Đăng Ký Học
Ngày 23/07/2024 16:51:47, lượt xem: 26234
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết là một dạng bài quan trọng trong chương trình Ngữ Văn 9 mà 2k10 cần phải lưu ý. Dưới đây là bài viết mẫu nghị luận về một vấn đề cần giải quyết về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên do Học Văn Chị Hiên biên soạn. Các bạn có thể tham khảo và áp dụng vào bài viết của mình.
Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.
Bài làm
Tôi vẫn còn nhớ trong bài thơ “Nói với con”, người cha Y Phương đã dặn con những lời thấm thía: “Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng”. Ý thơ “Rừng cho hoa” thật đẹp bởi “hoa” ở đây không chỉ là bông hoa thơm ngát mà còn là biểu tượng cho những vẻ đẹp tinh túy mà rừng núi thiên nhiên ban tặng cho con người. Ý thơ sâu sắc khiến ta một lần nữa nghĩ về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, những hành động mà con người đang ngày ngày tác động đến thiên nhiên. Trong đó, nạn phá rừng là điều ta không khỏi trăn trở.
Không ngẫu nhiên mà rừng lại được tất cả các quốc gia trên thế giới đặt mối quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, rừng đã đem đến rất nhiều lợi ích cho con người và các loài động thực vật. Trước hết, rừng là ngôi nhà chung của nhiều loài động, thực vật sinh sống. Theo thống kê của các nhà khoa học, rừng Amazon là ngôi nhà chung của khoảng 2,5 triệu loài côn trùng, khoảng 2.000 loài chim cùng thú, và còn rất nhiều những loài động thực vật khác cư trú ở đây. Ngoài ra, rừng còn là chiếc khiên che chắn cho con người trước thiên tai, hiểm họa tự nhiên. Đặc biệt, đại ngàn bao la còn được xem là lá phổi xanh, là điều hòa tự nhiên của Trái Đất. Nó đã đem hết những gì mình có cung cấp cho con người nguồn ô-xi bất tận. Chính nguồn oxi đó đã giúp con người tồn tại và phát triển.
Quả thực, rừng là người bạn, người đồng hành đem đến cho ta nhiều lợi ích. Ấy vậy mà, con người không những không biết ơn mà còn chặt phá những cánh rừng nhằm phục vụ cho những lợi ích riêng của mình. Những cánh rừng được hình thành hàng nghìn năm, những cây cổ thụ sừng sững hiên ngang giữa trời luôn là đối tượng con người hướng đến khai thác. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, diện tích nhiều cánh rừng đã bị thu hẹp, những quả đồi xanh bỗng chốc trở nên trơ trụi. Theo ước tính của các nhà khoa học, trên thế giới có khoảng 11,1 triệu héc-ta rừng nhiệt đới đã bị phá hủy vào năm 2021, trong đó có 3,75 triệu héc-ta là rừng nguyên sinh. Còn tồi tệ hơn, sau khi khai thác, con người lại bỏ mặc rừng ở đó, không có biện pháp trồng rừng, khôi phục rừng. Lâu dần, đất trở nên cằn cỗi, cây con khó phát triển. Và rừng đã không thể khôi phục như trước được nữa.
Nạn phá rừng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, nó bắt nguồn từ nhu cầu của con người. Hiện nay, dân số ngày càng tăng, nhu cầu về đất ở, du lịch nghỉ dưỡng của con người cũng theo đó mà tăng lên. Chính vì lẽ đó mà con người đã chặt phá rừng để làm nơi sinh sống của mình và khai thác làm các khu du lịch, khu tham quan phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của con người. Đặc biệt, nguyên nhân của nạn phá rừng còn xuất phát từ công tác quản lý của các cấp chính quyền. Các cơ quan chức năng chưa có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, răn đe các trường hợp vi phạm về bảo vệ rừng. Chính những nguyên nhân nêu trên đã khiến cho nạn phá rừng diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
ĐỌC THÊM: NHỮNG MẪU MỞ BÀI HAY NHẤT CHO DẠNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ MỘT VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT - LỚP 9
Trái ngọt, hoa thơm không tự nhiên mà ta có được. Khi có được phải biết trân trọng và biết ơn người tạo nên. Thiên nhiên đã tạo cho con người những điều kiện cần để sinh sống. Thế nhưng, con người lại vô ơn, tàn phá, hủy hoại những cánh rừng. Chính điều đó đã làm mẹ thiên nhiên ngày càng phẫn nộ. Con người đã và đang phải đối diện với cơn phẫn nộ đó. Biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên,… là những gì con người phải chịu sau những hành động vô ơn của mình. Đồng thời, chúng ta cũng đang dần mất đi những loài động, thực vật quý hiếm. Chặt phá rừng cũng đồng nghĩa với việc mình đang phá hủy ngôi nhà của hàng triệu, hàng triệu các loài sinh vật khác nhau. Quả thực, hậu quả của nạn phá rừng vô cùng lớn, không chỉ đối với con người mà còn là tất cả các loài động thực vật đang sinh sống trong rừng.
Để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng chúng ta cần làm như thế nào? Trước hết, mỗi người dân cần là một tấm gương trong công cuộc bảo vệ rừng. Chúng ta có thể thường xuyên chia sẻ, tuyên truyền các bài viết về bảo vệ rừng, các chiến dịch trồng cây gây rừng tới cộng đồng. Có như thế thì ý thức giữ gìn và bảo vệ rừng ở mỗi người dân mới có thể ngày càng được nâng cao. Không những vậy, mỗi chúng ta cũng cần cùng nhau chung tay trồng cây gây rừng bằng việc tham gia các chiến dịch phủ xanh đồi trọc; xây dựng các vườn ươm giống cây; chiến dịch chăm sóc cây rừng; … Trong những năm gần đây đã không ít các tổ chức đã thực hiện các chiến dịch trồng cây gây rừng như: chiến dịch trồng rừng innisfree- WWF tại Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, hay hoạt động trồng rừng “AQUA chăm- trăm sức dưỡng sống”, … Hiện nay, với sự phát triển vượt trội của công nghệ thông tin, mỗi chúng ta cũng có thể xây dựng các trang thông tin giới thiệu các khu bảo tồn để mọi người biết tới và cùng nhau chung tay giữ gìn và bảo vệ rừng. Đồng thời, việc tái chế giấy cũng là một trong những giải pháp mà chúng ta có thể thực hiện nhằm góp sức mình vào công cuộc bảo vệ rừng. Bởi lẽ, tái chế một tấn giấy có thể tiết kiệm 17 cây xanh. Những hành động thiết thực đó của chúng ta sẽ góp phần khôi phục sự sống của những cánh rừng xanh và không ai trong chúng ta đứng ngoài công cuộc bảo vệ và ngăn chặn nạn phá rừng.
Tóm lại, phá rừng là hành vi tiêu cực của con người tác động tới tự nhiên. Mỗi chúng ta, là người đang được hưởng những lợi ích của rừng, cần có những nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của rừng. Đồng thời, mỗi người cũng cần góp sức mình vào công cuộc ngăn chặn nạn phá rừng. Hãy nhớ rằng: “Bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn sống của chúng ta”.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Tin liên quan