BẾN QUÊ - BÀI SOẠN VĂN NGẮN GỌN, ĐẦY ĐỦ NHẤT

Ngày 05/01/2021 08:28:51, lượt xem: 1876

BẾN QUÊ - BÀI SOẠN VĂN NGẮN GỌN, ĐẦY ĐỦ NHẤT

Để đạt được hiệu quả cao trong học tập thì việc quan trọng của mỗi học sinh chính là chuẩn bị bài ở nhà. Cũng như tất cả các môn học khác để có thể học tốt môn Ngữ Văn thì các em phải soạn văn trước khi đến lớp. Bài soạn văn chính là yếu tố quan trọng để khẳng định sự hiểu bài, chăm chỉ, siêng năng của từng học sinh. Vì vậy, Học văn chị Hiên sẽ chia sẻ tới các em bài soạn văn tác phẩm "Bến quê" của Nguyễn Minh Châu trong chương trình Ngữ văn học kì 2 lớp 9 nhé!

BẾN QUÊ 

(Nguyễn Minh Châu) 

“Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc  chùng chình, …” 

Nguyễn Minh Châu


 

Tóm tắt: 

Chuyện kể về nhân vật Nhĩ đã từng đi khắp nơi trên trái đất. Nhưng về cuối đời  lại bị cột chặt vào giường bệnh bởi một căn bệnh hiểm nghèo đến nỗi không thể dịch chuyển lấy vài mươi phân trên cửa sổ. Nhìn sang bãi bồi bên kia sông Hồng. Chính  vào thời điểm ấy Nhĩ đã phát hiện ra vùng đất bên kia sông nơi bến quê quen thuộc  một vẻ đẹp bình dị mà hết sức quyến rũ. Cũng chính lúc nằm liệt giường Nhĩ mới cảm  nhận được hết nỗi vất vả, tình yêu thương, đức hy sinh thầm lặng của vợ mình. Nhĩ  khát khao được một lần đặt chân lên bãi bờ bên kia sông. Các miền đất thật gần gũi nhưng lại xa vời vô cùng. Anh nhờ cậu con trai thực hiện giùm mình ước mơ ấy.  Nhưng vì ván cờ thế nên Tuấn đã bỏ lỡ chuyến đò của ngày hôm đó và không hoàn  thành được ước nguyện của người cha. Nhĩ chợt nhận ra rằng người con có thể lỡ chuyến đò hôm nay nhưng mai lại có thể bắt được chuyến đò khác còn mình thì mãi  mãi không thể tự rời khỏi giường bệnh. Chính vì vậy ông đã nhận ra được những giá  trị của cuộc sống ở xung quanh mình mà bấy lâu nay ông không biết. 

Câu 1: Nhân vật Nhĩ trong truyện ở hoàn cảnh như thế nào? Xây dựng tình huống ấy,  tác giả nhằm thể hiện điều gì? 

- Nhân vật Nhĩ trong truyện ở vào một hoàn cảnh đặc biệt. Từng di khắp nơi, về cuối đời Nhĩ lại bị cột chặt vào giường bệnh bởi một căn bệnh hiểm nghèo, đến  nỗi không thể tự mình dịch chuyển được, vợ phải bón cho từng thìa, ngửa mặt  như một đứa trẻ để vợ lau cằm, lau miệng. 

- Tác giả muốn nhắn nhủ mọi người: cuộc sống và số phận con người chứa đầy  những điều bất thường, những nghịch lý, ngẫu nhiên, vượt ra ngoài những dự định và ước muốn, cả những hiểu biết và toan tính của con người. 

Câu 2: Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, khi nằm trên giường bệnh,  Nhĩ đã nhìn thấy gì qua khung cửa sổ và anh đã khao khát điều gì? Vì sao Nhĩ lại có  niềm khao khát ấy và điều đó có ý nghĩa gì? 

Trong buổi sáng đầu thu, khi sắp từ giã cõi đời Nhĩ nhìn thấy:  

- Những bông bằng lăng ngay phía ngoài cửa sổ đến con sông Hồng với màu đỏ nhạt lúc đã vào thu, vòm trời và bãi bồi bên kia sông. 

- Những cảm xúc tinh tế được cảm nhận từ: những chùm hoa thưa thớt nhưng lại  đậm sắc hơn, mặt sông Hồng như rộng thêm ra, vòm trời như cao hơn, "những  tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên  kia sông...". 

 

Soạn văn "Những ngôi sao xa xôi"

Nhĩ khao khát được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. Đó là một khao khát vô vọng  vì lúc này đây anh sắp phải giã biệt cuộc đời. 

Điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường và  sâu xa của cuộc sống, những giá trị thường bị người ta bỏ qua hay lãng quên khi  những ham muốn xa vời đang lôi cuốn, đang lấn át. 

Câu 3: Vì sao có thể nói ngòi bút miêu tả tâm lí của Nguyễn Minh Châu ở thiên  truyện này rất tinh tế và thấm đượm tinh thần nhân đạo? Phân tích sự miêu tả tâm lí  nhân vật Nhĩ để khẳng định nhận xét ấy.

- Sự tinh tế: Những suy nghĩ của nhân vật Nhĩ về lẽ sống, về cuộc đời, về những  con người hết sức cụ thể. Trong con mặt của một người sắp từ giã cõi đời, cảnh  vật trước mắt bỗng đẹp và đáng yêu kỳ lạ. 

- Tinh thần nhân đạo: Ông đã xây dựng lên nhân vật trong hoàn cảnh ngặt nghèo  ấy có suy ngẫm, tự trải nghiệm về cuộc đời với những suy nghĩ sâu sắc để từ đó khát vọng sống sẽ trỗi dậy nhưng Nguyễn Minh Châu đã khai thác tình  huống này theo một hướng khác. 

Câu 4: Ở đoạn kết truyện, tác giả đã tập trung miêu tả chân dung và cử chỉ của nhân  vật nhĩ với vẻ rất khác thường. Hãy giải thích ý nghĩa của các chi tiết ấy 

- Hành động khác thường của Nhĩ: “Anh cố thu nhặt chút sức cuối cùng còn sót  lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài  nào đó’’. Hành động ấy chứng tỏ Nhĩ đang lo lắng thúc giục cậu con trai sẽ làm lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. 

- Nhà văn muốn thức tỉnh mọi người hãy sống khẩn trương, sống có ích, đừng la  cà, chùng chình, dềnh dàng ở những cái vòng vèo vô bổ mà chúng ta rất dễ sa  đà, để dứt ra khỏi nó, để hướng tới những giá trị đích thực vốn giản dị, gần gũi  và bền vững. 

Soạn văn "Rô - bin - xơn ngoài đảo hoang"

Câu 5: Nhiều hình ảnh chi tiết trong truyện mang ý nghĩa biểu tượng. Hãy tìm một số hình ảnh chi tiết như vậy và nêu ý nghĩa biểu tượng của chúng. (Gợi ý: hình ảnh bãi  bồi bên sông, bờ sông bên này bị sụt lở, chi tiết anh con trai sa vào đám chơi phá cờ thế...). 

- Hình ảnh bãi bồi, bến sông và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên được dựng lên  trong truyện thực ra cũng mang ý nghĩa khái quát, biểu tượng. Đó là vẻ đẹp của  đời sống trong những cái gần gũi, bình dị, thân thuộc, như một bến sông quê,  một bãi bồi, ... rộng ra là quê hương, xứ sở. 

- Cảnh vật thiên nhiên trong một buổi sáng đầu thu, qua cái nhìn của nhân vật  Nhĩ hiện ra với vẻ đẹp riêng. Những chùm hoa bằng lăng cuối mùa thưa thớt  nhưng lại đậm sắc hơn: con sông Hồng màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm  ra; vòm trời như cao hơn. Không gian và những cảnh sắc vốn quen thuộc, gần  gũi, nhưng lại như rất mới với tất cả vẻ đẹp và sự giàu có của nó. 

- Những chùm hoa bằng lăng cuối mùa thưa thớt nhưng lại đậm sắc hơn; tiếng  những tảng đất lở ở bờ sông bên này, khi cơn lũ đầu nguồn dồn về, đổ ụp vào  trong giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng . Hai chi tiết này gợi ra cho biết sự sống  của nhân vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng.

- Hành động cuối cùng của Nhĩ ở cuối truyện khi anh thu hết tàn lực “giơ một  cánh tay gầy guộc ra ngoài cửa sổ khoát khoát y như đang khẩn thiết ra hiệu  cho một người nào đó” vừa có ý nghĩa là anh đang thúc giục cậu con trai đừng  để lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày vừa có ý nghĩa khái quát tượng  trưng. Đó là muốn thức tỉnh mọi người hãy thoát ra khỏi cái vòng vèo, chùng  chình trong cuộc sống mà chúng ta đang sa vào để hướng tới giá trị đích thực,  bền vững mà gần gũi trong cuộc sống đời thường. 

Câu 6: Truyện ngắn này chứa đựng những suy ngẫm trải nghiệm sâu sắc của nhà văn  về con người và cuộc đời. Tìm trong văn bản đoạn văn thể hiện tập trung chủ đề của  truyện và nêu cảm nhận của em về đoạn văn. 

- Đoạn văn thể hiện tập trung chủ đề của truyện là đoạn văn diễn tả những suy  nghĩ của Nhĩ khi thấy đứa con ham chơi quên cả việc bố nhờ. 

- Đoạn văn đã thể hiện sâu sắc chủ đề của truyện: trong cuộc sống, con người  thường khó tránh khỏi những điều vòng vèo, chùng chình, qua đó thức tỉnh người đọc  nhận ra và trân quý những điều bình dị quanh mình. 

- Mong rằng bài soạn văn "Bến quê" trên đây sẽ giúp các em dễ dàng hơn trong quá trình học tập và đạt thành tích cao nhé.

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn

Tin liên quan