HƯỚNG DẪN VIẾT ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI VÒNG II CÁC MÔN VĂN HÓA CẤP THPT TỈNH LONG AN (CÂU 1)

Ngày 24/09/2024 11:10:15, lượt xem: 536

Với tính chất cạnh tranh cao cao kì thi học sinh giỏi, các tỉnh đang gấp rút ôn tập và tuyển chọn những nhân tố xuất sắc nhất dự thi qua các kì thi học sinh giỏi các vòng. Dưới đây là phần hướng dẫn viết (câu 1) đề thi học sinh giỏi vòng II các môn văn hóa cấp THPT của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An.

 

Câu 1: (8,0 điểm)

“Đời sợ lắm những ngày im tiếng gió

và chúng ta như những ngọn cỏ

không tha thiết vẫy chào…

Sợ lắm những ngày chúng ta không còn gì để hư hao

lòng không vui không buồn không tha thiết

chúng ta sửa soạn gương mặt rồi bước ra ngoài kia vì không thể nào chạy trốn

cuộc đời như một con dốc xuống

chúng ta đừng mong băng ngang…

Sợ lắm những ngày chúng ta chỉ muốn làm phận hèn

không giành nữa dù là yêu thương sâu lắng

mỉm cười buông tay vì muốn giành cho trái tim mình một phần đời đơn giản

không ai cho và không ai nhận

cô độc nhưng bình yên!...”

(Trích Đời sợ lắm những ngày im tiếng gió, Nguyễn Phong Việt, 

Mình sẽ đi cuối đất cùng trời, Nxb Phụ nữ Việt Nam, 2019)

Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề gợi ra từ đoạn thơ trên.

 

Bài làm

“Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi,

  Có con người sống mà như qua đời.”

(Đồng dao cho người lớn, Nguyễn Trọng Tạo)

Cuộc đời con người không được đong đếm bằng bao nhiêu ngày người ta tồn tại, mà được đếm bằng cách người ta sống mỗi ngày. Ai cũng mong mình sẽ là cánh rừng dẫu chết vẫn xanh tươi, nhưng đôi khi người ta lại đang “sống mà như qua đời”. Bởi thế, nhà thơ Nguyễn Phong Việt đã dùng những vần thơ của mình để viết về một nỗi sợ - sợ những ngày đời im tiếng gió, viết về những lắng lo trước cảnh người ta dần mất đi cảm giác yêu thương với chính bản thân và cuộc đời, trước lối sống thờ ơ, vô cảm.

 

Trong bài thơ “Đời sợ lắm những ngày im tiếng gió”, nhà thơ viết “Đời sợ lắm những ngày im tiếng gió/ và chúng ta như ngọn cỏ/ không tha thiết vẫy chào”. Những ngày im tiếng gió là những ngày cuộc đời vô định, không biến động. Con người ta cũng vì thế mà trở thành những ngọn cỏ chán nản, lặng im, không tha thiết. Sau “những ngày im tiếng gió”, tác giả nhắc đến “những ngày chúng ta không còn gì để hư hao”, trống rỗng, không có gì để tha thiết, lại chẳng có gì để mất đi. Và cứ thế, cuộc đời “như một con dốc xuống”, không có niềm tin, không có hy vọng, không chờ đợi cũng chẳng buồn cố gắng. Và rồi, không biết từ bao giờ, “ta chỉ muốn làm phận hèn”, “không giành nữa dù là yêu thương sâu lắng”? Không biết từ bao giờ, con người ta lại tách mình ra khỏi cuộc sống này, không yêu thương, không khao khát, không cần nhận lại và cũng chẳng muốn cho đi? Mượn lời thơ, tác giả đưa ra những băn khoăn, lo lắng về đời người khi chất lượng cuộc sống đi xuống, con người đánh mất sự đồng cảm với cuộc đời và tình yêu với chính bản thân mình.

 

Xã hội ngày càng phát triển, nhưng dường như con người cũng dần có thêm nhiều khoảng cách, khoảng cách với nhau và khoảng cách với chính mình. Những lỗ hổng cảm xúc ấy khiến người ta quên mất phải yêu bản thân, cũng quên đi việc yêu thương đồng loại mình. Chính ta còn không thể cứu vớt lấy ta khỏi những suy nghĩ tiêu cực, thì làm sao ta biết đồng cảm với người khác để mà có thể thấu hiểu, sẻ chia. Đau đớn làm sao khi chứng kiến nhiều người trẻ, vì áp lực cuộc sống, vì những vấp ngã không thể vực dậy mà lựa chọn từ bỏ cuộc đời mình. Đau đớn làm sao khi chứng kiến sự thờ ơ của đồng loại trước những tổn thương của người khác? Đau đớn làm sao trước cảnh con người ngày một tách mình ra khỏi tập thể, “không ai cho và cũng không ai nhận”, lấy sự cô độc làm bình yên?

 

ĐỌC THÊM: HƯỚNG DẪN VIẾT ĐỀ THI LẬP ĐỘI TUYỂN DỰ THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA THPT TỈNH ĐẮK LẮK (CÂU 1)

 

Vậy nguyên nhân là do đâu? Nhìn từ phía cá nhân, bản thân mỗi con người đã là một bản thể toàn vẹn mà phức tạp, người ta có nhiều “ngõ ngách” mà đôi khi chính mình cũng không thể hiểu nổi. Sự “không thể hiểu nổi” bản thân khiến ta dễ bị tổn thương hơn, dễ rơi vào những cảm xúc tiêu cực, những trống rỗng không thể nào lấp đầy. Vì thế, người ta để mặc cho cảm giác bất lực xâm lấn tâm trí mình, đánh mất đi cả những rung động, những nhu cầu tốt đẹp thường nhật. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ môi trường sống độc hại, những ám ảnh tuổi thơ, lối giáo dục vị kỉ hay các mối quan hệ không lành mạnh cũng làm cho con người đánh mất đi những rung cảm đẹp đẽ, trở nên thờ ơ với chính bản thân và mọi người. “Đời người trừ lúc ngủ thì còn hơn mười ngàn ngày. Có người sống vẹn tròn đầy đủ cả mười ngàn ngày. Có người chỉ sống một ngày, sau đó lặp lại hơn mười ngàn lần”. Những tác động từ bên ngoài, cùng với cảm giác trống rỗng từ bên trong biến con người từ một thực thể của xã hội, dần mất đi các liên kết với cuộc đời, làm cho việc sống chỉ còn là sự tồn tại lặp đi lặp lại mỗi ngày.

 

Hệ quả lớn nhất của việc để cho cuộc đời trở nên im ắng, tẻ nhạt là con người bắt đầu bệ rạc với chính mình, không yêu thương và chăm sóc cho bản thân, không có mục tiêu, mục đích, lý tưởng, không còn mong muốn phấn đấu. Đó là “cái chết từ bên trong” của xã hội loài người, khi bản thân mỗi con người không còn ý thức về cuộc sống cá nhân, vô hình chung, họ cũng đánh mất đi ý thức xây dựng cộng đồng. Và vì thế, cộng đồng xã hội không còn là một “cộng đồng” hoàn chỉnh, nó mất đi sự liên kết bên trong, trở nên rời rạc và không thể phát triển bền vững. Không phải tự dưng mà những năm gần đây, tỉ lệ người trẻ tự tử có xu hướng gia tăng. Cùng với những áp lực từ cuộc sống, những thay đổi của thời đại, ảnh hưởng từ dịch bệnh và đòi hỏi xã hội, cảm giác bất lực và trống rỗng không thể kiểm soát khiến cho người ta mất đi niềm tin và hi vọng sống, buộc phải lựa chọn kết cục tệ nhất cho cuộc đời mình. Hơn thế nữa, khi con người dần tách ra khỏi cộng đồng, họ bắt đầu hình thành suy nghĩ “mạnh ai nấy sống”, không quan tâm đến mọi người, thậm chí có thể gây tổn thương đến người khác bằng hành vi hay ngôn ngữ của mình. 

 

Trước tình trạng ngày một đáng báo động, chúng ta rất cần những sự thay đổi, mà trước hết là thay đổi ở bản thân mỗi người. Bản thân mỗi người cần dành cho mình nhiều thời gian hơn, để nhìn nhận lại bản thân, học cách thấu hiểu chính mình. Một tâm hồn nghèo nàn đáng sợ hơn cả sự nghèo về vật chất. Cho nên, việc vun đắp tinh thần, bồi dưỡng những xúc cảm tích cực là cần thiết, để người ta có động lực bước ra khỏi vũng bùn của sự bất lực. Bên cạnh đó, cộng đồng cần tạo ra một môi trường lành mạnh cho sự phát triển của cá nhân, cần có sự chia sẻ và thấu hiểu với nhau, chấp nhận cá tính cá nhân, cần những sự thay đổi từ giáo dục và trong cách ứng xử với mọi người. 

 

Tất nhiên, cũng cần khẳng định rằng, việc có “những ngày đời im tiếng gió” trong cuộc đời là cần thiết. Đôi khi, người ta cũng cần kiếm tìm sự bình yên trong cô độc, trong khoảnh khắc nhìn lại chính mình. Mỗi người thực sự cần có những “khoảng trống”, “khoảng trắng”, để được đổ đầy thêm những điều tốt đẹp. Trên đường đời cũng cần có những bước dừng, những điểm nghỉ để có động lực bước tiếp. Quan trọng là không được để bản thân mình rơi vào cảnh tuột dốc, chìm đắm trong vũng bùn của sự bất lực. Nói chung, điều cần thiết cho một cuộc sống chất lượng là mình biết yêu mình, tôn trọng những cảm xúc yếu đuối của mình, học yêu những điều tốt đẹp của mình, để rồi biết yêu thương cuộc đời. Chỉ khi mình biết đợi mong vào tương lai sắp tới, thì những điều không vui ở hiện tại mới có cơ hội qua đi.

 

 Sống là một thử thách, chỉ việc sống thôi cũng cần rất nhiều sự cố gắng. Lối sống thờ ơ, vô cảm trước bản thân và mọi người đã và vẫn sẽ còn đem đến nhiều hệ lụy. Vì vậy, để nâng cao chất lượng của sống, trước hết, ta cần biết yêu thương chính mình, sau đó là học cách yêu thương mọi người. Bản thân mỗi người cần có thời gian để chăm sóc đứa trẻ bên trong mình, nhìn ngắm cuộc đời nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, để thấy mình được yêu hơn mỗi ngày. Và dù thế nào đi nữa, chờ những ngày “đời im tiếng gió” đi qua, sẽ lại là những ngày nắng đẹp. Vậy nên, xin mượn đôi câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân, 

“Nhưng em ơi,

Mình phải sống như mùa hè năm ấy,

Anh muốn mình sống mãi những mùa xanh!”

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

Tin liên quan