Đăng Ký Học
Ngày 23/11/2022 17:13:36, lượt xem: 3251
Bài 3: NGHỆ THUẬT THUYẾT PHỤC TRONG VĂN NGHỊ LUẬN
Văn bản 2: Yêu và đồng cảm (Phong Tử Khải)
Câu 1. Tìm trong văn bản những đoạn, những câu nói về trẻ em và tuổi thơ. Vì sao tác giả lại nhắc nhiều đến trẻ em và tuổi thơ như vậy?
Trả lời:
Trong văn bản có khá nhiều đoạn, câu nói về trẻ em và tuổi thơ. Ví dụ:
- Ở phần 1: “Một đứa bé vào phòng tôi [...] Tôi phục sát đất tấm lòng đồng cảm phong phú của chú bé này”.
- Ở phần 3: “Họa sĩ đưa tấm lòng mình về trạng thái hồn nhiên như trẻ nhỏ”.
- Ở phần 5: “Về mặt này chúng ta không thể không ca tụng các em bé. Bởi trẻ em phần lớn rất giàu lòng đồng cảm”.
- Ở phần 6: “Tuổi thơ quả là thời hoàng kim trong đời người’’.
Lí do bởi vì tác giả nhận thấy sự tương đồng giữa tâm hồn trẻ thơ và tâm hồn nghệ sĩ. Ông cũng nhận thấy bản chất và giá trị của hoạt động sáng tạo nghệ thuật nằm ở khả năng đồng cảm của người nghệ sĩ với thế giới, vốn là đặc điểm đặc thù trong cảm quan và tư duy trẻ thơ.
Câu 2. Mặc dù không ít lần nói tới danh xưng “họa sĩ”, nhưng trên thực tế, điều tác giả muốn bàn luận không chỉ bó hẹp trong phạm vị hội họa. Những từ ngữ nào trong văn bản giúp bạn nhận ra điều đó?
Trả lời:
Quả thực điều mà Phong Tử Khải muốn bàn luận không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hội họa mà rộng hơn là trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật nói chung, bao gồm cả văn học. Bởi vậy, ông đã dùng nhiều từ ngữ để thể hiện điều này, ví dụ bên cạnh việc dùng danh từ họa sĩ, ông còn gọi người sáng tạo là người nghệ sĩ, nhà thơ, và để chỉ sản phẩm của hoạt động sáng tạo, ông không chỉ nói đến vẽ tranh, ông còn nói đến thơ, cảm xúc thơ: “Thực ra chúng ta bước được vào thế giới của Mĩ, mở rộng lòng ra để biết đồng cảm nhiều hơn với vạn vật thì sẽ cảm nhận rõ rệt những tình cảm ấy. Họa sĩ và nhà thơ chẳng khác gì nhau, họa chăng là họa sĩ chú trọng đến hình dạng và tư thái mà thôi”.
Câu 3. Xác định nội dung trọng tâm của từng của từng phần đã được đánh số trong văn bản và đánh giá sự liên kết giữa các phần.
Trả lời:
Phần 1: Hành động của đứa trẻ và sự chiêm nghiệm của họa sĩ.
Phần 2: So sánh và chỉ ra sự độc đáo, khác biệt trong cách nhìn thế giới của nghệ sĩ.
Phần 3: Khẳng định vai trò của sự đồng cảm (với con người) trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
Phần 4: Mở rộng cách hiểu về sự đồng cảm (với muôn loài, vạn vật) trong sáng tạo nghệ thuật.
Phần 5: Chỉ ra sự tương đồng giữa trẻ em và nghệ sĩ trong khả năng đồng cảm tự nhiên và sâu sắc.
Phần 6: Khẳng định sự cần thiết của việc học theo trẻ thơ để bảo lưu và nuôi dưỡng lòng đồng cảm nhằm bồi đắp tâm hồn và sáng tạo nghệ thuật.
Câu 4. Tác giả đã nêu lên những lí lẽ, bằng chứng nào để khẳng định được tầm quan trọng của sự đồng cảm trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật?
Trả lời:
Trong bài viết, tác giả đã sử dụng nhiều lí lẽ, bằng chứng để khẳng định tầm quan trọng của sự đồng cảm trong sáng tạo nghệ thuật, bao gồm những lí lẽ và ví dụ thực tế. Chẳng hạn, những lí lẽ, bằng chứng tiêu biểu trong đoạn 3,4:
- Lí lẽ: “Tấm lòng của họa sĩ thường đồng điệu đồng cảm, cùng buồn cùng vui, cùng khóc cùng cười với đối tượng miêu tả; nếu không có tấm lòng đồng cảm bao la như thế mà chăm chăm vào kĩ thuật vẽ thì chắc chắn không trở thành họa sĩ thực sự được. Dù có vẽ được thì tối đa cũng chỉ là thợ vẽ mà thôi” (Phần 3); “Thực ra nếu chúng ta bước được vào thế giới của Mĩ, mở rộng lòng ra để biết đồng cảm nhiều hơn với vạn vật thì sẽ cảm nhận được rõ rệt những tình cảnh ấy”. (Phần 4)
- Bằng chứng: “Nếu nó không đủ khoáng đạt để đồng điệu với anh hùng thì không mô tả được anh hùng, nếu nó không có đủ dịu dàng để hòa nhịp cùng thiếu nữ thì không khắc họa được thiếu nữ”. (Phần 3); “Chưa đích thực trải nghiệm sức sống của rồng ngựa thì chẳng vẽ được rồng ngựa, không chứng kiến vẻ đẹp rắn rỏi của tùng bách thì đâu họa nổi tùng bách. [...] Họa sĩ chúng tôi vẽ một cái bình hoa là phải để tâm vào bình hoa, để mình biến thành bình hoa cảm nhận cái lực của bình hoa mới thể hiện được cái thần của bình hoa”. (Phần 4)
Câu 5. Tác giả đã phát hiện ra những điểm tương đồng gì giữa trẻ em và người nghệ sĩ? Sự khâm phục, trân trọng trẻ em của tác giả được hình thành trên cơ sở nào?
Trả lời:
Những điểm tương đồng giữa trẻ em và nghệ sĩ theo quan điểm của tác giả:
- Cái nhìn trong sáng, không vụ lợi, không định kiến về mọi đối tượng.
- Sự nhạy cảm, hồn nhiên, tự nhiên.
- Khả năng phát hiện những điều mới mẻ, thú vị ở chỗ người khác không thể thấy.
Sự khâm phục, trân trọng trẻ em của tác giả không chỉ là một thứ tình cảm tự nhiên của người lớn đối với trẻ thơ, mà còn xuất phát từ sự am hiểu sâu sắc bản chất của đời sống và hoạt động sáng tạo của một nghệ sĩ. Đó là một tình cảm được soi sáng bởi những nhận thức trí tuệ.
Câu 6. Theo bạn, nếu không có đoạn kể về chú bé giúp chúng ta sắp xếp đồ đạc ở phần 1, sức hấp dẫn, thuyết phục của văn bản “Yêu và đồng cảm” sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Trả lời:
Nếu không có đoạn kể về chú bé giúp tác giả sắp xếp đồ đạc ở phần 1, văn bản vẫn thể hiện được ý tưởng và quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của văn bản có thể bị giảm sút. Ở đây, thay vì cách trình bày vấn đề theo kiểu một nhà lí luận, tác giả đã chọn cách nói thực tế để kéo người đọc cùng ông suy tư, chia sẻ. Bởi vậy, bên cạnh các lí lẽ và dẫn chứng, ông chêm xen yếu tố kể, tả, bình luận cá nhân. Đấy là một cách lập luận, thuyết phục vừa có tính lí luận, vừa giàu cảm xúc.
Câu 7. Nhà thơ Xuân Diệu từng viết: “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non” (Đôi mắt xanh non, trong tập Riêng chung, NXB Văn học, Hà Nội, 1960). Dựa vào nội dung văn bản “Yêu và đồng cảm”, hãy nêu lí do khiến nhà thơ Xuân Diệu đề nghị như vậy.
Trả lời:
“Đôi mắt xanh non” là một ẩn dụ, chỉ một cách nhìn đời sống hồn nhiên, trong trẻo, nhạy bén, không bị chi phối bởi định kiến. Đề nghị “nhìn đời bằng đôi mắt xanh non” thực chất Xuân Diệu muốn nói đến một phẩm tính cần thiết của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ đích thực cần phải giữ được sự “xanh non” trong cách nhìn thế giới và con người. Đây là điểm gặp gỡ trong quan niệm sáng tạo của Xuân Diệu và Phong Tử Khải.
ĐỒNG HÀNH CÙNG CHỊ TRONG KHÓA HỌC VĂN VIP LỚP 10 ĐỂ KHÔNG LO LẮNG TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH MỜI NHÉ!
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan