Đăng Ký Học
Ngày 08/05/2019 00:36:35, lượt xem: 2851
MỞ BÀI
Đề 1:
Ai đó đã từng viết: “Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp”. Có lẽ nhận định đó chính là nơi khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà văn Việt Nam trong đó không thể không kể đến Kim Lân với nhân vật người vợ nhặt và Nguyễn Minh Châu với nhân vật người đàn bà hàng chài. Cả hai nhân vật đều mang một hoàn cảnh đặc biệt và mới lạ trong làng văn xuôi hiện đại và nó cũng làm sáng lên giá trị nhân đạo của cả hai tác phẩm.
Đề 2:
Trong buổi chợ phiên của thi ca Việt Nam và trong gian hàng thơ tình yêu, Xuân Diệu - đầy khát khao, mãnh liệt, sôi nổi, đắm say; Xuân Quỳnh - đầy nữ tính, đôn hậu, đằm thắm hiện lên như một thức hàng vô giá. Thơ của hai thi sĩ luôn mang đến âm hưởng mới lạ, như “cây đàn muôn điệu” trường tồn cùng thời gian, bởi vậy những vị độc giả đặc biệt là giới trẻ luôn say mê, chìm đắm trong thơ tình của Xuân Quỳnh và Xuân Diệu với lòng khát khao được sống, được yêu, và được dâng trọn tất cả cho tình yêu của mình. Có lẽ những điều đó đều được thể hiện qua hai đoạn thơ sau đây:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.”
(“Sóng” – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, 2008)
“…Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
(“Vội vàng” – Xuân Diệu, Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục, 2007)
Nguồn: Học Văn Chị Hiên
Tin liên quan