BI KỊCH BỊ CỰ TUYỆT QUYỀN LÀM NGƯỜI CỦA CHÍ PHÈO TRONG TRUYỆN NGẮN CÙNG TÊN CỦA NHÀ VĂN NAM CAO

Ngày 16/03/2019 11:15:15, lượt xem: 11545

BI KỊCH BỊ CỰ TUYỆT QUYỀN LÀM NGƯỜI CỦA CHÍ PHÈO TRONG TRUYỆN NGẮN CÙNG TÊN CỦA NHÀ VĂN NAM CAO

a. Trình bày về hoàn cảnh sáng tác – XX – Mục đích sáng tác

b. Giải thích khái niệm “bi kịch” và “bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người”

Bi kịch là một tính từ để biểu thị trạng thái tâm lý của con người. Trạng thái bi kịch sẽ nảy sinh khi có sự đổ vỡ, mâu thuẫn trái ngược giữa ước mơ, khát vọng cá nhân và hiện thực đời sống. Nó xuất hiện trong hoàn cảnh khi hiện thực đời sống không đủ điều kiện để cá nhân có thể thực hiện được ước mơ, khát vọng của mình, dẫn đến cá nhân rơi vào tình trạng tuyệt vọng, bi đát (có thể dẫn tới cái chết). Trong văn học Việt Nam, ta cũng đã từng bắt gặp bi kịch tình yêu của Thúy Kiều – Kim Trọng, bi kịch nghệ thuật của nhà văn Hộ, bi kịch của Vũ Như Tô,… nhưng lạ lùng và đặc biệt nhất, có lẽ không thể không nhắc tới bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao.

Vậy thế nào là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người? Cự tuyệt có nghĩa là sự phủ định, một sự phủ định thẳng thắng, dứt khoát, có thể coi nó là vĩnh viễn. Cụm từ này cũng mang một trạng thái biểu lộ cảm xúc vô cùng lạnh lùng, mặc nhiên. Ở đây, Chí Phèo là một con người, nhưng tuyệt nhiên lại không được xã hội chấp nhận giống như một người bình thường. Tất cả những quyền lợi, trách nhiệm đối với cuộc sống, đối với xã hội, những thứ cơ bản nhất của con người cũng bị tước đoạt và không được chấp nhận. Nói một cách ngắn gọn, bị kịch cự tuyệt quyền làm người là trạng thái bi đát, tuyệt vọng của nhân vật khi rơi vào hoàn cảnh mình là một con người, nhưng lại không được sống như một con người, bị xã hội khước từ mọi định nghĩa rằng :”Tôi là một con người.”

c. Làm rõ vấn đề

*Bi kịch thể hiện qua tiếng chửi

Tôi vẫn còn ngỡ ngàng, bởi chẳng thể nào mường tượng ra được việc Nam Cao lại để cho nhân vật của mình xuất hiện một cách đặc biệt như thế. Nam Cao “quăng” Chí lên trang sách với một tiếng chửi, tiếng chửi của một gã xay rượu. Tôi lại thắc mắc một điều, tại sao không phải là Chí xuất hiện với hình dạng bằng xương bằng thịt, mà lại là một thằng “Chí Phèo” say khướt lướt như thế? Hình ảnh xuất hiện của nhân vật            vừa quen vừa lạ, quen vì những tên say rượu vẫn thường ăn nói “càm ràm” như thế, nhưng lạ vì mặc nhiên, chẳng có ai thèm quan tâm hay làm điều với hắn cả. Chí chửi cũng “hay lắm”, không biết hắn có phải mất thời gian sắp xếp những lời lẽ trong đầu của mình nhiều hay không, hoặc là đây chính xác là một thói quen đã trải qua khoảng thời gian lâu đủ để trở nên bài bản. Chí “chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi những ai không chửi nhau với hắn, chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra hắn”. Đó là tiếng chửi vật vã, đau đớn của một con người ít nhiều nhận thức được bi kịch của chính mình. Đối với Chí, tiếng chửi là một phương tiện giao tiếp, chửi là một cách để Chí có thể giao tiếp được với thế giới loài người những đớn đau thay, đáp lại những tiếng chửi của Chí chỉ là một sự im lặng đến rợn người. Cay đắng hơn nữa, trong sự im lặng tuyệt nhiên ấy, lại xuất hiện tiếng “chó cắn lao xao” giống như sự đáp lại duy nhất mà Chí Phèo nhận được. Có thể thấy một điều, Chí đã thực sự bị đánh bật ra khỏi thế giới loài người, mặc cho sự gào thét của một con người mong muốn được giao tiếp, đáp lại chỉ là sự im lặng dửng dưng. Tôi có thể nhìn thấy sự hằn học, hận thù, đau đớn của Chí trong những tiếng chửi, tôi nhìn thấy sự thờ ơ, dững dưng của xã hội loài người (làng Vũ Đại) lúc bấy giờ, tôi nhìn thấy sự đồng cảm của Nam Cao khi để cho nhân vật của mình xuất hiện như vậy và những độc giả như chúng tôi thì lại hết sức tò mò, rất muốn biết Chí Phèo là ai?

* Bi kịch một đứa con hoang bị bỏ rơi

Lật lại những trang đời của Chí Phèo, thật đau đớn xiết bao khi biết được rằng, ngay từ khi được sinh ra Chí đã bị chính cha mẹ của mình bỏ rơi ở một cái lò gạch cũ, giữa một cánh đồng mùa đông sương trắng. May mắn thay, khi đứa trẻ ấy được người dân đưa về nuôi nấng, số phận của Chí Phèo được truyền tay từ người này sang người kia, cũng đã ngỡ rằng những bất hạnh của một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi khi mới sinh ra sẽ được san sẻ phần nào với tình yêu thường của những người dân làng                chân chất thật thà nhưng không phải như vậy. Tôi lại tự hỏi lòng, không biết việc được cứu sống với Chí có phải là một sự may mắn hay không? Tuổi thơ của Chí sống trong những bất hạnh, tủi hờn : “Hết lang thang đi ở cho nhà người này lại đi ở cho nhà người khác, năm 20 tuổi thì làm canh điền cho nhà Bá Kiến.” Có thể nói, đây là khoảng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời của Chí, đó là quãng thời gian lương thiện, mang trong mình nhiều ước mơ nhỏ, với những hoài bão, dự định về cuộc sống tương lai. Chí là một chàng trai giàu lòng tự trọng, biết ghét những gì người ta đáng khinh. Bị con mụ chủ bắt làm những điều không chính đáng, Chí vừa làm vừa run, thấy nhục hơn là thấy thích. Ngày ấy, Chí cũng giống như biết bao những người trẻ khác, mơ ước về “ có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chung để là một con lợn nuôi làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.” Đó chính là một ước mơ lương thiện. Nhưng đớn đau thay, xã hội bất lương ấy đã bóp chết ước mơ bình dị của một con người. Một cơn ghen tuông vu vơ của lão cáo già Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào ảnh tù tội. Nhưng cũng chính nhà tù thực dân đã tiếp tay cho lão cáo già biến Chí Phèo từ một anh nông dân lương thiện, một anh canh điền khỏe mạnh với những ước mơ binh dị trở thành một con thú dữ, một kẻ tội đồ của làng Vũ Đại.

*Bi kịch tha hóa lưu manh dẫn tới bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người

Sau 6, 7 gì đó, người ta thấy Chí Phèo trở về làng. Nhưng nhà tù thực dân đã tàn nhẫn vằm nát cả bề ngoài khỏe mạnh, cả bên trong lương thiện của Chí Phèo. Xuất hiện trước mặt người đọc bây giờ là một tên giang hồ, lưu manh với bộ dạng gớm ghiếc. Nam Cao miêu tả nhân vật của mình: “ Cái đầu thì trọc lốc, cái mặt đen nhìn rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết,... cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả 2 cánh tay cũng thế,...”. Chí Phèo bây giờ, không còn là một anh canh điền lương thiện, khỏe mạnh với những giấc mơ bình dị nữa. Hắn bây giờ đã trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến. Đau đớn thay, khi chính người dân lương thiện ở làng Vũ Đại là những người đưa đôi tay của mình ra để cứu lấy sự sống của một đứa bé, để Chí được sống vậy mà bây giờ, khi bị nhà tù thực dân tha hóa, Chí Phèo trở về, quay lưng lại với những người đã từng cứu sống mình, hắn dẫm đạp lên máu và nước mắt của những người dân lương thiện để lấy tiền uống rượu. “Hắn đã đập nát biết bao cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của biết bao nhiêu người dân lương thiện.” Hắn làm tất cả mọi thứ trong lục say: “ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say,... đập đầu, rạch mặt, giết người trong lúc say để rồi say nữa, say vô tận.” Hình ảnh của Chí Phèo, Nam Cao đã một lần nữa vạch mặt tội ác của chế độ thực dân và phát xít lúc bấy giờ, đẩy những người dân lương thiện vào con đường tha hóa, lưu manh hóa, bóp nghẹt ước mơ của những người dân lương thiện, tước đoạt quyền sống của những con người chỉ có một ước mơ đó là được sống thật bình thường. Đó cũng chính là bộ mặt đáng buồn của những người nông dân ở các làng quê Việt Nam trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, một thực tế đau lòng về cuộc sống của nhân dân ta trước Cách mạng Tháng Tám.

* Gặp Thị Nở và khát vọng hoàn lương

Tôi vẫn luôn tin rằng, tình yêu thương tỏa ra thứ ánh sáng thật diệu kỳ. Nam Cao rất thấu hiểu nhân vật của mình, thế rồi chẳng hiểu cố tình hay ngụ ý, để cho những rung cảm của tình yêu thương chạm nhẹ vào trái tim của con thú dữ, làm nó hiền lại, đánh thức dậy sự lương thiện vốn có trong bản chất con người. Sự xuất hiện của Thị Nở trong cuộc đời của Chí có ý nghĩa thật đặc biệt. Sau đêm tự tình ở vườn chuối, một người phụ nữ xấu đến độ “ma chê quỷ hờn” lại trở thành nguồn sáng ấm áp chiếu rọi vào trái tim của Chí Phèo, thắp lên ngọn lửa, khao khát được hoàn lương, được trở về với thế giới loài người của Chí. Thị mang tới cho Chí một bát cháo hành – lần đầu tiên trong cuộc đời có một người tình nguyện mang một thứ gì đó cho Chí, không giống như những thứ Chí phải chà đạp lên máu và nước mắt mới có thể dành được. Bát cháo hành không chỉ là liều thuốc giải cảm mà còn có ý nghĩa rất lớn lao, cứu dỗi cả một con người, làm cho một con người sau những cơn say triền miên bừng tỉnh và muốn được hoàn lương, trở về một cuộc sống bình thường. Nếu như trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, chi tiết tiếng sáo là chi tiết đánh động trong lòng Mị tình yêu cuộc sống, khát khao sống mãnh liệt sau những tháng ngày sống “lùi lũi như một con rùa bên xó cửa” thì trong truyện ngắn “Chí Phèo” hình ảnh bát cháo hành cũng mang một ý nghĩa đặc biệt như vậy. Đã lâu lắm rồi, có lẽ là từ khi trở về từ nhà tù thực dân, Chí Phèo mới có những phút giây tỉnh táo như thế! Chí nhìn thấy ánh nắng đã lên cao, nghe thấy tiếng lao xao của những người đi chợ, nghe thấy tiếng gõ cá của người kéo chài, nghe thấy tiếng hót của những chú chim trên bụi cây ngoài kia,... những thanh âm gàn gũi của cuộc sống mà đã lâu lắm rồi Chí chẳng thế nghe thấy. Hôm nay Chí tỉnh, nhờ bát  cháo hành nóng hổi của Thị Nở, Chí còn tỉnh táo hơn. Chợt nhận ra mình đã đang đứng ở phía dốc bên kia của cuộc đời, thế nhưng với Chí, tuổi già không đáng sợ, điều đáng sợ nhất là sự cô độc.

Chí nhớ về ước mơ của mình trước đây: “Có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng để lại một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.” Một ước mơ thật bình dị, ước mơ được sống một cuộc sống bình thường đã tuột khỏi tay của anh canh điền khỏe mạnh ngày nào. Để bây giờ khi nhìn lại chính mình, Chí sợ, sợ cô độc, nghĩ về cuộc sống của mình bây giờ, có lẽ hắn sẽ khóc mất nếu như Thị Nợ không qua đúng lúc.

Chí Phèo bưng bát cháo hành, thấy mắt mình ươn ướt, bát cháo của tình yêu, của tình người, bát cháo giúp cho Chí khỏe hơn, cũng là liều tiên dược đánh thức sự lương thiện trong hắn. Nhìn Thị, hắn như muốn khóc, hắn cảm động và ngay trong chốc lát: “ Hắn cảm thấy lòng thành trẻ con, hắn muốn làm nũng với Thị như làm nũng với mẹ...”. Đó là giây phút mà hắn người nhất sau biết bao nhiêu năm triền miên trong những cơn say. Đã 2 lần Thị Nở đã phải thốt lên: “Ôi sao mà hắn hiền!” rồi “Những lúc tỉnh táo hắn cười nghe thật hiền”. Cảm giác được yêu thương đã khiến Chí trỗi dậy một tình yêu cuộc sống, phần quỷ tạm thời rũ bỏ, bây giờ, Chí chỉ có một mong ước đó là được trở lại cuộc sống lương thiện và Thị Nở chính là cây cầu để đưa Chí trở lại hòa nhập với cuộc sống con người. Chí đã từng nói với Thị: “Giá cứ như thế này mãi thì thích nhỉ?... Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui.” Những độc giả như tôi thoáng chốc giật mình, đó có phải là lời của Chí Phèo không, có phải lời của “con thú dữ làng Vũ Đại” không? Một lời ngỏ ý, một lời cầu hôn ngô nghê nhưng lại vô cùng tình tứ khiến cho trái tim của mỗi người đọc như chúng ta cũng thương cảm và ấm áp theo. Bạn thấy đấy, chỉ cần là tình yêu thương, dẫu cho nó có xuất phát từ một con người có vẻ ngoài không được đẹp đẽ, dở hơi, thô kệch,.. thì cũng đủ để khiến sống dậy sự lương thiện trong tâm hồn của Chí Phèo. Vậy ta mới biết, sức mạnh của tình yêu thương trong cuộc sống kỳ diệu đến mức nào.

* Đỉnh điểm của bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người

Chúng tôi – những độc giả đã từng nghĩ về một kết thúc thật có hậu cho câu chuyện. Đó là kết thúc với sự quay trở lại cuộc sống của Chí Phèo cùng Thị Nở, họ sẽ có một cuộc sống thật bình yên và hạnh phúc. Thế nhưng, văn học hiện thực trước cách mạng là thứ văn học buộc chúng ta phải chấp nhận những điều không mong muốn nhưng nó là sự thật. Bi kịch và đau đớn thay, khi tia hy vọng mới le lói nơi trái tim của Chí Phèo là Thị Nở ngay lập tức lại bị dập tắt. Lời nói của bà cô Thị Nở như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt của Chí Phèo, dập tắt biết bao nhiêu mong mỏi, biết bao nhiều khao khát và hy vọng của một con người đang muốn quay đầu : “Ai lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha không mẹ như cái thằng Chí Phèo”, những định kiến về xuất thân của Chí giống như một lối mòn, chẳng thể nào bị xóa bỏ. Cánh cửa quay trở về với cuộc sống lương thiện vừa hé mở, ngay lập tức bị đóng sầm lại chỉ vì những định kiến, những suy nghĩ cổ hủ xuất phát từ một bà cô già. Thị Nở khước từ Chí, để lại con thú dữ đang muốn quay đầu với một đống ngổn ngang những suy nghĩ. Chí tìm đến rượu, để giải tỏa sự thất vọng và sầu muộn trong lòng của mình. Chí muốn say, muốn thật say để thoát khỏi sự đau đớn và tuyệt vọng này nhưng không hiểu tại sao, Chí càng uống, cành tỉnh, Chí nhận ra bi kịch của cuộc đời mình, Chí thấy đau đớn xiết bao khi nghe “thoang thoảng mùi cháo hành” rồi Chí cứ ngồi ôm mặt khóc rưng rức. Phẫn uất vô cùng, Chí quyết định xách dao đến nhà Thị nở để chém chết con “khọm già”, con “đĩ Nở” thế nhưng, lối mòn của tội ác lại đưa bước chân của Chí đến một nơi quen thuộc – nhà Bá Kiến. Hơn ai hết, Chí Phèo nhận ra được hoàn cảnh bi kịch của mình lúc này, Chí hiểu được sâu sắc ai đã đưa cuộc đời của mình đến việc đội lốt quỷ để sống, Chí Phèo hiểu kẻ đã làm cho hắn đến nông nỗi này chính là Bá Kiến. Chí Phèo đến nhà Bá Kiến, dõng dạc đòi lại quyền làm người với một nỗi căm hờn.

“ Tao muốn làm người lương thiện” “Ai cho tao lương thiện?” Đó là những câu hỏi bỏ ngỏ, cũng là những tiếng kêu cứu đầy thống thiết của một con người mong muôn được quay trở về, được hòa nhập, được thực hiện những ước mơ bình dị của mình nhưng lại bị cả xã hội ruồng bỏ. Câu hỏi đánh thẳng vào bộ mặt của xã hội bất lương, vô nhân đạo, đẩy con người vào bước đường cùng. Chí Phèo giết Bá Kiến, sau đó cũng tự kết liễu cuộc đời mình. Cái chết bị thảm của Chí Phèo là lời kết tội đanh thép với xã hội thực dân vô nhân tính, là tiếng kêu cứu đầu khẩn thiết: “Hãy cứu lấy con người!”

Thông qua tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo, Nam Cao đã thể hiện sự cảm thông của mình trước số phận những người nông dân nghèo khổ, bị tha hóa và bị đẩy đến bước đường cùng. Tác phẩm đã lên án, tố cáo xã hội thực dân vô nhân tính chà đạp lên quyền sống, quyền mơ ước của mỗi người dân. Không dừng lại ở đó, hình ảnh Chí Phèo tự kết liễu cuộc đời của mình đã khiến cho sự lương thiện trở về trong con người, từ đó cũng là cách để Nam Cao ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp đáng quý của những người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ, luôn khát khao thay đổi để trở thành một con người tốt hơn, sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Tin liên quan