Đăng Ký Học
Ngày 09/01/2020 17:54:18, lượt xem: 8502
Cảm nhận hai đoạn thơ trên và nhận xét về phong cách nghệ thuật Tố Hữu.
HƯỚNG DẪN
I.MỞ BÀI
II.THÂN BÀI
1.Khái quát
Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống lớn, tình cảm lớn của con người Cách mạng. Tập trung ca ngợi lãnh tụ và người anh hùng với cảm hứng sử thi và lãng mạn dạt dào. Thơ ông đậm đà tính dân tộc trong nội dung và hình thức thể hiện. Trong số những sáng tác đặc sắc của ông có bài “Việt Bắc”.
Việt Bắc là khu căn cứ địa kháng chiến gồm các tỉnh: “Cao – Bắc – Lạng – Thái – Tuyên – Hà”. Nơi đây, cán bộ chiến sĩ và nhân dân Việt Bắc đã có mười lăm năm gắn bó keo sơn, nghĩa tình. Bài thơ ra đời vào tháng 10 – 1954 khi TW Đảng và cán bộ rời “thủ đô gió ngàn” về lại “thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình”.
Bài thơ “Việt Bắc” là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ thể hiện một cách tinh tế tình cảm cách mạng giữa những người kháng chiến và nhân dân Việt Bắc nghĩa tình cũng như lòng biết ơn sâu nặng đối với những con người đã kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ. Hai đoạn thơ trích dẫn trên đây là hai đoạn thơ tiêu biểu nhất cho vẻ đẹp nghĩa tình ấy.
2.Cảm nhận
2.1. Bốn câu thơ mở đầu là lời của người ở lại nói với người ra đi. Tình cảm nhớ thương, lưu luyến phút chia tay được thể hiện qua hai câu hỏi tu từ gợi bao thương nhớ. Đằng sau những câu hỏi tu từ ấy là những kỷ niệm về một giai đoạn đã qua, về không gian nguồn cội, nghĩa tình:
Câu hỏi tu từ thứ nhất hướng đến thời gian:
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
“Mình” và “ta” là cách xưng hô ngọt ngào, thân mật trong mối quan hệ yêu đương hoặc có quan hệ gần gũi thân thiết. Đó là ngôn ngữ trong ca dao tình yêu lứa đôi: “Mình về ta chẳng cho về – Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ”. Ở đây, Tố Hữu đã mượn hai đại từ nhân xưng trong ca dao tình yêu để diễn tả tình cảm cách mạng. Vì thế, câu chuyện chia tay – chuyện chính trị trở nên lắng đọng.
Mặt khác, câu hỏi tu từ là câu hỏi không dùng để hỏi mà dùng để bộc lộ cảm xúc, tâm trạng cũng như gửi gắm tâm tư. Ở đây, trong câu mở đầu“Mình về mình có nhớ ta” – người ở lại bộc lộ những băn khoăn, trăn trở, sợ người đi sẽ quên mình, quên những tháng năm gắn bó. Trong câu hỏi này, “Mình” là chỉ người ra đi, “Ta” là chỉ người ở lại. “Mình” ở đầu câu, “ta” ở cuối câu, tưởng như xa cách mà hoá ra gần gũi. Vì ở giữa hai đầu nỗi niềm ấy có một từ “nhớ” kết dính “mình – ta” lại với nhau. Cơ sở tạo nên nỗi nhớ ấy là: “Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”. Người ở lại hỏi người ra đi: Có nhớ “Ta” trong “mười lăm năm ấy” hay không ? “Mười lăm năm ấy” là trạng ngữ chỉ thời gian. Đại từ “ấy” như đẩy thời gian “mười lăm năm” về quá khứ làm thức dậy cả một miền kỷ niệm. Đó là thời gian chỉ độ dài gắn bó nhớ thương vô vàn giữa người đi kẻ ở. Thời gian ấy được tính từ năm 1940 sau khởi nghĩa Bắc Sơn cho đến tháng 10.1954 vừa đúng mười lăm năm. Đó là mười lăm năm “chung lưng đấu cật”, cùng nhau đi qua thăng trầm, đi qua bao gian khổ, bao đắng cay ngọt bùi. Nhớ những ngày sống giữa thiên nhiên khắc nghiệt phải chạy lũ chạy mưa: “mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù”; nhớ bao khó khăn thiếu thốn về vật chất nhưng ta và mình đã cùng nhau cố gắng vượt qua: “Thương nhau chia củ sắn lùi/Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”. Quá khứ ấy giờ đã thành kỷ niệm nhưng “di sản” mà ta và mình có được sau mười lăm năm gắn bó lại chính là “thiết tha mặn nồng”. Bốn chữ “thiết tha mặn nồng” đã cho thấy tình cảm giữa Việt Bắc và người cán bộ thật thủy chung sâu nặng, keo sơn bền chặt. Bởi vậy, hỏi nhưng cũng chính là để bộc lộ tình cảm và hỏi chính là thể hiện mong muốn người ra đi cũng có tình cảm như chính mình.
Hai câu đầu là gợi nhắc kỷ niệm mười lăm năm gắn bó, hai câu sau là lời nhắc nhở chân tình, lời dặn dò kín đáo mà rất đỗi thiết tha. Câu hỏi tu từ thứ hai hướng đến không gian:
Mình về mình có nhớ không ?
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn
Câu thơ ngắt nhịp 4/4 tạo thành hai không gian: cây, sông (miền xuôi) và núi, nguồn (miền ngược). Núi và Nguồn là ở Việt Bắc – đây chính là không gian quen thuộc gắn với người ở lại và cũng gắn bó với cả người ra đi. Không gian đó với người ra đi và người ở lại chứa đầy kỉ niệm của mười lăm năm nghĩa tình. Điệp động từ “nhìn” và “nhớ” được nhắc lại hai lần. “Nhìn” là hành động tác động vào thị giác, “nhớ” là hành động tác động vào tâm tưởng; một hành động hướng tới hiện tại, một hành động hướng về quá khứ. Thầy Phan Danh Hiếu. Sự đan xen giữa các hành động đó mà người ở lại đưa ra là để muốn nhắc nhở người ra đi đừng quên những tháng năm ta cùng mình gắn bó. Cách gợi nhắc này cho thấy được lời dặn dò kín đáo rất đỗi chân thành: Việt Bắc là cội nguồn Cách mạng, là trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến. Xin người về đừng quên cội quên nguồn. Sống trong năm tháng hòa bình đừng quên những năm tháng chiến tranh, ăn một miếng no đừng quên những ngày khốn khó ta cùng mình củ sắn bẻ đôi, bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng, có cuộc sống đủ đầy đừng quên những tháng ngày thiếu thốn ta đã cùng mình vượt qua. Câu thơ này phải chăng là sự vận dụng rất linh hoạt và tài tình của Tố Hữu với câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Qua đó, nhà thơ cũng nhắc nhở thế hệ cháu con phải biết hướng về gốc gác, về nơi bén rễ, về cái nôi cho ta hình hài.
2.2. Đoạn thơ thứ hai thể hiện nghĩa tình sâu nặng của người cán bộ cách mạng với nhân dân Việt Bắc.
– Trước đó, nỗi nhớ Tố Hữu hướng về rừng núi bao la với thiên nhiên khắc nghiệt, dữ dội “mưa nguồn suối lũ” và những kỷ niệm gian khổ cùng nhân dân Việt Bắc: “miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”; nhớ cảnh núi rừng hoang sơ, ngậm ngùi tiễn người về xuôi: “trám bùi để rụng măng mai để già; nhớ những con người Việt Bắc nghèo khổ mà nặng sâu nghĩa tình. Đoạn thơ tiếp theo tiếp tục là dòng nhớ mênh mang của người đi về thiên nhiên và con người Việt Bắc.
– Câu thơ thứ nhất diễn tả nỗi nhớ Việt Bắc qua phép so sánh “như nhớ người yêu”.
Nhớ gì như nhớ người yêu
Tố Hữu diễn tả nỗi niềm thương nhớ day dứt khôn nguôi của người kháng chiến dành cho Việt Bắc. Nỗi nhớ ấy luôn thường trực, da diết, cháy bỏng, bồn chồn đứng ngồi không yên như tình yêu đôi lứa: “Nhớ gì như nhớ người yêu”. Cách nói “nhớ gì như nhớ” mang hơi hướng của một câu hỏi tu từ gợi lên bao nỗi niềm bâng khuâng, trăn trở, day dứt. “Nhớ người yêu” là nỗi nhớ đặc biệt. Ca dao xưa từng viết: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống than”. Xuân Diệu từng đắm say “uống xong lại khát là tình/ Gặp xong lại nhớ là mình với ta”; Tố Hữu thì “lạ chưa vẫn ở bên em/ mà anh vẫn nhớ vẫn thèm gặp em”. Từ đó cho thấy người cán bộ về xuôi mang theo nỗi nhớ Việt Bắc sâu nặng, dạt dào, tha thiết. Đằng sau nỗi nhớ ấy, Việt Bắc hiện lên giăng mắc khắp không gian, lung linh trong từng chương kỷ niệm.
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”
Câu thơ thứ nhất: “Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương” ngắt nhịp 4/4 tạo thành hai vế. Vế đầu là không gian tình yêu. Vế sau là không gian lao động. Nhớ những tối cùng nhau ngắm một vầng trăng hẹn thề mọc lên đầu đỉnh núi, nhớ những chiều lao động cùng nhau ngắm một dải nắng vàng nhuộm thắm trên lưng nương. Thầy Phan Danh Hiếu. Câu thơ cùng lúc thể hiện hai không gian của tình yêu và lao động, tạo nên sự hài hòa giữa nghĩa vụ và tình cảm.
Đến hai câu thơ tiếp, tình yêu như chuyển thành nỗi nhớ trong tình cảm gia đình. Toàn không gian núi rừng Việt Bắc được gói gọn trong không khí gia đình ấm áp tình thương:
“Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”
Ở đây, nỗi nhớ không còn giăng mắc mông lung nữa mà đã cụ thể, hiện hữu trong những bản làng, những mái nhà thấp thoáng trong những làn khói sương vừa thực vừa mộng. Thiên nhiên hoang sơ, bảng lảng trong sương khói. Khói sương vừa là khói sương của thiên nhiên, vừa là khói bếp yêu thương mỗi sớm, mỗi chiều quyện hòa lãng đãng. Bếp lửa ấy, gian nhà ấy gắn liền với bóng dáng “người thương”. Hai chữ “sớm khuya” kết hợp động từ “đi-về” gợi bóng dáng con người Việt Bắc tần tảo, đảm đang, giàu đức hi sinh. Bên bếp lửa ấm áp nghĩa tình ấy, cán bộ và nhân dân đã cùng nhau chung vai sát cánh, cùng nhau đi qua mười lăm năm thiết tha mặn nồng. Tình cảm ấy có bếp lửa thiêng liêng làm chứng cho nghĩa tình nở hoa.
Không chỉ là nỗi nhớ trong tình yêu, kết thúc khổ thơ, tình cảm người đi còn toả ra tràn ngập cả núi rừng Việt Bắc:
“Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy suối Lê vơi đầy”
Điệp ngữ “nhớ từng” lặp lại làm nỗi nhớ như kéo dài ra mênh mang. Qua phép liệt kê: rừng nứa, bờ tre, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê…kết hợp cách ngắt nhịp 2/2/2/2 làm nhịp thơ rải đều gợi hình dung kỷ niệm như được khơi ra tầng tầng lớp lớp, hết hình ảnh này đến hình ảnh khác. Tất cả đều gợi nỗi nhớ trùng điệp, trải rộng. Nhớ từ cái lớn đến cái nhỏ, từ gần đến xa. Cuối cùng nỗi nhớ trùm lên mọi không gian thời gian. Từ “vơi đầy” vừa chỉ mực nước của sông suối, vừa gợi nỗi nhớ vơi đầy, dào dạt.
Những hình ảnh “rừng nứa bờ tre” gợi nhớ nơi hẹn hò, nơi gặp gỡ thuở ban đầu. Còn “Ngòi Thia , sông Đáy , suối Lê …” là những địa danh lịch sử gắn liền với chiến khu Việt Bắc. Ở đoạn thơ này, thiên nhiên Việt Bắc không còn ảm đạm “những mây cùng mù” mà ấp áp, vui tươi. Thiên nhiên, cuộc sống hiện lên vừa thực vừa mộng, vừa đơn sơ vừa thi vị, gợi rõ nét sự riêng biệt, độc đáo. Chỉ có những con người sống, gắn bó máu thịt với Việt Bắc mới có cái nhìn toàn diện, có nỗi nhớ da diết và cảm nhận sâu sắc, thấm thía đến như thế. Quả đúng như Chế Lan Viên đã từng viết.
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”
2.3. Nhận xét
– Nội dung: Hai đoạn thơ vừa phân tích trên đây là hai đoạn thơ tiêu biểu cho nghĩa tình cao đẹp giữa cán bộ và nhân dân Việt Bắc. Đoạn thơ thứ nhất là lời người ở lại nói với người ra đi với bao chân tình, ân cần, thắm thiết. Đoạn thơ đã khơi dậy kỷ niệm mười lăm năm gắn bó keo sơn bền chặt và nhắc nhở người về đừng quên cội quên nguồn. Đoạn thơ thứ hai là tiếng lòng đồng vọng của người ra đi đáp lại người Việt Bắc. Tiếng lòng ấy là lời thề thủy chung gắn bó và lòng biết ơn sâu nặng của người cán bộ dành cho nhân dân Việt Bắc nghĩa tình. Cả hai đoạn thơ nói về hai tình cảm riêng, mang những nét đẹp khác nhau nhưng chúng không tách rời nhau mà ngược lại bổ sung cho nhau cùng làm sáng tỏ giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đồng thời tôn vinh vẻ đẹp nghĩa tình giữa cách mạng và nhân dân.
– Nghệ thuật: Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu: phong cách trữ tình chính trị. Câu chuyện chính trị, chuyện chia tay lịch sử giữa nhân dân và cách mạng đã được lãng mạn hóa thành cuộc chia tay của “ta” và “mình” tạm xa nhau đi làm nghĩa vụ. Phong cách thơ Tố Hữu còn được thể hiện qua tính dân tộc trong nội dung và hình thức thể hiện. Về nội dung, đoạn thơ để lại vẻ đẹp của truyền thống dân tộc với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Về hình thức nghệ thuật, Tố Hữu sử dụng thể thơ lục bát – thể thơ truyền thống của dân tộc. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị như lười ăn tiếng nói hằng ngày. Âm điệu ngọt ngào; kết cấu đối đáp quen thuộc trong ca dao, dân ca trữ tình truyền thống.
3. Nghệ thuật: Thành công của đoạn thơ trên là nhờ vào một số yếu tố nghệ thuật đã được Tố Hữu vận dụng một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo: thể thơ lục bát với âm điệu ngọt ngào, sâu lắng. Cách miêu tả giàu hình ảnh. Lối hát đối đáp tạo ra giai điệu phong phú cho bài thơ. Nhiều biện pháp tu từ được tác giả vận dụng khéo léo (Hoán dụ, câu hỏi tu từ, điệp từ…). Ngôn ngữ trong sáng, nhuần nhị, và có nhiều nét cách tân (đặc biệt là hai đại từ Ta – Mình). Tất cả đã hòa quyện lại và chắp cánh, nâng đỡ cho ngòi bút của Tố Hữu thăng hoa cùng Việt Bắc.
III. KẾT BÀI
(Tự làm)
Tài liệu ôn thi ngữ văn THPT Quốc Gia - Học Văn Chị Hiên
Tin liên quan