BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CỰC HAY - TRỊNH NHẬT MINH

Ngày 22/07/2020 18:21:20, lượt xem: 5386

🌿 Bài văn NLXH hay 🌻
💌 Đề bài:
“Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn
Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui
Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại
Lùi bước để hiểu mình. Cứ lùi thêm bước nữa
Chẳng sao
Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp
Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.”
(Trích Gửi con, Bùi Nguyễn Trường Kiên, báo Nhân Dân, sô 38/20 – 9 – 2009)
Qua đoạn thơ trên, em có suy nghĩ gì về bài học cuộc sống người cha dạy con?
🌱 Bài làm

Koshiduka Hayato đã từng nói: “Con người chúng ta từ khi sinh ra đã mang trong mình điều gì đó khiến người khác thấy hạnh phúc. Nên dù khó khăn đến mấy, khổ sở đến đâu trong chúng ta đều tồn tại sức mạnh để vượt qua”. Giữa cuộc đời đầy xô bồ tấp nập, đứng trước khó khăn cứ dồn tới, sức mạnh sinh tồn khiến người ta phải ganh đua nhau để có được chiến thắng. Nhưng liệu cứ mãi ganh đua, bon chen như thế chúng ta có tìm được hạnh phúc và thành công mãi mãi cho riêng mình? Chẳng biết tự bao giờ, có lẽ là từ khi tôi nhận ra mình không còn là một đứa trẻ chỉ biết khóc nhè đòi kẹo và cũng có thể là từ khi tôi hiểu được giá trị của cuộc sống, hiểu được rằng: cố gắng để làm nên thành công và vượt qua người khác là điều cần thiết nhưng nếu cứ cuốn vào vòng xoáy ganh đua và hiếu thắng rồi một lúc nào đó mình cũng bị đánh bật ra khỏi cuộc sống này. Và cũng không biết tự bao giờ những lời “Gửi con” của Bùi Nguyễn Trường Kiên lại trở nên thấm thía với tôi đến vậy:

“Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn

Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui

Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại

Lùi bước để hiểu mình. Cứ lùi thêm bước nữa

Chẳng sao

Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp

Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.”

Những câu thơ nhẹ nhàng nhưng thấm thía, nó không chỉ gửi đến người con mà tác giả muốn nhắn nhủ mà còn gửi đến tất cả những con người đang chạy đua với cuộc sống ngoài kia một thông điệp ý nghĩa mà sâu sắc để chúng ta có thể sống đẹp hơn, hiểu về ‎‎ý nghĩa cuộc sống này hơn và cũng để hiểu mình hơn.

Cuộc sống là một chuỗi tuần hoàn của những cảm xúc. Và “vui”, “buồn” chính là hai trạng thái đối lập trong sự biến đổi không ngừng ấy. “Vui” là khi ta đạt được mong ước, là khi cuộc đời của chúng ta rực rỡ những sắc màu của hạnh phúc. “Vui” là khi ta nở một nụ cười rạng rỡ với thành công mà mình đang nắm giữ. “Buồn” là mặt trái của niềm vui, ta buồn khi thất bại, gục ngã, “buồn” khi chưa đạt được những ước mong, khát vọng. Con người luôn có một khát vọng cầu tiến nên dù là “vui” hay “buồn” chúng ta vẫn muốn tiến lên. Tiến lên trong niềm vui kiêu hãnh hay tiến lên bằng sự đau đớn của nỗi buồn? Có thể ở một bước tiến ấy, con người lại vô tình “đánh mất mình”. “Đánh mất mình” khi huênh hoang với chiến thắng mà không biết vị trí mình ở đâu, khi quá day dứt với thất bại mà làm những điều gàn dở. “Đánh mất mình” là khi mải mê chạy theo cuộc sống xô bồ, mải mê bon chen nhau mà đánh mất đi những tình cảm vốn có, những phẩm chất tốt đẹp, những điều đáng qúy của bản thân. “Tiến bước” để vươn lên nhưng nếu “tiến” để “đánh mất” chính mình liệu có đáng? Đó là lúc ta nên “lùi lại” – lùi về phía sau để chắc chắn, để hiểu mình, hiểu người, để tìm lại sự cân bằng, hài hòa trong cuộc sống. Để có một giây phút nào đó “ngước lên cao” tìm thấy những vẻ đẹp, những điều lớn lao, những điều mà ta cần học tập để ngày càng hoàn thiện hơn. Và cũng để có một thời gian nhất định cho ta “nhìn xuống thấp”, biết mình chỉ là một cá thể trong xã hội, một con người bình thường như bao con người khác, một hạt cát trong sa mạc bao la, mình còn phải khiêm nhường và cố gắng nhiều lắm bởi “mình chưa cao”. “Tiến” và “ngước lên” không phải để ganh đua, bon chen, hãnh tiến, không vì vật chất danh lợi bản thân mà bán rẻ lương tâm, phẩm giá. Điều cần thiết là “tiến” và “ngước lên” để biết “lùi”, biết “nhìn xuống”, biết nhìn nhận, suy ngẫm, đánh giá về chính mình để giữ gìn nhân cách. Đó là cuộc sống thanh thản, hạnh phúc.
Đoạn thơ như dòng suối nhỏ tưới mát tâm hồn ta để ta thấu hiểu bao điều ở cuộc đời này đó là: Hãy sống hài hòa với những cảm xúc, đừng để bản thân quá coi trọng danh lợi phù du của cuộc sống mà quá đà rồi thất bại. Bon chen quá đôi khi không phải là cách. Sống chắc chắn, hiểu bản thân, làm chủ được bản thân mới là điều cần thiết. Tự hào về chính mình không có điều gì là sai nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu chúng ta biết mình cần cố gắng phấn đấu để hoàn thiện lên từng ngày.

“Ánh sáng cần bóng tối để tồn tại, cũng như hạnh phúc lớn lên từ những nỗi đau”. Không ai có thể sống nếu suốt một quãng đời chỉ biết buồn khổ và chắc chắn cũng chẳng ai đủ vĩ đại để giữ cho mình niềm vui trên suốt chặng đường. Điều quan trọng để giữ lửa trong cuộc sống của mỗi người chính là biết hài hòa cảm xúc của bản thân. Rồi sẽ đến lúc chúng ta đạt được thành công, đạt được những điều mình mong muốn: một mối quan hệ đẹp, một công việc yêu thích…Cuộc sống trở nên thuận lợi, suôn sẻ là lúc chúng ta vui. Nhưng vui thôi chứ đừng ngủ quên trong chiến thắng. Niềm vui có thể làm ta thoải mái và thấy cuộc đời này đẹp hơn nhưng nó cũng có thể làm mờ đi lăng kính cuộc sống bằng một màu hồng. “Vui quá” sẽ dẫn đến tự mãn, ta cứ mải mê trong ánh hào quang đã cũ mà quên đi rằng đường đời còn dài rộng lắm. Ai có thể đoán trước rằng mình sẽ giữ được hạnh phúc ấy trong bao lâu nếu không cần cố gắng? Tương lai luôn mở ra cơ hội và cũng chính là những thách thức. Chiến thắng ngày hôm nay sẽ dừng lại nếu bạn không thể vượt qua thử thách của ngày mai. Khi niềm vui đã lấn át lí trí nghĩa là chúng ta đã không thể làm chủ được bản thân nữa rồi, ta sẽ không còn biết mình sẽ phải làm gì? Mục tiêu như thế nào? Cố gắng ra sao? Cứ như vậy ta sẽ gặp khó khăn, thất bại trong chặng đường tới. Khi đối diện với nỗi buồn cũng vậy, bởi rằng hoa cũng phải tàn, mặt trời rồi cũng phải lặn và con người gặp phải những nỗi buồn cũng là lẽ đương nhiên. Giây phút lòng chợt thấy chông chênh, trống rỗng, hay thậm chí là đau thắt sẽ phải đến như mùa hạ mang những cơn mưa rào. Có thể là vì chuyện gia đình, công việc…hay bất cứ lí do nào khác sẽ làm ta thất vọng. Ta được phép buồn bởi vì dù không muốn thì cảm xúc vẫn cứ ào ra, nhưng “buồn quá” sẽ dẫn đến cực đoan khiến bản thân buông bỏ chính mình. Hãy nhớ rằng: “Bạn có thể thất vọng nếu thất bại, nhưng bạn sẽ héo tàn nếu không bao giờ cố gắng”. Vậy nên hãy biến nỗi buồn thành động lực để phấn đấu, vượt lên nghịch cảnh chính là chiến thắng to lớn của bản thân. Quá khứ đã qua dù vui hay buồn, hạnh phúc hay đau đớn cũng chỉ là quá khứ, “vui quá” hay “buồn quá” cũng chỉ đem đến cực lạc hay cực đoan. Đó là lí do mỗi chúng ta cần hài hòa được cảm xúc của mình. Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẻ tay vì bạn cứ đắm chìm trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Sống có ý nghĩa từng giây, từng phút bạn mới sống trọn vẹn cuộc đời mình

Con người luôn muốn tiến xa, tiến xa bằng nghị lực của mình. Đó là một nhu cầu đúng đắn bởi ai cũng có sự cầu thị của riêng mình và cũng là một nhu cầu cần thiết để vươn lên. Tiến lên trong niềm vui hay nỗi buồn đều rất đáng trân trọng, nhưng đừng vì nhu cầu danh lợi mà đánh mất tâm hồn, đánh mất chính mình. Con người đôi khi vì nhu cầu vật chất mà chà đạp lên tất cả, sống bon chen, sống ích kỉ, lạnh lùng đến tàn nhẫn. Nếu chỉ để tiến lên một bước mà đánh đổi cả bản thân liệu có đáng không? “Lùi bước để hiểu mình. Cứ lùi thêm bước nữa. Chẳng sao”. “Lùi” không hẳn là thua, một phút ta dừng lại để hiểu mình, hiểu người, để nhìn nhận lại những gì ta đã qua, để suy ngẫm đánh giá về chính mình. “Lùi một bước để tiến ba bước” chẳng phải là một cách hay ư? Đó mới là cuộc sống thanh thản, hạnh phúc.

“Xin cho tôi một phút ngưng đọng để kịp ghi hết kỉ niệm buồn vui chốn này”- một phút để bản thân có thể chiêm nghiệm về những gì đã qua và nghĩ tiếp những điều chưa tới, một phút khi bước chân đã lùi lại để con mắt có thể nhìn mình, nhìn đời. “Ngước lên” không phải vì kiêu ngạo mà là để nhìn nhận vị trí của mình, để vươn lên, để học hỏi khi thấy mình “còn thấp”. Ngẫm lại mình để có thể “nhìn xuống” một cách cao thượng. Con người muốn chạm đến cái đích của “chân – thiện – mĩ” thì cần lắm những cái “ngước lên” và “nhìn xuống” như thế. Trong binh pháp Tôn Tử đã có câu: “Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”. Những lần “ngước lên”, “nhìn xuống” ấy chính là để hiểu mình và hiểu người, để biết rằng con đường mình phải đi, xác định việc mình phải làm, đặt ra mục tiêu mình phải tiến tới. Ta không thể suốt ngày chỉ hối hả chạy theo cuộc sống, ta không thể ngây ngất trong niềm vui, kiệt quệ trong nỗi buồn mãi, ta không thể hiếu thắng và ganh đua triền miên. Như thế sẽ mệt lắm! Đặc biệt hơn ta sẽ mềm lòng mà chạy theo những điều mù quáng. Hành động nhưng không suy nghĩ hay suy nghĩ nửa vời, lệch lạc cũng không thể đem về một kết quả như ý, thậm chí là hậu quả khôn lường. Và nếu như không hiểu mình, con người làm sao biết được vị trí và năng lực của mình đến đâu. Không có sự nhìn nhận đúng đắn, mỗi chúng ta rất có thể ảo tưởng về chính mình hoặc có thể sẽ đánh mất niềm tin, nhút nhát và sợ hãi về bản thân. Suy nghĩ đúng đắn sẽ tạo nên những hành động đúng đắn và cũng sẽ phần nào xoa dịu những giây phút thái quá trong cảm xúc đưa bản thân về trạng thái cân bằng. Biết cố gắng không ngừng để học hỏi và theo đuổi ước mơ nhưng cũng biết cao thượng, khiêm nhường, biết mình, biết người đó mới là cách sống đúng đắn.

Những ý thơ mà Bùi Nguyễn Trường Kiên mang đến góp lại một thông điệp sống, lối sống của những người thành công và khao khát thành công: “thắng không kiêu, thua không nản”. Hãy nỗ lực hết mình trong mọi tình huống. Bạn có biết J.K.Rowling – tác giả cảu bộ truyện tranh nổi tiếng Harry Potter. Trước khi trở thành một cây bút nổi tiếng và đáng giá, bà đã từng là một người mẹ đơn thân, một người phụ nữ nghèo hơn những người nghèo và đã từng có ý định tự tử. Điều gì đã khiến Rowling đạt được thành công như hôm nay? Đó chính là nhờ bà đã ngăn cản nỗi buồn đi đến cực đoan một cách thành công. Người phụ nữ yếu đuối ấy hiểu rằng mình cần phải mạnh mẽ và cứng rắn hơn những cảm xúc của bản thân để có thể tạo ra những bước ngoặt lớn lao hơn. Và thực tế bà đã làm được. Hay như nhà diễn thuyết Nick Vujic – anh là một người tàn tật, nhưng vượt lên trên tất cả, Nick đã không đầu hàng số phận, anh cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều số phận khác. Anh đã dùng tài năng của mình chứng minh cho cả thế giới thấy khiếm khuyết thân thể không làm anh gục ngã. Người thanh niên ấy đã dũng cảm sống cuộc đời của mình, dũng cảm vượt lên trên nỗi đau để khẳng định bản thân trước cuộc đời. Hay cái tên Sơn Tùng MTP – ở cái tuổi đạt được vô số thành công và cũng không ít những thất bại, nhưng với anh “thắng không kiêu, thua không nản”, hơn thế là một ngôi sao nổi tiếng nhưng anh vẫn luôn hài hòa và gần gũi với tất cả mọi người. Chính cách sống ấy đã tạo nên thành công và tên tuổi của chàng trai Nguyễn Thanh Tùng.

Bên cạnh những tấm gương luôn tỉnh táo vượt lên trước hoàn cảnh, nhận thức được vị trí, vai trò của mình trong cuộc sống thì còn một số người đã ngủ quên trong chiến thắn, hoặc gục ngã trong niềm đau mà quên rằng: “Cõi đời hôn lên hồn tôi nỗi đau thương/ Và đòi hỏi tôi đáp lại bằng lời ca tiếng hát”. Khi gặp nỗi buồn họ gục ngã, buông bỏ bản thân mặc dòng đời đưa đẩy hoặc lại quá đề cao chính mình, đề cao bản thân mà ảo tưởng thái quá rồi trở nên kiêu ngạo, ích kỉ. Muốn người khác buồn cùng mình nhưng lại ngại chia sẻ niềm vui. Muốn tiến xa nhưng lại không cố gắng mà chỉ trực thời cơ đạp chân người khác để bước lên. Đó là một lối sống đáng lên án.

Mỗi chúng ta cần phải học cách đối nhân xử thế, tôi luyện phẩm chất đạo đức và tích cực học tập. Hãy rèn cho mình ý chí, nghị lực. Hãy sống là chính mình, hãy suy nghĩ chín chắn và hành động đúng đắn đừng để phí hoài cuộc sống bởi “Cái quý giá nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì những dĩ vãng ti tiện và hèn đớn” (Ôxtơrôpxki).

Gửi đến bạn, đến tôi, đến chúng ta bài thơ “Gửi con” của Bùi Nguyễn Trường Kiên như một lời nhắn nhủ chính chúng ta trước những khổ hạnh và cạm bẫy ganh đua bon chen của cuộc sống này. Đừng đánh mất mình chỉ vì tham vọng những thứ phù phiếm xa hoa. Hạnh phúc sẽ ở tầm tay, bình yên sẽ trú ngụ trong tâm hồn nếu chúng ta cố gắng bước đi la chính mình. Sống chắc chắn, không mù quáng, phải sống sao cho “khi sinh ra bạn khóc mọi người cười, khi bạn qua đời, mọi người khóc, còn bạn, bạn cười”.
--------------------
Trịnh Nhật Minh
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn🍀

Tin liên quan