BÀI VĂN MẪU MỚI NHẤT - PHÂN TÍCH MỘT TÁC PHẨM TRUYỆN MÀ EM YÊU THÍCH (LỚP 8 - CHÂN TRỜI SÁNG TẠO)

Ngày 14/03/2024 16:41:22, lượt xem: 12461

Dưới đây là bài văn mẫu mới nhất - phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích (lớp 8 - Bộ sách Chân trời sáng tạo) do Học Văn Chị Hiên biên soạn với tác phẩm “Người mẹ vườn cau” - Nguyễn Ngọc Tư.

 

Đề bài: Viết bài văn phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích.

 

Bài làm:

Khúc ca của văn chương mang một sức mạnh thật kì diệu, nó đi sâu vào tiềm thức, trái tim của người đọc, từ đó để lại biết bao rung động, suy ngẫm về cuộc đời. Giữa vườn hoa văn chương Việt Nam ấy có một khúc ca viết về người mẹ thật đẹp, được ánh lên dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Ngọc Tư. Với phong cách viết văn giản dị mà tình cảm, “Người mẹ vườn cau” đã trở thành một tác phẩm truyện ngắn nổi tiếng và đem lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc. 

Trong văn học, đề tài về mẹ luôn là nguồn cảm hứng bất tận với các nghệ sĩ bởi tình yêu thương, sự hy sinh của người mẹ. Tấm lòng của người mẹ là những đại dương sâu thẳm mà suốt cuộc đời con người không thể đo đạc cũng không thể thấu hiểu hết. Ở đó, các nhà văn có thể bộc lộ, thể hiện tâm tư tình cảm của mình dành cho người mẹ yêu quý và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng không ngoại lệ, cô cũng đóng góp vào đề tài ấy với tác phẩm Người mẹ vườn cau. Tập truyện ngắn được trích trong “Xa xóm mũi - 2016”. Tập truyện “Xa xóm Mũi” là tập truyện gồm 11 truyện ngắn viết cho thiếu nhi mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Nhà văn lấy nhan đề này để chỉ những người mẹ có công với Cách mạng, người mẹ ấy không có tên gọi cụ thể mà chỉ gọi theo đặc điểm nơi ở. 

Tác phẩm mang đến cho người đọc bằng một tình huống của nhân vật “tôi” khi được cô giáo giao cho bài văn viết về mẹ. Với một đề bài như vậy nhưng nhân vật “tôi” lại không có cách nào để viết được. Sau đó “tôi" hồi tưởng về kỉ niệm hồi nhỏ, kỉ niệm cùng người bà của mình. Với việc xây dựng tình huống truyện đã khiến cho người đọc cảm nhận được sự gần gũi. Không những thế còn dễ dàng truyền tải nội dung đến các độc giả về hình ảnh người bà thông qua các chi tiết miêu tả, cuộc đối thoại của các nhân vật trong văn bản. 

Với lối suy nghĩ ngây ngô trẻ con của nhân vật tôi thì không biết hiểu sao mình chỉ có một mẹ còn đối với bố thì lại có tận hai mẹ, cũng chính điều này đã làm cho nhân vật tôi có tới hai bà nội: Nội ở Phố Đông, Nội ở vườn cau. Trong kỉ niệm của “tôi" đã được về nhà Nội ở vườn cau chơi. Khung cảnh nơi đây dường như vẫn như hôm qua đọng mãi trong kí ức của nhân vật. Con đường đến nhà bà là con đường đất, những khi trời mưa đường bùn ướt nhẹp. Nhà Nội là nhà mái lá nhỏ xíu, giọt tong tong. Hình ảnh về cuộc sống giản dị, đơn sơ đã in hằn vào trong tiềm thức của “tôi" mỗi khi nhớ đến người bà vườn cau. Khung cảnh bình yên bao nhiêu thì càng làm hiện lên hình ảnh Nội gầy gò, cười phô cả lợi những vẫn luôn lo lắng cho các con các cháu, sợ trời mưa mấy đứa sẽ bị cảm. Nội là một bà mẹ anh hùng, theo lời kể của bố bà làm nghề bán ve chai, đưa thư, mang thức ăn, tin tức… Mang trong mình dáng vẻ còn cõi, nụ cười phúc hậu, đôi mắt già nua đã khiến cho người đọc hình ảnh thân thuộc. Tất cả đã ánh lên được sự hy sinh thầm lặng của người mẹ già, cả một đời vất vả, lam lũ, nhưng vẫn luôn là hậu phương vững chắc cho những đứa con của mình đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Những hình ảnh gắn với người bà vườn cau trong tâm trí của “tôi" đó là hôm về nhà Nội do có giỗ của chú Sơn. Bữa cơm giỗ chỉ có vài ba bát canh chua cá rô đồng, mắm kho, bông súng đơn giản, nhưng lại vô cùng ấm áp. Sau cơn mưa mọi người ào ào kéo đến nhà bà khiến cho nhân vật “tôi” có một thắc mắc sao nhà bà lại nhiều con như vậy. Thế nhưng khi nghe các chú kể về khung cảnh ngày xưa khiến cho “tôi" phần nào cũng hiểu ra được. Cảnh ba gắp thức ăn cho bà rồi bà lại gắp thức ăn cho “tôi” và bà xoa đầu bảo “tôi” ăn cho chóng lớn đã cho thấy khung cảnh gia đình thật ấm áp và tràn đầy hạnh phúc. 

Mọi người cùng hàn huyên chuyện cũ, tiếng cười vang vọng khắp gian nhà nhỏ. Còn “tôi” lại được nội dẫn ra vườn cau. Vườn cau nhà Nội thật thú vị, chắc cũng vì lý do này, bố gọi nội là "Mẹ vườn cau". Ở vườn, cái gì cũng chín, từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau. Đêm hôm ấy, “tôi” được Nội mắc mùng cho ngủ, nhưng vì lạ giường mà mãi không ngủ được, Nội liền kể cho “tôi” nghe về câu chuyện của bà. Người trên bàn thờ hôm nay là hai đồng chí thân thiết với bố, các chú đều là những người hiên ngang, anh dũng và Nội chính là mẹ của hai đồng chí đã hi sinh đó. Nội được gọi là mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy chỉ làm nghề bán ve chai nhưng “Nội còn đưa thư cho ba. Nội mang thức ăn, tin tức". Sau cái gánh ve chai ấy là công việc cách mạng mà Nội đã âm thầm, không quản hiểm nguy mang đến cho ba, cho các chú. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng khiến nhân vật “tôi" hiểu ra rằng “anh hùng” đâu cần phải là người cao to hay có súng. “Anh hùng" có thể là những người rất bình thường thôi nhưng công việc họ làm cho đất nước thật phi thường!

 

ĐỌC THÊM: VIẾT ĐOẠN VĂN PHÂN TÍCH TÁC DỤNG CÁCH KẾT THÚC TRUYỆN LÃO HẠC CỦA NAM CAO MỚI NHẤT

 

Thế nhưng hiện tại do ba chuyển công tác nên gia đình cũng chuyển lên phố luôn. Cũng đã từ rất lâu mà nhân vật “tôi” chưa được quay lại thăm nội vườn cau, thế nhưng trong tâm hồn của “tôi" vẫn luôn dành cho bà một tình cảm đặc biệt. Chỉ còn là ký ức: “chốn ấy còn chín lừ quả ngọt, hương cau còn nồng nàn trắng xoá, tóc nội chắc bạc nhiều hơn…” Không những nhân vật “tôi” mà trong tâm trạng của người cha cũng vậy, luôn lo lắng cho bà. Và chỉ đến khi chú Biểu đến nhà, nghe câu chú nói mình “bạc”, bố mới thấy nằm suy nghĩ và quyết định “Mai về nội “vườn cau”, con ha?". Văn bản nói về những kỉ niệm về mẹ vườn cau của bố còn trở về thực tại, mẹ của nhân vật “tôi” chỉ “là người sinh ra em, nuôi em lớn, ngày thường mẹ nấu cơm em ăn, giặt đồ em mặc”. Bài văn tuy 4 điểm nhưng “tôi” không hề buồn vì viết về mẹ đâu chỉ bằng vài câu. Đây là bài học về sự biết ơn, kính trọng đến những người mẹ. Có những người mẹ bình dị mà thật nhân hậu, lớn lao, tình mẹ là tình cảm thiêng liêng, có sức lay động và cảm hoá mạnh mẽ.

Tác phẩm đã tạo nên tình huống truyện vô cùng độc đáo. Với ngôi kể thứ nhất đã đem đến cho người đọc được sự gần gũi, dường như người đọc đang hòa mình với nhân vật tôi để trở về với kí ức tuổi thơ bên người bà của mình. Chỉ là những đoạn đối thoại ngắn, lối trần thuật tự nhiên, những câu văn đậm chất khẩu ngữ Nam bộ đã góp phần tạo nên lối kể chuyện mộc mạc, giản dị. Không tô vẽ, không cường điệu hóa, “Người mẹ vườn cau” đã hiện lên rõ nét trước mắt người đọc như chính những người con Nam Bộ chân thành, bộc trực, giàu đức hy sinh. Tất cả đã đưa đến cho người đọc hình ảnh về một người mẹ anh hùng tần tảo, yêu thương các con của mình. 

Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi đến của văn học thế nên Andecxen đã từng nói: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra”. Đúng vậy, Nguyễn Ngọc Tư với những trải nghiệm của chính mình đã phát hiện cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới. Truyện ngắn "Người mẹ vườn cau" đã mang gợi đến cho mỗi chúng ta những kỉ niệm hạnh phúc về gia đình và những bài học về việc báo đáp công ơn của mẹ. Ai rồi cũng có gia đình riêng nhưng mái ấm có mẹ chờ luôn là ngôi nhà mà chúng ta nên trở về nhất. Giống như một nhà thơ đã từng viết về mẹ vậy: 

“Mẹ ơi, mẹ như bình minh rạng ngời

Soi sáng con đường đời con đi

Mẹ là bầu trời, mẹ là biển rộng 

Mẹ là tình yêu sâu lắng trong trái tim con.”


Các bạn vừa tham khảo bài văn mẫu mới nhất phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích (lớp 8 - Bộ sách Chân trời sáng tạo). Từ cấu trúc của bài văn trên, các bạn có thể áp dụng vào phân tích tác phẩm truyện mà mình yêu thích.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học toàn diện - 2k10

Tin liên quan