PHÂN TÍCH BÀI THƠ "NHÀN" CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM

Ngày 03/09/2021 12:39:00, lượt xem: 2621

Đề bài: Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

BÀI VIẾT MẪU PHÂN TÍCH BÀI THƠ "NHÀN"

Thơ khởi phát từ lòng người, chứa đựng biết bao nhiêu rung cảm, trăn trở nơi người cầm bút. Vì thế một tác phẩm muốn vượt lên sức mạnh của thời gian, của lòng người thì phải ẩn chứa trong nó những tình cảm, suy nghĩ thật và phải được viết lên từ mồ hôi, nước mắt của nhà thơ. “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một bài thơ như thế! Trạng Trình như “gói” cả lòng mình trong từng con chữ để rồi khắc họa con người và cuộc sống của mình bằng một chữ “nhàn”.

Nguyễn Bỉnh Khiêm sống gần trọn một thế kỉ đầy biến động của chế độ phong kiến Việt Nam, Lê – Mạc xưng hùng, Trịnh – Nguyễn phân tranh. Trong những chấn động làm rạn nứt những quan hệ nền tảng của chế độ phong kiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm dám đứng lên, dâng sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám lộng thần. Vua không nghe, ông bèn cáo quan về quê sống với chữ “nhàn”. “Nhàn” với Nguyễn Bỉnh Khiêm là sống thuận theo tự nhiên “Dẫu nhẫn chê khen dầu miệng thế/ Cơ cầu tạo hóa mặc tự nhiên” và “nhàn” còn là đối lập với danh lợi: “Để rẻ công danh đổi lấy nhàn”.

Mở đầu bài thơ Nôm số 73, triết lí “nhàn” được thể hiện qua bức chân dung về cuộc sống:

“Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

Cụ Trạng rời chốn quan trường về giữa thôn quê sống như một “lão nông tri điền”, với đầy đủ công cụ lao động của nhà nông: mai để đào đất, cuốc để xới đất, cần để câu cá. Cách dùng số từ tính đếm rành rọt: “một… một… một” cho thấy một sự chuẩn bị chu đáo, tất cả đã đi vào vị trí sẵn sàng. Một cuộc sống chất phát, nguyên sơ của thời “tạc tỉnh canh điền” (nước đào giếng, cơm cày ruộng) như hiện trước mắt ta song đó còn là cái thú hưởng nhàn cao quí của nhà nho. Tìm về cuộc sống “ngư, tiều, canh, mục” như một cách đối lập dứt khoát với các loại vui thú khác ở đời nhằm khẳng định ý nghĩa thanh cao tuyệt đối từ cuộc sống đậm chất dân quê này! Dáng vẻ thơ thẩn được phác hoạ trong câu thơ thứ hai thật độc đáo, mang lại vẻ ung dung bình thản của nhà thơ trong cuộc sống nhàn tản. Thực ra, sự hiện diện của mai, cuốc, cần câu chỉ là một cách tô điểm cho cái “thơ thẩn dầu ai vui thú nào” của nhà thơ. Những vật dụng lao động quen thuộc của người dân trở thành hiện thân của cuộc sống không vướng bận lo toan trốn cửa quan hiểm ác. Dẫu không màng chuyện thế sự nơi quan trường nhưng Trạng Trình vẫn mang tấm lòng ưu ái suốt đời lo cho dân, cho nước.

Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm về với vui thú ruộng đồng như để khẳng định một thái độ sống khác đời, khác người, đầy bản lĩnh:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao”

Hai câu thực như để phân biệt rõ ràng giữa nhà thơ với người đời bằng nghệ thuật đối, câu thơ như chia nửa, tạo hai đối cực: một bên là nhà thơ xưng “ta” một cách ngạo nghễ, một bên là “người”; một bên là “dại” của ta, một bên là “khôn” của người; một “nơi vắng vẻ” với một “chốn lao xao”. Ta chủ động tìm đến nơi vắng vẻ, ấy là nơi không có người cầu cạnh ta và ta cũng không cầu cạnh người. Nơi vắng vẻ còn là chốn tĩnh tại của thiên nhiên, là nơi thanh thản của tâm hồn. Người tìm đến chốn lao xao là tìm đến cửa quyền, con đường thăng quan tiến chức. Chốn ấy, sang trọng, quyền quý, người qua kẻ lại cũng nhiều nhưng lại đầy rẫy những thủ đoạn để bon chen, luồn lọc, sát phạt lẫn nhau. Vốn là một bậc thức giả với vốn trí tuệ sáng suốt, uyên thâm thế nên Trạng không ngần ngại tìm đến cái “dại”, nơi “vắng vẻ” bởi “dại” thực chất là khôn còn “khôn” mà hóa dại. Trạng Trình cũng đã nhiều lần định nghĩa “dại” – “khôn” bằng cách nói ngược này, vì người đời lấy lẽ dại – khôn để tính toán, tranh giành thiệt hơn, cho nên thực chất dại – khôn là thói thực dụng ích kỷ làm tầm thường con người, cuốn con người vào dục vọng thấp hèn. Mượn cách nói ấy, nhà thơ chứng tỏ được một chỗ đứng cao hơn và đối lập với bọn người mờ mắt vì bụi phù hoa giữa chốn lao xao. Nhưng không giống lối nói ngược của Khuất Nguyên thuở xưa: “Người đời tỉnh cả, một mình ta say” đầy u uất, Trạng Trình đã cười cợt vào thói đời bằng cái nhếch môi lặng lẽ mà sâu cay, phê phán vào cả một xã hội chạy theo danh lợi, bằng tư thế của một bậc chính nhân quân tử không bận tâm những trò khôn - dại . Cũng vì thế, nhà thơ mới cảm nhận được tất cả vẻ đẹp của cuộc sống nhàn tản:

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”

Khác hẳn với lối hưởng thụ vật chất đắm mình trong “bả” vinh hoa, Nguyễn Bỉnh Khiêm tận hưởng những ưu đãi của thiên nhiên ban tặng. Cuộc sống đạm bạc nhưng thanh cao. Trở về với tự nhiên, mùa nào thức ấy. Hai câu thơ như vẽ bộ tranh tứ bình về cảnh sinh hoạt với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Có mùi vị, có hương sắc. Không nặng nề, không ảm đạm. “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá” nói như Xuân Diệu là có cảm giác “ăn giá tuyết, uống băng đông”. “Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” thì vừa có nước trong, vừa có hương thơm thanh quý. Không những thế, những hình ảnh “măng”, “trúc”, “giá”, “hồ sen” còn mang ý nghĩa biểu tượng gắn kết với phẩm chất thanh cao của người quân tử, sống không hổ thẹn với lòng mình. Hoà hợp với thiên nhiên là một Tuyết Giang phu tử đang sống đúng với thiên lương của mình.

Quan niệm về chữ “nhàn” của nhà thơ được phát triển trọn vẹn bằng sự khẳng định:

“Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Mượn điển tích một cách rất tự nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói lên thái độ sống dứt khoát đoạn tuyệt với công danh phú quý. Quan niệm ấy vốn dĩ gắn với đạo Lão – Trang, có phần yếm thế tiêu cực, nhưng đặt trong thời đại nhà thơ đang sống lại bộc lộ ý nghĩa tích cực. Cuộc sống của những kẻ chạy theo công danh phú quý vốn dĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm lên án, phê phán trong rất nhiều bài thơ viết về nhân tình thế thái:

“Ở thế mới hay người bạc ác

Giàu thì tìm đến, khó thì lui”

(Thói đời)

Phú quý đi với chức quyền đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là cuộc sống của bọn người bạc ác thủ đoạn, giẫm đạp lên nhau để sống. Bọn chúng là bầy chuột lớn gây hại nhân dân mà ông vô cùng căm ghét:

“Con chuột lớn kia sao mi bất nhân?

Ngấm ngầm ăn vụng ăn trộm.

Ngoài đồng chỉ còn nắm lúa khô,

Trong kho không còn hạt thóc thừa

Người nông dân khó nhọc và than thở

Người điền phụ gầy ốm và khóc lóc.

Tính mệnh của nhân dân rất là quan trọng,

Mi làm hại người ta quá lắm.

Mi chui vào góc thành, ẩn trong hang hốc ở nền xã, núp vào đó để tính mưu gian,

Quỷ thần và nhân dân oán ghét mi chồng chất ở trong bụng.

Mi đã làm mất lòng thiên hạ nhiều,

Tất nhiên bị thiên hạ giết chết.”.

(Tăng thử)

Bởi thế, có thể hiểu thái độ nhìn xem phú quý tựa chiêm bao cũng là cách nhà thơ chọn lựa con đường sống gần gũi, chia sẻ với nhân dân. Cuộc sống đạm bạc mà thanh cao quả đáng quý đáng trọng. Bởi nó đem lại sự thanh thản cũng như giữ cho nhân cách không bị hoen ố vẩn đục trong xã hội chạy theo thế lực kim tiền.

Đi đến tận cùng khiến ta nhận ra chữ “nhàn” trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng “dòng” với chữ nhàn của Nguyễn Trãi. Họ đều là những bậc đại hiền nhàn thân mà không nhàn tâm. Lúc nào trong lòng cũng canh cánh lo cho dân, nên trong bài “Tự thuật”, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

“Lão lai vị ngải tiên ưu chí,

Đắc, táng, cùng, thông khởi ngã ưu”.

(Tấm lòng tiên ưu đến già chưa thôi,

Cùng, thông, được, mất ta đâu có lo cho riêng mình)

Một chữ “nhàn” nhưng lại khái quát toàn bộ triết trí, tình cảm, trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đồng thời bộc lộ trọn vẹn một nhân cách của bậc đại hiền tìm về với thiên nhiên, với cuộc sống bình dân thôn giã chốn làng quê để đối lập với cả xã hội phong kiến trên con đường suy vi thối nát. Bài thơ giống như một khí giới thanh cao đắc lực giúp cho người đời không va phải những “chùng chình, vòng vèo” của cuộc đời bể dâu. Phải chăng vì lẽ đó, nên giữa dòng thời gian vô chung vô thủy, “Nhàn” vẫn sống mãi muôn đời.

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng kí khoá VIP: http://bit.ly/khoahocvan10

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan