NGỮ VĂN 11 | "Xuân Diệu là nhà thơ mới duy nhất tìm lối thoát cho mình ngay giữa cõi trần ai"

Ngày 17/03/2021 17:39:05, lượt xem: 2488

Đề: “Xuân Diệu là nhà thơ mới duy nhất tìm lối thoát cho mình ngay giữa cõi trần ai.” (Hoài Thanh). Bằng những hiểu biết về Xuân Diệu, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

BÀI LÀM

Chuyện kể rằng: Thượng đế ban cho con người sự sống giữa chốn trần gian. Một ngày, người đau khổ tìm đến và than thở, rằng Thượng đế thật không công bằng bởi vì không ban cho họ sự hạnh phúc như những người khác. Thượng đế thản nhiên cười: công bằng nằm ở chỗ mà mỗi người phải tự tìm lấy, hãy chọn con đường đi đến hạnh phúc... Cuộc sống vốn dĩ là dòng sông không ngừng trôi chảy. Và con người thì luôn vận động, luôn biến đổi, luôn hướng đến mục đích tốt đẹp trong cuộc đời. Nhưng vui, buồn, hờn, giận, yêu, thương…, có là gì, khi có lẽ, con người quyết định mọi thứ. Có chăng, giữa những thú vui bất tận, vẫn sâu kín một nỗi sầu vương trên mi mắt, hay giữa chốn bi ai khổ não, vẫn bừng lên một kiếp người với niềm say mê trọn vẹn với cuộc đời. Lặng lẽ đem những điều này đặt vào hệ quy chiếu của thơ Mới - “một thời đại trong thi ca” (Hoài Thanh) Việt Nam, chốn mộng mị đầy xúc cảm trong bối cảnh hiện thực đầy chông chênh, nơi những con người nhạy cảm nhất lên tiếng thở than về cuộc đời…để tìm chút khác người đầy dư vị của nguời thơ Xuân Diệu với con đường đặc biệt mà ông đã chọn giữa chút buồn não nề của thời đại. Để thấy, “ Xuân Diệu là nhà thơ mới duy nhất tìm lối thoát cho mình ngay giữa cõi trần ai.” (Hoài Thanh)…

Hoài Thanh trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” có lẽ là “bà đỡ” xuất sắc cho những đứa con tinh thần của các nhà thơ khi sâu sắc và tinh tế nhận ra nỗi đời của thi sĩ…Ai đã từng điên cuồng, đắm say, đã từng phiêu lưu, rạo rực…cùng thơ Mới đều nhận thấy mỗi nghệ sĩ là một cái tôi riêng biệt. Cái tôi sáng tạo bùng nổ từ sự xuất hiện của bài thơ “Tình Già” (Phan Khôi), để từ đây, lần đầu tiên con người được nhìn bằng cặp mắt của mình - cái nhìn đầy ngạc nhiên và tươi trẻ về thế giới đa màu sắc. Nhưng rồi “cõi trần ai” - hiện thực xã hội rối ren với quá nhiều những lí tưởng đổ vỡ, con người không thể sống an phận, nhàn nhạt cũng chẳng thể phá vỡ thực tại nên đành bất hoà, bất lực mà bơ vơ, lạc lõng, mà đau đớn một nỗi buồn hướng về cuộc đời trần thế. “Chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và xôn xao đến thế” (Hoài Thanh): một Huy Cận buồn não nề với nỗi “sầu mang mang thiên cổ”, một hồn thơ Hàn Mặc tử “Đau thương” chất chứa trong nỗi buồn đời, một Nguyễn Bính “Tương tư” ngỡ ngàng, buồn say trong men tình chốn “Chân quê”, một Vũ Hoàng Chương với “ba chiều khép” trong bế tắc, quẩn quanh…Có thể nói, các nhà thơ Mới đã tích tụ trong mình tất cả nỗi đau nhân thế và nỗi buồn thời thế để viết nên một bản đại hoà tấu mà tất cả các cung bậc đều ngậm ngùi, đau xót, ão não, tái tê…

Nhưng, hãy tìm trong bản hoà ca não nề ấy thanh âm vang vọng của một nốt bổng, một nỗi lòng yêu đời say mê, rạo rực, một khát khao giao cảm trọn vẹn với cuộc đời của thi sĩ tình yêu - Xuân Diệu. Bởi người không “điên” như cái “điên” của Hàn Mặc Tử, người không buồn như cái sầu của Huy Cận, lại chẳng khi nào bế tắc, quẩn quanh…Bởi đối với người: “Cái điên của thi sĩ phải là sự si mê, sự say đắm, sự cảm xúc quá mức thường, người thi sĩ là một kẻ dại khờ, mang một nỗi lòng cũng to như qủa đất, và bạ ai cũng cho, gặp ai cũng xin, và phung phí kho tàng của hồn mình như một kẻ triệu phú không biết giữ vàng…Đấy là cái điên tươi thắm của một bà mẹ…”. Bởi lẽ, dường như người thi sĩ ấy đã tìm được “lối thoát” cho riêng mình ngay giữa cái chốn mà hồn người dường mãi sầu vương. Xuân Diệu đã lấy yêu thương lấp đầy nỗi cô đơn, lấy cảm xúc phá tan nỗi trống vắng, dùng khát khao giao cảm mãnh liệt để đánh đuổi niềm tuyệt vọng…để trong con người ấy luôn tồn tại một niềm yêu đời, yêu người mãnh liệt với cái tôi mang bản sắc riêng, lúc nào cũng đang chực chờ thể hiện với ý thức mới mẻ, sâu sắc trong khao khát yêu đương, hưởng thụ cuộc đời và đam mê sáng tạo nghệ thuật.

Có thể nói, lần đầu tiên trong thơ Mới, ý thức cá nhân được khẳng định đầy đủ, sâu sắc nhất và tồn tại với ý nghĩ tuyệt đối của nó. Trong thơ Xuân Diệu, cái tôi thấm đẫm màu sắc cá thể, cùng với những quan niệm mới mẻ đã quyết định điểm nhìn của nhà thơ về cuộc đời. Song song với đó, ý nghĩa của đời sống trần thế cũng dần dần hiện ra và ngày càng rõ nét.

Cái tôi Xuân Diệu cũng có lúc hoà điệu với dòng xúc cảm chung của những con người thời đại - cái tôi buồn và cô đơn. Cũng không khó lí giải, bởi trong một thời đại mà cái buồn dường như là một chuẩn thẩm mĩ nghệ thuật và thơ ca, lại mang chiếc áo nhuộm cơ hàn của lo toan bộn bề những nỗi đời, như chính Xuân Diệu đã nói: “ Nỗi đời cơ cực đang vơ vuốt - Cơm áo không đùa với khách thơ” thì nỗi buồn có vương trong hồn người thi sĩ yêu đời cũng là điều khó tránh khỏi…Vả lại, người ta nói rằng, hi vọng nhiều thì thất vọng nhiều. Con người ấy đòi hỏi quá nhiều ở cuộc đời, khát khao giao cảm đến tuyệt đối thì lẽ tự nhiên sẽ hụt hẫng, buồn bã và cô đơn: “ Bao nhiêu sầu, ôi sầu biết bao nhiêu! Trong những cảm giác không còn đường lối! Ta đi vào trong cảm giác là đi vào trong cõi riêng…Càng cảm giác, càng cô đơn…” (Sầu trong cảm giác). Con người ấy dâng cho đời nhiều mà nhận lại chẳng bao nhiêu, để rồi bơ vơ tội nghiệp như một kẻ lạc loài : “ Đời đã hết. Chỉ riêng ta đứng mãi - Ở nơi đây không dấu vết loài người”…Nhưng, “ dù hăm hở hay nản lòng, dù buồn vui có lúc, nghĩa là vào hoàn cảnh, tâm trạng nào, Xuân Diệu vẫn là Xuân Diệu, một hồn thơ có tiềm lực nội sinh dào dạt…”một sự bi quan có triết lý”. Có một lúc nào đấy, cơn gió tạm im đi, lắng xuống nhưng là để chuẩn bị cho một cuộc hồi sinh” (Lê Bảo). Xuân Diệu đối diện với buồn và cô đơn như mặt trái của lòng yêu đời, để biết tự cân bằng chính mình, chọn cuộc đời làm điểm tựa giữa chông chênh cõi mộng của thơ Mới, “đứng giữa cuộc đời nhìn cuộc đời”. Đưa bức tranh cuộc đời ra ngắm nghía và thèm khát đúng nghĩa, nhà thơ đã biến nó thành mạch nguồn nuôi dưỡng chính mình. Trong lúc hầu hết các nhà thơ Mới đang bị sa vào “lưới chiều” của cô đơn, lạc lõng thì “tâm hồn đằm thắm, nồng nàn” (Vũ Ngọc Phan) ấy vẫn mãnh liệt, ồn ào, “ Sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn - Sống toàn thân và thức nhọn mọi giác quan”, vẫn si mê trong trường tình, bám chặt lấy hương sắc và níu kéo cuộc đời đến từng hơi thở, từng giây phút sống…

Tôi chợt nhớ về con đường mang đầy dư âm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “…Đường phố nào còn nằm che giấu, cho tôi đi giữa nhân loại đớn đau…đường hắt hiu…”(Có những con đường). Cũng là cái nhìn đầy triết lí về cuộc đời, là cái buồn mang dáng dấp của niềm yêu đời, của hi vọng sống mãnh liệt mà người nghệ sĩ dâng trọn cho đời. Nhưng nếu nhạc sĩ phiêu lãng cùng giai điệu, ca từ…thì thi sĩ lại thả lòng xúc cảm với ngôn ngữ, giọng điệu chân thành hướng về thiên nhiên và hương sắc cuộc đời. Để cuộc sống bám vào thơ, khiến Xuân Diệu trở thành nhà thơ của rễ cây và gió…

Hãy xem người bám vào cuộc đời:

“Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần

Chân hoá rễ để hút màu dười đất”

(Thanh niên)

Và nương theo sự sống:

“Tình gió thổi, màu yêu lên phất phới

Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa”

(Giục giã)

Hoá thân thành rễ cây và gió, Xuân Diệu đã hiện diện giữa cuộc đời, đứng giữa cuộc đời trần thế để khám phá, bám lấy cuộc đời, để hút nhuỵ trong lành cho thơ ca, đong mật ngọt cho sự sống, tình yêu của chính mình. Cuộc sống dường có sức hút mãnh liệt, nó khiến nhà thơ ngả nghiêng, tim đong đưa theo từng nhịp vận động của thiên nhiên khiến thiên nhiên nhuốm màu tâm trạng. Thoát khỏi hệ thống ước lệ của thi pháp trung đại, thiên nhiên không chỉ được Xuân Diệu trao trả một sức sống như nó vốn có mà còn trở nên có linh hồn, sự sống mới…Trong mắt nhà thơ, “trời đất chỉ có hai mùa: xuân và thu, hai mùa đặc biệt ý nhị, hai mùa có bình minh…’’ (Thu). Xuân và thu cũng như tâm hồn nhà thơ: lúc dạt dào, sôi nổi, rạo rực; khi vướng buồn, lạnh lẽo hơi suơng và vương trên mi một chút sầu đơn điệu… Có lẽ, trải lòng với xuân, là lúc hồn nghệ sĩ say mê nhất:

“Xuân của đất trời nay mới đến;

Trong tôi, xuân đến đã lâu rồi:

Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi

Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”

(Nguyên đán)

Ta đọc thấy sự bất ngờ ngay ở chính những câu thơ giản dị nhất. Xuân của đất trời, xuân của tình yêu và tuổi trẻ. Nhưng xuân đến chậm quá, chậm hơn hồn người lúc nào cũng mang trong mình nhựa sống của tình yêu và khát khao được chiếm giữ cuộc đời. Xuân của con người như đang chực chờ để so sức mãnh liệt với tự nhiên. Nhưng ôi, dường như trước địa hạt tâm hồn tràn ngập mê say và rạo rực ấy, mùa xuân của đất trời đôi khi quá hạn hẹp, để nhà thơ phải thốt lên rằng:

“Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian”

(Vội vàng)

Thế mà, nhà thơ ấy, cũng có khi “run rẫy” giữa cái lạnh của thiên nhiên lúc giao mùa:

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Đây mùa thu tới, mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng”

(Đây mùa thu tới)

Cuộc đời, có lẽ là sự luân chuyển không ngừng của vui và buồn, hạnh phúc và đau khổ…Và hạnh phúc chẳng khác nào những giọt nước, càng nắm chặt, càng tan biến. Nhà thơ quá yêu đời, giao cảm tuyệt đích với vạn vật, mà cũng chính vì thế mới cảm nhận rõ những bước chuyển động của thời gian trong sự phai tàn của vạn vật khi thu về. Thi sĩ buồn, vạn vật cũng buồn, cũng buốt giá…Có chăng là tiếc nuối? Có chăng là thiết tha trầm lắng mà bâng khuâng đến rạo rực?

Chế Lan Viên đã từng nói, Xuân Diệu là nhà thơ “đi xa về hoá lạ, biết bao là nhiêu khê”. Và con người Tây hoá ấy đã mang đến cho thơ ca Việt Nam chuẩn mực mới cho vẻ đẹp thiên nhiên. Đó là lấy con người làm chuẩn thẩm mĩ khiến thiên nhiên trở nên động đậy, biến hoá:

“Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối

Vài miếng đêm u uẩn lẫn trong cành”

(Tương tư chiều)

Hay đôi khi đỏng đảnh như một quý cô đài cát:

“-Một tối bầu trời đắm sắc mây

Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy

Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ

Nghiêng xuống làn rêu, một tối đầy”

(Với bàn tay ấy)

Có đâu một con người yêu đời đến vậy! Xuân Diệu không bao giờ chịu đứng từ xa nhìn cuộc đời. Đối với nhà thơ, sống là phải thực sự hòa và cuộc đời, cảm nhận bằng mọi giác quan để “nghe rét mướt”, nghe “mùi tháng năm”, “uống tình yêu” đến dập cả môi…Hưởng thụ vẻ đẹp thiên nhiên bằng tất cả tâm hồn mình, kêu gọi mọi giác quan để cảm nhận vạn vật, để tìm thấy cuộc giao tình rạo rực, quấn quýt và thấm đẫm hương vị tình ái…

Trải lòng với thiên nhiên, hoà mình vào cuộc đời, Xuân Diệu đã tìm ra lời giải cho khao khát giao cảm của mình. Thiên nhiên trong thơ ông thực sự mang đậm màu sắc cá thể, mang tâm trạng và linh hồn của con người yêu đời tha thiết…Thế nhưng đâu chỉ là vạn vật thiên nhiên, con người ấy còn say mê mãnh liệt được giao cảm tuyệt đích trong tình yêu giữa người với người…

Đã có bao nhiêu lời khen tặng của các nhà phê bình dành cho thơ tình Xuân Diệu, nhưng có lẽ độc giả mới chính là con đường khẳng định vị thế của “ông hoàng thơ tình”. Có lẽ, bất kì ai đã từng yêu đều bắt gặp hồn mình trong thơ Xuân Diệu. Bởi lẽ, con người ấy đã thiết lập một chủ nghĩa yêu đương hoàn toàn mới mẻ, phù hợp với quan niệm sống của người trẻ, một thứ “thơ tình nguyên chất”…

“Yêu là chết ở trong lòng một ít

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu”

(Yêu)

Câu thơ như trở thành tuyên ngôn giá trị của những người đang yêu. Một lát cắt cảm xúc hết sức tự nhiên và gần gũi. Để rồi từ đó, những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn cứ mãi say mê, rạo rực với đời. Từ phút thẹn thùng ngây ngô, cung bậc tinh khôi của tình yêu tuổi học trò:” Anh đã nói, từ khi vừa gặp gỡ: "Anh rất ngoan, anh không dám mong nhiều - Em bằng lòng cho anh được phép yêu - Anh sung sướng với chút tình vụn ấy" (Hẹn hò) đến những nhớ nhung trong xa cách mà tim người cứ mãi thổn thức, lòng người dường như chẳng thể ngủ yên: “Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh – Anh nhớ em, anh nhớ lắm, em ơi!” (Xa cách) đến những khao khát nhục thể, giao cảm tuyệt đích với người mình yêu: “Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực! Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!” (Xa cách)…Tình yêu trong quan niệm của Xuân Diệu không chỉ là sự giao hòa trong cảm xúc mà còn là sự giao cảm cả trong thân thể. Cái tình của Xuân Diệu không còn chịu ảnh hưởng của quan niệm xưa, cũng không quá rụt rè, vòng vo như cái tình chân phương của người bạn cùng thời Nguyễn Bính: “Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau”. Tình Xuân Diệu là thứ tình yêu rất mực đời thường như chính bản thân nó vậy! Có thể nói, thơ Xuân Diệu là bản hòa tấu nhiều bè về tình yêu của người trẻ: lúc là thứ “phấn vàng của lòng yêu”, khi trở thành “luồng điện run rẫy của cảm giác”, lúc lại về với những góc khuất, những ẩn uất đầy nhân văn về lòng son sắt, thủy chung trong ái tình:

“- Linh hồn ta còn u ẩn hơn đêm,

Ta chưa thấu, nữa là ai thấu rõ.

Kiếm mãi, nghi hoài, hay ghen bóng gió,

Anh muốn vào dò xét giấc em mơ.

Nhưng anh giấu em những mộng không ngờ,

Cũng như em giấu những điều quá thực...”

(Xa cách)

Nhưng thơ tình Xuân Diệu đâu chỉ dành riêng cho bạn trẻ, bởi đôi lúc nó cũng trở nên triết lí quá!

“Làm sao sống được mà không yêu

Không nhớ không thương một kẻ nào”

(Bài thơ tuổi nhỏ)

Hay:

“Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng.

Em là em, anh vẫn cứ là anh.

Có thể nào qua Vạn Lí Trường Thành

Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật”

(Xa xách)

Xuân Diệu triết lý về tình yêu, nhưng không giàu chất suy tưởng như nhà thơ Chế Lan Viên ở giai đoạn sau Cách mạng tháng tám: “Anh không ngủ phải vì em đang nhớ-Một trời sao rực cháy giữa đôi ta-Anh nhắm mắt cho lòng em lặng gió-Cho sao trời yên rụng một đêm hoa”. Cái tình của Xuân Diệu đúc kết từ đời yêu, rất chân thành mà cũng thật tự nhiên, khiến mọi lứa tuổi đều thấu hiểu và thấm thía…

Yêu! Là cách để nhà thơ thể hiện lòng ham sống. sự yêu đời bồng bột của bản thân. Xuân Diệu đã phát ngôn trong thơ ông một cách đầy đủ về tình ái của thời đại với khát khao hưởng thụ cuộc đời. Khao khát đến “vô biên” rồi đau đớn khi ý thức sự hữu hạn của cuộc đời, nhưng không tuyệt vọng mà càng sống gấp, chạy đua với thời gian để sống, để yêu cho trọn vẹn: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ - Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai” …

Đọc thơ tình Xuân Diệu, mới thấy, dường như tình yêu là mục đích duy nhất để người tồn tại, khát khao. Con người với bi kịch tình yêu tự hát ấy không bao giờ chịu thỏa mãn, viết về tình yêu bằng tất cả tâm hồn mình. Và dường như tình yêu đã trở thành lẽ sống, là niềm yêu được bén rễ từ cái gốc cuộc đời, không lúc nào không ngồn ngộn hơi thở của sự sống…

Cũng bởi lẽ đặt quá nhiều niềm tin vào cuộc sống, bởi lẽ hi vọng quá nhiều mà người thi sĩ khát khao cuộc đời ấy luôn lo sợ, ám ảnh. Nhận thức rõ sự trôi chảy vô thường của thời gian, Xuân Diệu đau đớn, khắc khoải, cứ mãi mơn man một nỗi buồn nặng trĩu. Nếu người tri kỉ Huy Cận cô đơn giữa chốn “tràng giang” hoang lạnh tình người, lạc lõng giữa không gian mênh mông, cô quạnh của “trời rộng”, “sông dài” thì chàng thi sĩ của “mây với gió” lại bơ vơ giữa chiều thứ tư của vũ trụ - thời gian. Đến đây, trong thơ không còn hơi thở tuần hoàn của dòng thời gian như thơ cổ: “Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết – Đêm qua, sân trước một nhành mai” (Mãn Giác thiền sư). Thời gian trong thơ Xuân Diệu là dòng đời luôn luôn chuyển động và không ngừng thay đổi:

“Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi” (Giục giã)

Hay như dòng chảy không ngừng nghỉ của vũ trụ:

“Thuyền qua, mà nước cũng trôi,

Lại thêm mây bạc trên trời cũng bay;

Tôi đi trên chiếc thuyền này,

Giòng mơ tơ tưởng cũng thay khác rồi.

Cái bay không đợi cái trôi;

Từ tôi phút trước, sang tôi phút này...”

(Đi thuyền)

Có chăng trong nhà thơ một nỗi ám ảnh, sợ hãi? Bởi dường như tất cả đều trôi qua như dòng nước chảy không ngừng”, thời gian trôi đi đến mức chóng mặt và nghiệt ngã. Bởi thời gian vũ trụ thì vô biên, rộng lớn…còn đời người dường quá ngắn ngủi và có giới hạn. Thời gian kinh hoàng, khiến “người khổng lồ” Bô-đơ-le phải kinh hãi kêu lên: “Ôi đau đớn! Ôi đau đớn! Thời gian ăn cuộc đời”… Và bởi quá yêu đời, người thơ Xuân Diệu xót xa, luyến tiếc, “kinh hãi” trước dự cảm lụi tàn:

“ Hết ngày hết tháng em ơi

Kinh hãi không gian quặn tiếng còi”

(Hết ngày hết tháng)

Lo âu, hốt hoảng…Nhưng nghệ sĩ là ai’? Có phải là con người chỉ biết thở than, chỉ biết đứng xa nhìn dòng đời trôi chảy mà sầu đời? Không. Người là Xuân Diệu, người thơ một đời khát khao, một đời hi vọng, ngàn đời kiếm tìm hạnh phúc trần thế. “Ta thấy cả nỗi cuồng quýt sảng sốt của thi nhân giơ tay với lấy phút qua, với lấy bầu xuân hồng, và rên rỉ thở than với người yêu dấu”. Người không chấp nhận con đường nghiệt ngã của tạo hóa mà đã chống trả lại sự tàn phá của thời gian với tuổi trẻ và tình yêu của mình. Ta bảo rằng Xuân Diệu đã tìm ra “lối thoát” cho mình, nhưng không phải là chốn bồng lai tiên cảnh, cõi mộng mị ão não mà nhà thơ đã “đưa ai nấy về hạ giới” (Hoài Thanh). Dũng cảm đối diện, chạy đua với thời gian, sống vội vàng, quấn quýt để tận hưởng từng phút giây quý giá của sự sống:

“Mau đi thôi! mùa chưa ngả chiều hôm,

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn:

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng”

(Vội vàng)

Người thơ Xuân Diệu dường mãi trẻ. Bởi hương sắc đẹp tươi của cuộc đời, nhà thơ đã khao khát, và có lẽ, với tấm lòng chân thành, ông ít nhiều đã được cuộc đời ban tặng cho một cái gì đó đẹp đẽ và tươi mới…Có thể nói, với những luồn rung động rất đặc biệt về thời gian trong thơ mình, Xuân Diệu đã thể hiện mãnh mẽ và sâu sắc thái độ sống vội vàng, đầy khát khao giao cảm với cuộc đời.

Không chỉ tìm ra lối thoát cho cuộc sống riêng mình, thi sĩ Xuân Diệu còn mang lại cho thơ hiện đại Việt Nam một lối đi mới lạ trong thi pháp nghệ thuật. “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” đã đem đến nhiều cách tân mới mẻ theo hướng Âu hóa cho thơ. Từ một quan niệm mới lạ về thời gian: thời gian hiện tại, là khoảnh khắc ngưng đọng ở hồn người và từ những khoảnh khắc ấy, nhà thơ đã làm bừng lên thành phút giây của sự vĩnh hằng: “Thời gian đừng đi qua, đôi cặp môi người đóng dấu vào nhau để lấy một “cực lạc” và từ đấy trong khái niệm trăm năm còn mãi điểm hồng…” (Phấn thông vàng). Vốn ghét sự lưng chừng, không trọn vẹn, Xuân Diệu đã tâm trạng hóa, cảm giác hóa một cách tài tình thời gian khiến thời gian dường như đi đến tận cùng của cảm giác. Đọc thơ Xuân Diệu, ta bắt gặp không gian quen thuộc nơi cuộc sống trần thế. Với Xuân Diệu, vườn trần chính là chỗ đứng vững bền và đẹp đẽ nhất của đời mình, nơi nhà thơ thể hiện khao khát giao cảm với cuộc đời một cách tuyệt đối. Không chỉ vậy, bằng tài năng của mình, Xuân Diệu đã tạo nên một thứ ngôn ngữ tinh túy, mới lạ và giàu sức gợi. Ngôn ngữ thơ rất hiện đại và tinh luyện. Sự kết hợp hài hòa giữa quan niệm thẩm mĩ phương Đông và văn hóa thẩm mĩ phương Tây đã làm nên phong cách ngôn ngữ độc đáo, mới mẻ, riêng biệt mang thương hiệu Xuân Diệu. Và không ngoài mục đích nghệ thuật là làm giàu thêm cho cuộc sống, tình yêu của mình, tất cả những cách tân táo bạo trong thơ Xuân Diệu đều phản chiếu vào thơ ông một tâm hồn yêu đời say đắm và khát khao giao cảm trọn vẹn với đời…

Như vậy, mỗi trang thơ là một cảm xúc xuất phát từ tâm hồn lãng mạn đa cảm của người nghệ sĩ như chính Xuân Diệu đã nói: “Và tôi để lòng tôi trong những câu, những tiếng tôi đã ghi nhịp máu trong thơ, đã gói ghém hơi thở của tôi trong ít nhiều âm điệu…”. Con người ấy may mắn được tạo hóa ban cho một thế giới cảm xúc phong phú, và dường như từ đó, nhà thơ bắt đầu tự tìm cho mình “lối thoát” của cuộc đời trần ai. Có chăng? Lòng người đau khổ đã tìm thấy ngay giữa đời niềm hạnh phúc mãnh liệt khi “bỏ quên” Thượng đế mà hòa mình vào hương sắc cuộc đời, giao cảm với tình người và vội vã chạy đua trong cuộc hành trình bất tận của thời gian. Để mỗi vần thơ ra đời, như chính Xuân Diệu đã nói, “là chính lòng tôi đang thời sôi nổi, là hồn tôi vừa lúc vang ngân, và là tuổi xuân, là sự sống của đời tôi…”

 

Bài làm của bạn - Dương Lý Ánh Nguyệt 11 chuyên văn - THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm

------------------------------------------------------

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan