Phân tích nhân vật bé Thu trong "Chiếc lược ngà"

Ngày 06/01/2022 10:46:06, lượt xem: 12462

Hình ảnh bé Thu là nhân vật trọng tâm của câu chuyện, được tác giả khắc họa hết sức tinh tế và nhạy bén, là một cô bé giàu cá tính, bướng bỉnh và gan góc. Bé Thu gây ấn tượng cho người đọc về một cô bé dường như lì lợm đến ghê gớm, khi mà trong mọi tình huống em cũng nhất quyết không gọi tiếng “Ba”, hay khi hất cái trứng mà ông Sáu gắp cho xuống, cuối cùng khi ông Sáu tức giận đánh một cái thì bỏ về nhà bà ngoại. Nguyễn Quang Sáng đã khéo léo xây dựng nhiều tình huống thử thách cá tính của bé Thu, nhưng điều khiến người đọc phải bất ngờ là sự nhất quán trong tính cách của bé, dù là bị mẹ quơ đũa dọa đánh, dù là bị dồn vào thế bí, dù là bị ông Sáu đánh, bé Thu luôn bộc lộ một con người kiên quyết, mạnh mẽ. Có người cho rằng tác giả đã xây dựng tính cách bé Thu hơi “thái quá”, song thiết nghĩ chính thái độ ngang ngạnh đó lại là biểu hiện vô cùng đẹp đẽ mà đứa con dành cho người cha yêu quý. 

 


1. MB
Đề tài về tình cảm gia đình luôn là mạch nguồn cảm xúc của văn chương. Ca dao Việt Nam ngập tràn bóng dáng người mẹ, người cha và tạo thành dòng chảy đi vào thơ văn hiện đại với Lời ru của mẹ (Xuân Quỳnh), Mẹ ốm (Trần Đăng Khoa), Bầm ơi! (Tố Hữu), Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông),… Cũng từ đó, tình cảm gia đình thiêng liêng được bồi đắp trong trái tim mỗi người, là sức mạnh, là niềm tin trong cuộc sống. Đồng thời, tình cảm gia đình là cái nôi sinh ra những tình cảm cao đẹp khác. Và tình cảm thiêng liêng ấy được đặt trong bối cảnh chiến tranh lại càng nổi bật, đậm đà. Chiếc lược ngà là một trong số đó. Đọng lại trong tâm hồn người đọc khi cảm nhận câu chuyện chính là ấn tượng khó quên về nhân vật bé Thu- một cô bé giàu cá tính, bướng bỉnh và gan góc.

2. TB
LĐ 1:Khái quát tác giả, tác phẩm
Nguyễn Quang Sáng là nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Các sáng tác của ông tập trung chủ yếu về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc chiến cũng như sau hòa bình. Nguyễn Quang Sáng viết tác phẩm “Chiếc lược ngà” khi mà miền Bắc nước ta đã giải phóng đang tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, tăng gia sản xuất và chi viện cho tiền tuyến Miền Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nam - Bắc chia hai nhiều người con miền Bắc đã phải đi bộ dọc rừng Trường Sơn để vào Miền Nam đánh Mỹ cứu nước thống nhất nước nhà, nhiều gia đình vì thế mà ly biệt. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” tố cáo tội ác của chiến tranh, tố cáo chiến tranh phi nghĩa mà giặc Mỹ đã gieo xuống dân tộc ta, làm cho đất nước ta phải chia hai. Nhiều người con phải xa cha, người vợ xa chồng.

LĐ 2: Phân tích

Hình ảnh bé Thu là nhân vật trọng tâm của câu chuyện, được tác giả khắc họa hết sức tinh tế và nhạy bén, là một cô bé giàu cá tính, bướng bỉnh và gan góc. Bé Thu gây ấn tượng cho người đọc về một cô bé dường như lì lợm đến ghê gớm, khi mà trong mọi tình huống em cũng nhất quyết không gọi tiếng “Ba”, hay khi hất cái trứng mà ông Sáu gắp cho xuống, cuối cùng khi ông Sáu tức giận đánh một cái thì bỏ về nhà bà ngoại. Nguyễn Quang Sáng đã khéo léo xây dựng nhiều tình huống thử thách cá tính của bé Thu, nhưng điều khiến người đọc phải bất ngờ là sự nhất quán trong tính cách của bé, dù là bị mẹ quơ đũa dọa đánh, dù là bị dồn vào thế bí, dù là bị ông Sáu đánh, bé Thu luôn bộc lộ một con người kiên quyết, mạnh mẽ. Có người cho rằng tác giả đã xây dựng tính cách bé Thu hơi “thái quá”, song thiết nghĩ chính thái độ ngang ngạnh đó lại là biểu hiện vô cùng đẹp đẽ mà đứa con dành cho người cha yêu quý. Trong tâm trí bé Thu chỉ có duy nhất hình ảnh của một người cha “chụp chung trong bức ảnh với má”. Người cha ấy không giống ông Sáu, không phải bởi thời gian đã làm ông Sáu già đi mà do cái thẹo trên má. Vết thẹo, dấu tích của chiến tranh đã hằn sâu làm biến dạng khuôn mặt ông Sáu. Có lẽ trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, nó còn quá bé để có thể biết đến sự khốc liệt của bom lửa đạn, biết đến cái cay xè của mùi thuốc súng và sự khắc nghiệt của cuộc sống người chiến sỹ. Cái cảm giác đó không đơn thuần là sự bướng bỉnh của một cô bé đỏng đảnh, nhiễu sách mà là sự kiên định, thẳng thắn, có lập trường bền chặt, bộc lộ phần nào đó tính cách cứng cỏi ngoan cường của cô gian liên giải phóng sau này.

Nhân vật bé Thu – một em gái tám tuổi là nhân vật thứ nhất của truyện, có một tình yêu cha thật đằm thắm, mãnh liệt. Cha đi chiến đấu biền biệt xa nhà, đến khi Thu lên tám tuổi, hai cha con mới được gặp nhau. Cô bé tóc cắt ngang vai, hồn nhiên xinh đẹp, mới nhìn ông Sáu đã nhận ra ngay con gái của mình, vậy mà nhìn thấy cha bé Thu đã tròn mắt nhìn, ngơ ngác lạ lùng, tái mặt đi, vụt chạy và kêu thét lên: “Má! Má!”. Rồi suốt trong ba ngày cha ở nhà Thu đã không nhận ra cha. Tâm lí và thái độ của Thu được biểu hiện qua hàng loạt các chi tiết mà người kể chuyện quan sát và thuật lại rất sinh động như: nhất định không chịu gọi ông Sáu là cha; nhất định không nhờ ông Sáu chắt giùm nước nồi cơm đang sôi to; hất cái trứng cá mà ông gắp cho; cuối cùng khi bị ông Sáu tức giận đánh một cái thì bỏ về nhà ngoại, khi xuống xuồng còn cố ý khua dây cột xuồng kêu rổn rảng thật to… Cách cư xử nói năng cộc lốc, vùng vằng, ương ngạnh, ngờ vực; cái thái độ lạnh nhạt, lảng tránh xa cách, thậm chí còn có những hạnh động vô lễ với ông Sáu ấy khiến cho tình cảm cha con tưởng chừng không hình thành được.

 

ĐỌC THÊM NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | CẢM NHẬN NHÂN VẬT BÉ THU TRONG "CHIẾC LƯỢC NGÀ" (NGUYỄN QUANG SÁNG)


Tuy nhiên sự ương ngạnh của bé Thu lúc mới gặp cha là hoàn toàn không đáng trách. Bởi vì trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, nó còn quá nhỏ để có thể hiểu được những tình thế khắc nghiệt, éo le của đời sống. Mặt khác, người lớn cũng không ai kịp chuẩn bị cho nó đón nhận những khả năng bất thường nên nó không tin ông Sáu là ba. Chỉ vì trên mặt ông có thêm vết thẹo khác với hình ba mà nó đã khắc sâu vào tâm trí. Phản ứng tâm lí của bé Thu là hoàn toàn tự nhiên. Nó chứng tỏ em có cá tính mạnh mẽ, tình cảm sâu sắc chân thật. Thu chỉ yêu ba khi tin chắc đó đúng là ba. Trong cái cứng đầu của Thu có ẩn chứa cá sự kiêu hãnh trẻ thơ về một tình yêu dành cho người cha khác. Nhưng khi ta hiểu ra thì lại thấy rằng: Chính cái hành động đáng ghét ấy lại vô cùng đáng quý. Chính thái độ ngang ngạnh đó lại là biểu hiện tuyệt vời của tình cảm người con dành cho cha. Đơn giản vì lúc bấy giờ trong trí nhớ thơ ngây của Thu thì cha em đẹp lắm.


Song, đến buổi cuối cùng, trước khi ông Sáu phải lên đường, thái độ và hành động của bé Thu đã đột ngột thay đổi hoàn toàn. Tình phụ tử thiêng liêng đã cháy bùng lên. Khi nhìn thẳng đối diện với người cha “đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao”. Đằng sau đôi mắt mênh mông, xôn xao đó là biết bao ý nghĩ, tình cảm đang xáo động trong lòng. Có được sự xôn xao đó trong đôi mắt là kết quả của cả một đêm “lăn lộn, thở dài như người lớn ở nhà ngoại”. Nó lăn lộn, nó thở dài có lẽ vì nó ân hận, quá giận mình, rất thương ba và mong cho trời chóng sáng để có thể chạy về nhà. Lần đầu tiên, khi không ai ngờ tới, Thu cất tiếng gọi ba. Đó là tiếng kêu như tiếng xé, xé không khí và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng ba Thu đã kìm nén bao năm nay. Tiếng ba như vỡ tung ra từ đáy lòng nó. Và đau đớn thay, đây là tiếng gọi ba đầu tiên cũng là tiếng gọi cuối cùng trong cuộc đời cô bé. Sau tiếng gọi ba là một loạt những hành động “nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó nhảy thót lên, giang hay tay ôm chặt lấy cổ ba nó rồi nó hôn ba nó cùng khắp, hôn cả vết thẹo dài trên má của ba”. Tất cả những hành động đó đều biểu hiện một tình cảm ruột thịt nồng nàn là nỗi mong nhớ bùng lên thật mãnh liệt, hối hả, cuống quýt có xen lẫn sự hối hận. Và khi nghe ông Sáu nói: “Thôi, ba đi nghe con”, nó đã thét lên “Không!” rồi “hai tay xiết chặt cổ ba nó, giang cả hai chân câu chặt lấy ba, đôi vai nhỏ bé rung rung”, bé Thu khóc. Đó là tiếng khóc của sự xót xa ân hận vì lỗi lầm của mình, vì thương ba đau khổ. Khi hiểu ra mọi lẽ, khi nhận ra cha thì đã quá muộn. Do đó tất cả mọi hành động của Thu đối với cha như muốn đền bù những hụt hẫng đã qua. Chứng kiến những biểu hiện tình cảm ấy, trong cảnh ngộ cha con ông Sáu phải chia tay, có người không cầm được nước mắt. Riêng bác Ba – người kể chuyện cảm thấy như có bàn tay cứ nắm lấy trái tim mình. Nhà văn viết không nhiều, chỉ bằng một nét chấm phá đó thôi nhưng đủ cho ta xúc động trước nỗi niềm và tâm trạng của nhân vật.

Đoạn trích kết thúc trong ánh mắt thiết tha của anh Sáu trước lúc hy sinh nhờ bác Ba trao cây lược ngà cho Thu. Với bé Thu, cây lược nhỏ mang dòng chữ đầy yêu thương “yêu nhớ tặng Thu con của ba” là kỉ vật chứa đựng tình thương, nỗi nhớ, hình bóng, tấm lòng người cha. Chiếc lược ngà đã động viên em vững vàng trong cuộc chiến đấu.

Khi bác Ba tình cờ gặp lại Thu và trao cây lược, thì cô bé bướng bỉnh cá tính ngày nào đã trở thành cô giao liên dũng cảm. Và nguồn sức mạnh tiếp thêm cho Thu là tình yêu ba, tình yêu đất nước. Đến đây, những cảm nhận về nhân vật bé Thu còn cho thấy đó chính là sức mạnh của tình yêu gia đình cùng tình yêu quê hương đất nước.

LĐ 3: Đánh giá
Nguyễn Quang Sáng đã rất thành công trong việc xây dựng nhân vật bé Thu – một nhân vật trẻ em có tính cách cứng cỏi , mạnh mẽ , dứt khoát “đến nỗi, nhìn thoáng qua, người ta có thể cho là ương ngạnh, bướng bỉnh, khó bảo” nhưng cũng hết sức hồn nhiên, đáng yêu, ngoan ngoãn và có tình yêu cha sâu sắc. Chỉ với những chi tiết trên, cảm nhận về nhân vật bé Thu đã hiện lên thật chân thực và rõ nét. Cùng với đó là cách tạo tình huống bất ngờ, sự am hiểu tâm lí và tính cách trẻ em, cách chọn chi tiết nghệ thuật “đắt”, điển hình như chi tiết bé Thu không gọi ba, chi tiết bé Thu loay hoay chắt nước cơm, hất cái trứng cá ba gắp cho, chi tiết cây lược mà Thu xin ba trước lúc ba đi.

3. KB
tình cảm của bé Thu đối với cha thật sâu sắc, mạnh mẽ, thật dứt khoát rạch ròi. Thu là đứa trẻ có cá tính cứng cỏi đến mức ương ngạnh nhưng hồn nhiên, ngây thơ, đáng yêu. Giờ đây, Thu không chỉ yêu ba, em còn tự hào về ba. Chính niềm yêu thương và tự hào ấy đã trở thành sức mạnh thôi thúc và rèn giũa để sau này Thu trở thành cô giao liên mưu trí, dũng cảm gan dạ. Qua những diễn biến tâm trạng, tình cảm của bé Thu, ta thấy tác giả tỏ ra rất am hiểu tâm lí trẻ thơ và quan trọng hơn bởi ông có tấm lòng yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ đó. 

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA HỌC KỸ NĂNG 2K7  – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan