BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TUỔI TRẺ - TUỔI TRẺ VÀ VIỆC ĐÁNH THỨC NĂNG LỰC TIỀM ẨN TRONG CHÍNH MÌNH (ĐỀ THI SỞ NAM ĐỊNH)

Ngày 15/01/2025 10:30:41, lượt xem: 19

Viết bài nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ là một dạng bài viết mà học sinh lớp 12 cần đặc biệt lưu ý. Để viết tốt dạng bài này, các bạn cần nắm rõ cấu trúc, cách phân chia luận điểm, diễn giải từng câu, từng ý. Cùng Học Văn Chị Hiên tham khảo bài viết mẫu về vấn đề vấn đề tuổi trẻ và việc đánh thức năng lực tiềm ẩn trong chính mình dưới đây.

 

 

Đề bài: Trước những tình huống thử thách trong đời sống, đôi khi người trẻ bộc lộ những năng lực mà chính họ cũng không biết đến. Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/ chị về việc người trẻ cần đánh thức những năng lực tiềm ẩn trong chính mình.

 

BÀI LÀM

Giữa màn đêm thăm thẳm, những vì sao nhỏ bé vẫn đang nỗ lực thắp sáng bầu trời. Trong mỗi con người, đặc biệt là những người trẻ, cũng tồn tại những ánh sao – năng lực tiềm ẩn đợi chờ được bừng sáng. Chỉ khi dám đối mặt với thử thách, những tiềm năng ấy mới được đánh thức, dẫn lối cho hành trình vươn tới những đỉnh cao. Vậy nên người trẻ luôn cần ý thức việc đánh thức những năng lực tiềm ẩn trong chính mình. 

“Người trẻ” là chỉ những người trong tuổi thiếu niên chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành, kéo dài từ 13 đến 35 tuổi. Đây là những người đang phát triển mạnh mẽ về nhận thức, tư duy và khám phá bản thân. “Năng lực tiềm ẩn” hay tiềm năng là những khả năng ẩn sâu bên trong mỗi con người, chưa được khai phá hoặc phát triển đến mức tối đa. Với tinh thần nhiệt huyết, giàu khát khao, ước vọng, người trẻ cần không ngừng cố gắng đánh thức những tiềm năng bên trong mình. 

Trước hết việc dám bước ra khỏi vùng an toàn để khai phá những năng lực tiềm ẩn giúp mỗi cá nhân phát triển toàn diện bản thân mình. Trong mỗi con người luôn tồn tại những tiềm năng chưa được khai phá, và chỉ khi chúng ta ý thức việc đánh thức chúng, bản thân mới có cơ hội phát triển trọn vẹn cả về trí tuệ, thể chất lẫn tinh thần. Người trẻ từ đó cũng sẽ trở nên tự tin hơn, linh hoạt hơn trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp. Không chỉ vậy, việc này còn giúp họ định hình rõ hơn bản thân, xác định được mục tiêu và con đường phát triển sự nghiệp cũng như cuộc sống cá nhân. Hãy nhớ lại câu chuyện của cô gái trẻ Nguyễn Thị Thu Nhi – nhà vô địch boxing nữ đầu tiên của Việt Nam. Xuất thân từ một cô gái nghèo miền Tây, Thu Nhi từng chỉ biết loay hoay với việc mưu sinh. Nhưng chính trong những ngày tháng vất vả, cô khám phá ra sức bền và tinh thần chiến đấu tiềm ẩn, để rồi nỗ lực không ngừng và khẳng định mình trên đấu trường quốc tế. Một cô gái nhỏ nhắn, tưởng như yếu mềm để rồi cuối cùng cô đã đoạt danh hiệu Top 5 tay đấm nữ mạnh nhất thế giới. Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao người trẻ cần đánh thức những năng lực tiềm ẩn trong chính mình?”.

 

ĐỌC THÊM: BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TUỔI TRẺ - QUAN NIỆM YÊU NƯỚC CỦA TUỔI TRẺ

 

Hơn nữa, ý nghĩa của việc phát triển toàn diện bản thân không chỉ dừng lại ở khía cạnh cá nhân mà còn mở rộng ảnh hưởng tới cộng đồng và xã hội. Một người khi đã khai phá được năng lực tiềm ẩn sẽ trở nên tự tin, chủ động và biết cách đóng góp giá trị tích cực cho tập thể. Sự phát triển này không chỉ làm phong phú cuộc sống của chính họ mà còn khơi nguồn cảm hứng cho những người xung quanh. Năm 2021 câu chuyện của anh tài xế Nguyễn Ngọc Mạnh đã bật nhảy lên tường ngăn cách giữa hai tòa chung cư, sau đó trèo lên khung sắt và phi lên mái tôn để cứu cháu bé bị rơi từ tầng 12 đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho chúng ta, trở thành biểu tượng cho lòng quả cảm và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ một tài xế xe tải, trước tình huống vô cùng nguy cấp, anh đã có khả năng làm được điều tưởng chừng như không thể, cứu sống một em bé trong tích tắc và rồi trở thành tấm gương sáng cho cộng đồng, trở thành Công dân tiêu biểu để người trẻ chúng ta học tập và noi theo. 

Nhưng, đánh thức năng lực tiềm ẩn không phải là điều dễ dàng. Đầu tiên, nó đòi hỏi người trẻ phải xác định xuất phát điểm của bản thân và đích đến hoàn thiện mà mình mong muốn. Việc nhận thức đúng về năng lực bản thân là điều quan trọng, chỉ khi bạn biết mình là ai, mình đang ở đâu thì mới hiểu được khoảng cách giữa mình và ước mơ, giữa mình với thế giới mình ao ước chạm đến. Từ đó cũng đòi hỏi bạn phải dám vượt qua nỗi sợ thất bại, không ngại thử nghiệm và đối diện với rủi ro. Việc bao bọc trong vùng an toàn, ở đúng một vị trí sẽ không bao giờ là cơ hội để năng lực tiềm ẩn trong bạn có thể bộc lộ, thể hiện ra ngoài. Bởi vậy mỗi người trẻ phải tự tạo môi trường để rèn luyện bản thân, chủ động đặt mình vào những tình huống đòi hỏi sự sáng tạo, kiên trì và nỗ lực. 

 

ĐỌC THÊM: TỔNG HỢP 35 DẪN CHỨNG ĐA NĂNG CHO BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TUỔI TRẺ

 

Tuy nhiên, trong cuộc sống có nhiều quan điểm cho rằng bản thân mỗi người chỉ là một cá thể nhỏ bé, rằng “Người vá trời lấp bể/ Kẻ đắp luỹ xây thành/ Ta chỉ là chiếc lá/ Việc của mình là xanh”, việc khai phá tiềm năng là không thực sự cần thiết và nhiều rủi ro, thách thức. Không thể phủ nhận rằng, mỗi người trước tiên cần phát huy đúng khả năng của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta nên tự giới hạn khả năng của bản thân. Đánh thức năng lực tiềm ẩn không phải sự bồng bột thay đổi bản thân thành một phiên bản phi thường hoàn toàn khác. Đó thực chất là việc bạn mở rộng “vùng an toàn” của mình một cách tích cực, với khả năng mà bạn thực sự có, cũng giống như chiếc lá kia xanh một màu xanh tận hiến: “Trời thì xanh như rút ruột mà xanh/ Cây thì biếc như vặn mình mà biếc/ Mặt trời toả như trái tim nồng nhiệt/ Trong cái chiều nhân nghĩa đến sâu xa” (Thi Hoàng). Tưởng tượng tuổi trẻ là thời kì xây dựng nền móng vững chắc cho vùng an toàn và việc khai mở càng nhiều năng lực sẽ càng là bước đi thuận lợi cho bản thân trong tương lai. Ngược lại, do không đánh thức tiềm năng, nhiều người trẻ rơi vào vòng xoáy an phận, sống mờ nhạt giữa đám đông. Điều này không chỉ cản trở sự phát triển cá nhân mà còn lãng phí những cơ hội đóng góp giá trị cho xã hội. Chỉ khi biết cách khai phá chính mình, chúng ta mới thực sự sống một cuộc đời đáng sống. 

Là một người trẻ, tôi nhận thức rõ ràng việc đánh thức những năng lực tiềm ẩn là hành trình mà tôi cần bước đi để hoàn thiện bản thân. Khi đứng trước thử thách, tôi thường cảm thấy lo lắng, đôi khi hoài nghi về khả năng của chính mình. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng, nếu chỉ mãi đứng yên, tôi sẽ chẳng bao giờ biết mình có thể làm được những gì. Tôi nghĩ bản thân cần phải bắt đầu từ những việc nhỏ như tìm những cơ hội mới, tích cực chủ động học hỏi thêm, phát triển khả năng ứng biến và không ngại đối mặt với khó khăn. Mỗi lần vượt qua được giới hạn, tôi không chỉ cảm thấy tự hào mà còn hiểu hơn về giá trị của việc dám đối mặt và không ngừng vươn lên. Chính những trải nghiệm đó khiến tôi tin rằng, chỉ cần can đảm và kiên trì, tôi hoàn toàn có thể mở ra những cánh cửa mới cho chính mình.

Việc đánh thức năng lực tiềm ẩn không chỉ là chìa khóa mở ra những cơ hội phát triển bản thân mà còn giúp người trẻ khẳng định giá trị của chính mình trong cuộc sống. Chúng ta không thể chờ đợi phép màu hay những điều kiện hoàn hảo để khám phá năng lực; thay vào đó, hãy dũng cảm đón nhận thách thức, vượt qua nỗi sợ hãi và không ngừng nỗ lực. Hãy biến từng thử thách trong cuộc đời thành một cơ hội để bứt phá, để khi nhìn lại, chúng ta có thể tự hào rằng mình đã sống một cuộc đời trọn vẹn và ý nghĩa.

 

ĐỌC THÊM: BỘ 16 MỞ - KẾT BÀI CHO 16 CHỦ ĐỀ CÓ KHẢ NĂNG XUẤT HIỆN TRONG ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT 2025

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học VĂN VIP LỚP 12 - 2K7
Khóa học KỸ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU
Khóa học PHƯƠNG PHÁP & LUYỆN ĐỀ LỚP 12 - 2K7

Tin liên quan