Đăng Ký Học
Ngày 11/03/2022 14:17:47, lượt xem: 4146
Cùng với các thể loại truyện cổ tích, truyền thuyết, thì truyền kỳ cũng là một trong những thể loại phổ biến và được yêu thích trong văn học xưa. Nội dung của các tác phẩm ấy chủ yếu xoay quanh đến những cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, ca ngợi vẻ đẹp nhân phẩm, trí tuệ của con người đồng thời khẳng định niềm tin của nhân dân ta về chân lý cái thiện luôn chiến thắng cái ác. “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” của tác giả Nguyễn Dữ cũng là một trong số những truyền kỳ phổ biến, nổi bật là hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn một người khảng khái, cương trực, quyết tâm chống lại cái xấu, cái ác thể hiện rõ nét phẩm chất của một kẻ sĩ.
Nguyễn Dữ sống khoảng thế kỉ XVI - thời kỳ chế độ phong kiến lâm vào tình trạng khủng hoảng, lâm ly, suy yếu. Ông được biết đến là một người tài năng với trí tưởng tượng phong phú và bằng bút pháp linh hoạt của mình cùng với lối kể chuyện mạch kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn, tác giả đã đưa người đọc vào một thế giới huyền bí vừa có người, vừa có thần, vừa hư, vừa thật của “Truyền kỳ mạn lục”. Đây được coi là một tác phẩm văn học có nhiều thành tựu nghệ thuật, là mẫu mực của thể truyền kì, là “thiên cổ kì bút” (Vũ Khâm Lân), là “áng văn hay của bậc đại gia”, tiêu biểu cho những hình tượng văn học bằng chữ Hán dưới ảnh hưởng của sáng tác dân gian. Và tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” là tập chuyện thứ 8/20 trong tập “Truyền kỳ mạn lục” đã đề cao tinh thần cương trực, khẳng khái, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái ác, trừ hại cho dân thông qua nhân vật Ngô Tử Văn và thể hiện niềm tin vào công lý, vào chính nghĩa nhất định sẽ luôn chiến thắng gian tà.
Bước vào câu chuyện, tác giả đã đưa người đọc đến với nhân vật qua cách miêu tả một cách trực tiếp. Ngô Tử Văn tên gọi là Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng vốn có tính khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được. Khắp vùng Bắc thường khen Tử Văn là người cương trực. Qua lời giới thiệu trực tiếp ngắn gọn, người đọc phần nào cũng đã có những hiểu biết và nhận định cơ bản về tính cách nhân vật. Lời giới thiệu mang giọng điệu ngầm ngợi khen có tác dụng định hướng, tạo cho người đọc niềm tin về hành động kiên quyết của nhân vật này.
Chuyện kể rằng ở làng Tử Văn có một ngôi đền của tên tướng giặc họ Thôi chết trận làm yêu làm quái trong dân gian. Trước sự việc ngôi đền yêu quái là uế tạp, gây hại cho dân, “Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt đền”. Trong khi mọi người đều lắc đầu, lè lưỡi, không dám làm gì quỷ thần quấy hại nhân dân thì Tử Văn lại hết sức cương quyết, đường hoàng, ung dung hành động. Chàng đã dám làm một việc mà mọi người đều kinh sợ, không ai cả gan dám làm, đó là đốt đền. Bởi đền là nơi thờ thần thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh, là nơi thờ cúng linh thiêng, được mọi người tôn kính. Tử Văn cũng biết được điều đó nhưng chàng không sợ hãi bởi hành động ấy xuất phát từ tính cách “vốn ghét sự gian tà” của chàng. Trước khi đốt đền Tử Văn đã “tắm gội sạch sẽ, khấn trời” hành động đốt đền của Tử Văn không phải là tùy tiện, vô cớ, nóng giận, thiếu suy nghĩ, hiểu biết; Tử Văn rất hiểu biết về văn hóa tín ngưỡng, tâm linh. Hành động “khấn trời” như là để tâu trình trước thượng đế, thần linh chứng giám cho hành động của chàng là đúng. Chàng đốt đền là để tiêu trừ hồn ma tướng giặc - kẻ đã lợi dụng đền thiêng để làm yêu làm quái hại đến dân lành chứ không phải là hành động phạm đến thần linh. Vậy nên hành động đốt đền của Tử Văn là đáng ca ngợi vì nó xuất phát từ ý muốn diệt trừ yêu ma, trừ hại cho dân, từ lòng tự tin vào chính nghĩa thể hiện sự trong sáng, chính nghĩa mong được trời đất, thần linh thấu hiểu và ủng hộ. Qua hành động ấy cũng đã chứng tỏ cốt cách khảng khái của kẻ sĩ và cũng là hành động châm ngòi nổ cho một cuộc chiến giữa chàng và hồn ma tên tướng giặc bại trận.
ĐỌC THÊM NGỮ VĂN 10 | PHÂN TÍCH CHUYỆN CHỨC PHÁN SỰ ĐỀN TẢN VIÊN
Khi đốt đền xong Ngô Tử Văn không suy nghĩ quá nhiều mà vẫn thản nhiên. Hồn ma tướng giặc sau khi bị Tử Văn đốt đền đã tìm tới chàng. Bạn đầu thì giảng giải đạo lí sau đó mắng mỏ, dọa nạt đòi Tử Văn làm trả lại đền. Tử Văn mặc kệ “vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên”. Trước cái ác và lời đe dọa, Tử Văn vẫn không hề run sợ, vẫn tin vào hành động của mình. Điều đó cho thấy niềm tin vào chính nghĩa, vào những việc mình đã làm là là hoàn toàn đúng đắn, không thẹn với trời. Sau đó, lại có một ông già áo vải mũ đen phong độ nhàn nhã tính khiêm tốn tự xưng là Thổ công xuất hiện khiến Ngô Tử Văn ngạc nhiên “sao nhiều thần quá vậy”. Thổ công tìm đến Tử Văn để tỏ lời cảm ơn và bày tỏ sự ngưỡng mộ “Tôi là thổ công ở đây, nghe thấy việc làm rất thú của nhà thầy, vậy xin đến để tỏ lời mừng.” Điều đó chứng tỏ sự đúng đắn trong việc làm của Tử Văn. Thổ công còn báo cho Tử Văn biết về việc hung thần đã kiện Tử Văn ở Minh ti và bày cho chàng cách đối phó, Tử Văn nói: “Hắn có thực là tay hung hãn có thể gieo vạ cho tôi không?”. Câu nói đã cho thấy cách suy nghĩ của Tử Văn: việc làm đúng đắn, chính nghĩa thì không gì có thể xâm hại đến được, bởi xưa nay tà không thể thắng chính. Thổ công bày cho chàng cách đối phó chứng tỏ hành động chính nghĩa của Tử Văn đã được trời đất, thánh thần ủng hộ, giúp đỡ.
Khi nghe thổ công kể rõ sự tình thì chàng lại muốn kiện Diêm Vương. Đây chính là biểu hiện của lòng tin tưởng tuyệt đối vào công lý và chính nghĩa. Qua hành động đốt đền và cuộc gặp gỡ của Tử Văn với hồn ma tướng giặc và Thổ công cho thấy: Tử Văn thấy bất bình trước cái ác và trước sự bất công. Qua đó khẳng định thêm sự chính nghĩa trong suy nghĩ và tính cách của Tử Văn. Sau cuộc gặp gỡ, Tử Văn đã sẵn sàng tâm thế chiến đấu đến cùng đối với cái ác và sự bất công để đòi lại và bảo vệ công lý.
ĐỌC THÊM Ngữ Văn 10 | Cung đàn bạc mệnh trong "Truyện Kiều"
Sự kiên định, nghĩa khí của Ngô Soạn còn thể hiện rõ trong quá trình chàng bị lôi xuống địa phủ xử tội. Tử Văn bị bắt xuống âm phủ, bị kết án mà chưa hề có sự điều tra xét hỏi. Điều ấy làm chàng bất bình và không phục. Chàng khảng khái kêu to: “Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo cho biết, không nên bắt phải chết một cách oan uổng”. Nó thể hiện thái độ đấu tranh dũng cảm của Tử Văn trước sự bất công, vô lý và trước cái ác Trong cuộc xử kiện ở âm ti, Tử Văn phải đối mặt với rất nhiều áp lực: khung cảnh nơi âm phủ rùng rợn, ghê sợ “gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương... có đến mấy vạn quỷ Dạ Xoa đều mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác”; bị hồn ma tướng giặc vu cáo, đơm lời bịa đặt “Ấy là trước vương phủ mà hắn còn ghê gớm như thế, mồm năm miệng mười, đơm đặt bịa tạc. Huống hồ ở một nơi đền miếu quạnh hiu hắt sợ gì mà không dám cho một mồi lửa”; bị Diêm Vương quát mắng, kết án một cách oan ức... Nhưng Tử Văn vẫn kiên quyết đấu tranh đến cùng không hề run sợ, vẫn tỏ ra cứng cỏi, đối chất với hồn ma tướng giặc không hề nhún nhường, bất khuất trước Diêm Vương đầy quyền lực. Tính cách ngay thẳng, cương trực của Tử Văn tiếp tục được khẳng định, thể hiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Đó cũng chính là bản chất của kẻ sĩ nước Việt. Tử Văn chính là đại diện cho người trí thức nước Việt, đại diện cho cái thiện, cái chính nghĩa. Sau khi được minh oan ở minh ti, Tử Văn được trao cho chức phán sự ở đền Tản Viên. Thổ công đến khuyên chàng nên nhậm chức: “người ta sống ở đời, xưa nay ai chẳng phải chết, miễn là chết đi còn được tiếng về sau”. Thế là Tử Văn đồng ý nhận lời. Việc được phong chức ở đền Tản Viên là một minh chứng cứng rắn vừa nói lên thắng lợi của chàng trong cuộc đấu tranh với tên hung thần xảo quyệt, vừa là phần thưởng xứng đáng cho công lao của chàng, khẳng định chàng là người tốt, chính nghĩa, dám đấu tranh để thực hiện công lí. Đồng thời khẳng định niềm tin chính nghĩa nhất định luôn chiến thắng gian tà.
Thông qua cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại cái ác, Ngô Tử Văn nổi bật lên là người chính trực, khẳng khái, dũng cảm đối đầu với thế lực tà ác để bảo vệ công lý đến cùng, là một kẻ sĩ cứng cỏi của nước Việt. Từ đó, tác giả Nguyễn Dữ bày tỏ lòng tin, sự khẳng định chính nghĩa nhất định chiến thắng gian tà, thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc sâu sắc và bộc lộ quyết tâm sẵn sàng đấu tranh triệt để với cái xấu cái ác. “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” thật thành công khi vận dụng những yếu tố hoang đường, kì ảo qua việc đưa những nhân vật hoang đường như: Hồn ma tên tướng giặc, quỷ, thổ công, diêm vương, các phán quan cùng với không gian kì ảo như: Giấc mơ của Tử Văn, không gian nơi âm phủ. Các yếu tố hoang đường, kì ảo góp phần dệt nên một câu chuyện hoang đường đầy li kì hấp dẫn. Nhưng đằng sau những yếu tố hoang đường là hiện thực xã hội đương thời: hiện thực về bọn tham quan ô lại, hiện thực về sự bất công và hiện thực về những con người khảng khái, cương trực như Tử Văn. Và chuyện cũng lại rất thực bởi cách dẫn dắt, kể chuyện cụ thể với dẫn chứng cả họ tên, quê quán và thời gian, địa điểm diễn ra sự việc. Do đó, yếu tố kì ảo giúp tăng phần li kì, hấp dẫn còn yếu tố thực lại làm tăng tính xác thực, phản ánh bộ mặt xã hội phong kiến suy vi, thối nát.
Phan Huy Chú đã từng nhận xét “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ là “áng văn hay của các bậc đại gia”. Thật đúng khi soi chiếu vào tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” với nhân vật Ngô Tử Văn được biết đến là một người chính trực, khẳng khái, dũng cảm, bảo vệ công lí đến cùng. Qua đó, Nguyễn Dữ thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, tinh thần quyết tâm chống cái ác và một mặt phản ánh thế giới hiện thực của con người cùng đầy rẫy những việc làm xấu xa, dung túng che dấu cái ác hoành hành. Nhưng cũng khẳng định sức sống bất diệt với thời gian.
Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!
Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ
Link đăng kí khóa VIP 10: http://bit.ly/khoahocvan10
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan