BÀI VĂN PHÂN TÍCH NHÂN VẬT PHÙNG ĐẶC SẮC NHẤT

Ngày 10/06/2021 17:29:03, lượt xem: 8246

Trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" Nguyễn Minh Châu, nhân vật Phùng chính là người đã phát hiện ra câu chuyện về gia đình của người đàn bà hàng chài. Cũng chính nhân vật này là người đã tiếp tục theo dõi câu chuyện rồi cả anh và Đẩu và cho cả chúng ta - người đọc có thêm được những phát hiện mới mẻ về cuộc sống. Hãy tham khảo bài viết dưới để hiểu rõ hơn nhân vật Phùng Phùng trong truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu nhé!

 

 

Đề bài: Phân tích nhân vật Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.

Bài làm

1. Mở bài

Có một nhà văn đã từng nói: “Cái đẹp chính là liều thuốc giúp trái tim của người nghệ sĩ thăng hoa hơn. Cái đẹp thanh lọc tâm hồn con người, cái đẹp khiến cho người ta trở nên thánh thiện và cao thượng hơn.” Tôi vẫn còn nhớ nhân vật Phùng trong “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu) đã từng xúc động, bối rối như thế nào khi khám phá ra một vẻ đẹp toàn bích lúc ngắm nhìn bức tranh chiếc thuyền mờ ảo trong sương khói. Nhân vật Phùng cũng từ bức tranh toàn bích này khám phá ra muôn màu, muôn vẻ của cuộc sống đời thường. Và nhân vật này, cũng đã giúp cho nhà văn Nguyễn Minh Châu thể hiện được tư tưởng, triết lý nhân văn sâu sắc về vẻ đẹp con người, vẻ đẹp nghệ thuật, vẻ đẹp cuộc đời.

Được coi là "người mở đường tinh anh và tài năng nhất"( Nguyên Hồng), Nguyễn Minh Châu - cây bút tiên phong của văn học Việt nam thời kỳ đổi mới đã có nhiều tác phẩm ấn tượng. Một trong những tác phẩm thành công của ông là "Chiếc thuyền ngoài xa". Truyện ngắn được sáng tác năm 1983 đến năm 1987 in trong truyện ngắn cùng tên. Truyện ngắn tiêu biểu cho cảm hứng đời tư thế sự, tiêu biểu cho xu hướng chung của văn học thời kì đổi mới. truyện ngắn có một tình huống truyện hết sức độc đáo. Tình huống ấy được thể hiện qua nhãn quan của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Nhân vật này được coi là nhân vật thể hiện triết lý cũng như quan điểm của tác giả, là phương tiện để tác giả mang suy nghĩ của mình đưa đến cho người đọc.

2. Thân bài

Nhân vật Phùng được khám phá ở vẻ đẹp của 1 người lính và của 1 người nghệ sĩ. Đó là con người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, mang trong mình tình yêu cái đẹp mãnh liệt. Đồng thời anh cũng là một con người nhân hậu, giàu trách nhiệm với cuộc đời. Phùng là nghệ sĩ nhiếp ảnh, theo yêu cầu của trưởng phòng, anh tới một vùng biển từng là chiến trường xưa của anh để chụp những bức ảnh cho tấm lịch nghệ thuật thuyền và biển. Tại đây anh đã nhận thức được nhiều điều. Cảm xúc của nhân vật này qua những phát hiện của mình đã thể hiện nội tâm cũng như suy nghĩ của anh, giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp nơi con người này.

Trước hết, anh là một nghệ sĩ chân chính, nhạy cảm và có tình yêu cái đẹp mãnh liệt. Điều đó được thể hiện qua tâm hồn tinh tế với những rung cảm rất mãnh liệt, luôn khao khát tìm kiếm cái đẹp hoàn mỹ. Anh sẵn sàng bỏ ra hàng tuần để săn lùng bức ảnh đẹp. Nhờ vậy mà sau mấy buổi sáng "phục kích", anh đã chụp được "cảnh đắt trời cho". Đó là cảnh ban mai vùng ven biển, với "mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào". Với tâm hồn nghệ sĩ của mình, anh đắm say, ca tụng cảnh đẹp như "bức tranh mực tàu của danh họa thời cổ". Rồi anh cảm thấy tràn ngập niềm hạnh phúc" bối rối, trái tim như có gì đó bóp thắt vào". Anh thấy được cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn, cảm nhận được chân - thiện - mỹ của cuộc đời. Anh cảm thấy tâm hồn mình như được thanh lọc, trở nên trong trẻo và thanh khiết. Từ đó, anh nhận thức "bản thân cái đẹp là đạo đức". Bằng con mắt và tâm hồn nghệ sĩ của mình, anh đã đưa đến cho người đọc một quan niệm về cái đẹp. Đó chính là cái đẹp là phải có tác dụng thanh lọc tâm hồn, hướng con người đến cái hoàn mỹ.

Phẩm chất nghệ sĩ của Phùng thể hiện qua cách anh cảm nhận sâu sắc về cuộc sống và con người. Phùng đã phát hiện ra sự đối lập trong bức tranh miền biển: Phát hiện thứ nhất đầy vẻ thơ mộng. Anh cảm nhận được vẻ đẹp mơ màng, huyền ảo của thiên nhiên vùng biển, đặc biệt là hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm mờ sương. Từ góc độ của một người nghệ sĩ nhiếp ảnh, Phùng hài lòng với những gì mình đã kịp ghi lại trong ống kính. Bức ảnh ấy là sáng tạo, là công sức của một đời nghệ sĩ, là khoảnh khắc bùng phát của niềm đam mê nghệ thuật. Phát hiện thứ hai đầy nghịch lí khi con thuyền tiến vào bờ. Người nghệ sĩ đã tận mắt chứng kiến một sự thật nghiệt ngã, sự bạo hành gia đình. Người chồng đánh đập vợ một cách dã man, vừa đánh vừa chửi "mày chết đi cho ông nhờ", "chúng mày chết đi cho ông nhờ". Người vợ thì cam chịu trận đòn, không hề phản kháng lại. Đứa con thương mẹ, xông vào đánh lại bố thì bị ăn hai cái tát. Một cảnh bạo lực gia đình diễn ra ngay trước mắt Phùng. Nó hoàn toàn trái ngược với cảnh đẹp thơ mộng nơi đây. Mặc dù khám phá ra những đối lập song Phòng không quay lưng lại với sự thật cho dù nó phũ phàng, trần trụi. Anh đã hai lần chứng kiến cảnh người đàn ông đánh đập vợ một cách tàn nhẫn và trực tiếp nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện, từ đó dẫn đến sự thay đổi trong cách nhìn của Phùng về nghệ thuật và cuộc đời: từ mơ mộng, bay bổng đến sững sờ, vỡ lẽ, từ thương hại, bất bình đến cảm thông, thấu hiểu. Đó cũng là quá trình đi tìm bản chất nghệ thuật và cuộc sống của người nghệ sĩ.

Không chỉ là người có tâm hồn nghệ sĩ, nhân vật Phùng còn là một người lính với tấm lòng nhân hậu, cao đẹp. Anh là chiến sĩ từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, luôn tôn trọng lẽ phải và sự công bằng xã hội. Hai lần chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ, Phùng xông vào can thiệp, chân thành muốn giúp đỡ người đàn bà đáng thương, dũng cảm bênh vực những phận người khốn khổ, mở rộng hồn mình để lắng nghe “những vang động của đời”. Với anh - một người đã trải qua bao nhiêu khó khăn, vượt qua thời kỳ khó khăn của chiến tranh, anh không thể để cảnh bạo hành này tiếp tục diễn ra. Anh đã nói chuyện này với chánh án Đẩu- bạn của anh. Anh mong muốn mình có thể giúp gì được cho người đàn bà nghèo khổ kia. Quả là một người chính nghĩa, luôn đứng về lẽ phải, muốn bảo vệ lẽ phải và phê phán tố giác những điều xấu, điều ác.

Ngoài ra, nhân vật Phùng còn là người chịu thay đổi suy nghĩ cho phù hợp với hoàn cảnh, không bảo thủ, chấp nhận những cái sai của mình. Ngay từ ban đầu, khi chụp được "cảnh đắt trời cho", anh đã cho rằng cái đẹp là đạo đức, có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người. Nhưng khi chứng kiến cảnh bạo hành bên chiếc xe tăng hỏng cùng với những tâm sự của người đàn bà hàng chài, anh đã nhận ra những điều mới. Anh nhận thức được là phải nhìn nhận mọi việc một cách toàn diện Triết lý mà Phùng nhận ra cũng chính là thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm. Nghệ thuật không chỉ bắt nguồn từ cuộc sống mà phải gắn liền với cuộc sống.

3. Kết bài

Xuất thân từ một người lính bước ra từ chiến tranh, Phùng đã có quá trình tự nhận thức về cuộc đời: đằng sau câu chuyện của gia đình hàng chài là cả một vấn đề nhân sinh và để nhận ra được điều đó cần phải có cái nhìn đa chiều, sâu sắc. Nhân vật Phùng thuộc kiểu nhân vật tự nhận thức. Anh hội tụ trong mình vẻ đẹp của một người nghệ sĩ chân chính và vẻ đẹp của một người lính có tấm lòng nhân hậu. Nguyễn Minh Châu đã khắc họa thành công nhân vật này trong một tình huống đầy nghịch lý với điểm nhìn trần thuật độc đáo. Câu chuyện được kể dưới cái nhìn của Phùng nên càng gần gũi, chân thực và sâu sắc hơn.

Xây dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn, mang ý nghĩa phát hiện về đời sống. Tác giả đã tạo ra nhiều tình huống như thế vừa nối tiếp nhau trong mạch truyện, lại vừa đột ngột, bất ngờ giúp người đọc nhận ra bản chất của sự việc một cách thú vị, thấm thía để hiểu sâu sắc chủ đề của tác phẩm. Các tình huống truyện cứ thế nối tiếp nhau và được Nguyễn Minh Châu đẩy lên cao trào, ngày càng xoáy sâu hơn để phát hiện, khám phá tính cách con người và sự thật cuộc đời. Nghệ thuật kể chuyện sinh động: người kể chuyện là Phùng. Qua đó tác giả đã tạo ra một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, tăng cường khả năng khám phá đời sống của tình huống truyện, lời kể trở nên khách quan, chân thực, giàu tính thuyết phục.

Những thay đổi trong nhận thức của nhân vật Phùng là bước ngoặt quan trọng giúp nhà văn Nguyễn Minh Châu truyền tải thông điệp của mình. Thêm vào đó, đây cũng chính là sự củng cố cho bản thân nhà văn với tư duy văn học đầy mới mẻ của mình: “Văn học và đời sống là những đường tròn đồng tâm và tâm điểm chính là con người.”

 

Để làm chủ bài văn, các em có thể đăng ký khóa học 10 NGÀY "CHẠY" VĂN

ĐĂNG KÍ KHOÁ HỌC TẠI ĐÂY!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan