GÓC NHÌN KHÁC VỀ VŨ NƯƠNG TRONG “CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG”

Ngày 10/06/2021 17:52:20, lượt xem: 5252

“Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ,
Cung nước chi cho luỵ đến nàng,
Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt.
Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng.
Qua đây bàn bạc mà chơi vậy,
Khá trách chàng Truơng khéo phũ phàng.
Ai đã từng đôi lần đọc “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ thì không khỏi xót thương cho số phận Vũ Nương. Nếu như nàng Kiều của Nguyễn Du chịu nhiều oan ức nhưng đến cuối mọi chuyện sáng tỏ, cô vẫn còn sống thì Vũ Nương lại không được may mắn như vậy. Người phụ nữ tảo tần lo toan chồng con ấy tuy được giải oan nhưng không thể trở về lần nữa bên gia đình nhỏ của mình. Nhưng liệu rằng Vũ Nương có phải là hình tượng người phụ nữ lí tưởng mọi thời đại hay không?

 

 

Trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”, Vũ Nương được miêu tả “tính đã thuỳ mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Nàng là  một nhân vật, một hình tượng phụ nữ trong mơ của biết bao cô gái. Có lẽ nhiều gia đình cũng mong muốn “vợ hiền dâu thảo” như vậy. Tuy nhiên, tôi tin rằng mỗi người lại có cách khác nhau cảm nhận vẻ đẹp truyền thống trong tâm hồn người phụ nữ nhân vật Vũ Nương.


Người xưa vẫn hay đánh giá một người phụ nữ qua “công, dung, ngôn, hạnh”. Nhìn Vũ Nương qua những nét vẽ của Nguyễn Dữ, điều dễ nhận thấy ở nàng là chữ “công”. Theo quan niệm Nho giáo, chữ “công” được hiểu là nữ công gia chánh, tề gia nội trợ, may vá thêu thùa, nuôi dạy con cái khoẻ mạnh, chăm ngoan. Nàng là người phụ nữ chăm lo chồng con hết mực. Khi chồng đi lính, Vũ Nương tảo tần nuôi con nhỏ và làm tròn nghĩa vụ của người con dâu đối với mẹ chồng. Bà ốm, nàng chăm sóc chu đáo như mẹ ruột của mình. Đến khi mẹ chồng mất, nàng đã lo liệu ma chay vẹn toàn. Nhưng với việc nương tựa nhà giàu thì việc làm trọn vẹn chữ hiếu với mẹ chồng cũng không có gì là khó. Tuy truyện không nhắc đến, nhưng với chi tiết “Trương Sinh xin với mẹ trăm lượng vàng” để cưới nàng về thì chắc chắn, Vũ Nương không phải sống một cuộc sống khổ cực. Nàng được gả cho nhà khá giả, không phải vất vả mưu sinh kiếm sống nên “công” đối với nguời như nàng là quá đỗi bình thường. Cũng phận làm dâu như nàng nhưng chữ “công” của những người phụ nữ cùng thời có lẽ còn khó khăn hơn gấp bội. Chữ “công” ấy đòi hỏi sự hy sinh rất lớn, có khi là cả tính mạng của bản thân. Đọc truyện Nôm Tống Trân Cúc Hoa, ta không khỏi xót xa với Thoại Khanh đã sẵn sàng cắt thịt nuôi mẹ chồng khi không tìm nổi miếng ăn. Xa hơn nữa, trong điển tích Trung Quốc, Quách Cự bàn với vợ và họ đã thuận tình chôn con dành miếng ăn cho mẹ. Như vậy, nếu đặt lên bàn cân, chữ “công” của Vũ Nương nhẹ hơn những người cùng thời rất nhiều.


Chỉ với vài nét chấm phá ước lệ, ta cũng thấy được tạo hoá ưu ái cho nàng thông qua chữ “dung”-vẻ đẹp hình thức bên ngoài. Với sắc đẹp trời ban ấy, nàng sẽ tô điểm cho cuộc sống hạnh phúc, yên vui bên gia đình, chồng con nhưng rồi nàng lại chọn gieo mình tự vẫn, để lại nỗi đau cho bao người. Người đời tôn thờ, ngưỡng mộ vẻ đẹp nổi trội ấy nhưng nàng lại không biết nâng niu, trân trọng sắc đẹp của bản thân. Vậy chữ ‘dung” ấy liệu có đáng để người khác tôn kính?


Trong tứ từ ấy, chữ “ngôn” - lời nói nhỏ nhẹ, dễ nghe kết hợp với cử chỉ đúng phép tắc, đoan trang của nàng được bộc lộ mềm mại, khéo léo nhất khi cuộc sống yên bình. Khi biến cố cuộc đời xảy đến, dường như chữ “ngôn” trong nàng đã vô hình. Nếu như Trương Sinh học rộng, tài cao, ghen tuông nàng bằng những lời lẽ thâm sâu, cay độc, nói bóng nói gió thì việc cởi bỏ nút thắt trong lòng chàng mới thật nan giải. Nhưng trong câu chuyện, Trương Sinh đã nói thẳng nguyên nhân sự gận dữ do ghen tuông, do cái bóng cha Đản trên tường gây ra thì một người phụ nữ khéo léo giải quyết việc này không hề khó. Cách hành xử của nàng không phải là cách làm đúng đắn cuả người phụ nữ “giữ lửa cho gia đình”. Nếu là một người phụ nữ thông minh, nàng không nên thúc dồn Trương Sinh hỏi chuyện kia do ai nói bởi như vậy chẳng khác nào tự phanh phui bản thân mình,”đổ dầu vào lửa” làm cơn ghen thêm bùng phát.Qua cách cư xử, chữ “ngôn” không những trở nên vô hiệu hoá mà còn là yếu tố làm cơn giận của chàng Trương tăng lên. Người xưa có câu “Anh hùng không qua ải mĩ nhân”, với một sắc đẹp trời ban như vậy, nếu như nàng cư xử khéo léo, lựa lời để nói thì cớ gì chàng Trương không mềm lòng ngồi giải quyết với vợ. Với một chút biến cố xảy ra như này, nàng đã không biết cách xoa dịu, vậy chữ “ngôn” trên người nàng còn có ý nghĩa gì?


Ba yếu tố trên đã làm nên ưu thế người phụ nữ nhưng “cái nết đánh chết cái đẹp”, chữ “hạnh” mới là vẻ đẹp tiềm ẩn trong chiều sâu tâm hồn. “Hạnh” là đức thứ tư, được xem là quan trọng nhất của người phụ nữ chỉ hạnh kiểm, đạo đức, lòng nhân hậu, thuỷ chung son sắt, giàu tình yêu thương, giữ trọn nề nếp gia phong. Cũng giống chữ “ngôn”, nếu như ở cuộc sống yên bình, Vũ Nương có đức hạnh trong chăm sóc mẹ chồng già yếu, đau ốm, là người vợ chung thuỷ thì khi gặp biến cố, nàng đã không thể hiện rõ nét đẹp của chữ “hạnh”. Người phụ nữ cần đức hy sinh thì lại tỏ ra ích kỷ, đáng nhẫn nhục thì nàng lại hồ đồ, nóng vội, nên nhân hậu thì nàng lại trói buộc sự vô cảm, lạnh lùng, tàn nhẫn. Cái chết nàng lựa chọn là thái độ sống vô trách nhiệm với mẹ chồng và bà con hàng xóm. Không chỉ vậy, đứa con thơ không có bàn tay mẹ chăm sóc sẽ như thế nào, liệu nàng có từng nghĩ? Lối sống của nàng là lối sống ích kỷ, chỉ mong sao giải thoát cho mình mà không nghĩ đến những người ở lại. Tuy chiếc bóng đã vận vào nàng nỗi oan nhưng rồi cũng trả lại công bằng cho nàng rất nhanh, đó là khoảng thời gian được tính bằng sự nhỏ dại của con thơ chưa biết phân biệt giữa người và bóng. Giá như nàng kiên nhẫn chờ đợi thêm thì mọi chuyện sẽ khác. Trong hoàn cảnh này, thời gian là thước đo phẩm hạnh nhưng do vội vã và thiếu hiểu biết triết lý sống dân gian về luật nhân quả, kèm theo ý thức sống nương nhờ nên khi phải đối mặt với thử thách, nàng đã không nhẫn nhịn để vượt qua. 


Dân gian đã có bao cảnh đời phụ nữ khổ gấp trăm bề nhưng họ đã đặt mình trong sự lựa chọn đầy hy sinh.Thị Kính giải thoát bằng con đường đi tu và hoá thành Phật Bà được đời đời tôn thờ, ngưỡng mộ. Đến con cò tận cùng của sự bế tắc vẫn cố để lại tiếng thơm cho con cháu mai sau: 
“Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào thì hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.
Có rất nhiều người oan như Vũ Nương nhưng cách cư xử như của nàng thì không phải mấy ai cũng làm. Cách ứng xử của nàng là cách làm không hề thông minh. Thay vì sự việc đã lỡ xảy ra, nàng không nên khóc lóc rồi vội thanh minh cho mình mà nên chờ Trương Sinh bớt giận rồi ngồi xuống nói chuyện. Nếu như Vũ Nương chịu nghe lời bà con hàng xóm, không gieo mình xuống sông tự vẫn thì chắc chắn câu chuyện sẽ phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Trương Sinh cũng sẽ hiểu ra cái bóng mà bé Đản nói là bóng của Vũ Nương trên tường, vậy Vũ Nương có thể tạm lánh đi một thời gian rồi chờ khi Trương Sinh hiểu chuyện sẽ quay về cũng là cách giải quyết sáng suốt. Có rất nhiều cách để giải quyết sự việc theo hướng tích cực nhưng nàng lại chọn hướng tiêu cực để kết thúc cuộc hôn nhân giữa mình và Trương Sinh. Như vậy, nàng không thể là hình tượng người phụ nữ lý tưởng trong thời xưa.


Vũ Nương có đầy đủ “công, dung, ngôn, hạnh” nhưng lại mờ nhạt khi xảy ra biến cố cuộc đời. Ta cũng không thể phủ nhận bởi nhiều yếu tố khác nhau, Vũ Nương được xây dựng thành một nhân vật phù hợp nhưng để ca ngợi nàng là hình tượng người phụ nữ lý tưởng của mọi thời đại thì đó là một ý kiến không đúng. Trong “Bánh trôi nước”, Hồ Xuân Hương đã viết:
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
Cõi nhân gian không thể có chỗ cho những người chỉ ống tầm gửi. Là con người, ai cũng trải qua những khó khăn trong cuộc đời nhưng điều quan trọng là ta chấp nhận nó và đối xử với nó một cách thông minh, sáng suốt chứ không thể ứng xử theo cách của Vũ Nương.

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA VĂN VIP 2K7  – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.

Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.

Tin liên quan