Đăng Ký Học
Ngày 01/10/2024 09:40:43, lượt xem: 157
Các tỉnh, thành phố đang gấp rút ôn tập và tuyển chọn những nhân tố xuất sắc nhất dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia qua các kì thi học sinh giỏi các vòng. Dưới đây là phần hướng dẫn viết (câu 1) đề thi chọn học sinh giỏi văn hóa lớp 12 THPT và chọn đội tuyển dự thi quốc gia tỉnh Quảng Trị môn Ngữ Văn.
Đề bài: Từ nội dung được gợi ra từ bài “Tiếng đàn bầu” của tác giả Lữ Giang, hãy nêu suy nghĩ của em về ý kiến:
“Trong thời đại dân tộc ngày nay, màu dân tộc nếu đủ sáng bừng sẽ hoà mà không lẫn vào bảng màu muôn hồng ngàn tía của nhân loại.”
Bài viết:
Đã bao lần nghiêng mình theo nét chữ văn chương, ta lại được lắng lòng rung động trong những giai điệu ngân vang tha thiết, dạt dào của tình yêu nước và tự hào dân tộc. Một lần nữa, đến với trang thơ “Tiếng đàn bầu”, ta lại tìm về với thứ tình cảm quen thuộc ấy thông qua những xúc cảm của nhà thơ Lữ Giang đối với tiếng đàn bầu - âm thanh “đằm thắm thiết tha” đậm sắc màu truyền thống. Để rồi gợi lại trong ta là biết bao suy ngẫm về ý kiến: “Trong thời đại dân tộc ngày nay, màu dân tộc nếu đủ sáng bừng sẽ hoà mà không lẫn vào bảng màu muôn hồng ngàn tía của nhân loại.
Mỗi bài hát cất lên đều níu lại lòng người bởi giai điệu, một bản vẽ sẽ khiến người ta thích mắt bởi sự hoà phối của những gam màu và hơn cả, một trang thơ luôn khiến lòng người rung động bởi những ngôn từ giàu sắc, giàu hình. Đến với bài thơ của Lữ Giang, hình ảnh một chiếc đàn bầu đơn sơ, dung dị đã xuất hiện bao lần trong lòng dân tộc tự ngàn xưa giờ đây hiện lên với tất thảy ý nghĩa và giá trị quý báu. Tiếng đàn ấy “Ngân dài trong đêm thâu” mà gợi vào lòng người những hình ảnh gần gũi nhưng quá đỗi thiêng liêng: “Cung thanh là tiếng mẹ/ Cung trầm là giọng cha” và tiếng đàn ấy còn hiện lên cả trong những thời khắc đau đớn của lịch sử đất nước: “Đàn ngày xưa mất nước/ Dây đồng lẻ não nuột”. Và rồi cũng là tiếng đàn ấy, nhưng trong phút huy hoàng chiến thắng của nước non lại mang trên nó âm thanh tựa như suối ngọt mà nâng cao hồn người. Một tiếng thơ mà bao trọn cả một tiếng lòng, tiếng đàn bầu trong mọi khoảnh khắc đã trở thành biểu tượng cho bản sắc văn hoá của dân tộc, gắn liền với những tình cảm thiêng liêng và quý giá là tình yêu nước, tình yêu quê hương, là sự gắn bó khăng khít của mỗi cá nhân với nguồn cội của chính mình. Lời thơ cứ đọng lại thật sâu vào lòng ta và gợi nhắc trong ta muốn nói nhiều hơn về bản sắc của mỗi dân tộc trong xã hội hiện nay, tựa như ý kiến: “Trong thời đại dân tộc ngày nay, màu dân tộc nếu đủ sáng bừng sẽ hoà mà không lẫn vào bảng màu muôn hồng ngàn tía của nhân loại”.
ĐỌC THÊM: HƯỚNG DẪN VIẾT ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI VÒNG II CÁC MÔN VĂN HÓA CẤP THPT TỈNH LONG AN (CÂU 1)
Trải qua dòng chảy vô tận và bất biến của thời gian, con người thường nói về nhiều điều mới mẻ và thú vị hơn nhưng vấn đề về đất nước, dân tộc, về cội nguồn cha ông vẫn luôn mang trong đó sức nặng lớn lao đối với mỗi thế hệ đương thời. Ý kiến đã nêu lên một quan điểm chính xác và phù hợp với mọi thời khi cho rằng: “màu dân tộc đủ sáng bừng sẽ hoà mà không lẫn vào muôn hồng ngàn tía của nhân loại. “Màu dân tộc sáng bừng” là khi mà dân tộc ấy đã xây dựng và bảo vệ được cho riêng mình một nền văn hoá mang bản sắc riêng biệt, có lịch sử, có quá trình hình thành và phát triển. “Bảng màu muôn hồng ngàn tía của nhân loại” đã mang đến cái nhìn về sự đặc sắc và phong phú của văn hoá dân tộc mỗi quốc gia. Ý kiến đã khẳng định được sức mạnh của bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc trong quá trình hội nhập và phát triển: bản sắc văn hoá sẽ tạo nên vị thế riêng cho dân tộc trong bản đồ thế giới. Bản sắc văn hoá tựa như phương tiện ngôn luận đanh thép trên trường quốc tế của mỗi quốc gia. Nói theo ngôn ngữ của thời đại số ngày nay, “văn hóa dân gian là mã định danh để mỗi dân tộc hội nhập với thế giới mà vẫn định dạng được mình”.(Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc).
Bản sắc văn hoá ấy luôn được hiện hữu trong vòng quay cuộc sống hằng ngày: có thể là ở một nét phong tục tập quán, ở một thể thức điều hành chính trị và hơn hết là ở thứ ngôn ngữ mà chúng ta vẫn sử dụng thường ngày. Trải qua thời gian dựng nước và giữ nước, Việt Nam ta đã biết bao lần phải chịu cảnh bị trói mình dưới vòng nô lệ, từ một nghìn năm Bắc thuộc đến những đêm dài đau đớn dưới ách xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mĩ với hàng loạt những chiêu bài và chiến lược nhằm xoá bỏ văn hoá nước ta. Nhưng dân ta, với tinh thần yêu nước cùng bản sắc dân tộc đậm sâu đã gắn bó tự ngàn đời với nước non, vẫn luôn giữ vững được những giá trị truyền thông, bảo tồn và phát triển văn hoá, nối dài từ quá khứ đến hiện tại và vươn tầm tương lai.
Mỗi dân tộc khi mang trên mình một bản sắc riêng, một tiếng nói riêng sẽ luôn đứng vững trên trường đua bản sắc quốc tế chính bởi khi đó, họ sẽ mang trên mình quyền để tự quyết, họ sẽ thể hiện được tiếng nói chính dân tộc mình và góp phần vào bản sắc văn hoá nhân loại. Về lại với năm tháng trong quá khứ, những dân tộc nô lệ đã phải trải qua bao cuộc chiến, dấn thân mình vào bao thử thách chông gai, đứng vững trước tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc để dành lại mảnh đất mang danh đất nước. Sự đánh đổi bằng trọn máu xương, bằng mọi tinh lực của dân tộc ấy đã giúp họ trở thành những quốc gia độc lập, để rồi 1960 đã trở thành năm Châu Phi để chấm dứt đi một giai đoạn nằm trong vũng bùn nô lệ mà thoát thân, những dân tộc ấy đã làm mới chính mình khi có được quyền độc lập, khi có được bản sắc dân tộc riêng. Thay vì phải mang sự lệ thuộc từ chính trị đến kinh tế, văn hoá thì họ đã có thể quyết định mình cần làm gì? Vào lúc nào? Kế hoạch ra sao? Họ tựa như những chú chim sau khi được thoát khỏi chiếc cũi sắt nhỏ bé và chật hẹp đã được thoát ra trở về với bầu trời tự do. Quả rằng, khi bản sắc dân tộc bừng sáng thì sẽ luôn có một vị thế riêng vững chắc cho chính họ trên chặng đua quốc tế nhiều thách thức.
ĐỌC THÊM: HƯỚNG DẪN VIẾT ĐỀ THI LẬP ĐỘI TUYỂN DỰ THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA THPT TỈNH ĐẮK LẮK (CÂU 1)
Và liệu có bao giờ ta tự hỏi, bản sắc văn hoá ấy đã không hoà tan ra sao trên trường quốc tế muôn màu? Văn hoá một khi trở thành bản sắc thì sẽ dâng lên trong ta lòng tự hào để sánh vai với thế giới trong cuộc đua của cách mạng số, của nền kinh tế tri thức. Mỗi điều xảy đến luôn mang trên nó một vết tích của điều đã qua. Và thời cha anh trước đi qua đã để lại cho thế hệ ta một nền văn hoá đầy giá trị, tiêu biểu là truyền thống chăm chỉ, hiếu học, chịu thương, chịu khó. Đất nước ta trong bản đồ chung vẫn đang là một đất nước đang phát triển, trong quá khứ đã mang một vết tích thật lớn mang tên chiến tranh, nhưng “Con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất vinh quang, thống nhất ý chí, quyết tâm dân tộc là khí thế mạnh mẽ để chiến thắng mọi khó khăn, thử thách”. Bằng tinh thần sắt thép ấy, thấy khó không lui, thấy thù không nản, dân tộc ta đã “rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Những thành công thật rực rỡ vẫn tự hào gọi tên hai tiếng Việt Nam trong những giải đấu thể thao hay những giải đấu về tri thức trên cuộc đua khốc liệt của nhân loại. Và thật tự hào biết bao khi những con người ấy luôn là những cá thể xuất sắc mang bản sắc dân tộc ngân vang trong lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay cùng những nhịp quốc ca vang vọng cả khán đài. Bản sắc văn hoá là cơ hội để con người tự rèn giũa chính bản thân mình, phát triển mình và chính bản sắc ấy là bước chạy đà để con người bật nhảy đến những thành công trên vòng đua hội nhập.
Mỗi dân tộc khi có bản sắc văn hoá riêng sẽ không hoà tan vào vòng văn hoá chung chính bởi khi đó, dân tộc ấy đã tạo ra được sức mạnh nội tại chính là tinh thần đoàn kết và nghĩa đồng bào. Tự ngàn đời, dân ta vẫn mang truyền thống “Lá lành đùm lá rách”. Điều đó đã trở thành cái hồn văn hoá, cái bản sắc riêng biệt luôn chảy trong dòng máu nóng của từng người dân đất Việt. Những ngày tháng ta oằn mình với cuộc chiến chống lại đại dịch COVID 19, đó không phải là cuộc chiến của mỗi cá nhân mà đó là cuộc chiến của một dân tộc, từng chỉ thị được ban hành, ta luôn có thật nhiều cách để giúp đỡ nhau: cùng hỗ trợ khu cách li, cùng xây dựng cây ATM gạo, cùng nhau bảo vệ an toàn chính mình để tránh sức nặng cho tuyến đầu đang chiến đấu từng ngày với cuộc chiến sinh tử bất cân. Và còn nhớ cả những ngày khi lũ lụt dữ dội kéo về, khi những ngôi nhà đã ngập chìm trong biển nước, lực lượng bộ đội và những người dân vùng trong vẫn luôn cật lực quyên góp, hỗ trợ hết mình từ lương thực, thực phẩm, vật dụng bảo bộ… đến tiền của, cơ sở vật chất để giúp dân vùng lũ vượt qua những khó khăn. Hơn một nghìn hai trăm tỉ đồng là tổng số tiền ủng hộ mà Ban Vận động Cứu trợ của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận từ các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước ta dù chỉ sau sáu ngày cập nhật phương thức đóng góp tới người dân. Đứng trước khó khăn, đứng trước những thử thách chông gai, dân ta nhìn nhau không phải cái nhìn thờ ơ đến lãnh đạm mà luôn là sự giúp đỡ, bao dung và đoàn kết cùng nhau chống lại những chông gai. Bản sắc văn hoá ấy đã được nối kết và ngày càng hùng mạnh, phát triển hơn.
Bản sắc văn hoá tựa như tiếng nói của mỗi đất nước, mỗi dân tộc. Bản sắc ấy luôn mang trong nó vai trò quyết định đến sự tồn vong của một dân tộc, nhưng thật đáng buồn khi một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ trong xã hội hiện nay, chạy theo những trào lưu văn hoá của nước ngoài mà vô tình hay cố ý đã lãng quên đi bản sắc đất nước mình. Họ sẵn sàng dùng hàng giờ để tìm hiểu về âm nhạc một đất nước xa xôi nhưng lại bảo rằng khúc quan họ cất lên nghe thật sến sẩm và nhàm chán, họ dành một khối thời gian khổng lồ để xem hết một bộ phim dài nước ngoài mà lại thấy rằng một tiếng ba mươi phút xem một màn rối nước là điều không thể. Và có phải chăng, sự xâm lăng ấy đang dần ăn mòn đi trong tư duy của không ít người về tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ khi họ sẵn sàng dùng những âm tiếng Anh bồi vào một câu tiếng Việt, hay hàng loạt trường hợp vì mải học tiếng nước khác mà quên đi cách phát âm của tiếng nước mình, liệu rồi họ còn nhớ câu: “Đất nước là mảnh đất quê hương, là chỗ mình sinh ra và lớn lên, do đó tình yêu quê hương là một bổn phận thiêng liêng đối với mỗi người chúng ta.”(Hồ Chí Minh). Liệu có đáng buồn về điều đó không? Có chứ! Thật đáng buồn khi những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần đã được ông cha đánh đổi bằng máu xương lại trở thành sự hờ hững hiện nay của thế hệ trẻ! Ta nên làm gì để bản sắc dân tộc luôn vọng vang trong mỗi cá nhân? Mỗi người sẽ có thật nhiều cách nuôi dưỡng và bảo vệ thứ bản sắc quý giá ấy, nhưng chắc hẳn rằng, trước hết mỗi chúng ta vẫn cần hình thành trong mình sự thấu hiểu và ý thức trân trọng về bản sắc văn hoá dân tộc và cần thể hiện điều đó bằng những hành động cụ thể. Việc ý thức rõ “Tôi là người Việt Nam” đã là một quá trình tự nhận thức về bản sắc văn hoá dân tộc mình, bản sắc của con người mình. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia luôn có một cơ chế riêng, một con đường phát triển độc lập, nên mỗi chúng ta cần quan tâm nhiều hơn về việc phát triển phù hợp ra sao, phát triển như thế nào thay vì cứ ôm khư khư những điều đã lỗi thời, lạc hậu. Trong ý niệm “kế thừa và phát triển”, mỗi dân tộc cũng cần học hỏi ở nhau những giá trị tinh túy và cải biến để phù hợp, tránh vì sợ hoà tan mà không hoà nhập, bởi rằng chẳng có màu xanh nào của rừng mà được làm nên từ một cây và chẳng có đất nước nào đứng riêng một mình mà lại hùng mạnh!
Rong ruổi cùng năm tháng dài rộng của hành trình cuộc đời, chúng ta có thật nhiều những thứ để yêu và cần phải yêu, nhưng hãy luôn dành trọn trái tim mình để chứa đựng hình ảnh về quê hương, về những giá trị văn hoá giàu đẹp và thiêng liêng, hãy cứ sống một đời dài rộng và đừng quên bài học khắc cốt ghi tâm về văn hoá dân tộc: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất” (cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mượn lời tiền nhân).
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Tin liên quan