Đăng Ký Học
Ngày 14/12/2024 17:36:44, lượt xem: 190
Đề bài: Viết bài văn phân tích truyện ngắn “Làng” của Kim Lân
Bài làm
Trên văn đàn, có một nhà văn được mệnh danh là người “một lòng một dạ đi về với đất với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn”, đó là Kim Lân. Kim Lân là nhà văn của làng quê, ông thường viết về cuộc sống sinh hoạt, cảnh ngộ, phong tục truyền thống của người nông dân Bắc Bộ. Truyện ngắn “Làng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho cuộc đời đi tìm về chốn thôn quê của nhà văn. Qua truyện ngắn, nhà văn đã đem đến cho người đọc câu chuyện về lòng yêu nước đầy chân thành của người nông dân.
Truyện ngắn “Làng” viết về tình yêu làng, yêu nước của ông Hai, tình yêu ấy được tác giả khắc họa qua những nét đặc sắc về nghệ thuật. Trước hết là nghệ thuật xây dựng tình huống truyện. Nhà văn đã xây dựng tình huống truyện gay cấn, đó là tin làng Chợ Dầu theo giặc mà ông nghe được từ miệng của những người tản cư dưới xuôi lên. Tin ấy đã thắt nút cho câu chuyên. Bởi ông Hai vốn là một người con yêu làng, luôn khoe và hãnh diện về làng. Nay nghe tin làng theo giặc, ông vừa xót xa lại vừa thấy tủi hổ, bẽ bàng. Sự đấu tranh trong thế giới nội tâm nhân vật là sự đấu tranh giữa tình yêu nàng và tình yêu nước, thứ tình cảm nào cũng mãnh liệt. Song, với ông Hai, tình yêu làng lớn hơn, tinh thần kháng chiến mạnh mẽ hơn, bao trùm lên tình yêu nước. Do đó, ông lão đã đi đến kết luận “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Cuối cùng, câu chuyện được mở nút khi ông lão nghe tin cải chính về làng. Tình huống này vữa khẳng định tình yêu của ông Hai với làng Chợ Dầu, lại khẳng định tinh thần trung thành tuyệt đối của ông với kháng chiến, với dân tộc.
ĐỌC THÊM: BÀI VIẾT SỐ 4 - BỘ SÁCH CHÂN TRỜI SÁNG TẠO | ĐÓNG VAI TRƯƠNG SINH KỂ LẠI CUỘC ĐỜI MÌNH
Bên cạnh tình huống truyện, để làm nổi bật được chủ đề của truyện, nhà văn còn vận dụng khả năng khắc họa tâm lí nhân vật tài tình của mình. Khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, tâm lí của nhân vật ông Hai có những bước chuyển biến phức tạp, nội tâm giằng xé gay gắt. Ngay từ đầu truyện ngắn, nhân vật ông Hai luôn được nói đến với dáng vẻ hồ hởi, quan tâm đến tình hình kháng chiến và rất yêu ngôi làng của mình, đi đến đâu ông lão cũng khoe về làng. Thế nên, ngay khoảnh khắc nghe thấy tin cả làng Chợ Dầu theo giặc, ông bần thần, “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như không thở được.”. Cú chuyển mình từ trạng thái phấn khởi, náo nức sang sững sờ, chết lặng như thể ông lão vừa bị rơi xuống vực thẳm của sự tuyệt vọng vậy. Trong khoảnh khắc ấy, ông lão chỉ còn biết tìm cách lảng về. Thế nhưng, nỗi bẽ bàng lớn quá, khiến ông lão thấy đâu đâu cũng là tiếng chửi người làng Chợ Dầu, đành phải “cúi gằm mặt mà đi”. Hình ảnh này cũng đối lập với dáng vẻ tự tin, hào hứng ở đầu truyện.
Tâm trạng của ông Hai còn được thể hiện qua những dòng độc thoại nội tâm, qua lời đối thoại với con. Ngôn ngữ nhân vật đa dạng, cảm xúc thay đổi linh hoạt đã khắc họa một cuộc đấu tranh trong sâu thẳm con người. Đó là cuộc đấu tranh cho tình yêu sâu đậm với nơi mình sinh ra và tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc, với sự nghiệp kháng chiến. Cuộc đấu tranh nội tâm ấy ngày một giằng xé hơn bởi cả những tác động từ bên ngoài. Thế nhưng, giải quyết hết tất cả những đấu tranh, vướng mắc ấy, ta lại thấy ở ông lão ngời lên tấm lòng chung thủy với sự nghiệp cách mạng. Ông lão nông dân ấy đã dám vứt bỏ niềm yêu riêng, vì một mục tiêu cao cả và vĩ đại hơn. Để rồi khi tin cải chính đến, ông lão lại được sống lại với niềm hạnh phúc của một người con yêu quê. Ông lão lại khoe, lại vui sướng: “Tây nó đốt nhà tôi rồi,... đốt nhằn.”. Với người nông dân, căn nhà là thành quả làm lụng cả đời, nhà bị đốt mà ông Hai không hề buồn. Bởi lẽ, việc nhà bị đốt không chỉ là minh chứng cho sự trong sạch của làng Chợ Dầu, mà còn như là một sự đóng góp nhỏ bé của gia đình ông Hai cho kháng chiến. Tình yêu làng ở ông Hai hòa quyện với tình yêu nước, thăng hoa trong giây phút ấy.
Thông qua diễn biến truyện, qua những tranh đấu trong nội tâm của nhân vật ông Hai; bằng ngôn ngữ truyện đặc sắc, miêu tả tâm lí tài tình, truyện ngắn “Làng” đã mang đến cho chúng ta một câu chuyện sâu sắc về tình yêu quê hương đất nước. Qua đó, tác giả không chỉ bày tỏ những tâm tưởng của mình về những tình cảm thiêng liêng cao quý của con người; mà còn thể hiện được sự am hiểu của Kim Lân về đời sống, tâm hồn của con người làng quê Bắc Bộ. Quả đúng là nhà văn của đồng quê, là người “một lòng một dạ đi về với đất với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống thôn quê”.
Tóm lại, truyện ngắn “Làng” sẽ luôn là một trong những truyện ngắn đáng chú ý trong sự nghiệp văn chương của Kim Lân nói riêng và trong mảng đề tài quê hương đất nước nói chung. Với tất cả những giá trị mà tác phẩm mang đến, “Làng” sẽ là một thiên truyện ngắn “vượt qua mọi định luật của sự băng hoại”, sáng mãi những ý nghĩa dung dị mà sâu sắc...
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học Văn vip lớp 9 - 2k10
- Khóa học Phương pháp và luyện đề lớp 9
Tin liên quan