BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TUỔI TRẺ - QUAN NIỆM YÊU NƯỚC CỦA TUỔI TRẺ

Ngày 14/01/2025 10:43:55, lượt xem: 29

Đề bài: Viết bài văn nghị luận về quan niệm yêu nước của tuổi trẻ (Lớp 12)

 

Bài làm

Viết “Trường ca Mặt đường khát vọng”, Nguyễn Khoa Điềm hạ dòng: 

“Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang đất nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng 

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó san sẻ 

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở 

Làm nên Đất Nước muôn đời…” 

Những câu thơ ấy như lời ru bất tận của bà, của mẹ in sâu trong tâm trí mỗi người con Việt Nam qua bao thế hệ nay. Lòng yêu nước và trách nhiệm đối với quê hương, đất nước đã được hun đúc, vun đắp trong tâm khảm từng đứa trẻ chảy trong mình dòng máu Lạc Hồng ngay từ khi mới sinh ra. Như Bác Hồ cũng nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Vậy nên tình yêu nước càng trở nên có ý nghĩa hơn bởi chính tuổi trẻ là những người sẽ quyết định tương lai của Tổ quốc. 

“Tuổi trẻ” là một giai đoạn trong cuộc đời con người, khoảng thời gian chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành, kéo dài từ 13 đến 35 tuổi. Đây là thời kỳ mà con người trải qua nhiều biến đổi về thể chất, tinh thần, và là giai đoạn của sự phát triển mạnh mẽ về nhận thức, tư duy và khám phá bản thân. Tuổi trẻ thường được đặc trưng bởi sự nhiệt huyết, sáng tạo và khát vọng, là những người mang trách nhiệm làm chủ tương lai đất nước, động lực giúp cho xã hội phát triển và tiến bộ. Tình yêu nước không chỉ là khẩu hiệu mà cần được hiểu là một tình cảm thiêng liêng, gắn bó sâu sắc với quê hương, con người và truyền thống dân tộc. Trong thời đại hôm nay, mỗi người trẻ có cách thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc khác nhau, nhưng quan niệm yêu nước vẫn mang đúng truyền thống của nó: là biết trân trọng giá trị của độc lập, tự do, và đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước.

 

ĐỌC THÊM: BÀI VIẾT MẪU LỚP 12 - NGHỊ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA VĂN HỌC ĐỐI VỚI TUỔI TRẺ

 

Trong thời bình, lòng yêu nước của tuổi trẻ được thể hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, ở nhiều góc độ nhưng tựu chung đều hướng đến vì cuộc sống bình yên của nhân dân, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng quê hương, đất nước phát triển, đi lên. Trước hết, trong học tập, mỗi học sinh, sinh viên ý thức rõ ràng rằng học tập là cách tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai. Họ tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, phát minh công nghệ, bên cạnh đó, họ luôn đi đầu trong phong trào công tác xã hội như bảo vệ môi trường, giúp đỡ người nghèo, hay góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc. Tình yêu nước thời kì hội nhập còn thể hiện qua quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Những bạn trẻ khởi nghiệp sáng tạo, tham gia các cuộc thi quốc tế, hay đơn giản là quảng bá ẩm thực, du lịch Việt Nam trên mạng xã hội đều góp phần nâng cao vị thế đất nước. Với sự phát triển như vũ bão của các phương tiện thông tin đại chúng, tình yêu nước thông qua thế hệ trẻ được lan tỏa rộng rãi, những “top trending” như vẽ cờ đỏ sao vàng trên mái nhà, kênh video kể sử, vắn tắt tình hình chính trị nước nhà lồng ghép với giai điệu vui nhộn nhưng vẫn đậm nét hào hùng… càng hứa hẹn một tương lai thế hệ trẻ luôn mang trong mình ý thức sẵn sàng bảo vệ, hi sinh, cống hiến hết mình cho sự phát triển tiên tiến của Tổ quốc, đảm bảo làm đúng lời Bác Hồ dạy: “đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu”. 

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ...

Sẽ không lớn nổi thành người”. 

(Bài học đầu cho con - Đỗ Trung Quân)

Tình yêu nước có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong hành trình làm người của mỗi cá nhân. Trong độ tuổi trưởng thành, tình cảm dành cho quê hương, cho Tổ quốc càng cần được giáo dưỡng, phát triển tập trung nhất, cao nhất. Tình yêu nước giúp mỗi bạn trẻ “lớn nổi thành người”, nó thấm nhuần trong mạch máu của ta, như rễ cây hấp thụ ánh sáng để nuôi cây, con người hấp thụ tình yêu nước để nuôi bản thân mình. Lòng yêu nước truyền cảm hứng để ta nỗ lực học tập, rèn luyện, và sáng tạo. Trong thời đại hội nhập, yêu nước là ta làm chủ tri thức và công nghệ. Những đội ngũ trẻ tài năng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đang từng ngày khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Họ không chỉ mang về vinh quang cho đất nước mà còn tiếp thêm hy vọng cho thế hệ trẻ về tương lai tươi sáng. Lòng yêu nước cũng là động lực thúc đẩy tuổi trẻ sống có lý tưởng, có trách nhiệm. Franklin D.Roosevelt có câu: “Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể xây dựng tương lai cho tuổi trẻ của mình, nhưng chúng ta có thể xây dựng tuổi trẻ cho tương lai”, yêu nước để mỗi tuổi trẻ biết trả lời câu hỏi “Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta cần đảm đương trọng trách, nhiệm vụ gì?”. Ý thức được bản thân là chủ nhân tương lai xã hội này chính là bước đầu gây dựng một thanh niên tốt, bước đầu hứa hẹn những hướng đi, những sáng tạo mới nâng tầm văn minh xã hội. Từ một anh thợ xây công trình ở đất nước Angola xa xôi, anh Phạm Quang Linh - thường được biết tới là người trẻ truyền cảm hứng trong những năm qua với kênh truyền thông Quang Linh Vlog đã vinh dự được tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2029–2024. Đại diện từ đoàn đại biểu khối kiều bào, anh cho biết: “Mình ở nước ngoài, mình không chỉ là một cá thể nữa, hành động của mình còn ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia minh trên bản đồ quốc tế. Tôi thấy qua những hoạt động của mình, mình quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, mong muốn lan tỏa hình ảnh đất nước mình với thế giới; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc từ bên ngoài đất nước”. Có thể thấy, một trái tim nhiệt huyết với quê hương không chỉ giúp ta thành công mà còn góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Khi yêu đất nước, ta sẽ nhận ra giá trị của các truyền thống, phong tục và lịch sử, thúc đẩy ta gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa quý giá đó để khẳng định bản sắc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Cuối cùng, không kém phần quan trọng, lòng yêu nước là nguồn động lực to lớn, giúp mỗi người trẻ vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trong cuộc sống, mỗi người đều phải đối mặt với nhiều trở ngại, nhưng chính tình yêu quê hương sẽ tiếp thêm sức mạnh để họ không ngừng cố gắng. 19 tuổi, anh Hiếu xung phong ra Trường Sa, nhận nhiệm vụ ở đảo Cô Lin với tâm nguyện được hiến dâng sức mình cho công cuộc bảo vệ đất nước, anh chia sẻ: "Tuổi trẻ rất đáng giá vì được thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ bình yên cho đất nước. Ở nhà, bố mẹ tự hào về mình lắm. Qua đây cho tôi gửi lời nhắn về với gia đình: Mẹ ơi, con nhớ mẹ. Con cũng nhớ bố nữa". Chính tình yêu nước đã giúp anh vơi đi nỗi nhớ nhà, vững tay súng, chắc tay lái để ở nơi muôn trùng sóng gió vẫn nở nụ cười rắn rỏi đầy lạc quan mặc cho "nắng bỏng da, mưa rát mặt", vẫn hiên ngang giữa trời canh gác: "Đen hết cỡ rồi, bây giờ nắng phải sợ mình, chứ mình không sợ nắng nữa”.

 

ĐỌC THÊM: BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TUỔI TRẺ | QUYỀN ĐƯỢC THỬ VÀ SAI LẦM CỦA TUỔI TRẺ

 

Lòng yêu nước là giá trị cao đẹp và thiêng liêng, nhưng nó cần được hiểu và thực hiện một cách đúng đắn, sáng suốt. Yêu nước không phải là hành động cực đoan, mù quáng, hay đơn thuần là những biểu hiện bề ngoài. Một số người trẻ cho rằng bảo vệ bản sắc dân tộc là quay lưng với hội nhập quốc tế, từ chối những tiến bộ chung của nhân loại. Quan điểm cực đoan này không chỉ kìm hãm sự phát triển mà còn gây chia rẽ trong xã hội. Bên cạnh đó, yêu nước không phải là chỉ trích, bài xích những ý kiến trái chiều. Có những người nhân danh lòng yêu nước để công kích người khác, xem bất kỳ ý kiến phê bình nào về đất nước là phản bội, không yêu nước. Tuy nhiên, lòng yêu nước chân chính là biết lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xây dựng để cải thiện và hoàn thiện đất nước. Chẳng hạn, những nhà trí thức như Phan Chu Trinh từng chỉ trích những yếu kém trong xã hội đương thời, nhưng điều đó xuất phát từ mong muốn đất nước phát triển, tiến bộ hơn. Yêu nước càng không phải là biểu hiện bề nổi. Việc hô khẩu hiệu hay thể hiện tinh thần yêu nước trên mạng xã hội đôi khi chỉ mang tính hình thức nếu không đi kèm với hành động thực tế. Cuối cùng, yêu nước không phải là khuyến khích bạo lực hay những hành động vi phạm pháp luật. Một số người thể hiện lòng yêu nước bằng cách gây rối, tấn công những người có quan điểm khác biệt hoặc làm tổn hại tài sản công cộng. Những hành động này không những không xây dựng được đất nước mà còn làm xấu hình ảnh dân tộc. Lòng yêu nước chân chính đòi hỏi sự tỉnh táo, hiểu biết và sáng suốt. Yêu nước không chỉ là tình cảm, mà là hành động có trách nhiệm, xuất phát từ mong muốn đóng góp cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước. Để yêu nước đúng cách, mỗi người cần hiểu rằng yêu nước không phải là cực đoan, mà là sự hòa hợp giữa trái tim và lý trí.

Và trong cuộc sống hôm nay, trên dải đất hình chữ S xinh đẹp này vẫn có những bạn trẻ thờ ơ, vô cảm với các vấn đề xã hội, chạy theo lối sống thực dụng mà quên đi trách nhiệm với đất nước. Đây quả là thực trạng đáng buồn. Thậm chí nhiều người nhen nhóm tư tưởng phản động, để cách mạng màu xâm lấn. Từ tình trạng đa phần đám đông biểu tình phản đối chế độ chính trị ở Bangladesh là giới trẻ, chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại những biểu hiện nhen nhóm trong lòng xã hội dù là nhỏ nhất. Phải kịp thời ngăn chặn, dứt điểm và thay đổi bằng những hành động giáo dục ý nghĩa từ gia đình, nhà trường và xã hội. 

 

ĐỌC THÊM: BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TUỔI TRẺ | TUỔI TRẺ VỚI NHỮNG HOÀI BÃO, ƯỚC MƠ

Là một người trẻ, tôi hiểu rằng yêu nước không chỉ đơn thuần là tình cảm tự hào, mà còn là trách nhiệm phải hành động vì đất nước. Bài học lớn nhất mà tôi rút ra là mỗi ngày đều cần cố gắng để trau dồi kiến thức, hoàn thiện bản thân và sống có ích. Tôi nhận ra rằng yêu nước không cần những điều to tát, mà có thể bắt đầu từ việc học tập tốt để xây dựng nền tảng tri thức, sống có ý thức bảo vệ môi trường, hay lan tỏa tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Đồng thời, tôi cũng hiểu rằng lòng yêu nước cần được thể hiện một cách tỉnh táo, tránh rơi vào lối suy nghĩ cực đoan hoặc hành động mù quáng. Điều quan trọng là luôn giữ vững tinh thần cầu thị, biết nhìn nhận đúng sai và góp sức xây dựng xã hội bằng những giá trị tích cực. Chính những nỗ lực nhỏ bé mỗi ngày sẽ góp phần tạo nên một tương lai tốt đẹp cho bản thân tôi và cho đất nước.

Tóm lại, lòng yêu nước không chỉ là cảm xúc mà còn là kim chỉ nam cho hành động của tuổi trẻ. Với tình yêu quê hương sâu sắc, thế hệ trẻ sẽ tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng, xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển và vững mạnh. Hãy luôn khắc ghi những câu của Nguyễn Đình Thi để hiểu và nhận thức cao hơn nữa trách nhiệm của bản thân đối với “nước những người chưa bao giờ khuất”: 

“Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm ngát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về!”

(Đất nước)

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học VĂN VIP LỚP 12 - 2K7
Khóa học KỸ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU
Khóa học PHƯƠNG PHÁP & LUYỆN ĐỀ LỚP 12 - 2K7

Tin liên quan