BÀI VĂN THUYẾT MINH VỀ MÂM CƠM NGÀY TẾT HAY NHẤT

Ngày 16/02/2024 14:16:37, lượt xem: 1179

Những ngày cuối năm, không khí trong lành của mùa xuân đã tràn ngập khắp các con đường, góc phố và vào từng góc nhà. Đó là dấu hiệu rõ ràng của một thời khắc quan trọng và thiêng liêng: Tết Nguyên Đán đang đến gần. Trong những ngày này, mỗi gia đình ở Việt Nam đều chuẩn bị cho mình một mâm cơm đặc biệt, một mâm cơm không chỉ là bữa ăn mà còn là biểu tượng của sự sum họp, của tình thân mà còn là sự tri ân đối với ông bà, tổ tiên.

 


Mâm cơm ngày Tết không chỉ đơn giản là một bữa ăn hay một mâm cỗ thông thường, đó là sự kết hợp tinh tế của những món ăn ngon lành và là một bức tranh sống động thể hiện bản sắc, văn hóa tinh thần cũng như lòng hiếu khách của người Việt Nam. Mỗi món ăn, mỗi chi tiết trên mâm cơm đều chứa đựng những giá trị sâu sắc, đó là tượng trưng của một biểu tượng sống mãi thời gian, gắn kết con người với quá khứ và tương lai, gắn kết tình thân anh em trong gia đình.
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Ngày xuân, đọc một câu đối, chúng ta nhận ra bao vẻ đẹp của ngày Tết nguyên đán cổ truyền. Dường như, chuẩn bị những mâm cơm ngày Tết cẩn thận và trang trọng đã trở thành một mỹ tục của nhân dân ta, cả ở thành thị lẫn nông thôn. Các món ăn được lựa chọn trên mâm cơm Tết thường đều là những món truyền thống và đặc trưng, thể hiện được cái hồn của đất Việt. Ta thường thấy trên mâm cơm sẽ đa dạng các loại màu sắc. Đó là màu xanh của bánh chưng, màu vàng của canh măng và gà, màu nâu cánh gián của bát thịt kho, điểm chút màu trắng của dưa hành và bánh dày. Mỗi món đều mang một ý nghĩa riêng, thể hiện sự may mắn, sung túc và an lành cho năm mới.

 

ĐỌC THÊM DÀN Ý PHÂN TÍCH CHI TIẾT BÀI THƠ LAI TÂN - HỒ CHÍ MINH


Trong mâm cơm Tết cổ truyền của người Việt không thể thiếu một đĩa bánh chưng được chia đều thành những phần bằng nhau được đặt giữa mâm, bên cạnh là đĩa bánh dày. Hai loại bánh này theo truyền thống của người Việt Nam, bánh chưng đại diện cho đất, bánh dày đại diện cho trời, đây được coi là biểu tượng của sự đoàn kết gia đình và sự bền vững, ổn định. Màu xanh lá chuối, lá dong biểu thị cho sự sống, sinh sôi nảy nở. Xung quanh bánh chưng và bánh dày sẽ tiếp tục được bao quanh bởi các món ăn khác. Bát thịt kho thường được làm từ thịt heo, với màu nâu cánh gián bắt mắt cùng với sự đậm đà ngon ngọt của đường và nước mắm. Có địa phương nếu muốn thêm vị thơm họ cho thêm lá cẩm. Thịt được cắt vuông, ướp gia vị đậm đà. Sau đó người nấu sẽ phi thơm hành tỏi rồi đổ thịt, nước hàng, nước dừa và nấu chín đến khi thịt mềm. Ở miền Bắc thì món thịt kho sẽ có thêm chút hành lá và tiêu bên trên, còn ở miền Nam, món thịt kho phải đi kèm với hột vịt và được kho đậm đà hơn, đó là sự đặc trưng giữa các vùng miền. Nhưng dù như thế nào đi chăng nữa, món ăn này vẫn là biểu tượng cho sự phồn thịnh, sung túc và đủ đầy trong cuộc sống. Kế bên bát thịt kho có thể là một đĩa gà luộc, vì sao người Việt ta thường chọn gà luộc thay vì các món gà khác? Bởi vì gà luộc là một món ăn đại diện cho sự may mắn trong năm mới. Không những vậy gà còn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp theo quan niệm xưa. Trong mười hai con giáp, gà là biểu tượng cho sự cương trực và mạnh mẽ. Còn trong văn học, gà lại được cho là loài sở hữu năm đức tính lớn: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín. Hơn nữa, theo sách chiêm tinh, mỗi ngày trong tám ngày đầu năm mới thuộc về một con giống. Gà thuộc ngày mồng một Tết, vậy nên cỗ cúng không thể thiếu gà. Một mâm cơm đã đầy đủ món mặn thì không thể thiếu món canh, đó cũng chính là linh hồn của mâm cơm Việt nói chung và mâm cơm ngày Tết nói riêng, canh măng thường được coi là một món canh ngon, đây là món ăn gợi sự ấm áp trong những ngày đầu xuân sum vầy. Ngoài ra, đĩa dưa hành trên mâm cỗ bao giờ cũng được bóc nõn, tỏa ra lời mời mọc. Và như thường lệ, người ta không gắp thịt, gắp giò mà trước tiên nhẹ nhàng gắp củ hành nén ấy đưa lên thưởng thức như một thứ khai vị. Đan xen trong các món ăn ấy có thể là một chén nước mắm với chút sắc đỏ của vài miếng ớt, một đĩa muối trắng với trái chanh bên cạnh. Đó chính là một mâm cơm ngày Tết hoàn hảo.
Mâm cơm ngày Tết có một vai trò đặc biệt hơn đó chính là gắn kết tình thân, kéo gần khoảng cách các thành viên trong gia đình lại gần nhau hơn mỗi độ Tết đến xuân về. Những đứa con xa nhà đều mong mỏi được ăn bữa cơm ngày Tết do mẹ nấu, được quây quần cùng gia đình, họ vừa ăn vừa trò chuyện. Mâm cơm ngày Tết không chỉ là bữa ăn đặc biệt mà còn là thời khắc để gia đình sum họp, chia sẻ những niềm vui và những kỉ niệm trong năm cũ, cùng chúc nhau những điều may mắn và hi vọng cho năm mới. Tiếng vui cười hòa quyện với vị ngon của những món ăn sẽ càng làm cho những người thưởng thức thêm yêu mâm cơm ngày Tết này.
Như vậy, mâm cơm ngày Tết không chỉ là nền tảng của ẩm thực truyền thống mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, của sự ấm áp và của sự tri ân. Chúng ta hãy gìn giữ và truyền thống nền văn hóa ẩm thực này, để mỗi dịp Tết đến, mâm cơm ngày Tết vẫn là điểm tựa vững chắc của tình thân và truyền thống, là nguồn cảm hứng cho mỗi gia đình Việt Nam trong hành trình xây dựng hạnh phúc và thành công.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học kĩ năng - Lớp 9

Tin liên quan