HƯỚNG DẪN VIẾT ĐỀ THI LẬP ĐỘI TUYỂN DỰ THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA THPT TỈNH ĐẮK LẮK (CÂU 1)

Ngày 24/09/2024 10:11:57, lượt xem: 259

Đề thi lập đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia THPT tỉnh Đắk Lắk được đánh giá là một đề khá hay và có mức độ phân loại, đánh giá chất lượng học sinh cao. Hãy cùng tham khảo phần hướng dẫn viết đề này do Học Văn Chị Hiên biên soạn ở bài viết dưới đây

 

Đề bài: Diêm
Que diêm sống
khi đang chết

Nằm trong hộp tối bao nhiêu ngày
chỉ để một phút giây
bừng sáng

Ánh sáng đựng ở đâu?

Không ở gỗ
không ở chất diêm sinh
mà ở phút rùng mình
va chạm

(Vũ Quần Phương, Chỗ ấy sóng, NXB Hội nhà văn, 2007)
Từ điều được gợi mở trong bài thơ, chia sẻ suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề: Phải chăng giá trị không tự nhiên có, nó đến từ sự va chạm giữa con người

Câu 1: (8,0 điểm)
với đời sống?


Dàn ý chi tiết
I. Mở bài

Trong đoạn kết của truyện cổ tích “Cô bé bán diêm”, tác giả viết: “Que diêm tắt phụt và ảo ảnh trên khuôn mặt em bé cũng biến mất”, một cái kết đầy tiếc nuối. Thế nhưng, trước khi ánh lửa tàn lụi, những que diêm nhỏ bé kia đã mang đến cho cô bé một đêm Giáng sinh kì diệu. Nếu truyện cổ nhắc đến những que diêm như gửi gắm mong muốn về một cuộc sống tốt đẹp hơn, thì trong bài thơ “Diêm”, nhà thơ Vũ Quần Phương đã gửi gắm những suy tư về giá trị sống của con người. Giá trị của que diêm nằm ở khoảnh khắc va chạm và bùng cháy. Giá trị của con người cũng thế, nó đến từ những “va chạm” với cuộc đời, và với bản thân.

II. Thân bài
1.1. Giải thích VĐNL
“Que diêm sống/ khi đang chết”: Que diêm cháy được khi đầu diêm được va chạm với một hỗn hợp bột ma sát, phốt pho đỏ và keo dán, hỗn hợp này thường được dán ở trên bề mặt hoặc cạnh bên của mỗi bao diêm. Khi xảy ra ma sát, phốt pho đỏ bị biến đổi thành phốt pho trắng và bốc cháy khi tiếp xúc với không khí, lóe lên tia lửa và làm đầu que diêm cháy theo. Khoảnh khắc một que diêm cháy dần, tàn lụi dần và “chết” dần lại chính là khoảnh khắc nó được “sống”, được thực hiện sứ mệnh của mình. Sự sống và cái chết của que diêm được nhắc đến trong câu thơ này, cũng như sự “sống” và cái “chết” của một con người. Ta chỉ thực sự sống khi ta đang cống hiến cho cuộc đời, đang hoàn thiện sứ mệnh của mình. Sống không giống tồn tại, người ta chẳng thể sống mà không va chạm, không một vài lần “chết” đi.
“Nằm trong hộp tối bao nhiêu ngày/ chỉ để một phút giây/ bừng sáng”: Con người cũng như que diêm ấy, chờ đợi trong bóng tối rất nhiều ngày, để cho một phút giây tỏa sáng. Và như que diêm, cống hiến hết tất cả của mình cho một phút được cháy, con người cũng chỉ tỏa sáng được khi bước chân ra ngoài, cống hiến những gì tinh túy và đẹp đẽ nhất cho đời.
“Ánh sáng đựng ở đâu?/ Không ở gỗ/ không ở chất diêm sinh/ mà ở phút rùng mình/ va chạm”: Giá trị của que diêm không nằm ở những thứ cấu tạo nên nó, mà ở những gì nó đã phải trải qua, những thứ nó đem lại cho cuộc đời. Que diêm nhỏ bé đã va chạm, đã “chết”, để cống hiến. Giá trị của con người cũng vậy, nó không nằm ở những thứ tạo nên ta, nó nằm ở cái ta tạo nên cho đời.
=> Xuất phát từ sự hiểu biết về những đặc điểm và cơ chế hoạt động của que diêm, tác giả đã gài cắm những bài học sâu sắc về giá trị của con người trong cuộc sống. Theo nhà thơ, giống như cách que diêm phải chết đi để được sống, con người cũng phải thật sự “va chạm” với cuộc đời, “chết” đi đôi lần để được “sống” rất nhiều lần. Mỗi người phải có cho bản thân những “va chạm”, những trải nghiệm, cả những vấp ngã, để hoàn thiện chính mình, để sống được một cuộc đời rực rỡ.

1.2. Biểu hiện
Giá trị của con người: Trong những cách lí giải về sự ra đời của loài người, truyện cổ luôn khẳng định rằng con người là sự tồn tại đẹp đẽ và tinh túy nhất của trời đất, “người ta là hoa đất”. Thế nhưng, giá trị của con người, thực tế, lại không nằm ở những gì mà vũ trụ đem đến cho ta, nó nằm ở cách ta sử dụng chúng. Một người đáng ngưỡng mộ không phải là một người có tất cả: nhan sắc, danh vọng, tài năng, của cải,.. Một người đáng ngưỡng mộ nên là một người biết hoàn thiện những cái vốn có của bản thân trong quá trình làm “người” của họ, và rồi đem những giá trị đã hoàn thiện ấy để xây đắp nên cuộc đời chung. Cũng giống như chiếc bút chì. Một chiếc bút chì sẽ phải trải qua rất nhiều lần đau đớn khi bị đẽo gọt, sẽ nhỏ bé dần, bị mài mòn dần. Nhưng chính trong quá trình đấy, nó khẳng định được giá trị của mình và đem đến được giá trị cho cuộc đời. Thứ làm nên giá trị của một chiếc bút chì không phải vỏ gỗ, ruột chì hay hình hài kích thước của nó, mà nằm ở quá trình nó viết nên những gì, bị mài mòn đi như thế nào.
Sự “va chạm” của con người với cuộc sống: Sức sống của que diêm đến từ “một phút rùng mình”, “va chạm”, con người cũng vậy. Hai từ “va chạm” đã khái quát toàn bộ cuộc đời của một con người. Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, người ta sẽ không thể tìm thấy mình trong cuộc sống cá nhân, đơn lẻ; không thể phát triển mình nếu không gặp gỡ, không trải nghiệm, không từng sai. Cho nên, “va chạm” ở đây, ý nói con người phải đặt mình vào với xã hội, sống trong khuôn khổ của xã hội; chăm chỉ, cố gắng, dám thử thách bản thân; dám nghĩ, dám làm và dám thừa nhận cái sai của mình, để hoàn thiện mình. Trong quá trình va chạm ấy, chắc chắn có đôi lần người ta sẽ “chết” đi, đôi ba lần người ta thất bại. Nhưng chính từ trong những vấp ngã, ta mới tìm thấy con đường để mình đi tiếp, tìm thấy định hướng để khẳng định bản thân. Elon Musk- người luôn được nhắc đến với tư cách là một tỷ phú nổi tiếng, với những danh vọng sáng ngời khiến người người phải ngưỡng mộ - trước khi có được ngày hôm nay, ông cũng phải trải qua nhiều lần thất bại. Từ những lần trải nghiệm và thất bại ấy, Elon có được kinh nghiệm cho bản thân, từ đó tạo nên những định hướng đúng đắn cho con đường của mình. Rõ ràng, thành công của ông được tạo nên từ những thất bại ông từng đi qua, những trải nghiệm mà ông từng có được.
Sự “va chạm” của con người với chính bản thân mình: Đôi khi, người ta cũng cần có thời gian để soi chiếu lại bản thân mình. Vì cuộc sống là một cuộc đấu tranh, với cuộc đời, và với chính mình. Va chạm với bản thân để biết mình là ai, mình muốn gì và mình cần làm gì. Chính sự đấu tranh nội tâm không ngừng mỗi ngày, sẽ là tiền đề để người ta tốt lên mỗi ngày. Đâu phải tự dưng mà que diêm “sống khi đang chết”. Câu chuyện về que diêm cũng được dùng như một điều răn dạy trong Phật giáo. Trong câu chuyện ấy, que diêm được chứng kiến những người bạn của mình người nối người chết đi, nó cũng phải đấu tranh và suy tư rất nhiều để hiểu được rằng, tại sao trong khoảnh khắc chết đi ấy, những người bạn của nó đều cười. Chúng ta cũng sẽ phải đấu tranh rất nhiều, để hiểu được mình và cuộc sống quanh mình. Kết quả tất yếu của sự va chạm tích cực mỗi ngày, là một “tôi” tốt đẹp hơn mỗi ngày.

 

ĐỌC THÊM: HƯỚNG DẪN VIẾT ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI VÒNG II CÁC MÔN VĂN HÓA CẤP THPT TỈNH LONG AN (CÂU 1)


1.3. Ý nghĩa, vai trò
Vai trò của sự “va chạm” của con người với cuộc sống: Việc trải nghiệm cuộc đời, hay để cho bản thân được “va chạm” chưa bao giờ là dễ dàng, nó luôn luôn vất vả và đòi hỏi phải có rất nhiều sự nỗ lực; tất nhiên, cũng phải trải qua hơn một lần đớn đau. Thế nhưng, đi qua hết tất cả, người ta sẽ tìm thấy một bản thân được sống. “va chạm” là quá trình ta bước ra khỏi chiếc hộp giấy tối tăm, tự tạo ra tia lửa cho mình, và tự mình tỏa sáng. Có một câu rất quen thuộc mà ta vẫn nói với nhau hàng ngày, “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Xuân Diệu). Để có được một phút huy hoàng ấy, buộc ta phải dấn thân vào với cuộc đời. Không chỉ khẳng định được mình với cuộc đời, “va chạm” còn là quá trình khẳng định ta với chính ta. Vậy nên, cuối cùng, điều tốt đẹp nhất là mình tìm thấy mình trong những rối rắm của cuộc đời, biết trân trọng mình hơn.
Vai trò của sự “va chạm” của cá nhân đối với cộng đồng, xã hội: Khi mỗi cá nhân dám dũng cảm “va chạm”, trải nghiệm và học hỏi sẽ tạo nên không khí cạnh tranh, phấn đấu, mở ra tương lai mới cho cộng đồng. Nếu nhìn cuộc sống hiện tại theo góc độ này, có thể thấy thế hệ trẻ ngày nay đã và đang có ý thức hơn trong việc muốn khẳng định mình, và dám thử sức để khẳng định mình. Không thiếu những bạn trẻ dám từ bỏ công việc ổn định mà phụ huynh mong muốn để theo đuổi đam mê cá nhân; càng không thiếu những tinh thần trẻ khởi nghiệp thành công từ giấc mơ và mong muốn cống hiến của mình. Trong những ngày Covid, mạng xã hội “rần rần” về câu chuyện của “cha đẻ” ứng dụng Bluzone - chàng trai trẻ Võ Duy Khánh. Dù cũng gặp phải nhiều khó khăn, nhưng với mong muốn góp sức mình để “đốt lửa” cho cuộc đời, Khánh đã tạo ra một ứng dụng thực sự hữu ích trong công cuộc phòng chống dịch bệnh của dân tộc. Rõ ràng, thế hệ hiện này, “Gen Z” ngày nay đã thay đổi rất nhiều về suy nghĩ so với những thế hệ trước đó, dám nghĩ nhiều hơn hai chữ “ổn định”. Chúng ta có thể tự tin rằng mình đã hiểu được ý nghĩa của sự sống trọn vẹn, và có thể tự hào vì mình đã dám bước ra khỏi hộp giấy tối tăm lạnh lẽo, dám va chạm, trải nghiệm và đấu tranh để khẳng định tiếng nói của bản thân, của thế hệ mình. Một lần nữa, thế hệ này, một thế hệ dám trải nghiệm, sẽ mang đến một bộ mặt mới, đa dạng hơn cho xã hội, và sẽ còn đa dạng hơn mỗi ngày.

1.4. Mở rộng vấn đề
So sánh với quan điểm “Hữu xạ tự nhiên hương”: Đề thi HSGQG năm 2023 có xuất hiện một quan điểm của người xưa “Hữu xạ tự nhiên hương” và câu hỏi về việc xây dựng hình ảnh bản thân trong thời đại mới. Hữu xạ tự nhiên hương - chất xạ hương mang theo mình hương thơm đặc biệt, tự nhiên sẽ lan tỏa và thu hút mọi người xung quanh; con người với những giá trị riêng ắt sẽ được công nhận. Thế nhưng, những giá trị tự nhiên ấy không phải tự nhiên mà có, và cũng không thể lưu giữ mãi nếu không trải qua một quá trình tu sửa, trang trí, “đánh bóng” mỗi ngày. Thế nên, dù xuất phát điểm có cao đến đâu, việc có được những “va chạm” trong cuộc đời vẫn luôn luôn cần thiết. Những giá trị tự nhiên giúp con người ta tỏa sáng, sự cố gắng cũng thế. Vậy nên, hoàn thiện bản thân mỗi ngày, cho phép mình được va chạm mỗi ngày là đang góp nên những giá trị tự nhiên, để đến một ngày mình được “tỏa hương”.

Mở rộng vấn đề trong đời sống hiện đại: Tất nhiên, “người tự do nhất là người biết khép mình vào khuôn khổ”, sự “va chạm” cũng cần có một chừng mực nhất định. Quá trình mình cho phép bản thân đi nhiều thêm, gặp gỡ, học hỏi nhiều hơn và trải nghiệm nhiều thêm, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều thêm những “nguy cơ”. Trong quá trình ấy, mình tiếp xúc với nhiều điều hơn, trong đó sẽ có cả cái tốt, cái không tốt. Vậy nên, vấn đề tất yếu được đặt ra là làm sao để sự “va chạm” phát huy được ý nghĩa tích cực của nó. Nghĩa là chúng ta phải biết tiếp thu một cách có chọn lọc, biết biến những trải nghiệm cần thiết ấy thành giá trị của bản thân, thay vì khiến mình bị cuốn theo những thứ phù phiếm mà đánh mất đi mục đích ban đầu của mình. Tất nhiên, nó là thách thức rất lớn trên quá trình trưởng thành của những người trẻ, những tâm hồn non nớt. Nhưng thách thức cũng là cơ hội để trưởng thành, là cơ hội để khẳng định bản thân. Và, ý nghĩa thực sự của sự “va chạm” nằm ở đó: đi tìm mình, gìn giữ khát vọng của mình và tỏa sáng theo cách của mình.

1.5. Bài học nhận thức, hành động
Bài học nhận thức: Nhận thấy được ý nghĩa của sự “va chạm” với mỗi người trong cuộc sống, ta phải biết trân trọng sự trưởng thành mỗi ngày của bản thân và mọi người. Trân trọng quá trình thay đổi của mình, chấp nhận những thất bại, vấp ngã, rèn giũa tâm hồn mỗi ngày kể cả khi phải chờ đợi trong hộp tối. Tích lũy từng chút một cho phút giây huy hoàng.

Bài học về hành động: Ta nên tích lũy kiến thức, kĩ năng mỗi ngày, học tập từ chính những vấp ngã của bản thân, học tập từ môi trường sống và mọi người xung quanh. Đồng thời, trong quá trình trưởng thành, không thể tránh khỏi những vấp ngã, quan trọng là phải biết đứng lên để đi tiếp. Đôi khi diêm đánh lửa không phải một lần mà thành, cũng phải thay đổi từ từ để tìm được chất xúc tác, môi trường, cơ hội tốt nhất cho mình.

III. Kết bài
“Thời gian qua nó được sống. Nó sống trong sự lạnh giá và đen tối của hộp diêm. Tuy được sống nhưng nó cảm thấy như nó đã chết rồi. Bây giờ nó đang chết đi nhưng nó thấy sự sống trong nó mãnh liệt hơn bao giờ hết…” (Que diêm, Pháp Nhật, Báo điện tử Phật giáo). Con người, dẫu là ở thời đại nào, dù địa vị ra sao, cũng sẽ luôn có cho mình khát khao được tỏa sáng. Và vì vậy, con người bước ra khỏi vỏ hộp diêm lạnh lẽo và đen tối, va chạm, là để bùng cháy và rực rỡ, để khẳng định giá trị của mình.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

Tin liên quan