Đăng Ký Học
Ngày 22/09/2021 11:55:47, lượt xem: 3792
Đề bài:
Bình luận quan niệm về nhà thơ của S. Bôđơle qua khổ thơ sau đây trích trong bài Chim hải âu của ông:
Là thi sĩ như chim trời ấy
Ưa giông bão chẳng ngại cung tên
Bài làm
Nhà văn là một con người như bao con người khác nhưng cuộc đời và tâm hồn của họ là một thế giới phong phú với rất nhiều phẩm chất đặc biệt. S. Bôđơle một thi sĩ thiên tài, nhà thơ tiền bối của chủ nghĩa tượng trưng Pháp bằng chính những trải nghiệm của cuộc đời mình đã đưa ra một quan niệm về nhà thơ:
Là thi sĩ như chim trời ấy
Ưa bão giông, chẳng ngại cung tên
Đọa đày giữa đám ghét ghen
Nặng đôi cánh rộng không quen bước thường
(Trích trong Chim Hải Âu)
Để có thể hiểu được thấu đáo nội dung và ý nghĩa của khổ thơ trước hết ta phải thấy rằng tư tưởng nghệ thuật của Bôđơle là tư tưởng của trường phái thơ tượng trưng Pháp. Ở đây chúng tôi chỉ dừng lại ở những khía cạnh để làm sáng tỏ khổ thơ. Chủ nghĩa tượng trưng Pháp đã gõ cửa nền văn chương châu u và mở đầu thơ ca hiện đại. Các nhà thơ xem thơ ca như là một công cụ của nhận thức siêu hình và diễn đạt những khám phá của họ bằng các tượng trưng ngôn từ. Tượng trưng ở đây được hiểu như là một sự vật bên ngoài, một dẫn liệu trực tiếp được chọn lựa và sử dụng với ý nghĩa rộng lớn hơn, khái quát hơn. Ta nhận thức không phải bản thân tín hiệu của một sự vật cụ thể và cá biệt mà chính là cái phẩm chất chung mà tín hiệu có nhiệm vụ làm thành biểu hiện tượng trưng. Nếu bài thơ Thánh ca Saint Jean tượng trưng cho sự thăng thiên của những ý tưởng cao cả; Con tàu say của Ranhbô tượng trưng cho những khát vọng của thi nhân về một thế giới mới thì bài thơ Chim hải âu (L’Albatros) của Bôđơle có ý nghĩa tượng trưng cho thân phận nhà thơ sống trong xã hội cũ.
Tất cả những tín hiệu được Bôđơle sử dụng trong khổ thơ đã khái quát những phẩm chất cần phải có ở nhà thơ. Thi sĩ trước hết phải như “chim trời ấy”. Ở đây Bôđơle quả đã chọn một hình ảnh rất đắt khi khẳng định phẩm chất và yêu cầu đầu tiên của nhà thơ: Sự tự do.
Một cánh chim tung bay giữa bầu trời cao rộng, giữa vũ trụ mênh mang luôn là biểu tượng sâu sắc về tự do. Thi sĩ là nghệ sĩ, chất lãng mạn trong tâm hồn sẽ đưa họ tới những chân trời mới, những khát vọng mới. Cánh chim kia không chỉ là hình ảnh của một con người tự do mà con người ấy còn đẫm chất lãng mạn, bay bổng. Đó là tư chất nghệ sĩ của nhà thơ. “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng - Cay đắng chi bằng mất tự do” (Hồ Chí Minh). Song với người nghệ sĩ, tự do mà họ cần có thể trở thành nhà thơ khi họ có khát vọng tự do, tư tưởng lớn lao và một tâm hồn cao đẹp. Bác Hồ của chúng ta đã từng viết nên rất nhiều những bài thơ tuyệt đẹp từ nơi tăm tối của tù ngục.
Tố Hữu vẫn tin tưởng vào tương lai trước mọi sự tra tấn của kẻ thù và Đôtxtôiepxki - thiên tài vĩ đại của nền văn học Nga vẫn viết văn khi ông bị đi đầy… Như thế với người nghệ sĩ, tự do về mặt tinh thần là yếu tố cơ bản và then chốt. Hơn nữa Bôđơle còn nhấn mạnh: “ưa bão giông chẳng ngại cung tên”. Thực ra ở đây tác giả đang đề cập đến một phẩm chất khác của nhà thơ: Thi sĩ - người thích những tình cảm mãnh liệt, dữ dội. Trong bất kì hoàn cảnh nào họ bao giờ cũng là người muốn đi đến tận cùng tất cả những cảm giác, cảm xúc. Nỗi đau và niềm hạnh phúc, ngọt ngào và đắng cay trong họ luôn được đẩy lên cao độ, tận độ. Họ ghét và không thể chấp nhận những kiểu trạng thái cảm xúc lững lờ, hời hợt kiểu trung bình chủ nghĩa. Ý muốn đó là cả một thách thức, là lời tuyên bố từ bỏ những hạnh phúc bình yên trong cuộc đời, dám chấp nhận mọi khó khăn và hiểm nguy ở phía trước.
Là người coi nghệ thuật là những phát ngôn của tâm hồn, Bôđơle đã đưa ra một quan niệm sâu sắc về nhà thơ. Một quan niệm chung cho tất cả những nhà thơ chứ không riêng gì của những nhà thơ tượng trưng Pháp.
ĐỌC THÊM LÍ LUẬN VĂN HỌC | PHONG CÁCH SÁNG TÁC
Thơ ca muôn đời vẫn là sự bộc lộ những xúc cảm, khát vọng của chủ thể trữ tình. Nó không ngừng khám phá, tìm kiếm và khẳng định những giá trị đích thực của con người. Vì thế với tư cách chủ thể thẩm mĩ - người sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đặc thù nhà thơ phải có những tư chất đặc biệt. Biểu tượng về nhà thơ là cánh chim vượt qua giông bão của Bôđơle là một biểu tượng hoàn toàn có lí. Nếu như ở các lĩnh vực khoa học khác con người cần “có đủ cái học uyên bác” thì nhà thơ phải có “nguồn cảm hứng bay bổng”, có tự do và hoài bão lớn. Trong khoa học tình cảm chỉ nằm ở tiền đề sáng tạo còn trong nghệ thuật, nhất là thơ ca, tình cảm nằm ngay trong sản phẩm sáng tạo. Bản chất của thơ ca là tính cách chủ quan. Hiện thực cuộc sống được phản ánh trong thơ ca là cuộc sống đã được nhận thức, lí giải, đánh giá, ước mơ cảm xúc bằng chính nhân cách nhà thơ. Hơn nữa từ trước đến nay sáng tạo thơ vẫn được coi là nhu cầu tự biểu hiện của con người. Đó là ý thức về sự đồng cảm, được hiểu, tìm sự đồng vọng trong trái tim người khác. Không phải ngẫu nhiên các nhà thơ đã phát biểu: “Thơ là điệu hồn đi tìm các hồn đồng điệu”, thơ là “tiếng nói tri âm” (Tố Hữu), “Thơ là sự hiện thân cho những gì thầm kín nhất của con tim và thiêng liêng nhất của tâm hồn con người và cho những hình ảnh tươi đẹp nhất, âm thanh huyền diệu nhất trong thiên nhiên…” (Lamáctin). Thơ ca là một sản phẩm mang tính đặc thù vì thế nó đòi hỏi ở người sáng tạo ra nó cũng phải có những phẩm chất đặc biệt. Tự do về tinh thần là cái gốc của mọi hoạt động sản xuất tinh thần. Với nhà thơ sự tự do về tinh thần là tiền đề và cơ sở để tư chất nghệ thuật của nhà thơ phát triển. Bởi “Gốc của nhà thơ là tình cảm” nên một tư chất nghệ thuật dồi dào là nhân tố đặc biệt quan trọng để tạo nên những vần thơ hay. Tư chất ấy là sự nhạy cảm, là những tình cảm yêu, ghét, vui, buồn, thương mến hay căm giận… đều đến độ mãnh liệt ở nhà thơ; là trí tưởng tượng phong phú và một tâm hồn luôn rộng mở. Tuy nhiên không phải từ lúc sinh ra nhà thơ đã có những phẩm chất ấy mà đó là một quá trình học hỏi, mở rộng kiến thức về mọi mặt. Nó như Gioocgiơ, họ “cần phải sống, phải tìm tòi, phải xào nấu lại rất nhiều, phải yêu rất nhiều và chịu nhiều đau khổ, đồng thời không ngừng kiên trì làm việc. Nghệ sĩ mà chỉ thuần túy là nghệ sĩ thôi thì sẽ là một người bất lực, tức là một kẻ tầm thường, hoặc sẽ đi tới chỗ thái quá, tức là một kẻ điên rồ” (Gorki bàn về văn học).
Việc trau dồi, rèn luyện để trở thành một nhà thơ tài năng là một sự thử thách lớn đối với mỗi nhà thơ. Ai đủ can đảm, nghị lực và bản lĩnh để vượt qua, người đó sẽ chiến thắng. Chỉ khi nào vốn sống phong phú lịch lãm và sự từng trải cuộc đời biến thành “chất sống” của mọi nhà thơ, hòa quyện vào con tim, khối óc và tâm hồn họ thì khí đó nền văn học của nhân loại sẽ có thêm một áng thơ hay. Tất cả những nhà thơ nổi tiếng trên thế giới từ Bôđơle, Veclen, Ranhbô đến Puskin, H. Hainơ, Maiacôpxki, Exênhin, Tagor, Đỗ Phủ, Lí Bạch… đều là những người nghệ sĩ thực sự tài năng, suốt cuộc đời họ là một quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi vì nghệ thuật của nhà thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tố Hữu...
Quan niệm về nhà thơ là một cách tự khẳng định vị trí của mình, giá trị những sản phẩm do nhà thơ làm ra. Ý kiến ấy của Bôđơle về nhà thơ không chỉ góp phần và xác định, thẩm định các giá trị thơ ca của ông và trường phái tượng trưng siêu thực ở Pháp mà còn đúng với bất cứ nhà thơ nào. Đó là một quan điểm đúng đắn và sâu sắc bởi là một quan điểm bắt nguồn từ chính đặc trưng và bản chất của thơ.
Nguồn: ST
Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!
Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ
Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4
Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5
Link đăng kí khoá VIP lớp 10: http://bit.ly/khoahocvan10
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan