Đăng Ký Học
Ngày 27/08/2021 11:19:38, lượt xem: 6565
Đề bài: Vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Trãi trong bài “Cảnh ngày hè”.
BÀI PHÂN TÍCH VẺ ĐẸP CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN TRÃI TRONG "CẢNH NGÀY HÈ"
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”
(Quân minh thần lương - Lê Thánh Tông)
Câu thơ của Lê Thánh Tông - vị vua anh minh nhất thời thịnh Lê ngày nào, như một lời đúc kết rất sâu sắc về tâm hồn của Nguyễn Trãi qua sự nghiệp thơ văn của ông. Tâm hồn Ức Trai lấp lánh như một ngôi sao Khuê, ấy là một tâm hồn nhạy cảm thanh tao, thi vị của một nhà thơ tài hoa nhưng không kém phần thâm thúy sắc bén, đầy mưu lược của một nhà chính trị, nhà ngoại giao tài ba. Vẻ đẹp tâm hồn ấy được Nguyễn Trãi tỏ bày một cách trọn vẹn qua chùm thơ “Bảo kính cảnh giới”, tiêu biểu là bài “Cảnh ngày hè” (Bảo kính cảnh giới - bài 43).
Nguyễn Trãi được biết đến là một chiến sĩ nhưng cũng là một thi sĩ, tâm hồn người chiến sĩ hòa quyện trong tâm hồn người thi sĩ nên tình yêu thiên nhiên cũng hòa với tình yêu đất nước. Thế nên “túi thơ” của người như chứa cả “giang sơn”.
“Thừa chi ai rằng thời khó ngặt
Túi thơ chứa hết mọi giang sơn”
(Tự thán - bài 2)
Mở đầu bài thơ “Cảnh ngày hè” cho ta thấy sự giao cảm với thiên nhiên tạo vật của hồn thơ Nguyễn Trãi. Ức Trai là nhà thơ của thiên nhiên:
“Non nước cùng ta đã có duyên”
(Tự thán - bài 4)
Ông đến với thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh: thời chiến, thời bình, lúc buồn, lúc vui, khi bận rộn, khi thư giãn, … Thật hiếm hoi và có phần đặc biệt khi ta gặp trong thơ Ức Trai một hoàn cảnh:
“Rồi hóng mát thuở ngày trường”
Thời gian rảnh rỗi, tâm hồn thư thái, thanh thản, khí trời lại mát mẻ, trong lành, … một ngày như thế trong đời Nguyễn Trãi đâu nhiều. Ông sinh ra vốn trời đã định là người “thân” không nhàn mà “tâm” cũng không nhàn. “Một phút thanh trong thuở ấy” với Ức Trai đáng quý biết bao. Quả hiếm hoi mới có một hoàn cảnh lí tưởng đến thế! Xưa kia thi nhân đến với thiên nhiên bằng bút pháp vịnh, ở đây Nguyễn Trãi lại thiên về tả khiến cho bức tranh ngày hè hiện lên trước mắt người đọc vô cùng sinh động và tràn đầy sức sống. Sự sinh động của bức tranh ngày hè được tạo nên bởi sự kết hợp giữa đường nét, màu sắc, âm thanh, con người và cảnh vật: màu lục của lá hòe làm nổi bật màu đỏ của hoa thạch lựu và ánh mặt trời biểu chiều như dát vàng lên những tán hòe xanh. Rồi cả tiếng ve inh ỏi - âm điệu của mùa hè, hòa cùng tiếng “lao xao chợ cá” - âm điệu của làng chài.
Bức tranh thiên như như chìm đắm trong thời khắc cuối ngày “lầu tịch dương” - mặt trời sắp lặn. Ấy vậy, sự sống của vạn vật thì không ngừng dừng lại. Nguyễn Trãi thật khéo léo khi lựa chọn các động từ mạnh “đùn đùn”, “trương”, “phun”, tựa như có cái gì đó đang thôi thúc từ bên trong, đang ứa căng, đang tràn đầy, không kìm lại được nên mới phải “trương” lên, “phun” ra hết lớp này đến lớp khác.
“Hòe lục đùn đùn, tán rợp trương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ”
Cũng đặc tả về mùa hè, Nguyễn Du lại viết:
“Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”
(Truyện Kiều)
Dường như cả hai thi sĩ tài ba đều có con mắt thật tinh tế đối với cảnh vật. Với “lập lòe”, Nguyễn Du thiên về tạo sắc còn với từ “phun”, Nguyễn Trãi lại thiên về tả sức sống nội tại. Bức tranh mùa hè trong thơ Nguyễn Trãi còn được miêu tả với hình ảnh vô cùng đặc trưng: sen trong ao đã ngát mùi hương cùng với cách ngắt nhịp ¾ không tuân theo cách ngắt nhịp 4/3 của thơ Đường luật. Chính điều đó đã gây được sự chú ý của người đọc, làm nổi bật hơn cảnh vật vào mùa hè:
“Hồng liên trì/ đã tiễn mùi hương”
Phải là một người yêu thiên nhiên tha thiết thì có lẽ mới cảm nhận được hết sự sống đang căng tràn như thế! Thi nhân đã đón nhận cảnh vật với nhiều giác quan: thị giác, khứu giác, thính giác và cả sự liên tưởng nữa. Chính sự giao cảm mạnh mẽ với cuộc đời đã tạo nên vẻ tinh tế của hồn thơ Ức trai. Cùng viết về cảnh mùa hè, cũng với sự giao cảm mạnh mẽ nhưng các tác giả thời Hồng Đức lại đem đến cho người đọc một bức tranh với vẻ đẹp mộc mạc pha chút thô tháp:
“Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi
Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè”
(Lại vịnh nắng mùa hè - bài 3)
Nguyễn Trãi không thế, bởi trong bức tranh mùa hè của ông là sự hòa phối của màu sắc, âm thanh, đường nét theo quy luật của cái đẹp trong hội họa, âm nhạc, làm cho bức tranh thiên nhiên vừa có hình, vừa có hồn, vừa gợi tả, vừa sâu lắng. Nguyễn Trãi giao cảm với thiên nhiên mạnh mẽ nhưng cũng vô cùng tinh tế và sâu sắc bởi sự kết hợp giữa động từ mạnh “phun” với từ “thức” (theo nghĩa là màu vẻ, dáng vẻ chứ không chỉ là màu sắc đơn thuần) thì câu thơ lại nghiêng về diễn tả trạng thái tinh thần của cảnh vật. Có thể nói ở Nguyễn Trãi “lòng yêu thiên nhiên và tạo vật là một kích thước để đo tâm hồn” (Xuân Diệu). Nồng nàn và tinh tế là hai đặc điểm nổi bật trong tâm hồn, tình cảm của Ức Trai khi đến với thiên nhiên. Tất cả làm nên cái hay, cái độc đáo của hồn thơ Ức trai.
Thiên nhiên qua cảm xúc của thi sĩ trở nên sinh động, căng tràn sức sống bởi cội nguồn sâu xa chính là lòng thiết tha yêu đời, yêu cuộc sống của tác giả. Cảnh vật và con người chốn làng quê thanh bình như đang xâm chiếm toàn bộ tâm hồn Ức Trai:
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”
Từ tượng thanh "lao xao" được đặt trước hình ảnh chợ cá để làm nổi bật không khí nhộn nhịp của làng ngư phủ. Lao xao tiếng trao qua đổi lại, ồn ã tiếng nói tiếng cười. Tất cả gợi lên một cuộc sống lao động chân chất chốn chài. Những âm thanh lao xao của chợ cá hòa lẫn với tiếng ve kêu “dắng dỏi” bất thần nổi lên trong chiều tà, một bản nhạc báo hiệu chuẩn bị chấm dứt một ngày hè nơi thôn dã. Cùng viết về mùa hè, Nguyễn Khuyến đã có những vần thơ:
“Tháng tư đầu mùa hạ
Tiết trời thực oi ả
Tiếng dế kêu thiết tha
Đàn muỗi bay tơi tả”
Mỗi một bài thơ mang đến cho ta một mùa hè thật khác. Nếu như ta cảm nhận được mùa hè rộn ràng, náo nhiệt trong những vần thơ Ức Trai thì mùa hè của Nguyễn Khuyến oi nồng và có phần u uất. Bởi, với “Cảnh ngày hè” Nguyễn Trãi đã cảm nhận thiên nhiên sự sống, sức sống dồi dào trong tâm hồn mình, bằng sự tha thiết với cuộc đời còn Nguyễn Khuyến đã mượn mùa hè để giãi bày những bức bối, u uất của mình đúng như tên bài thơ “Than mùa hè”.
Nguyễn Trãi yêu thiên nhiên, nhưng trên tất cả vẫn là tấm lòng tha thiết với con người, với dân, với nước. Thế nên khi chứng kiến cuộc sống no đủ của nhân dân, đặc biệt là người lao động - những người dân chài lam lũ, Nguyễn Trãi ước có chiếc đàn của vua Thuấn để gảy khúc “Nam phong” mà ca ngợi:
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ, khắp đòi phương”
Câu kết của bài là một câu thơ đặc biệt, chỉ vỏn vẹn có sáu từ, như để thể hiện sự dồn nén cảm xúc của cả bài. Điểm kết tụ của hồn thơ Ức Trai không phải ở thiên nhiên, tạo vật mà chính là ở con người, ở nhân dân. Nguyễn Trãi mong cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc: “dân giàu đủ”. Nhưng đó phải là hạnh phúc cho tất cả mọi người, mọi nhà, mọi nơi: “khắp đòi phương”. Thông thương mỗi khi nhắc đến người dân, mạch thơ Nguyễn Trãi luôn đượm một nỗi lo âu, trở trăn, dằn vặt. Bởi lẽ với Ức Trai “dân” là món nợ suốt đời ông chưa trả. Chỉ có hai trường hợp duy nhất trong thơ ông khi nói đến dân với tất cả niềm hân hoan, mãn nguyện: khi chiến thắng kẻ thù xâm lược, nhân dân được giải phóng và khi chiến thắng đói nghèo, nhân dân được yên vui no đủ. Niềm vui của Nguyễn Trãi thể hiện trong bài thơ thuộc trường hợp thứ hai, với Nguyễn Trãi vui hay buồn, lo âu hay thanh thản, tất cả đều xuất phát từ cuộc sống của nhân dân. Dù ở cung bậc và sắc thái tình cảm nào thì tấm lòng nặng muối ưu tiên với nước, với dân chỉ là một:
“Sách một hai phiên làm bầu bạn,
Rượu năm ba chén đổi công danh.
Ngoài những phận ấy cần đâu nữa?
Cần một: ngồi coi đời thái bình”.
(Tự thán - bài 10)
“Cảnh ngày hè” là một trong những bài thơ đã chớm thoát ra khỏi tính quy phạm, khuôn thước của văn học trung đại bằng việc sử dụng nhiều hình ảnh sinh động kết hợp với các động từ mạnh, các từ tượng thanh được sử dụng liên tiếp. Tất cả làm cho bức tranh mùa hè không phải là hình ảnh tĩnh trên trang giấy mà căng tràn nhựa sống. Cuộc sống ngập tràn âm thanh và màu sắc như được sống dậy trong thơ Nguyễn Trãi. Nhưng đọc bài thơ, ta không chỉ đơn thuần thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên mùa hè rực rỡ, sống động mà còn cảm nhận được vẻ đẹp phong phú, thanh cao của hồn nhà thơ. Một hồn thơ đã bắt rễ sâu vào đời sống thiên nhiên, một cảm xúc thơ đã hòa nhịp với mạch sống nhân dân, dân tộc.
Được biết “Thơ khởi phát từ trong lòng người ta” (Lê Quý Đôn). Quả thực không có những cảm xúc, những tâm sự sâu kín nén chặt, chất chứa trong lòng sẽ chẳng bao giờ có thơ. “Cảnh ngày hè” chính là kết tinh của một hồn thơ tràn đầy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và tấm lòng tha thiết với con người, với dân, với nước. Xin mượn câu thơ của Phạm Trọng Yêm nói thay cho tâm hồn Ức Trai:
“Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu
Hậu thiên hạ chi lạc ưu lạc”
(Lo trước cái lo của thiên hạ,
Vui sau cái vui của thiên hạ).
Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!
Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ
Link đăng kí khoá VIP: http://bit.ly/khoahocvan10
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan