BÀI VĂN NGHỊ LUẬN MỚI NHẤT PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ ĐOẠN TRÍCH TRUYỆN "MÂY TRẮNG CÒN BAY" - BẢO NINH

Ngày 27/04/2024 21:51:37, lượt xem: 24582

Dưới đây là bài văn nghị luận mới nhất phân tích, đánh giá đoạn trích truyện Mây trắng còn bay - Bảo Ninh do Học Văn Chị Hiên biên soạn theo đúng cấu trúc. Các bạn có thể tham khảo và áp dụng vào bài viết của mình nha.

 

Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá đoạn trích truyện Mây trắng còn bay - Bảo Ninh

 

Bài làm:

“Thanh xuân đời người ngắn lắm 
Và tôi muốn dùng thanh xuân đổi lại bình yên cho Tổ quốc”
Để giành được thống nhất, độc lập cho đất nước, cho dân tộc, đã có biết bao người lính, người chiến sĩ phải hi sinh khi mới độ tuổi đôi mươi. Họ sẵn sàng hi sinh đời mình, rời xa quê hương, gia đình để đổi lấy cuộc đời đất nước. Để rồi, mãi về sau, dù đất nước đã hòa bình, yên ấm nhưng những mất mát của những người mẹ Việt Nam anh hùng, những nỗi đau của họ vẫn còn dai dẳng và khắc khoải. Viết về đề tài hậu chiến, “Mây trắng còn bay” của Bảo Ninh đã gây ấn tượng với bạn đọc khi khắc họa những nỗi đau sau cuộc chiến một cách chân thực.


Truyện ngắn “Mây trắng còn bay” ra đời vào năm 1975, vào thời kì đất nước trong giai đoạn đổi mới toàn diện. Chiến tranh vừa qua đi, nhưng dấu tích vẫn còn đó. Câu chuyện cất lên như một bản nhạc hiện thực về cuộc sống thời chiến, thể hiện qua nhân vật “tôi”, tiếp viên hàng không, “tay vận complet” và nhân vật “bà cụ”.


Ấn tượng tới người đọc về truyện ngắn của tác giả Bảo Ninh chính là nhan đề tác phẩm. Trên khung cảnh các nhân vật đều trong chuyến bay, hình ảnh máy bay bay qua từ vùng đất này sang vùng đất khác, bay lượn trên những đám mây trắng xóa, có chăng là ngụ ý của Bảo Ninh khi lấy hình ảnh “mây trắng” làm tiêu đề? Hình ảnh vừa gợi lên sự bình yên, vừa tạo sự bồng bềnh thơ mộng dường như muốn bày tỏ đến sự chảy trôi của thời gian. Bầu trời bình yên được đổi lại bằng một quá khứ tàn khốc.


Lấy đề tài trong thời kì hậu chiến, truyện ngắn khai thác chủ đề nỗi đau của người mẹ Việt Nam anh hùng sau chiến tranh một cách tinh tế và xúc động. Bảo Ninh không chỉ là một nhà văn mà còn là một người lính dũng cảm trên mặt trận. Nhờ vậy, những trang viết về chiến tranh của ông hiện lên chân thực, cụ thể hơn ai hết. Lấy không gian trên một chuyến bay từ Hà Nội vào Quảng Trị, truyện ngắn đã khắc họa nhân vật bà cụ với hình hài nhỏ bé, yếu đuối đang trên đường vào thăm nơi con trai mình đã hi sinh ba mươi năm về trước. Qua ngòi bút tài hoa, tỉ mỉ và uyển chuyển của Bảo Ninh, hình ảnh người mẹ già đáng thương giữ gìn tấm ảnh đã ố màu của con, chuẩn bị bàn thờ nhỏ và đồ lễ chu đáo đã gây ấn tượng mạnh mẽ, xúc động cho độc giả. Từ đó, tác giả gửi gắm bài học về đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. 

 

ĐỌC THÊM: BÀI LUẬN HAY NHẤT GIỚI THIỆU VỀ BẢN THÂN ĐỂ ỨNG TUYỂN VÀO CÂU LẠC BỘ BẠN YÊU THÍCH


Với những nét miêu tả chân thực, chúng ta có thể dễ dàng hình dung hình ảnh người mẹ chân chất, có phần “quê mùa” hiện lên qua tác phẩm. Bà có thân hình nhỏ bé, teo tóp như chìm lấp vào ghế, lưng còng, hai bàn tay gầy guộc, tất cả đều tạo nên vẻ ngoài lam lũ, vất vả và khắc khổ của một người phụ nữ Việt Nam xưa “Bà ngồi im, ôm chặt trong lòng một chiếc làn mây. Hình vóc bé nhỏ, teo tóp của bà như chìm lấp vào thân ghế”. Bà cụ chẳng dám hỏi han gì thêm, ngồi im và ôm chặt trong lòng một chiếc làn mây. Bà ngạc nhiên khi lần đầu được đi máy bay và lo sợ khi gặp thời tiết xấu. Khi được nhìn thấy những đám mây ngoài ô cửa sổ, bà đã “thốt kêu lên” một cách đầy ngạc nhiên “Mây ngay ngoài, các bác kìa!”. Cảnh tượng trước mắt lần đầu bà thấy và nó không giống như những gì bà từng được nghe kể: “vậy mà sao nhiều người họ kháo là tàu bay trôi cao được hơn mây bác nhỉ?”. Cách so sánh của bà lão cũng giản dị, thân thuộc với những người dân quê “Mây cận quá, bác nhỉ, với tay ra là với được - Y thể cây lá ngoài vườn”. Khi cô tiếp viên đẩy xe đưa bữa điểm tâm đến, bà không muốn nhận khay đồ ăn. Bà bảo cơm nước lạ kiểu chẳng đũa bát gì chẳng quen, mấy lại đã ăn no bụng hồi sớm, mấy lại cùng thực tình là già chẳng có lắm tiền. Bà không muốn nhận khay đồ ăn, mà dồn hết tất cả các thứ trên khay vào chiếc làn mây, chỉ xin cốc nước lọc và nhờ cô tiếp viên mở cửa sổ máy bay. Những cử chỉ của bà càng tô lên những nét đặc trưng của tầng lớp nông dân ở làng quê Việt Nam: xởi lởi, cởi mở, tiết kiệm, chắt chiu. Cách xưng hô “thưa các bác”, “mấy bác nhỉ”,... làm cho nhân vật bà cụ hiện lên với sự e dè, khép nép với những người khách xung quanh. Qua đó, người đọc càng xót thương cho sự nhọc nhằn, vất vả của bà cụ. Bởi lẽ, suốt cuộc đời cực khổ của mình, đây là lần đầu tiên người mẹ ấy được đi máy bay. 
Bà cụ không chỉ là người phụ nữ nông thôn có phần “quê mùa” mà còn là người mẹ mang trong mình vết thương chiến tranh. Cuộc sống “ở quê đừng nói triệu với trăm ngàn, ngàn với trăm cũng khó”, vậy bà lão đi chuyến bay có vé cả triệu để làm gì? Trong cuộc đối thoại với cô tiếp viên hàng không, bà hỏi “Đã sắp đến sông Bến Hải chưa con?” đã hé lộ mục đích của bà. Sông Bến Hải - con sông thuộc tỉnh Quảng Trị, là nhân chứng của lịch sử chiến đấu hào hùng, oanh liệt nhưng cũng đau thương, mất mát của dân tộc ta trong những năm tháng chống Mĩ ác liệt. Bà lão đến thăm con. 


Bầu không khi của chuyến bay bỗng thay đổi vì lời nói đầy gắt gỏng của tay vận complet “Làm cái gì vậy? Hả! Cái bà già này!”. Không chỉ nhân vật “tôi”, cô tiếp viên hay những hành khách xung quanh mà bản thân người đọc bỗng chốc giật mình trước sự thay đổi mạch truyện. Sự đối lập gay gắt giữa người đàn ông sang trọng đang tức giận “Tới mà nhìn! Đây là hàng không hay là cái xô bếp? Là phi cơ hay là cái miếu thờ thế này, hả?” và bà cụ nhỏ bé, sợ sệt. Lời nói của bà cụ khiến mọi người như lặng đi: “Van bác…”, “Bác ơi, van bác… Chẳng là, bác ạ, bữa nay là giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được đến miền cháu khuất”. Người mẹ vốn đã có “hình vóc bé nhỏ, teo tóp” lại ngồi “lặng phắt, lưng còng xuống, hai bàn tay chắp lại, gầy guộc”. Chiến tranh đã đi qua, nhưng những vết thương mà nó để lại đã khắc sâu trên nhân hình và trong trái tim của người mẹ. Nỗi đau đơn của người mẹ mất con dù cho thời gian qua đi cũng không thể nào chữa lành. Người đọc có thể hình dung hình ảnh người mẹ già yếu đang run rẩy cầm đồ linh tinh, như đĩa hoa cúng, nải chuối xanh, mấy cái phẩm oản và ba cây nhang cắm trong chiếc cốc thủy tinh đựng gạo.


Và rồi “cô tiếp viên vội đi tới. Cô đứng sững bên cạnh tôi. Không hề kêu lên, không thốt một lời, cô lặng nhìn”. Trước mắt cô là “một bức ảnh ép trong tấm kính cỡ bàn tay để dựng vào thành cốc”. Đó là “tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo”, là tấm ảnh của “người phi công còn rất trẻ”, là con trai cụ - một người lính phi công đã hi sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc. Anh là đại diện cho một thế hệ trẻ đã hiến dâng tuổi thanh xuân - phần tươi đẹp nhất của mình cho đất nước. Họ là những người anh hùng, là những con người vĩ đại của một thời khói lửa. Tờ báo “đã xưa cũ”, liệu sự ra đi ấy còn ai ghi nhớ? Người yêu, người nhớ và đau xót nhất khi nhìn vào bức chân dung đã dần nhạt phai theo thời gian chính là mẹ. Anh ngã xuống, rời xa vòng tay mẹ từ ba mươi năm trước và bức ảnh là di vật, là hình ảnh duy nhất của anh mà mẹ có được. Dẫu cách biệt âm dương, dẫu thời gian đã qua gần nửa đời người nhưng tình yêu, nỗi nhớ của mẹ không bao giờ nguôi ngoai, để rồi hòa bình lập lại, lần đầu tiên trong đời người mẹ nông dân ấy được “mới lên được đến miền cháu khuất”. Sự hi sinh cao cả của bà, của những người mẹ anh hùng chúng ta không thể dùng đơn vị nào để cân đo đong đếm. Dù hòa bình đã lập lại, đất nước ngày càng đổi mới nhưng những vết thương của nó vẫn mãi ám ảnh bao thế hệ Việt Nam. 


Nếu người đàn ông vận complet tỏ vẻ trang trọng nhưng thái độ đầy sự bất kính, vô duyên, “giận dữ và khinh miệt” thì nhân vật “tôi” và cô tiếp viên lại khiến người đọc cảm động. “Tôi” đã “xoài người sang giữ lấy cái khung ảnh” khi thấy bàn thờ bỗng nghiêng đi, cô tiếp viên đã cư xử nhẹ nhàng, ân cần và lẽ phép, “đứng sững” và “lặng nhìn” dù người đàn ông vận complet kêu than và bực bội. Hay các chú các bác đặt vé cho bà cụ. Những hành động, cử chỉ của họ đã bày tỏ sự tôn kính, xúc động trước tình mẫu tử thiêng liêng, trước người mẹ già với nỗi đau mất con âm ỉ kéo dài hàng chục năm và dường như là cái nghiêng mình kính cẩn trước hương linh của người liệt sĩ. Qua đó, nhà văn khéo léo gửi gắm tới bạn đọc bài học về lẽ sống, về đạo lí “uống nước nhớ nguồn”. Con người sống trong thời bình cũng là khi chủ nghĩa cá nhân lên ngôi. Họ trở nên ích kỉ, lạnh lùng, và họ quên đi những mất mát, hi sinh, quên đi chiến tranh gian khổ mà chỉ nghĩ đến sự thoải mái và đòi hỏi mọi người phải đáp ứng yêu cầu cá nhân của mình.


Như vậy, bằng cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc cùng những chi tiết ý nghĩa, nhan đề ấn tượng, tác phẩm “Mây trắng còn bay” của Bảo Ninh đã ghi dấu ấn trong lòng độc giả bởi tính hiện hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Những người lính đã không ngần ngại hi sinh vì điều cao cả, lớn lao, chính là giành lại độc lập cho dân tộc. Bom đạn kẻ thù đã khiến bao gia đình phải “kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”. Đó là hiện thực tàn nhẫn, đớn đau của lịch sử. Họ chinh chiến và ngã xuống, để lại nỗi nhớ, niềm đau khắc khoải trong lòng mẹ cha. Tác giả bày tỏ niềm xúc động, trân trọng và biết ơn sự hi sinh của những người lính và của những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã “gửi” con cho cuộc đời đất nước. 
“Mây trắng còn bay” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác “giàu hình ảnh, uyển chuyển và mang một màu sắc đượm buồn” của Bảo Ninh - một nhà văn đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu trên mặt trận. Tác phẩm ra đời trong thời kì đất nước đã hòa bình, trong giai đoạn đổi mới toàn diện như một sự nhắc nhở bạn đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ của đất nước không bao giờ được quên công ơn của thế hệ cha ông. Chúng ta phải tiếp bước họ, nhận thức được trách nhiệm bản thân, nỗ lực học tập và trau dồi để cống hiến cho xã hội ngày một phát triển, văn minh hơn. 

 

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

Tin liên quan