạng đó, các bạn có thể tham khảo mẹo nhỏ dưới đây:

Ẩn dụ: Biện pháp tu từ ẩn dụ thực chất là so sánh ngầm nên chúng ta có thể khôi phục được mối quan hệ giữa chúng bằng từ “như”.

VD:                

 

“ Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.”

  • Hình ảnh “thuyền” là hình ảnh chúng ta liên tưởng tới hình tượng “anh” - người con trai trong tình yêu, còn “bến” có sự tương đồng với hình tượng “ em” - người con gái trong tình yêu. Vì “thuyền” và “bến” có sự tương đồng giữa người con gái và người con trai trong tình yêu. Nỗi nhớ giữa “bến” và “thuyền” chúng ta có thể khôi phục được “bến nhớ thuyền” giống như “em nhớ anh”.

Hoán dụ: Nếu như Ẩn dụ là “giống như” nhưng ở đây là “gần như”.

VD: 

“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong bác nỗi mong cha.”

  • “Miền Nam” ở đây không phải chỉ địa lý, mà từ đây, chúng ta có thể hiểu được nó đại diện cho toàn bộ đồng bào, nhân dân miền Nam. Chúng ta không thể khôi phục được bằng bằng thêm từ như trong biện pháp tu từ.

Bên cạnh đó, các bạn có thể làm theo các bước:

Bước 1: Từ hình ảnh trong bài, tìm và xác định hình ảnh bị ẩn đi.

Bước 2: Thử khôi phục lại mối quan hệ các hình ảnh đó.

  • Nếu hợp lý, logic thì đó là biện pháp ẩn dụ.

  • Nếu không thể đặt trên mối quan hệ so sánh được thì đó là hoán dụ.

 

3. Bài tập vận dụng

Xác định biện pháp tu từ trong các câu sau:

  • “Vì sao trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh.”

( Theo chân Bác - Tố Hữu)

 

  • “Người cha mái tóc bạc

Đốt lửa cho anh nằm.”

( Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ )


 

Đáp án:

  • Trong câu thơ: 

“Vì sao trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh.”

Tố Hữu sử dụng biện pháp hoán dụ theo hình thức lấy vật chứa đựng chỉ vật bị chứa đựng. Đó là lấy trái đất hoán dụ cho hình ảnh nhân loại.

 

  • Câu: 

“Người cha mái tóc bạc

Đốt lửa cho anh nằm.”

Sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ theo hình thức tương đồng về phẩm chất. Người cha trong câu tức là Bác Hồ, chăm lo từng giấc ngủ cho các anh chiến sĩ cũng như người cha già chăm lo cho con của mình.

Với những hướng dẫn trên đây, hy vọng các em sẽ khắc phục được nhầm lẫn giữa biện pháp tu từ ẩn dụ và hoán dụ. Để học thêm nhiều kiến thức hay, bổ ích trên: Học văn chị Hiên.

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

------------------------

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn ☘☘☘

Tin liên quan