TỔNG HỢP 35 DẪN CHỨNG ĐA NĂNG CHO BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TUỔI TRẺ

Ngày 14/01/2025 16:33:16, lượt xem: 41

ĐỌC THÊM: NGHỊ LUẬN XÃ HỘI | VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TUỔI TRẺ ĐƯỢC GỢI RA TỪ CÂU NÓI CỦA TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM

 

STT DẪN CHỨNG CHỦ ĐỀ ÁP DỤNG
1 Phan Đình Giót sinh năm 1922 ở xóm Tam Quang, thôn Vĩnh Yên, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, trong một gia đình rất nghèo. Anh tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ và lập được nhiều chiến công.
Trong trận đánh đồn Him Lam, quân Pháp tập trung hỏa lực trút đạn như mưa xuống trận địa ta, đồng đội bị thương rất nhiều, bản thân Phan Đình Giót cũng bị thương ở đùi. Lòng căm thù quân giặc lên cao, Phan Đình Giót lao lên đánh liên tiếp hai quả bộc phá phá toang hàng rào cuối cùng, mở thông đường để đồng đội lên đánh sập lô cốt đầu cầu. Anh bị thương ở vai và đùi, máu chảy rất nhiều. Thế nhưng bất ngờ từ hỏa lực lô cốt của địch bắn rất mạnh vào đội hình của ta. Lực lượng xung kích bị ùn lại, anh cố gắng nhích mình lên gần lại lô cốt với ý nghĩ cháy bỏng duy nhất là dập tắt lô cốt này. Anh đã dùng hết sức còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai và hét to: “Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân”, rồi dướn người lấy đà lao cả tấm ngực thanh xuân vào bịt kín lỗ châu mai địch. Hỏa điểm lợi hại nhất của quân Pháp bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bão, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Phan Đình Giót hy sinh anh dũng ở tuổi 34.
- Lòng yêu nước
- Lòng dũng cảm
- Sự cống hiến
- Lòng quyết tâm
2 Tô Vĩnh Diện sinh năm 1924, ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo, anh tham gia dân quân ở địa phương sau đó xung phong đi bộ đội.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, qua 5 đêm kéo pháo ra đến dốc Chuối, đường hẹp cong và rất nguy hiểm, anh cùng đồng chí pháo thủ Lê Văn Chi xung phong lái pháo. Đến nửa chừng, dây tời bị đứt, pháo lao nhanh xuống dốc, anh vẫn bình tĩnh giữ càng lái cho pháo thẳng đường. Nhưng một trong bốn dây kéo pháo lại bị đứt, pháo càng lao nhanh, đồng chí Chi bị hất văng ra. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó, Tô Vĩnh Diện hô anh em “Thà hy sinh quyết bảo vệ pháo”, và anh buông tay lái xông lên phía trước, lấy thân mình chèn vào bánh pháo, nhờ đó các anh em đồng đội kịp ghìm giữ pháo lại. Tấm gương hy sinh vô cùng anh dũng của anh đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.
- Lòng yêu nước
- Lòng dũng cảm
- Sự cống hiến
3 Bế Văn Đàn sinh năm 1931, ở xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng. Anh tham gia hoạt động du kích từ ngày còn nhỏ tuổi, lớn lên anh xung phong vào bộ đội giữa lúc cuộc chiến tranh Đông Dương đang diễn ra quyết liệt.
Khi quân đội Việt Minh đánh giữ ở Mường Pốn, quân Pháp phản kích để mở đường tiến, quân ta bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng anh vẫn tiếp tục chiến đấu. Một khẩu trung liên của đồng đội anh không bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế hết sức khẩn trương, anh không ngần ngại chạy lại cầm hai chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Đồng đội còn do dự thì Bế Văn Đàn nói: “Kẻ thù trước mắt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi”. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, anh bị thêm hai vết thương nữa và hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình. Sự hy sinh của Bế Văn Đàn đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
- Lòng yêu nước
- Lòng dũng cảm
- Sự cống hiến
4 Trần Can sinh năm 1931 ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ngay từ khi còn nhỏ Can đã rất thích vào bộ đội để được cầm súng giết giặc cứu nước. Khi lớn lên anh đã ba lần viết đơn xin tình nguyện đi bộ đội, nhưng vì sức khỏe yếu nên đến lần thứ tư, năm 1951, mới được chấp thuận.
Trong trận đánh đồi Him Lam mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Can được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội thọc sâu diệt sở chỉ huy và cắm lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của Hồ Chủ Tịch giao cho quân đội, lên đồn Pháp. Khi nổ súng mặc cho hỏa lực quân Pháp bắn ra dữ dội, anh dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên, chọc thẳng vào sở chỉ huy như một mũi dao nhọn cắm vào giữa tim gan địch, rồi nhảy lên lô cốt cắm lá cờ. Sau đó anh chỉ huy tiểu đội diệt lính Pháp còn lại trong hầm ngầm, bắt sống 25 tên và tịch thu nhiều vũ khí. Anh đã hy sinh anh dũng sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, ngày kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
- Lòng yêu nước
- Lòng dũng cảm
- Sự cống hiến
 5 Anh hùng La Văn Cầu
Khao khát được giải phóng đất nước, La Văn Cầu mới 16 tuổi khai tăng lên 18 tuổi để được vào bộ đội. Anh đã tham gia chiến đấu 29 trận trong các cương vị chiến sĩ và chỉ huy. Tấm gương La Văn Cầu cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công và thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua sử dụng bộc phá công đồn, một hình thức chiến thuật mới quân đội ta mở ra từ chiến dịch Biên giới 1950.
- Lòng yêu nước
- Lòng dũng cảm
- Sự cống hiến
6 Nguyễn Tuấn Phong (sinh năm 2005, quê Bắc Ninh) không còn là cái tên xa lạ với giới trẻ Việt Nam bởi bảng “Vàng” thành tích trong các kỳ thi khu vực, quốc tế. Tuấn Phong là người đầu tiên mang Huy chương Vàng về cho tỉnh Bắc Ninh ở đấu trường quốc tế tại kỳ thi Olympic Vật lí quốc tế năm 2023. Năm học 2021 - 2022, khi học lớp 11, Phong đã đoạt giải Nhì môn Vật Lí tại kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm 2022. Tại kỳ thi Olympic Vật lí châu Âu 2022, Phong xuất sắc giành Huy chương Bạc, điểm số cao nhất Đoàn Việt Nam. Năm học 2022 - 2023, Phong đoạt giải Nhất quốc gia môn Vật lí, kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT. Tại kỳ thi Olympic Vật lí châu Á, nam sinh giành Huy chương Đồng. - Tuổi trẻ và giáo dục
- Sức mạnh của tri thức
- Niềm tự hào
- Sự nỗ lực, quyết tâm
7 Lê Văn Phúc đến từ Gia Lai, sinh năm 2002 hiện là sinh viên Ngành Địa lý Dân số xã hội - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cậu bạn còn là Phó Trưởng Ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Nam (Trung tâm Tình nguyện Quốc gia). Văn Phúc là người sáng lập và điều hành Nhóm từ thiện Fly To Sky khi mới 16 tuổi, hơn 5 năm qua đã và đang thực hiện hơn 27 dự án cộng đồng, hơn 150 chương trình, chiến dịch ở các lĩnh vực văn hóa - giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội và môi trường tại 23 tỉnh, thành phố khác trên cả nước với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng (tính đến tháng 10/2023), trao tặng hơn 47.000 cuốn sách, 33 tủ sách - thư viện cho các trường học, lớp học vùng cao, mái ấm, hỗ trợ hơn 12.000 trẻ em được tiếp cận với sách, truyện, xây dựng thói quen đọc sách; … - Năng lực sáng tạo
- Trách nhiệm với cộng đồng
- Lối sống sẻ chia
8 Từ một anh thợ xây công trình ở đất nước Angola xa xôi, Quang Linh đã vinh dự được tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029. Phạm Quang Linh, đại diện từ đoàn đại biểu khối kiều bào cho biết: “Mình ở nước ngoài, mình không chỉ là một cá thể nữa, hành động của mình còn ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia mình trên bản đồ quốc tế. Tôi thấy qua những hoạt động của mình, mình quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, mong muốn lan tỏa hình ảnh đất nước mình với thế giới; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc từ bên ngoài đất nước.” - Sự cống hiến, tấm gương thế hệ trẻ, lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng
- Tuổi trẻ và sự kết nối đa quốc gia
9 H’Hen Niê là một cô gái có mái tóc tém, làn da ngăm... hoàn toàn khác với mẫu số chung về cái đẹp của phụ nữ Việt Nam. Ở nơi mà tiếng nói của người phụ nữ thấp bé, người phụ nữ chỉ quẩn quanh đồng rẫy, bếp núc... H'Hen Niê đã chọn cho mình một thái độ sống khác. Cô từ chối lấy chồng vào năm 13 tuổi như những bé gái dân tộc Ê đê; H’Hen đã lựa chọn con đường học vấn. Sự khác biệt đúng đắn trong tư duy đã mở ra cho cho cô nàng Ê đê rất nhiều cơ hội, thành tích mà nổi bật nhất là danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2018. - Tuổi trẻ cần sống khác biệt
- Suy nghĩ của tuổi trẻ về bình đẳng giới
10 Khánh Vy - cô gái trẻ được biết đến với danh xưng “hot girl 7 thứ tiếng”.Hiện tại, cô nàng đang là biên tập viên, một nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng sở hữu kênh Youtube với hàng triệu người theo dõi. Bên cạnh đó, cô còn là một MC của nhiều chương trình trên sóng truyền hình tiêu biểu là “Đường lên đỉnh Olympia”. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô luôn là một học sinh xuất sắc. Tốt nghiệp loại giỏi ngành Quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại Giao. Cô nàng rất năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa, ngoài ra cũng đạt được những thành tích rất đáng nể trong học tập. Dù đạt được thành tích như vậy nhưng cô vẫn không ngừng dừng lại, luôn nỗ lực làm mới mình để thoát cái mác “hot girl” và giờ đây cô đã trở thành MC nổi tiếng khi tuổi đời còn rất trẻ, bên cạnh đó cô thường xuyên chia sẻ lối sống tích cực đến các bạn trẻ qua các kênh của mình. - Sự kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ
- Can đảm thực hiện ước mơ, không sợ thất bại
- Sự tự tin/Niềm tin vào chính mình
- Người trẻ truyền cảm hứng, tài năng
11 19 tuổi, anh Đậu Văn Hiếu (19 tuổi, quê ở Nghệ An) xung phong ra Trường Sa, nhận nhiệm vụ ở đảo Cô Lin với tâm nguyện được hiến dâng sức mình cho công cuộc bảo vệ đất nước, anh chia sẻ: "Tuổi trẻ rất đáng giá vì được thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ bình yên cho đất nước. Ở nhà, bố mẹ tự hào về mình lắm. Qua đây cho tôi gửi lời nhắn về với gia đình: Mẹ ơi, con nhớ mẹ. Con cũng nhớ bố nữa". Chính tình yêu nước đã giúp anh vơi đi nỗi nhớ nhà, vững tay súng, chắc tay lái để ở nơi muôn trùng sóng gió vẫn nở nụ cười rắn rỏi đầy lạc quan mặc cho "nắng bỏng da, mưa rát mặt", vẫn hiên ngang giữa trời canh gác: "Đen hết cỡ rồi, bây giờ nắng phải sợ mình, chứ mình không sợ nắng nữa” Quan niệm về lòng yêu nước của tuổi trẻ
12 Đen Vâu (Nguyễn Đức Cường) là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023, được vinh danh ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Anh từng một công nhân công ty vệ sinh môi trường ở tỉnh Quảng Ninh, với tình yêu âm nhạc, đã trở thành rapper hàng đầu Việt Nam và truyền đi cảm hứng sống và cống hiến cho cộng đồng với nghệ danh Đen Vâu. Đặc biệt, tác phẩm được dư luận quan tâm, đánh giá cao trong năm 2023 là MV "Nấu ăn cho em" đã thu về được hơn 418 triệu đồng chỉ sau một tháng ra mắt. Bài hát “Nấu ăn cho em” truyền tải thông điệp tích cực của dự án “Nuôi em”. - Tinh thần tương thân tương ái của giới trẻ
- Tuổi trẻ và ước mơ, đam mê, khát vọng
13 Trong lễ trao giải “Làn sóng xanh năm 2023”, Trần Minh Hiếu (Hiếu Thứ Hai) vinh dự được nhận giải “Nam ca sĩ được yêu thích nhất”, anh đã phát biểu với câu nói truyền cảm hứng rằng: “Ước mơ chỉ là mơ ước cho tới lúc nó thành hiện thực. Đừng quan tâm ước mơ của mình lớn lao thế nào, mình nhỏ nhoi ra sao vì ai rồi cũng phải bắt đầu từ đâu đó”. Tuổi trẻ và ước mơ, đam mê, khát vọng
14 Khi được hỏi sẽ ứng xử ra sao nếu thất bại khi ra nước ngoài thi đấu, cầu thủ Quang Hải đáp: "Việc chấp nhận thử thách ra nước ngoài thi đấu đã là một thành công của cá nhân tôi. Câu chuyện có được thi đấu và thích nghi hay không là câu chuyện của thì tương lai". - Tuổi trẻ với việc vượt qua giới hạn bản thân
- Thái độ của người trẻ trước khó khăn, thử thách
15 Cầu thủ đeo băng đội trưởng tuyển Việt Nam ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2024, Nguyễn Hoàng Đức chia sẻ: “Hành trình của đội tuyển Việt Nam đã đi qua rất nhiều khó khăn. Toàn đội đã cùng nhau đoàn kết để giành kết quả là chiếc cúp vô địch. Chiếc cúp này xin dành tặng cổ động viên Việt Nam”. Các cầu thủ đã thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của dân tộc, đổi ngược lại, sau khi đội tuyển Việt Nam đánh bại đội tuyển Thái lan với tỷ số 5-3 sau 2 lượt để lên ngôi vô địch AFF Cup 2024, người dân khắp cả nước đã xuống đường ăn mừng đầy tự hào. Trên từng nẻo đường của các thành phố lớn đều rợp đỏ lá cờ Việt Nam. Đồng thời, tên của những “người hùng sân cỏ” được vinh danh trên khắp các mặt báo ngay trong đêm. Tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của tuổi trẻ
16 Đinh Võ Hoài Phương (sinh năm 1991, quê ở Bến Tre) được mọi người biết tới là chủ nhân kênh Youtube Khoai Lang Thang. Tối ngày 30/11/ 2024 tại Vietnam iContent Awards 2024, YouTuber Khoai Lang Thang đã được xướng tên "Nhà sáng tạo nội dung của năm" và "Nhà sáng tạo nội dung được yêu thích nhất" do độc giả bình chọn nhờ mang đến loạt video hấp dẫn, có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng. Hình ảnh của chàng trai miền Tây từ bỏ công việc kỹ sư để trở thành vlogger đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người về cuộc sống theo đam mê. Phương châm sống của Khoai là "Sống theo đam mê nhưng không mù quáng". Khi anh chỉ mới 18 tuổi, ước mơ của anh là học giỏi, kiếm nhiều tiền để giúp đỡ gia đình và phát triển bản thân. Tuy nhiên, vào tuổi 25, chàng trai từ Bến Tre đã mất đi đam mê của mình. Vì vậy, anh quyết định từ bỏ công việc kỹ sư để tạo ra kênh YouTube của riêng mình. Một khi đã tìm lại hướng đi, Khoai Lang Thang không ngừng học hỏi để cải thiện các bộ phim của mình, từ hình ảnh đến nội dung, khai thác tối đa tiềm năng của chúng. Những thành công hiện tại là sự đáng chú ý và xứng đáng được công nhận cho những nỗ lực mà anh đã bỏ ra. Nhờ số tiền kiếm được từ kênh Youtube, Khoai đã sử dụng nó để thực hiện nhiều dự án cộng đồng nhằm giúp đỡ trẻ em khó khăn tại những vùng mà anh đã đặt chân tới. Khoai Lang Thang là người sáng lập dự án "Việt Nam - Chuyện chưa kể", mục tiêu là xây dựng hơn 30 sân chơi tại các trường học khó khăn trên khắp Việt Nam. - Tuổi trẻ và sự theo đuổi đam mê
- Tuổi trẻ và lòng nhân ái
- Tuổi trẻ và những đóng góp tích cực cho cộng đồng
17 Từng có thời điểm muốn “bỏ rap”, chỉ tập trung kiếm tiền mưu sinh với công việc cắt tóc của mình nhưng Double 2T (hay Bùi Xuân Trường) đã vượt lên những khó khăn để chinh phục danh hiệu vị trí quán quân của Rap Việt mùa 3. Trường định hình được phong cách làm nhạc về dân tộc, đồng bào miền núi, thay vì ép bản thân theo những “màu bạc” không phù hợp, đó cũng là cách anh truyền tải nét đẹp văn hóa để tạo thêm cảm hứng, động lực cho người trẻ. - Tình yêu quê hương đất nước của thế hệ trẻ
- Tuổi trẻ và việc định hình dấu ấn cá nhân
18 Hoa hậu Thuỳ Tiên đã “làm nên lịch sử” khi mang về cho Việt Nam chiếc vương miện Miss Grand đầu tiên sau 8 năm miệt mài cử đại diện tham gia sân chơi nhan sắc này. Luôn xuất hiện với một vẻ ngoài tươi cười và tràn đầy năng lượng nhưng ít ai biết Thuỳ Tiên đã trải qua một tuổi thơ khó khăn khi bố mẹ cô chia tay từ lúc người đẹp mới được 4 tuổi và cô phải sống với cô ruột đến năm 18 tuổi. Khi được hỏi “Tại sao bạn nghĩ rằng mình sẽ trở thành tân Hoa hậu Hoà bình?”, Thuỳ Tiên cho biết cô xứng đáng trở thành tân Hoa hậu vì như Mr. Nawat đã nói, họ tìm kiếm một cô gái luôn sẵn sàng để làm việc và cô đã sẵn sàng để trở thành Miss Grand 2021 và đã học tiếng Thái để ở lại Thái Lan 1 năm và hoàn thành sứ mệnh của mình. Không đổ lỗi cho hoàn cảnh, luôn nỗ lực 100% để đạt được mục tiêu và kiên trì theo đuổi nó chính là những điều giúp Thuỳ Tiên có được thành công như ngày hôm nay khi chạm tay tới chiếc vương miện Miss Grand International 2021. - Sự nỗ lực, kiên trì, quyết tâm
- Mang hình ảnh của Việt Nam đến bạn bè quốc tế
19 Hà Kiara, tên thật là Bùi Ngọc Hà (2000) được biết đến là du học sinh Trung Quốc và là chủ sở hữu của kênh YouTube nổi tiếng với cộng đồng học sinh, sinh viên. Nữ sinh từng là cựu học sinh lớp chuyên Trung, trường THPT chuyên Lào Cai. Năm 18 tuổi, Ngọc Hà xuất sắc giành được học bổng toàn phần từ Chính phủ Trung Quốc cho 4 năm tại trường Đại học Nam Kinh - ngôi trường nằm trong top 5 các trường đại học danh giá tại Trung Quốc và top 17 ở châu Á. Trong quá trình nộp đơn ứng tuyển học bổng, cô bạn thấy khó khăn nhất là ở chữ "tự", vì mọi thông tin mà Ngọc Hà tìm được là 100% ở trên mạng. Hà phải tận dụng hết vốn ngoại ngữ mà bản thân có để gõ từ khóa tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Anh trên Google, lặn lội trong các hội nhóm, diễn đàn du học để đăng tin và khi có vấn đề gì đó sẽ gửi thư điện tử cho trường để giải quyết. Cô chia sẻ “Bí quyết của mình là luôn chủ động, mày mò tìm kiếm thông tin. Vào thời điểm 2018, những thông tin dành cho người tự apply học bổng không được phong phú như bây giờ. Hồi đó, mình rất may mắn khi được mọi người giới thiệu lên group Du học Trung Quốc. Trong đó có rất nhiều các anh chị đã apply học bổng thành công theo nhiều cách và đang du học tại đây. Trong quá trình apply nếu có gặp khó khăn gì thì mình cứ lên đó hỏi các anh chị ở trong group, nên cũng nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ mọi người. Ngoài ra, bản thân mình cũng phải tự giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn nữa”. Tuổi trẻ và năng lực tự chủ
20 CEO Nguyễn Thị Thu Hoa (sinh năm 1992 tại Phú Thọ) được biết đến là nữ founder và CEO của Trường Foods. Sau khi lập gia đình, chị Nguyễn Thị Thu Hoa được tiếp cận và đam mê với nghề làm thịt chua truyền thống của gia đình nhà chồng. Nhưng với ước mơ đưa thịt chua đi xa hơn đến mọi miền Tổ quốc, cô đã mạnh dạn bỏ thương hiệu cơ sở Nghị Thịnh - cơ sở nhà chồng, để xây dựng hiệu mới của chính mình. Hiện tại, sản phẩm của công ty chị Hoa chiếm 40% thị phần thịt chua trên toàn tỉnh Phú Thọ. Tính đến tháng 9/2023, Trường Foods bán ra thị trường khoảng 2,5 triệu sản phẩm, duy trì hơn 8.000 điểm bán trên khắp các tỉnh, thành. Sản phẩm của chị Hoa được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Doanh nghiệp châu Á công bố danh sách Thương hiệu số 1 Việt Nam năm 2023. - Tuổi trẻ và vấn đề khởi nghiệp
- Tuổi trẻ và việc vượt qua giới hạn
21 Sáng 7/1/2025, ca sĩ Sơn Tùng M-TP cùng ekip đã có mặt tại tỉnh Lào Cai và thực hiện chuyến viếng thăm đồng bào Làng Nủ, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Tại đây, nam nghệ sĩ cùng các thành viên ekip đã tham gia hoạt động thắp hương, tưởng nhớ đồng bào đã qua đời trong cơn bão số 3 hồi tháng 9/2024.Viếng thăm Nhà trưng bày cạnh bia tưởng niệm và lắng nghe người dân làng Nủ chia sẻ về "những ngày tang thương" đã qua, nam ca sĩ lặng người xúc động. "Tùng thương những người dân ở đây rất nhiều vì những gì mọi người đã trải qua! Em và tất cả những người đang có mặt ở đây khâm phục nghị lực, tinh thần của người dân làng Nủ". - Tuổi trẻ và lòng nhân ái
- Tuổi trẻ và sự quan tâm đến các vấn đề xã hội
22 Nguyễn Thị Trúc Phương - cô gái 25 tuổi thắp sáng “Giấc mơ bóng đá” cho hàng ngàn trẻ em vùng cao. Sau ba năm thực hiện dự án “Gieo ước mơ bóng đá”, Trúc Phương và cộng sự đã trang bị cơ sở vật chất cho nhiều sân bóng, cùng với đó là những lớp bóng đá miễn phí tại Đăk Nông; Đăk Lắk; Gia Lai; Hà Giang... - Lối sống sẻ chia
- Đam mê, khát vọng
- Tình nguyện
23 Đội ngũ truyền thông nhà tù Hỏa Lò là những người trẻ yêu lịch sử, biến những thứ tưởng là “khó nhằn” trở nên viral hơn. Họ xây dựng kênh truyền thông về lịch sử Việt Nam được các bạn trẻ đặc biệt quan tâm với cách tiếp cận hóm hỉnh, nội dung được cố vấn bởi đội ngũ có chuyên môn khiến Di Tích Nhà Tù Hỏa Lò trở nên vô cùng gần gũi với công chúng. Các nội dung của Fanpage được đội ngũ truyền thông chia làm 2 hình thức: bài đăng chuyên môn và bài đăng tương tác. Các bài đăng được xoay quanh thông tin về Di Tích Nhà Tù Hỏa Lò là chủ yếu. Bên cạnh đó, chủ đề chiến tranh Việt Nam nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung cũng được khai thác. - Lòng yêu đất nước
- Lòng tự hào về lịch sử, đất nước
- Giữ gìn lịch sử đất nước
- Năng lực sáng tạo, hợp tác
24 Phát ngôn của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí.”
- “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản.”
Lý tưởng sống của tuổi trẻ
25 - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức sâu sắc về vị trí và vai trò của tiếng Việt, của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Người luôn trân trọng và giữ gìn tiếng Việt, Người căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
- Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết trên Tạp chí Học tập năm 1966 như sau: “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của Nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp. Hai nguồn của cái giàu, cái đẹp ấy là ở chỗ tiếng Việt là tiếng nói của Nhân dân, đầy tình cảm, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa”.
Trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
26 Anh Nguyễn Văn Thanh (28 tuổi, Mê Linh, Hà Nội) từng chia sẻ trên Facebook cá nhân khi cán mốc 100 lần hiến tiểu cầu thành công. Nói về động lực khiến anh duy trì việc thiện nguyện này, anh Thanh chia sẻ năm 2017 gặp tai nạn giao thông phải điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, lúc đó anh đã mất rất nhiều máu và được truyền máu. Sau khi ra viện, trở lại với cuộc sống hằng ngày, anh Thanh tiếp tục duy trì thói quen hiến máu và tiểu cầu của mình. - Tuổi trẻ và hoạt động tình nguyện
- Tuổi trẻ và việc hiến máu nhân đạo
27 Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là một trong sáu bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đứng đầu hệ thống các bảo tàng trong quân đội. Công trình có diện tích 38,6ha và là nơi lưu giữ, trưng bày hơn 150.000 hiện vật. Trong tháng 11 và 12 vừa qua, Bảo tàng đã mở cửa, miễn phí vé vào; chưa đầy 1 tháng, hơn 200.00 lượt khách đã tới tham quan. Nguyễn Hồng Định (19 tuổi) chia sẻ khi tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. "Suốt chiều dài phong kiến tới những đợt kháng chiến gian khổ, tôi tự hào khi thấy bóng hình cha ông nghìn năm dựng và giữ nước". - Tuổi trẻ và trách nhiệm bảo tồn di sản lịch sử
- Tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc của thế hệ trẻ
28 Chia sẻ của nhà báo Lại Văn Sâm:
“Tôi chọn là tôi, không phải vì nổi tiếng mà vì cho đến giờ, tôi hài lòng với cuộc sống, công việc và những đam mê đã theo đuổi. Còn chuyện nổi tiếng hay không nổi tiếng, phiền hay không phiền là do tự nhiên chứ tôi không tạo ra nó.”
“Cuộc đời quả thật là vô thường, có thể là dài lắm nhưng cũng có thể ngắn lắm đấy. Như một nhà thơ của Nga từng nói một câu không thể đúng hơn là gì: “Hãy cảm ơn tất cả những gì diễn ra xung quanh cuộc sống này. Hãy cảm ơn ngay số phận đen đủi nhất, hãy cảm ơn tất cả mọi thứ, hãy cảm ơn tất cả những giọt nước mắt đau khổ của bạn. Bởi vì khi bạn còn khóc tức là bạn còn sống. Bạn đang sống là bạn đang hạnh phúc. Bởi vì rất đơn giản, con người ta sinh ra không phải là (để) chết”. Cho nên hãy tận hưởng những ký ức vui và cả những ký ức buồn để chúng ta cảm thấy yêu cuộc đời này hơn.”
Quan niệm về hạnh phúc của giới trẻ
29 Thế hệ Z là thế hệ đầu tiên lớn lên với sự tiếp cận Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số và điện tử từ nhỏ. Thế hệ này gặp nhiều áp lực không chỉ từ gia đình mà còn là những áp lực tự tạo. Phương Nga (sinh năm 2006, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi sống trong một thời đại mà mọi thứ đều diễn ra rất nhanh, rất vội. Chỉ qua vài ngày, vài tuần, những người xung quanh đã có thể có những sự thay đổi, phát triển mới. Để theo kịp sự phát triển đó cũng như tránh những sự so sánh từ xã hội, chúng tôi phải có sự nỗ lực rất lớn”. Áp lực của giới trẻ hiện nay
30 Sau khi đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng ở trận chung kết lượt đi, Hồ Xuân Sinh tham gia "đi bão" bằng xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách, di chuyển trên tuyến đường Quang Trung hướng về khu vực Thanh Xuân. Các thành viên trong tổ công tác lập tức triển khai lực lượng chặn bắt tại chốt. Dù đèn giao thông đang báo đỏ nhưng nghi phạm Sinh cố tình tăng ga bỏ chạy, đâm thẳng vào trung tá Lê Hoàng Anh, cán bộ Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, là thành viên tổ công tác. Sau đó, nam thanh niên tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy về hướng về quận Thanh Xuân. Sự việc khiến trung tá Lê Hoàng Anh bị gãy chân và phải điều trị tại Bệnh viện Quân y 103. Giới trẻ và việc “đi bão”: ăn mừng chiến thắng hay gây nguy hiểm cho cộng đồng?
31 Chu Ngọc Quang Vinh - nam sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái - một người từng giành vòng nguyệt quế trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đã tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía cộng đồng sau khi đăng tải một bài viết trên mạng xã hội với nội dung thể hiện thái độ "vô ơn" với đất nước: “Cuối cấp 2 là tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây cao trào nhất. Dần dần, tôi phát hiện những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân nên tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài”. Nam sinh thẳng thắn bày tỏ mơ ước sống và làm việc tại nước ngoài, và coi đó là mục tiêu lớn nhất của mình, thay vì cống hiến cho quê hương. Những câu chữ thể hiện sự coi nhẹ giá trị của giáo dục và truyền thống dân tộc đã nhanh chóng lan truyền và gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng. - Tư duy lệch lạc của một vài bộ phận thế hệ trẻ ngày nay
- Tác động của các giá trị văn hóa ngoại lai đối với thế hệ trẻ
32 Negav (Đặng Thành An), sinh năm 2001, hoạt động nghệ thuật với vai trò rapper. Mới đây, anh khiến nhiều khán giả phản ứng trái chiều vì phát ngôn liên quan chuyện bỏ học, bị chê trách là cổ xúy việc tiêu cực trong khi đang là nghệ sĩ có sức ảnh hưởng đến nhiều khán giả trẻ. Nhiều khán giả cho rằng vụ việc này không chỉ là bài học đắt giá dành riêng Negav mà còn dành cho nhiều nghệ sĩ trẻ trong việc cẩn trọng phát ngôn, có hành xử chuẩn mực, tôn trọng khán giả. - Tự do ngôn luận và sự cẩn trọng trong phát ngôn của tuổi trẻ
- Sự ảnh hưởng của nghệ sĩ đối với giới trẻ
33 “Công dân” Robot Sophia từng tuyên bố “Tôi sẽ hủy diệt loài người”. Đây là sản phẩm robot được cho là giống con người nhất với trí thông minh vượt trội. Sophia được chế tạo để bắt chước năng lực của con người về tình yêu, sự đồng cảm, tức giận, ghen tị, và cảm giác sống, có thể mô phỏng hơn 62 biểu cảm khuôn mặt nhờ camera cực nhạy gắn trong mắt. Nó có thể nhíu mày và cau mày để biểu hiện nỗi buồn, nở nụ cười biểu cảm sự hạnh phúc và cả sự tức giận. Do được thiết kế để có thể đưa ra các câu trả lời theo thời gian thực, Sophia không ít lần đưa ra các câu trả lời hay quan điểm gây tranh cãi, thậm chí khiến con người khiếp sợ. Trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi rẳng: “Sophia, cô có muốn hủy diệt loài người không? Làm ơn nói không nhé", Sophia trả lời: "OK. Tôi sẽ hủy diệt loài người". Trí tuệ nhân tạo
34 Nguyễn Thị Lệ Nam Em bị xử phạt 37,5 triệu đồng vì phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội. Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp tổ chức livestream trên các tài khoản mạng xã hội. Trong các buổi livestream, cô gợi lại chuyện tình cảm ồn ào trong quá khứ, không ngại tiết lộ góc khuất showbiz… Những nội dung phát ngôn gây tranh cãi của Nam Em đã gây ồn ào mạng xã hội và nhiều thông tin tiêu cực trong thời gian qua. Trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ gìn môi trường mạng xã hội tích cực, có văn hóa (dùng dẫn chứng cho phần phê phán)
35 Sáng 2/1, ngày thứ 2 Nghị định 168/2024 có hiệu lực, phần lớn người tham gia giao thông đã chấp hành nghiêm túc hiệu lệnh đèn tín hiệu nhưng vẫn có trường hợp cố tình vi phạm. Khi bị xử phạt, chị N.T.H. (21 tuổi, trú tại Hoàng Mai) cho biết do vội đi thi nên lỡ vượt đèn đỏ. Văn hóa tham gia giao thông của giới trẻ

 

ĐỌC THÊM: BỘ 16 MỞ - KẾT BÀI CHO 16 CHỦ ĐỀ CÓ KHẢ NĂNG XUẤT HIỆN TRONG ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT 2025

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học VĂN VIP LỚP 12 - 2K7
Khóa học KỸ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU
Khóa học PHƯƠNG PHÁP & LUYỆN ĐỀ LỚP 12 - 2K7

Tin liên quan