Đăng Ký Học
Ngày 04/11/2022 17:19:44, lượt xem: 2261
Bài 2: THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Văn bản 2: Tự tình (bài 2)
Câu 1. Hãy xác định bố cục của bài thơ. Tác phẩm là lời tâm sự của ai, về điều gì? Điều ấy có liên quan như thế nào đến nhan đề Tự tình?
Trả lời:
2 cách chia:
Cách 1: Chia theo bố cục của bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. |
|
Hai câu đề |
Diễn tả nỗi buồn, nỗi cô đơn của nhân vật trữ tình |
Hai câu thực |
Tình cảnh hiện tại đầy chua xót, bẽ bàng. |
Hai câu luận |
Sức phản kháng quyết liệt (Thái độ phản kháng) |
Hai câu kết |
Quay về thực tại và tiếng thở dài ngao ngán, chán chường. |
Cách 2: Chia theo nội dung biểu hiện. |
|
Phần 1 (4 câu đầu) |
Thể hiện nỗi lòng cô đơn, buồn tủi, khát vọng hạnh phúc. |
Phần 2 (4 câu tiếp) |
Tâm trạng tuyệt vọng của cảnh đời lẽ mọn. |
- Nhan đề “Tự tình” được hiểu là tự mình bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình. Ở đây, tác giả đang nói về chính mình, về nỗi cô đơn của kiếp người, nỗi bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Câu 2. Những hình ảnh trong bốn câu thơ đầu của bài thơ cho thấy hoàn cảnh và tâm trạng của chủ thể trữ tình như thế nào?
Trả lời:
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”
Thời gian:
Đêm khuya: Khoảng thời gian muộn, lẽ thường vạn vật đang chìm vào trạng thái nghỉ ngơi thế nhưng người phụ nữ ấy vẫn đang còn thức, đang đối diện với chính mình => Có những nỗi niềm trăn trở.
Trống canh dồn: Tiếng trống chuyển canh vang lên dồn dập, thể hiện cho bước đi gấp gáp, vội vã của thời gian.
=> Con người đang trong trạng thái hoảng hốt, rối bời, lo lắng, bất an.
Không gian:
Từ láy: “văng vẳng” - âm thanh từ xa vọng lại => Bút pháp “lấy động tả tĩnh”. => Khoảng không gian rộng lớn, tĩnh lặng.
=> Hình ảnh con người cô đơn, lẻ loi
- Từ “trơ”: trơ trọi - cô đơn, lẻ loi, có cái gì đó vô duyên, vô phận, đáng thương => trơ lì - bản lĩnh thách thức, đối đầu với những bất công, ngang trái – đảo đứng đầu câu - gây ấn tượng mạnh, nhấn mạnh hơn nỗi cô đơn lẻ loi của con người đi kèm với cụm từ “cái hồng nhan” => Vẻ đẹp, trang trọng + đi kèm với từ “cái” vừa rẻ rúng, suồng sã => Nỗi niềm đắng cay, xót xa, chua chát của nhà thơ trước duyên phận của mình.
- Hai hình ảnh đối lập: cái hồng nhan >< nước non -> tô đậm cảm giác cô đơn, trống vắng.
=> Như vậy, hai câu thơ đầu đã cho thấy tâm trạng buồn bã, hoàn cảnh cô đơn, lẻ loi, bẽ bàng của người phụ nữ trước không gian và thời gian.
Cụm từ “say lại tỉnh” -> gợi lên cái vòng luẩn quẩn, không lối thoát. Càng say càng tỉnh càng cảm nhận nỗi đau rã rời cho thân phận làm lẽ.
Hình ảnh: “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”
+ “trăng bóng xế” => trăng đã tàn
+ “khuyết chưa tròn” => chưa trọn vẹn
=> Trăng ẩn dụ cho thân phận Hồ Xuân Hương – mượn cảnh tả tình đặc sắc: “trăng bóng xế” – tuổi xuân đã qua. “khuyết chưa tròn” - tình duyên chưa trọn vẹn, chưa tìm được hạnh phúc viên mãn.
=> Hai câu thực cho thấy con người chới với giữa một thế giới mênh mông hoang vắng, bất lực trước nỗi cô đơn, buồn tủi của mình. Niềm mong mỏi thoát ra khỏi hoàn cảnh thực tại nhưng bế tắc không tìm được lối thoát.
Câu 3. Hình ảnh thiên nhiên và nghệ thuật sử dụng từ ngữ, nghệ thuật đối trong hai câu luận có gì độc đáo? Qua đó, thái độ của nhà thơ đã được thể hiện như thế nào
Trả lời:
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
- Hai câu thơ nói về thiên nhiên, về cỏ cây đất đá, nhưng thực chất là mượn thiên nhiên để nói về con người – thiên nhiên được cảm nhận qua tâm trạng: rêu, đất, đá,...
- Phép đảo ngữ, đảo cấu trúc câu => độc đáo. Đưa danh từ lên trên số từ và từ chỉ loại “rêu từng đám”, “đá mấy hòn”. Đưa cụm động từ làm vị ngữ “Xiên ngang mặt đất”, “Đâm toạc chân mây” lên trên cụm danh từ làm chủ ngữ “rêu từng đám”, “đá mấy hòn” -> nhịp điệu câu thơ mạnh mẽ, dứt khoát nhấn mạnh sự bứt phá của cỏ cây, đất đá.
- Bút pháp tả cảnh ngụ tình -> đặc sắc. ND “Cảnh… bao giờ”. Sự bứt phá của cỏ cây, đất đá => ẩn dụ cho nỗi niềm phẫn uất, sự phản kháng mãnh liệt của HXH trước những bất công ngang trái của xã hội PK xưa với người phụ nữ.
=> Hai câu thơ còn thể hiện cá tính mạnh mẽ, quyết liệt đầy bản lĩnh của nhà thơ.
=> Như vậy, đằng sau sự phản kháng, ngang ngạnh, bướng bỉnh ấy là cả nỗi niềm khát khao sống, khát khao hạnh phúc đến mãnh liệt ngay cả trong tình huống bi thương nhất.
Câu 4. Phân tích hai câu kết của bài thơ để thấy được nỗi niềm tâm sự của chủ thế trữ tình.
Trả lời:
- “Ngán” là chán ngán, ngán ngẩm. => Người phụ nữ mệt mỏi, chán chường trước duyên phận éo le, bẽ bàng của mình.
- Từ “Xuân” -> mùa xuân + tuổi xuân. Mùa xuân - tuần hoàn, vĩnh cửu ... tuổi xuân của đời người thì một đi không trở lại.
- Sự lặp lại của từ “lại” trong câu thơ “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại” => lời thơ đây đã bao nỗi xót xa, nuối tiếc: sự trở lại của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân.
=> Câu thơ còn thể hiện sự cảm thức về thời gian và đời người. Thời gian thì vô thuỷ vô chung mà đời người thì hữu hạn. Tất cả thể hiện khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc đến mãnh liệt.
- Câu thơ cuối => Nghệ thuật tăng tiến: “Mảnh tình… con con”
+ Mảnh tình: Tình yêu không trọn vẹn
+ Mảnh tình san sẻ: Càng làm tăng thêm nỗi chua xót ngậm ngùi, mảnh tình vốn đã không được trọn vẹn nhưng còn bị san sẻ
+ Tí con con: tí và con con đều là hai tính từ chỉ sự nhỏ bé, đặt hai tính từ này cạnh nhau càng làm tăng sự nhỏ bé, hèn mọn.
=> Đây chính là số phận éo le, ngang trái của người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi phải chịu thân phận làm lẽ.
Câu 5. Theo em, bài thơ Tự tình nói lên những suy nghĩ và tình cảm gì của nhà thơ Hồ Xuân Hương? Điều đó còn có ý nghĩa như thế nào với ngày nay?
Trả lời:
Bài thơ thể hiện tâm trạng, thái độ của Hồ Xuân Hương: vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Đồng thời bài thơ cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ - đó cũng là khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương giữa xã hội phong kiến cũ đầy những bất công.
Ngày nay, những người phụ nữ đã có được sự công bằng trong xã hội, nhưng bản thân họ luôn giữ được bản lĩnh, khát vọng sống, họ dám đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng và cuộc sống hạnh phúc của mình.
Câu 6. Bài thơ để lại trong em cảm xúc hoặc ấn tượng gì? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 - 10 dòng) ghi lại điều đó.
Trả lời:
Mỗi lần đọc lại “Tự tình” (bài 2) của Hồ Xuân Hương, trong lòng tôi lại trào dâng những cảm xúc buồn, đồng cảm, xót thương cho số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Họ - những người phụ nữ phải sống dưới chế độ mục ruỗng, nhiều người phải chịu số kiếp làm lẽ mọn. Nhân vật trữ tình trong bài thơ cũng rơi vào bi kịch ấy, thế rồi, trong thời gian đêm khuya, không gian mênh mông, trống trải, đã nhận ra được những nỗi niềm trăn trở sâu kín nhất trong chính mình. Đó là tâm trạng buồn tủi, cô đơn, phẫn uất trước duyên phận éo le, số phận cay đắng. Dù họ đã gắng gượng để vươn lên, để vượt qua nhưng vẫn rơi vào bi kịch của những xúc cảm tiêu cực. Thế nhưng, bài thơ cũng đã để lại ấn tượng trong tôi về khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, những điều tưởng chừng vô cùng giản đơn, bình dị nhưng lại là khao khát, niềm mơ ước cả cuộc đời của tác giả nói riêng, của tất cả người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung. Qua đó ta thấy được bức tranh toàn cảnh xã hội phong kiến xưa kia, trọng nam khinh nữ với những hủ tục lạc hậu. Bằng những vần thơ của mình, Hồ Xuân Hương đã cất lên tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ cho quyền được hạnh phúc của những người phụ nữ. Tiếng nói nhân văn ấy vẫn còn giá trị tới hôm nay, trở thành sức hấp dẫn riêng biệt của những vần thơ được cất lên từ tiếng lòng của “Bà chúa thơ Nôm".
ĐỒNG HÀNH CÙNG CHỊ TRONG KHÓA HỌC VĂN VIP LỚP 10 ĐỂ KHÔNG LO LẮNG TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH MỜI NHÉ!
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan