Đăng Ký Học
Ngày 26/11/2019 16:08:11, lượt xem: 2167
[TÁO QUÂN: NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ.]
Tết Việt, từ lâu người ta đã kêu rằng nó dần nhạt phai. Người ta không còn thấy hào hứng nữa, không còn thấy chờ mong nữa, không còn thôi thúc nữa, người ta không còn thấy pháo nổ giòn tan trên đường phố vào đêm ba mươi. Thực ra Tết vẫn thế thôi, nhưng chúng ta khác đi theo tháng năm, góc nhìn và tâm thế cũng vậy, chúng ta không còn sống vào thời điểm đất nước khó khăn, chúng ta có nhiều niềm vui và công cụ giải trí hơn và quan trọng nhất: Chúng ta không còn ấu thơ nữa.
Tết, là một điều kỳ diệu, để khoảnh khắc để chúng ta có thể hít thở thật sâu và buông mình thõng mình lại, là một thời điểm không trách cứ, không giận hờn. Tết là nơi để về. Đôi khi, người ta cũng cần được nhắc nhở về một mái nhà, để biết rằng mình còn một nơi để quay về, khi mọi niềm vui chợt tan vỡ…
Cách đây vài năm, đã có luồng ý kiến cho rằng: Táo Quân có vẻ như đã nhạt rồi và cần kết thúc? Cuối cùng thì luồng ý kiến đã có câu trả lời: Táo Quân đã kết thúc thật rồi. Họ, những nghệ sĩ của nhân dân và vì nhân dân, đã viết hồi chương cuối cho một tác phẩm mà mãi đến sau này, những thế hệ chúng ta sẽ còn nhắc đến nữa.
Và Táo Quân, cái chương trình và nhiều người trong chúng ta kêu chán ấy, đã cố gắng hết sức để níu giữ một cái tinh thần mà mình hay gọi là tinh thần Táo Quân.
Táo Quân có chút hài hước, có chút sâu cay, có chút đượm lồng văn hoá dân tộc, có chút nghẹn ngào, mặn chát… Nó là một bản hoà tấu tổng kết của cả một năm liền. Cuộc đời mỗi người đều trải qua những cảm xúc như vậy, thì cả một năm của tất cả chúng ta cũng thế. Táo Quân có thể khó xem, có thể không gây cười nhiều nữa, có thể không còn hấp dẫn nữa, chúng ta có nhiều lựa chọn hơn. Nhưng từ một chương trình hài, Táo Quân đã cáng đáng thêm một nhiệm vụ nữa: Giữ hồn cho Tết.
Người ta bật Táo Quân, chưa hẳn đã xem Táo Quân, mà đôi khi chỉ là để mong Tết về, níu Tết ở lại xa hơn, để tối ba mươi làm mâm cúng, để đón chờ những màn pháo giao thừa, để cả nhà cùng quây quần trò chuyện, với những người cô đơn đất khách. Táo Quân như một bản beat nhạc của Tết vậy, nó là nền cho những câu chuyện trà dư tửu hậu. Táo Quân khiến họ xoá tan đi không gian xa cách gia đình. Để người ta biết rằng hoá ra Tết chỉ là những điều đơn giản như vậy. Táo Quân đã giữ “lửa” Tết trong một thời gian dài, đã trải qua những ngày tháng gian khó từ lúc chúng ta còn nghèo đói chỉ mong đến Tết để ăn thịt.
"Tụi nhỏ không biết, mãi về sau, khi lớn lên, trong ký ức Tết ấu thơ, những ngày mùng rất nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa ba mươi luôn sống động, lung linh những mồ hôi, những nụ cười, những khoan khoái, những ngọt ngào…"
Táo Quân với cái tinh thần Táo Quân ấy, đã tồn tại và hoàn thành vô cùng xuất sắc nhiệm vụ của mình. Tạm biệt, một chương trình thường thức vào những đêm ba mươi, tạm biệt, những người nghệ sĩ tóc đã bạc đầu, tạm biệt những khoảnh khắc không có phép màu nhưng lại tạo ra những điều diệu kỳ khiến chúng ta gắn kết hơn, trân trọng hơn.
Hãy giữ vững cái tinh thần Táo Quân ấy, để Tết, vẫn luôn là Tết, trong ấu thơ, trong muôn năm cũ, và trong những tháng ngày sau.
“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng"
- Tống Biệt Hành, Thâm Tâm.
Nguồn : #tifosi
Bài viết có sử dung đoạn trích từ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
----------------------
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn🌿🌿
Tin liên quan