ĐÁP ÁN SỔ TAY VĂN HỌC 9 - TẬP 1

Ngày 19/07/2021 16:52:13, lượt xem: 2794

ĐẦY ĐỦ ĐÁP ÁN SỔ TAY VĂN HỌC 9 - TẬP 1 TẠI ĐÂY

 


BÀI TẬP VĂN BẢN “ĐỒNG CHÍ” (CHÍNH HỮU)
Bài tập đọc hiểu
Câu 1: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!”
a. Em hãy nêu tóm tắt nội dung của đoạn trích trên?
b. Em hãy nêu một thành ngữ có trong đoạn thơ trên. Giải thích nghĩa của thành ngữ đó.
c. Cấu trúc sóng đôi trong hai câu thơ: “Quê hương anh nước mặn đồng chua / Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung đoạn thơ
d. Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”, nêu tác dụng của biện pháp đó.
LỜI GIẢI:
a. Nội dung của đoạn thơ nói tới cơ sở hình thành tình đồng chí:
   + Chung cảnh ngộ, hoàn cảnh xuất thân nghèo khó.
   + Cùng chung hoàn cảnh, lý tưởng chiến đấu.
   + Hình thành trên sự sẻ chia, đồng cảm mọi gian lao, mọi niềm vui nỗi buồn.
b. Có thể chọn 1 trong 2 thành ngữ được sử dụng trong đoạn thơ trên:
“Nước mặn đồng chua”: vùng đất nghèo ven biển nhiễm phèn, nhiễm mặn khó làm ăn.
“Đất cày lên sỏi đá”: nơi đồi núi, trung du, đất đá bị ong hóa, khó canh tác.
=> Hai thành ngữ này để nhằm chỉ ra sự tương đồng về cảnh ngộ, xuất thân nghèo khó là cơ sở hình thành tình đồng chí.
c. Tác dụng của cấu trúc câu thơ sánh đôi đó là: tạo nhịp điệu trữ tình, nhẹ nhàng sâu sắc cho bài thơ, tạo giọng thơ xúc động, tâm tình giống như kể chuyện về tình đồng chí đồng đội keo sơn gắn bó. Cùng với đó, cấu trúc câu thơ sánh đôi có tác dụng trong việc truyền tải nội dung về cơ sở hình thành tình đồng chí keo sơn gắn bó giữa những người lính. Dù cho họ xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau nhưng nhờ có chung chí hướng mà họ đứng chung trong quân ngũ, phục vụ kháng chiến.
d. Biện pháp điệp từ được sử dụng trong câu thơ “Súng bên súng đầu sát bên đầu” nhằm tạo nên sự đối ứng trong một câu thơ:
   + Gợi lên sự khắc nghiệt, nguy hiểm của chiến tranh (hình ảnh súng sẵn sàng chiến đấu).
   + Thể hiện sự chung sức, cùng nhau đoàn kết, chiến đấu.
Câu 2: Cho đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi: 
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai 
Quần tôi có vài mảnh vá
Nụ cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.”
Đoạn thơ trên trích từ tác phẩm nào? Của ai?
Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”.
Chỉ ra những hình ảnh cho thấy những khó khăn mà người lính phải trải qua.
Qua đoạn thơ trên, em có suy nghĩ gì về sức mạnh của tình đồng chí? (trả lời bằng đoạn văn diễn dịch khoảng 12 câu)
LỜI GIẢI: 
a. Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu
b. Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên là:
Nhân hóa: Nhớ
Hoán dụ: Giếng nước gốc đa
Tác dụng:
Thể hiện sâu sắc tình cảm của quê hương, của người hậu phương đối với người lính.
Cho thấy sự gắn bó yêu thương của người lính đối với quê nhà. Các anh ra đi đều để lại những tình cảm lưu luyến với quê. Giữa người chiến sĩ với quê hương anh có một mối giao cảm sâu sắc. 
Các biện pháp làm cho lời thơ có sức truyền cảm, mang đậm sắc thái dân gian.
c. Những khó khăn mà người lính phải trải qua:
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi => Khó khăn về điều kiện chiến đấu khắc nghiệt.
Áo rách vai, quần vài mảnh vá, chân không giày => Khó khăn về quân tư trang thiếu thốn.
d. Qua đoạn thơ trên, em có suy nghĩ gì về sức mạnh của tình đồng chí? (trả lời bằng đoạn văn diễn dịch khoảng 12 câu)
HS trình bày đoạn văn đảm bảo những ý sau:
- 3 câu đầu: Tình đồng chí là cảm thông những tâm sự thầm kín về hậu phương, quê hương.
+ Họ hiểu về hoàn cảnh ra đi của nhau: bỏ lại sau lưng những gì bình dị, thân thuộc nhất, những gì đã gắn bó với họ từ lúc chào đời: “ruộng nương, gian nhà, giếng nước, gốc đa”.
+ Họ cùng nhau xác định lí tưởng: ra đi để bảo vệ những gì thân thương nhất, thái độ dứt khoát ra đi thể hiện quyết tâm chiến đấu.
=> Tình cảm đồng chí thân thiết, họ chia sẻ với nhau những gì riêng tư, thân thuộc nhất của họ.
- 7 câu tiếp: Đồng chí là cùng chia sẻ với nhau những gian lao thiếu thốn trong đời lính
+ Họ san sẻ cùng nhau, cùng nhau trải qua những “cơn ớn lạnh”, những khi “sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi” => Hình ảnh chân thực, họ thương nhau khi phải trải qua những cơn sốt rét.
+ Họ chia sẻ cho nhau, cùng nhau trải qua những thiếu thốn về vật chất trong cuộc sống hằng ngày: “Áo anh rách vai...không giày”: Sự thiếu thốn về vật chất không làm tình cảm của họ phai nhạt đi, ngược lại làm cho họ quyết tâm hơn vì lí tưởng.
+ “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” Biểu hiện của tình đồng chí trực tiếp nhất, họ nắm tay nhau - cái nắm tay để sẻ chia, truyền hơi ấm, để hi vọng, để quyết tâm => Cử chỉ cảm động chan chứa tình cảm chân thành.
Câu 3: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
      “Đêm nay rừng hoang sương muối
      Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
      Đầu súng trăng treo."
(Trích “Đồng chí”, Chính Hữu - SGK Ngữ văn 9, tập 1 - NXBGD, 2017)
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Từ ngữ, hình ảnh nào trong đoạn thơ thể hiện hoàn cảnh chiến đấu của người lính?
Nêu ý nghĩa của hình ảnh “Đầu súng trăng treo”.
Trình bày cảm nhận của em về hình ảnh người lính trong đoạn thơ trên (trả lời ngắn từ 5-7 dòng).
LỜI GIẢI:
a. Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm
b. Hình ảnh: rừng hoang sương muối, đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới, đầu súng. 
c.Ý nghĩa:
-Khẳng định ý nghĩa cao đẹp của người lính chiến đấu bảo vệ tổ quốc
- Thể hiện người lính nông dân tàng quân vì nghĩa lớn họ vượt lên gian khổ để lạc quan chiến đấu đòi lại độc lập cho dân tộc
-Súng là biểu tượng cho chiến tranh, trăng là biểu tượng hòa bình. Cây súng ấy bảo vệ cho vầng trăng hòa bình. Cuộc chiến đấu của ngày hôm nay là để cho ánh trăng hòa bình ngày mai mãi tỏa sáng trên quê hương 
d. Hình ảnh người lính trong đoạn thơ trên:
HS trình bày đảm bảo những ý sau:
- Đây là bức tranh đẹp về tình đồng chí, là biểu tượng cao cả về cuộc đời người chiến sĩ.
- Rừng hoang sương muối: gợi sự khốc liệt, khắc nghiệt của thiên nhiên, của chiến tranh.
- “Đầu súng trăng treo” là hình ảnh rất thực và cũng rất lãng mạn:
+ “Súng” và “trăng” – hai hình ảnh tưởng như đối lập song lại thống nhất hòa quyện – là cứng rắn và dịu êm – là gần và xa – là thực tại và mơ mộng – là chất chiến đấu và chất trữ tình – là chiến sĩ và thi sĩ.
+  Hiếm thấy một hình tượng nào vừa đẹp,vừa mang đầy đủ ý nghĩa như “Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu.
+ Đây là một phát hiện, một sáng tạo bất ngờ về vẻ đẹp bình dị và cao cả trong tâm hồn người chiến sĩ. Hình tượng này góp phần nâng cao giá trị bài thơ và trở thành nhan đề cho cả tập thơ “Đầu súng trăng treo”.

 

ĐẦY ĐỦ ĐÁP ÁN SỔ TAY VĂN HỌC 9 - TẬP 1 TẠI ĐÂY

Tin liên quan