Tìm hiểu về thơ Haiku (sử dụng trong chương trình lớp 10 mới)

Ngày 13/09/2022 10:11:41, lượt xem: 5106

Haiku là thể thơ truyền thống có vị trí quan trọng trong văn học Nhật Bản, đồng thời được xem là một trong những hình thức cô đọng nhất của thơ ca thế giới. Bài thơ haiku trong tiếng Nhật chỉ gồm 3 dòng (dòng 1 và dòng 3 có năm âm tiết; dòng 2 có bảy âm tiết). Thơ haiku thường biểu hiện những rung cảm của con người trước thiên nhiên bằng những hình ảnh trong sáng, nhẹ nhàng nhưng cũng đậm tính tượng trưng.

 



1. Đề tài
Đề tài trong thơ haiku vô cùng phong phú, đa dạng vì thơ haiku ôm trùm cả cuộc sống, cả thiên nhiên bốn mùa, cả cỏ cây vũ trụ. Có thể nói rằng, bất cứ cái gì thuộc về cuộc sống đều có thể là đề tài cho các nhà thơ haiku khám phá.
Khi nhà thơ haiku chọn đề tài, họ không bao giờ từ chối những sự vật nhỏ bé, bình thường mộc mạc. Tuy hệ thống đề tài chủ yếu là thiên nhiên, còn gọi là "quý đề" (kidai), nhưng thiên nhiên ấy không hiện lên ước lệ, trang trọng như thơ ca cổ điển Trung Hoa mà là những phong cảnh bình dị, những sự vật, con vật nhỏ bé, tầm thường. Các nhà thơ haiku trân trọng những khoảnh khắc thực tại vì đó là tài sản quý giá nhất trong cuộc sống con người. Thực tại là món quà vô giá, thi nhân trân trọng để sống cùng với nó trong từng phút giây ngắn ngủi. Vì thế cho nên, giữa tuyết lạnh mùa đông giá, Matsuo Basho hồn nhiên vui như đứa trẻ thơ trước một món quà thú vị mà ông làm ra được từ tuyết đó là quả cầu trắng:
Cời lửa lên đi
Món quà của tôi rất tuyệt
Quả cầu tuyết đây
(Nhật Chiêu dịch)

Trong khi Buson lại cảm nhận một vẻ đẹp rất đỗi đời thường mà cũng thật tình tứ trong thiên nhiên mùa xuân ở vào khoảnh khắc:
Băng qua vũng nước nông
Bàn chân cô gái
Vẩn bùn lên nước xuân trong.
(Nhật Chiêu dịch)
Do đó, thơ haiku luôn có một hệ thống "quý ngữ" (kigo tức từ chỉ mùa) đi kèm với các đề tài. Các kigo này tạo ra sức gợi mở lớn, làm thành nét đặc trưng cô đọng, giàu cảm xúc của thơ haiku.
Các kigo phổ biến cho từng mùa hay gặp là:
Mùa xuân: hoa đào, hoa mận, chim én, chim sẻ, dòng suối…
Mùa hạ: hoa quỳ, hoa thược dược, chim cu, đom đóm, con ve, mưa tháng năm…
Mùa thu: hoa tử đinh hương, hoa triêu nhan, lá phong, châu chấu, chuồn chuồn, trăng…
Mùa đông: tuyết, lá mục, hoa thủy tiên, cây tùng, sương mù…

2. Kết cấu chân không
Bên cạnh nét độc đáo của đề tài, thơ haiku còn hấp dẫn chúng ta bởi lối kết cấu đặc biệt của nó: Kết cấu chân không.
Kết cấu chân không được hiểu là sự lược bỏ hết các yếu tố bên ngoài, các phương tiện kết nối hình ảnh, ngôn từ bài thơ nhằm tạo nên một khoảng trống, khoảng chân không. Điều đáng nói là khoảng không được tạo nên từ kết cấu bài thơ không hề trống rỗng, đơn giản, sơ lược. Trái lại, nó chứa đầy cảm xúc, suy tưởng của con người. Nó thể hiện giáo lý nhà Phật ở tinh thần "bất dục doanh" (không muốn đầy).
Đọc một bài thơ haiku, ta cứ ngỡ rằng mình đang được chiêm ngưỡng một bức tranh thủy mặc. Giản ước, trống vắng với các nét vẽ đơn sơ đủ để gợi ra cho người đọc một chuỗi liên tưởng, tưởng tượng không có giới hạn. Nói như Kawabata: "Trọng tâm của bức tranh thủy mặc nằm ở khoảng không, nghĩa là ở khoảng trống không có nét vẽ". Đây có lẽ là lý do cắt nghĩa nguyên nhân tại sao thơ haiku rất ít khi sử dụng tính từ, phụ từ, trợ từ, quan hệ từ…
Để chứng minh cho kết cấu chân không trong thơ hai-cư, xin được lấy một bài thơ của Basho làm ví dụ:
Con quạ ô
sáng mai trong tuyết
đẹp không ngờ.
Toàn bộ bài thơ chỉ vẻn vẹn có vậy. Con quạ ô trên cái nền không gian phủ đầy tuyết trắng đem tới cho thi nhân cảm nhận về cái Đẹp và niềm hân thưởng cái Đẹp. Còn đẹp như thế nào, tương quan giữa các biểu tượng ra sao, Bashô không hề đề cập. Trong nguyên văn tiếng Nhật, bài thơ như sau: "Higoro nikuki/ kasasu mo yuki/ no ashita kana" (tạm dịch nghĩa là: Hàng ngày (con quạ) thật đáng ghét (nhưng) sớm mai con quạ trong tuyết, có thể...). Ý thơ chỉ dừng lại với từ có thể, Basho không nói gì thêm, tất cả phụ thuộc vào cảm nhận riêng của từng người đọc. Nói như thi hào Ấn Độ Targo đại ý: Trong thơ haiku, nhà thơ chỉ miêu tả sự vật rồi bước nhanh qua một bên cho người đọc thỏa sức phát huy trí tưởng tượng.
Kết cấu chân không trở thành nét đặc trưng nổi bật trong thơ haiku. Để từ đó, chúng ta có một thế giới biểu tượng đa nghĩa, phong phú ẩn chứa trong những vần thơ nhỏ nhắn, đơn sơ này.

 

ĐỌC THƠ SOẠN VĂN LỚP 10 BỘ CHÂN TRỜI SÁNG TẠO | VĂN BẢN 1: THẦN TRỤ TRỜI (BÀI 1: TẠO LẬP THẾ GIỚI)


3. Cấu trúc bài thơ
Đứng về mặt cấu trúc bài thơ, thơ haiku được xem là thể thơ ngắn nhất thế giới. Tất cả chỉ vẻn vẹn có 17 âm tiết viết liền trong một dòng thơ, với nhịp ngắt truyền thống là 5/7/5. Vần trong thơ Haiku cũng không nhiều và chặt chẽ như vần trong thơ Đường luật. Thông thường, chỉ có một vần chân nối giữa dòng 5 âm tiết và dòng 7 âm tiết. Ví dụ như:
Saru wo kiku hito
Sutego ni aki no
Kaze ika ni.
Bản dịch thơ:
Tiếng vượn kêu ư?
Đứa bé bỏ rơi đang khóc
Trong gió mùa thu
(Nhật Chiêu dịch)
Nếu đặt cấu trúc bài thơ haiku trong sự đối sánh với cấu trúc của những thể thơ ngắn trên thế giới và trong văn học phương Đông như: Tứ tuyệt của Trung Quốc, lục bát của Việt Nam ta sẽ nhận thấy được sự tương đồng cũng như khác biệt của nó ở phương diện cấu trúc.
Cấu trúc của thơ tứ tuyệt Đường luật (bao gồm cả tứ tuyệt ngũ ngôn và tứ tuyệt thất ngôn) là một chỉnh thể chặt chẽ, có niêm luật, có quy tắc ngắt nhịp, phối thanh điệu, gieo vần. Ngay cả việc nhà thơ sử dụng bằng trắc trong câu cũng phải tuân theo nguyên tắc bất di bất dịch "nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh"...Và những quy định về mặt cấu trúc này được hầu hết các nhà thơ tuân thủ một cách tuyệt đối. Chỉ trong một vài trường hợp cá biệt, ta mới thấy có tác giả tạo ra được sự phá cách trong những bài thơ tứ tuyệt của mình. Nhưng sự phá cách đó vẫn nằm trọn trong khuôn khổ chung.
Cấu trúc thơ lục bát, trái với Đường luật, lại nhịp nhàng, uyển chuyển hơn. Về cơ bản, lục bát chỉ đòi hỏi sự đan xen hai cặp câu 6 - 8, chứ không giới hạn số câu, chữ trong một bài thơ. Lục bát sử dụng vần chân, tiếng thứ 6 của câu 6 bắt vần với tiếng thứ 6 của câu 8, nhịp ngắt câu thơ phổ biến là nhịp chẵn. Cho nên, lục bát có âm hưởng nhẹ nhàng, linh hoạt, dễ làm, dễ nhớ, dễ thuộc.
Cấu trúc của bài thơ haiku tuy cô đọng, ngắn gọn trong số âm tiết ít ỏi giống với tứ tuyệt và lục bát nhưng nó lại đòi hỏi sự mẫn cảm, dày công hơn của người nghệ sĩ. Haiku không bó buộc trong quy tắc gieo vần, phối thanh. Nó cũng không bắt nhà thơ phải nhất nhất ngắt bài thơ theo nhịp truyền thống 5/7/5 và gói dung lượng trong 17 âm tiết. Một số bài Haiku có thể kéo dài thành 19 âm tiết 5/7/7 tùy vào ý tưởng, cảm xúc của nhà thơ. Thậm chí, không nhất thiết phải xếp bài thơ thành ba hàng hay ba dòng thơ, trong văn bản Nhật, bài hai-cư có khi được viết liền một hàng, không ngắt quãng.
Như vậy, cấu trúc thơ haiku không nặng về quy tắc, luật lệ. Đây vừa là thuận lợi vừa là khó khăn của người làm thơ. Thuận lợi vì cũng như tư tưởng Thiền, haiku tự do, đứng ngoài mọi quy luật. Khó khăn vì cấu trúc đơn sơ ấy lại đòi hỏi một sự cô đọng, kết tinh cao độ. Mỗi bài thơ haiku phải là một bức tranh thủy mặc, để lại vô số khoảng trống, với những nét vẽ nhiều khi sơ sài, không dụng công...để nén vào trong đó cả biển Thiền thâm sâu, gợi lên trong lòng người trường liên tưởng, dư âm không dứt.

4. Ngôn ngữ
Do cấu trúc đòi hỏi sự lắng đọng như trên cho nên người làm thơ haiku phải biết "kiệm từ", chọn những từ và ý nào thật đắt, cô đọng, ẩn chứa nhiều ý nghĩa để đưa vào thơ.
Các nhà thơ haiku cho rằng bản thân ngôn ngữ là linh thiêng (ngôn linh) nên ý nghĩa của nó không nằm bên ngoài con chữ mà nằm ở chiều sâu suy tưởng, tình cảm bên trong. Từ ngữ mà thi nhân dùng phải đạt "sự tinh giản của tâm hồn" (R.Tagor). Do vậy, các nhà thơ không ngần ngại lược bỏ hết những từ ngữ thừa, những phụ từ, quan hệ từ, tình thái từ, tính từ để không hạn chế liên tưởng của người đọc vào một cảm nhận nhất định. Thơ haiku giản lược tối đa chữ nghĩa trong thơ để vận dụng trí tưởng tượng nơi người đọc. Không có người làm thơ và kẻ đọc thơ, cả hai nhập làm một, đồng âm cộng hưởng trong niềm rung cảm với sự liên hệ rất tinh tế và hài hòa của đất trời.
Vì vậy, thơ haiku có sức mạnh vượt lên cả ngôn từ, cái công cụ mà chúng ta vẫn xem là có vị trí quan trọng, cốt lõi nhất của thơ ca, là chất liệu xây dựng nên thơ ca. Nói như nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản Nhật Chiêu: "Cái tinh tế cô đọng và thâm trầm là linh hồn của thơ haiku....Thơ haiku ít lời nhưng vượt qua lời, mở ra thế giới, mở ra con đường sâu thẳm". Chính thi hào Basho, người đã tạo ra linh hồn, gương mặt cho thơ haiku cũng thú nhận trong một vài trường hợp, ngôn ngữ không đủ sức để chuyển tải suy tư của nhà thơ "lời thì bất khả". Cho nên khi mới thoạt nhìn những bài thơ haiku của Basho, chúng ta ngạc nhiên, nghi hoặc về khả năng biểu đạt của nó. Nhưng một khi đã đi vào thế giới thơ Basho, ta sẽ nhận ra rằng: thoạt nhìn chỉ là một bài thơ ngắn gọn, vậy mà người thơ đã dẫn dắt chúng ta đi qua một khu vườn chữ nghĩa nhỏ hẹp để thênh thang bước vào một cõi tư duy vô cùng bát ngát, một chân trời sáng tạo rộng mở mà người đọc cần có một sự tưởng tượng dồi dào phong phú.

 

ĐỒNG HÀNH CÙNG CHỊ TRONG KHÓA HỌC VĂN VIP LỚP 10 ĐỂ KHÔNG LO LẮNG TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH MỜI NHÉ!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan