Đăng Ký Học
Ngày 27/03/2021 23:45:55, lượt xem: 5170
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong Sông đã từng nói: “nước mắt chảy từ con mắt chỉ là thứ thường thôi, có thứ nước mắt không chảy ra kiểu như vậy.” Và trong Vợ Nhặt của Kim Lân, “dòng nước mắt” ấy thật lạ! Khi nó xuất hiện trong “kẽ mắt kèm nhèm” của bà cụ Tứ - “nó như giọt nước kết tinh vị mặn mòi của biển” và đặc biệt nó còn là vốn sống của người cầm bút, là nơi “kí tự trung thành” của Kim Lân về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.
“Trong bức thư viết vào tháng 4-1945, về thảm trạng nạn đói ông đã chứng kiến, tác giả Vespi (Véc-pi) từng mô tả: “Họ đi thành rặng dài bất tuyệt gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người nấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc, giơ xương ra và run rẩy.” (Nguồn: báo nhân dân). “Từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ hơn hai triệu đồng bào ta chết đói.” Quả thật không dễ dàng gì, khi Kim Lân đã chọn và dựng lại thảm cảnh lịch sử năm đó – 1945 để làm bối cảnh chính cho linh hồn của tập “Con Chó Xấu Xí” (1962) – Vợ Nhặt.
Trong không gian “cái đói tràn đến xóm Ngụ Cư” người người “đội chiếu lũ lượt bồng bế dắt díu nhau” như “những bóng ma nằm ngổn ngang giữa chợ” thì Kim Lân lại đánh liều để kể về câu chuyện tình éo le, méo mó, bi hài – Tràng, một người đàn ông ế vợ nay bỗng nhiên có vợ chỉ bằng vài câu bông đùa và một chặp bốn bát bánh đúc, đã khiến cho dân làng hàng xóm mà đặc biệt là người mẹ già – bà cụ Tứ đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Bà cụ Tứ trong thiên truyện của Kim Lân xuất hiện với dáng hình lọng khọng, với tiếng ho hung hắng và thanh âm lẩm bẩm tính toán trong miệng về cuối ngày. Đó là hình ảnh của một người phụ nữ, một người mẹ già “cả một đời lam lũ” vất vả vì chồng vì con. Nuôi con một mình trong gia cảnh túng quẫn, bần hàn, cụ Tứ đã phải cố gắng biết bao nhiêu kể từ khi chồng mất. Để rồi, bà cùng con trai lưu lạc đến xóm Ngụ Cư và sống trong ngôi nhà rách nát, mọc lổm nhổm những búi cỏ dại. Đối với bà, thằng con khờ khạo của mình là tia hy vọng cuối cùng và ngày hôm nay, nó dẫn về một người đàn bà, hớn hở giới thiệu : kìa, nhà tôi nó chào u. Dường như bà như không dám tin vào mắt vào tai mình. Bà liên tục đặt ra câu hỏi: “Quái lạ, sao lại có người đàn bà nào trong đó nhỉ?...Sao lại gọi mình bằng u? Bước vào nhà, bà băn khoăn ngồi xuống giường. Tràng mở lời: “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ !”. Đến lúc này bà cụ mới hiểu ra “cơ sự”, người mẹ nhạy cảm nhận ra cảnh bi hài của câu chuyện, để rồi nỗi tủi thân đã hóa thành nước mắt “trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”. Lòng bà ngổn ngang trăm mối, chồng chất bao nỗi niềm suy tư.
Dòng nước mắt của bà cụ Tứ là biểu hiện của nỗi đau, của tủi hờn. Bởi người ta lấy vợ trong lúc ăn nên làm gia, còn... nghĩ mà vừa mừng vừa. Bà cụ tủi thân vì cho rằng mình chưa làm tròn bổn phận người mẹ:“chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…”
Với người mẹ, đâu chỉ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày và sinh nó ra là hết trách nhiệm. Đã là mẹ, thì “con dù lớn vẫn là con của mẹ” dù có phải hy sinh, có vất vả đến đâu hay thậm chí là phải chịu những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, “lòng mẹ vẫn luôn theo con.” Lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ… Bà xót thương con và ngầm so sánh “người ta” với “mình” bởi đến “dăm ba mâm cơm” gọi là, bà cũng chẳng thể lo được vì gia cảnh còn nghèo, cuộc sống còn khó khăn. Đó là dòng nước mắt bà mừng cho đôi vợ chồng đã nên duyên phải kiếp. Bao nhiêu nỗi niềm được nén lại của người mẹ trong mấy chữ:“Ừ! thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Mẹ chỉ “mừng lòng” chứ không phải là “vui lòng.” Đặt trong hoàn cảnh đói kém như thế, nỗi mừng chưa đủ là vui, các cụ có câu: “mừng mừng tủi tủi” là vậy.
“Còn da lông mọc còn chổi nảy cây.” Bà gạt nước mắt để an ủi, động viên hai con cố gắng tu chí làm ăn bởi “ai giàu ba họ ai khó ba đời” Bà lão nói “toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này”. Bà còn mở ra một viễn cảnh tươi sáng qua câu chuyện đàn gà: “Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…”. “Hình ảnh đàn gà trong câu chuyện của bà cụ Tứ như một liều thuốc tinh thần mở ra bao điều tốt đẹp. “Đôi gà – đàn gà” là sự sinh sôi – sự sinh sôi lấn át sự huỷ diệt, sự sống lấn át cái chết.”
Không phải ngẫu nhiên mà văn hào vĩ đại người Nga Macxim Gorki từng phát biểu: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.” “Chi tiết nghệ thuật không chỉ là yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn là nơi gửi gắm những quan niệm nghệ thuật về con người, về cuộc đời...của nhà văn, nơi kí thác niềm ưu tư, trăn trở của nhà văn trước cuộc đời.”. Và với Kim Lân, “quý hồ tinh bất quý hồ đa” đã xây dựng hình ảnh bà cụ Tứ mà đặc biệt là chi tiết “ trong kẽ mắt kèm nhèm rỉ xuống hai dòng nước mắt” để gửi gắm bao tâm tư giấu kín, bao nỗi niềm còn chưa bộc lộ về cuộc đời “đa sự đa đoan.”
Để hiểu hơn về toàn bộ các tác giả cùng kiến thức tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 12 và nhiều thông tin bổ ích khác nữa hãy nhanh sở hữu bộ SỔ TAY VĂN HỌC nhé! Hãy xem bản đọc thử SỔ TAY VĂN HỌC THƠ và SỔ TAY VĂN HỌC VĂN XUÔI nhé.
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan