Hướng dẫn viết nâng cao | Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Ngày 06/12/2022 10:06:17, lượt xem: 34270

- Làm sao để bài viết trở nên sáng tạo, cuốn hút đối với người đọc?? Chúng mình có thể tạo điểm nhấn bằng kĩ năng diễn đạt, hoặc đưa lí luận văn học, liên hệ mở rộng vào bài viết.

Đối với các bạn ôn thi #HSG ,thi cấp 3 chuyên Văn, và đặc biệt là các bạn muốn được điểm cao, thì đây là phần rất quan trọng.

Hãy cùng chị tham khảo ngay hướng dẫn viết nâng cao cho bài: "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật nha 

----------------------------

 

I. MỞ BÀI

 

“Hồn Nước gọi, Tiếng bom Sa Diện
Trái tim Hồng Thái nổ vang trời
Máu thơm tưới mầm non xuân đến
Vui lại rồi, Tổ quốc ta ơi!”
(Theo chân Bác- Tố Hữu)

Ôi, hồn nước trái tim Tổ quốc! Câu thơ vang lên khí phách của những con người đất Việt. Hòa vào dòng máu Lạc hồng của dân tộc, mỗi con người của cha Lạc Long Quân đã hóa thân cho “dáng hình xứ sở” để làm nên đất nước muôn đời. Và thế hệ trẻ trong những năm tháng chống Mĩ oai hung cũng đã góp một tiếng nói riêng để hòa vào cảm hứng chung của dân tộc. Phạm Tiến Duật- người con trưởng thành trên mái trường xã hội chủ nghĩa, một thi sĩ của núi rừng Trường soen huyền thoại, ông đã mang niềm vui hăm hở của tuổi trẻ ra khắp các nẻo đường chiến đấu. Nhà thơ đã tạo cho mình một giọng điệu thơ rất lính: khỏe khoắn, tự nhiên, tràn trề sức sống, rất tinh nghịch tươi vui mà giàu suy tưởng. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là tác phẩm tiêu biểu nhất của giọng thơ, hồn thơ ấy.

 

II. LIÊN HỆ CÂU THƠ

 

“Không có kính rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”

Hai câu thơ dồn dập những mất mát, khó khăn do quân thù gieo xuống, do đường Trường Sơn gây ra: xe không kính, không mui, thùng xe có xước….Ở đây tác giả nêu lên sự đối lập giữa hai phương diện vật chất và tinh thần, vẻ bên ngoài và bên trong chiếc xe. Chiếc xe bị bom đạn Mĩ làm cho biến dạng đến trần trụi nhưng điều kì lạ là chiếc xe ấy vẫn chạy và được Phạm Tiến Duật lí giải bất ngờ mà chí lí: “Chỉ cần trong xe có một trái tim” Phải chăng chính trái tim của con người đã cầm lái? Tình yêu Tổ quốc, tình yêu đồng bào đã khích lệ, động viên người chiến sĩ vận tải vượt khó khăn, gian khổ, luôn lạc quan, bình tĩnh nắm chắc vô lăng, nhìn thật đúng hướng để đưa đoàn xe tới đích? Ngữ điệu câu thơ thật nhẹ nhõm, sảng khoái, song khả năng khắc họa hình tượng nhân vật và khơi gợi suy luận triết lí thật sâu sắc, trĩu nặng. Đằng sau những suy nghĩ ấy, câu thơ còn muốn hướng người đọc về một chân lí trong thời đại chúng ta: Sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí, là công cụ mà là con người- con người mang trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí kiên cường, dung cảm. Những chàng Thạch Sanh của theesw kỉ hai mươi hiểu rằng:
“Ôi! Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, dòng sông.”
(Sao chiến thắng- Chế Lan Viên) 

 

ĐỌC THÊM: HƯỚNG DẪN VIẾT NÂNG CAO | ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ

 

II. LIÊN HỆ CÂU THƠ

 

Dãy Trường Sơn hùng vĩ là cầu nối hai miền Nam Bắc, là hình tượng một vẻ đẹp thời đại. Với những ai đã từng một lần vượt dãy Trường Sơn bằng đôi chân đất, bằng gậy Trường Sơn hay bằng cả những chiếc xe không kính sẽ mãi không quên:
“Trường Sơn đông nắng tây mưa
Ai chưa qua đó như chưa hiểu mình.”
(Tố Hữu)
Những hiểm nguy của cuộc chiến, những khó khăn của mưa nắng vẫn cứ đổ dồn vào dãy Trường Sơn. Với những người đã từng “vào sinh ra tử” với cuộc chiến đấu, với Trường Sơn hùng vĩ chắc sẽ không bao giờ quên được hình ảnh: “Bụi Trường Sơn nhòe trong trời lửa” (Nguyễn Đình Thi). Bụi Trường Sơn thật khốc liệt, mưa Trường Sơn thật dữ dội, thế nhưng những chiếc xe không có kính vẫn tiếp tục băng qua chiến trường:
“Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi.”
Lời thơ gần với văn xuôi nhưng vẫn đậm đà chất thơ. Không có kính chắn gió nhưng những chiếc xe vẫn chạy và người lính chấp nhận. Trong chiến đấu bao khó khăn của núi rừng Trường Sơn, bao cơn mưa, gió bụi chỉ là những điều bình thường, không có gì đáng lưu tâm. Từ “ừ thì” vừa thể hiện thái độ bình thản, ngang tàng, bất chấp. Mặc cho “mưa tuôn, mưa xối”, thái độ của những người lính vẫn tự tin, ung dung tay lái. Trong một bài thơ của Phạm Tiến Duật cũng đã được phổ nhạc: “…Trường Sơn Tây anh đi thương em… thương em bên ấy mưa nhiều…”, dù mưa có “tuôn”, có “xối”, có nhiều đi chăng nữa thì những chiếc xe vẫn tiếp tục lăn bánh vì nhiệm vụ cấp bách phía trước. Chuyện mưa ướt áo rồi gió lùa làm khô áo đó là một việc hết sức bình thường 

 

III. LIÊN HỆ CÂU THƠ

 

“Trời xanh thêm” vì lòng người phơi phới, say mê trước những chặng đường đã đi và đang đến. “Trời xanh thêm” vì lòng người luôn có niềm tin về một ngày mai chiến thắng. Những người lính lái xe hiên ngang, dũng cảm, lạc quan, trẻ trung sôi nổi, giàu tình đồng chí đồng đội. Vẫn nét bút tinh nghịch, tươi trẻ, hồn nhiên, những người lính cùng chung bát đũa để thắt thêm tình đồng chí gắn bó khăng khít. Họ nghỉ ngơi trong chốc lát trên chiếc võng mắc chông chênh. Từ láy “chông chênh” gợi hình gợi cả tính cách trẻ trung, ngang tàng của người lính. Sinh hoạt của người lính với cái ăn, cái ngủ được nhà thơ Phạm Tiến Duật miêu tả qua hai hình ảnh “bếp Hoàng Cầm” và “võng mắc chông chênh” thật độc đáo. Phải sống trong hiện thực cuộc chiến đấu đó, Phạm Tiến Duật mới có thể viết được những vần thơ đẹp đến thế. Thật khó khăn, gian khổ nhưng những người lính nghĩ về nó thật cảm động: “nghĩa là gia đình đấy”. Một khái niệm mới, dù xa nhà đi vào cuộc chiến đấu tử sinh, nhưng người lính vẫn ấm áp mái ấm gia đình, đó là tình đồng đội. Giọng điệu thơ dung dị, thanh thản mà mạnh mẽ như tính cách ngang tàng, ngạo nghễ bất chấp hiểm nguy của chiến tranh. Ngồi bên nhau trong phút chốc, họ lại tiếp tục lên đường theo tiếng gọi của quê hương, của miền Nam thân yêu:
“Võng theo ra chiến trường
Võng theo ta giải phóng
Tổ Quốc ơi muôn năm vững bền hai đầu
Lời ru xưa vỗ về
Lời ru nay thúc giục
Rộn lòng ta ra chiến trường.”
(Nguyên Nhung) 

 

ĐỌC THÊM: HƯỚNG DẪN VIẾT NÂNG CAO | ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ

 

IV. KẾT BÀI

 

“Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm ngươi lính đi đầu
Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa.”
(Chào xuân 67- Tố Hữu)
Vui biết bao nhiêu khi lịch sử đã chọn những chàng Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi làm điểm tựa, để ngọn lửa cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta trở thành một bản anh hùng ca bất diệt. Trong những năm tháng sục sôi khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” ấy, những người lính đi vào cuôc chiến đấu với tất cả tính chất chủ động, tự tin của những con người có lí tưởng cao đẹp, có sức mạnh và tiềm lực nên họ rất thanh thản, vui tươi. Bài thơ không chỉ phản ánh được sự khốc liệt, gian khổ của chiến tranh qua hình ảnh những chiếc xe không kính mà còn là lời khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của người lính lái xe trên tuyến đường huyền thoại. Dù lớp bụi thời gian có phủ đầy những trang sách và những đổi mới của cuộc sống làm biến chuyển đi tất cả, nhưng hình ảnh những người lính cụ Hồ, những chiến sĩ Trường Sơn vẫn sống mãi trong lòng mọi người với tấm lòng trân trọng trọng, biết ơn. 

 

ĐĂNG KÝ NGAY:

- KHÓA HỌC VĂN VIP 2K8 TẠI ĐÂY

- KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG HSG: TẠI ĐÂY

- KHOÁ HỌC VĂN VIP 2 - 2K9: TẠI ĐÂY

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan