CÁI “TÔI” HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG TRONG BÚT KÍ AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG? (P2)

Ngày 03/04/2021 14:12:59, lượt xem: 3100

Tiếp nối phần 1 của bài viết, Học văn chị Hiên sẽ đưa bạn đọc đến một khía cạnh khác trong cái tôi của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - một cái tôi uyên bác, giàu tri thức về lịch sử, địa lý và văn hóa của xứ Huế mộng mơ.

 

2. Một cái tôi uyên bác, giàu tri thức về lịch sử, địa lý, văn hóa Huế

"Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là một bài bút kí. Tuy nó nghiêng nhiều hơn về phía tùy bút, tức là thiên về chất trữ tình và sự phóng khoáng nhưng cái hồn cốt của thể loại không vì thế mà mất đi. Bản chất của kí là ghi chép và người viết kí chính là thư kí trung thành nhất của thời đại. Hoàng Phủ Ngọc Tường là một “thư kí” như thế, thậm chí còn là một “thư kí” xuất sắc vì ông có vốn hiểu biết sâu rộng về địa lý, lịch sử, văn hóa của sông Hương. Ông tỏ ra am hiểu tường tận những gì mình viết. Với sông Hương, nhà văn không chỉ thông thuộc từng bước đi, từng khúc cong, từng ngã rẽ; không chỉ nắm bắt từng chỗ cuộn xoáy, từng chỗ êm ả, phẳng lặng như mặt hồ yên tĩnh… của con sông trong từng không gian địa lý mà còn tường tận cả chiều dài lịch sử của sông Hương từ thuở nó còn là một dòng sông biên thùy xa xôi ở thời đại các vua Hùng… Trong cái nhìn về địa lý, lịch sử của sông Hương, bên cạnh những tri thức đã xuất hiện đây đó trong các tài liệu, có những tri thức mà không mấy người biết đến và nghĩ đến, ngay cả người Huế. Ấy là vai trò to lớn của dòng sông - “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”. Lâu nay, ta mới chỉ nhìn sông Hương ở vẻ đẹp bên ngoài của nó mà hầu như không biết rằng con sông còn là một khởi nguồn, một sự bắt đầu của một không gian địa lý và văn hóa Huế. Sẽ là không quá nếu ai đó cho rằng : không có sông Hương thì khó có thể có Huế và văn hóa Huế ngày nay. Bởi từng ngày từng giờ, sông Hương vươn mình chảy ra cửa Thuận thì cũng từng ngày từng giờ dòng sông đem đến, duy trì và bồi đắp phù sa cho cả một vùng địa lý – văn hóa đã được hình thành ở hai bên bờ sông.


Nhưng thú vị nhất vẫn là những khám phá, phát hiện và miêu tả của nhà văn về đặc điểm văn hóa của sông Hương. Dấu tích văn hóa in đậm ở cả trên và hai bên bờ sông. Đó là cái vẻ trầm mặc như triết lí, như cổ thi của con sông khi chảy bên những lăng tẩm đền đài của các đời vua chúa triều Nguyễn ; là nền âm nhạc cổ điển đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này. Đó còn là dòng sông thi ca – nơi đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao văn nghệ sĩ, nhất là các nhà thơ. Như Cao Bá Quát đã từng nhìn sông Hương mà thốt lên rằng: “Trường giang như kiếm lập thanh thiên”. Như Hàn Mặc Tử thấy dòng “sông trăng” lung linh, thơ mộng : “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó. Có chở trăng về kịp tối nay”. Như Thu Bồn nhìn dòng nước lững lờ của sông Hương mà bâng khuâng: “Con sông dùng dằng con sông không chảy. Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Hay như Nguyễn Trọng Tạo :“Con sông đám cưới Huyền Trân. Bỏ quên dải lụa phù vân trên nguồn. Hèn chi thơm thảo nỗi buồn. Niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ. Con sông nửa thực nửa mơ. Nửa mong Lí Bạch, nửa chờ Khuất Nguyên”… Và nhắc đến sắc màu văn hóa của sông Hương thiết nghĩ không thể không nhắc đến một giai thoại đẹp mà nhà nhà văn đã phải kì công lục tìm đâu đó trong kho tư liệu bác học của xứ Huế hoặc trong cái vốn văn hóa dân gian của người bình dân xưa về nguồn gốc tên gọi của con sông : "Tôi thích nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước của trăm loại hoa đổ xuống dòng sông để làn nước thơm tho mãi mãi". Giai thoại này, không phải ai cũng biết, kể cả những người sống lâu năm ở Huế. Vì thế, nó trở thành một thông tin mà nhiều người phải ngỡ ngàng trong sự thích thú dù có thể không ít lần họ đã đến Huế, đến sông Hương, thậm chí đã từng đặt ra câu hỏi Ai đã đặt tên cho dòng sông ? nhưng chưa có được câu trả lời ưng ý.


Có thể nói, bằng những hiểu biết phong phú, nhà văn đã cung cấp cho người đọc một lượng thông tin lớn về địa lý, lịch sử, văn hóa Huế nói chung và sông Hương nói riêng. Vốn kiến văn sâu rộng đó hẳn phải là kết quả của nhiều chuyến du lãm và du khảo của nhà văn suốt dặm dài của mảnh đất cố đô. Nhưng cái chính vẫn là những trang ghi chép về Hương giang đã được tưới tắm trong vô vàn cung bậc cảm xúc phong phú của tác giả, đã thăng hoa trong cảm hứng mê đắm và sự tài hoa của nhà văn.

 

(Còn tiếp)

 

Cập nhật thêm nhiều bài viết hay của Học văn chị Hiên tại:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan