Mùa đông, lạnh giá và lòng người...

Ngày 05/11/2021 02:05:53, lượt xem: 1958

Những cơn gió đông bắc đầu tiên thổi đến, chưa đủ làm người ta cảm thấy tê buốt nhưng cũng đã gai gai lạnh. Tôi bước từ ngoài sân vào nhà, trên tóc còn vương vài mảnh gió đầu đông, cầm trên tay cuốn “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam còn nguyên mùi giấy mới. Tôi không quên “hà hít” như một thông lệ mỗi khi nhận sách mới, rồi tôi ôm trọn nó vào lòng như mới tìm được vật báu ở đời vậy! Vừa khéo lật giở, miên man cùng câu chuyện là những suy nghĩ vẩn vơ cũng vừa thoáng hiện như làn gió bên ngoài.

 

 

Tên tập truyện được lấy từ một truyện ngắn cùng tên. Vẫn cách kể của Thạch Lam, cốt truyện nhẹ nhàng như có như không kể về một ngày vào đông của một khu phố xá hay thị trấn nào đó. Nơi đây có Sơn, một cậu bé sống trong gia đình có điều kiện khá giả và quanh đó là những đứa trẻ nghèo. Vì thấy thương Liên, một cô bé sống trong khu gần nhà mặc áo rách co ro trong giá lạnh, Sơn cùng Lan, chị của mình đã lấy chiếc áo bông ở nhà đem cho Liên mà chưa hỏi ý kiến mẹ. Như một chút lòng riêng, tôi xin được giữ phần sau câu chuyện để mọi người tự tìm đọc và cảm nhận trong cái mưa lạnh đầu đông mà không kể ra ở đây, chỉ dừng lại ở hành động của Sơn và chị mình.

Việc Sơn ngay lập tức muốn đem áo bông tặng cho Liên khi thấy cô bé bị lạnh mà chưa kịp hỏi mẹ là sự bột phát của tình người chân thành. Ngoại cảnh có thế lạnh lẽo nhưng lòng người khi có lòng trắc ẩn, lòng nhân ái lại thật ấm áp lạ thường. Sự sẻ chia là cội nguồn của hạnh phúc. M.Go-rơ-ki từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Tình yêu thương sẽ là ngọn lửa sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn. Cái thắm đượm nồng nàn của tình người được đặt trong giá lạnh càng nổi bật và đáng trân quý. Một người có tấm lòng nhân ái sẽ là một ngọn nến lung linh. Một xã hội vô cảm sẽ không bao giờ xuất hiện khi mỗi cá nhân tự thắp nên ngọn nến ấy trong trái tim mình.

Tạm xa rời trang văn của Thạch Lam, tôi nghĩ tới mùa đông của một phương trời xa xôi khác. Nơi có cô bé bán diêm, với bông tuyết trắng, với đôi giày rách em đeo, với những que diêm cháy sáng le lói những thắp lên ảo mộng ấm áp, với cả sự thơ ơ của con người. Có những chi tiết nhỏ thôi trong câu chuyện của An-đéc-xen làm tôi day dứt mãi. Tại sao mọi người vội vã về nhà, lướt qua một hoàn cảnh nhỏ bé, tội nghiệp, không ai mua diêm cho cô bé, để cô không dám về nhà. Mọi người mải lo sự ấm cúng trong ngôi nhà của mình mà đến tận sáng hôm sau mới phát hiện cô bé đã chết cóng. Cũng không thể trách cứ sự vị kỷ của ai, nhưng cũng không thể từ đó mà không nhắc nhở mình đừng để trái tim đóng băng lạnh lẽo như cành củi khô trong làn tuyết trắng.

Tôi đã ngồi trong nhà, ấm áp hơn và để dòng suy nghĩ lặng trôi như thế. Một mùa đông nữa lại đến trong khi Covid vẫn đang hoành hành. Tôi nghe thoáng thoáng mục thời sự tối qua có nhắc đến lỗi lo của quá tải của hệ thống y tế châu Âu khi mùa đông đến, virus sẽ bùng phát và gia tăng. Nhìn lại đất nước mình, khắp nơi nơi, nhà nhà, người người dìu dắt nhau qua tao đoạn. Miền Nam có dịch bệnh sẽ có các bác sĩ kiên cường bám trụ, các tình nguyện viên hết lòng phục vụ. Miền trung có bão lũ là có các chiến sĩ sát cánh cùng nhân dân, di dời, sơ tán, cứu người không hề nề hà. Tình cảnh có khó khăn, nhưng tôi tin, ở nơi tôi sống, ở đất nước tôi sẽ có những người như cậu bé Sơn, thắp lên lòng nhân ái, khó khăn hay lạnh giá đến mấy cũng sẽ được vòng tay cộng đồng nối dài sưởi ấm và cùng nhau đi qua. Một mùa đông, có lạnh giá là ngoại cảnh. Ẩn sau đó là lòng người, là nhân ái, là truyền thống dân tộc, là bản chất con người Việt Nam như ông cha ta từng dạy:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước thì thương nhau cùng”.

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4

Link đăng ký khóa CODE VĂN: https://bit.ly/KHOACODEVAN2K4

Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan